25/02/2007 16:57 GMT+7

Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính: Phải có chữ ký số

Theo TTXVN
Theo TTXVN

Ngày 23-2, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Theo đó, cơ quan tài chính và tổ chức, cá nhân có tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính với cơ quan tài chính phải sử dụng chữ ký số.

7FzBzsVs.jpgPhóng to
Tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải có chữ ký số - Ảnh: Lao động
Ngày 23-2, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Theo đó, cơ quan tài chính và tổ chức, cá nhân có tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính với cơ quan tài chính phải sử dụng chữ ký số.

Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính phải sử dụng chữ ký số và chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp.

Theo Nghị định trên, chứng từ điện tử chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của các bên tham gia giao dịch, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác; việc tiêu hủy chứng từ điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thỏa thuận.

Chứng từ điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chứng từ điện tử đã hết thời hạn lưu trữ theo quy định, nếu không có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được phép tiêu hủy. Việc tiêu hủy chứng từ điện tử không được làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các chứng từ điện tử chưa tiêu hủy và phải đảm bảo sự hoạt động bình thường của hệ thống thông tin.

Chứng từ điện tử bị niêm phong, tạm giữ, tịch thu phải theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và thực hiện các biện pháp niêm phong, tạm giữ, tịch thu chứng từ điện tử thì tổ chức, cá nhân không được phép khai thác, sử dụng, sửa đổi chứng từ điện tử này trong hệ thống thông tin của mình để giao dịch hoặc sử dụng cho mục đích khác.

Chứng từ điện tử được gửi, nhận và xử lý giữa cá nhân với hệ thống thông tin tự động hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý. Tổ chức, cá nhân chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc sử dụng hệ thống thông tin tự động trong các hoạt động tài chính của mình. Khi cần thiết, chứng từ điện tử có thể chuyển sang chứng từ giấy và ngược lại nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá trị pháp lý của các chứng từ điện tử chuyển sang chứng từ giấy và ngược lại cho từng loại hoạt động tài chính.

Nghị định nêu rõ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật các vi phạm về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Nhà nước khuyến khích các bên có tranh chấp về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính giải quyết thông qua hòa giải. Trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tổ chức khi tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hoặc bị đình chỉ hoạt động giao dịch điện tử; cá nhân vi phạm thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổ chức, cá nhân gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác khi tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2007/NĐ-CP (ngày 15-2-2007) quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Theo đó, trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số.

Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu và chữ ký số đó được bảo đảm an toàn theo quy định.

Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được công nhận theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên