14/12/2005 17:25 GMT+7

Vụ kiện bán phá giá giày: Da giày VN đối mặt với nhiều khó khăn

Theo VnExpress
Theo VnExpress

Thông tin Uỷ ban châu Âu (EC) không công nhận 8 công ty trong danh sách điều tra vụ kiện bán phá giá da giày hoạt động theo cơ chế nền kinh tế thị trường khiến doanh nghiệp lao đao.

lcYTQGmH.jpgPhóng to

Trước tình hình này, Bộ Thương mại VN đang soạn thảo công hàm đề nghị EC xem xét vụ kiện một cách công bằng hơn.

Theo luật sư Lê Công Định, đại diện văn phòng luật YKVN tại TP.HCM, nhận định này của EC chưa khách quan. So với Mỹ, luật châu Âu xét theo hoạt động của từng doanh nghiệp riêng lẻ. Có nghĩa, cùng hoạt động trong một nền kinh tế phi thị trường của VN nhưng từng đơn vị sẽ được hưởng quy chế riêng.

Ông Định cho rằng, trong số 8 doanh nghiệp có một số công ty vốn đầu tư nước ngoài, trên thực tế đã hoạt động theo cơ chế nền kinh tế thị trường. EC vẫn có thể xem xét để công nhận họ đã hoạt động theo chuẩn mực trên.

Tham tán Thương mại châu Âu (EU) tại VN Felipe Palacios Sureda cho rằng, 8 doanh nghiệp VN đã không chứng minh được mình đáp ứng đầy đủ cả 5 tiêu chí hoạt động theo nền kinh tế thị trường.

Theo ông Felipe, EC đưa ra kết luận này đều dựa trên số liệu từ chính các doanh nghiệp VN cung cấp. Do vậy, nếu bây giờ các cơ quan chức năng của VN có cung cấp thêm thông tin mới thì cũng không thể thay đổi được gì.

Tuy nhiên ở từng giai đoạn điều tra tất cả các bên liên quan đều có quyền đưa ra bình luận hay cung cấp thêm những thông tin. Nếu có thể cung cấp thông tin đầy đủ và tin tưởng rằng nó có thể thay đổi được tình hình thì VN vẫn nên tiếp tục cung cấp.

Bộ Thương mại cho biết, 80% các doanh nghiệp xuất khẩu giày của VN là gia công cho nước ngoài chứ không phải sản xuất, xuất khẩu trực tiếp sang EU. Các đơn vị này không tham gia vào công đoạn chủ yếu trong quá trình sản xuất cũng như quyết định giá thành sản phẩm nên không thể coi là nguyên nhân và là yếu tố căn bản tạo ra việc bán phá giá. Điều này cho thấy, da giày VN không thể gây thiệt hại cho ngành sản xuất giày da của các doanh nghiệp ở EU.

Ông Felipe cho hay, EC cũng đã xem xét lập luận này của phía VN. Tuy nhiên, VN vẫn nên đưa ra những lập luận rõ ràng hơn nữa. "Chừng nào chúng tôi kết luận da giày VN có bán phá giá và việc này gây nguy hiểm cho ngành sản xuất trong nước của EU, gây thiệt hại đến lợi ích của cộng đồng xét trên bình diện chung của EU thì lúc ấy mới đưa ra quyết định mức thuế là bao nhiêu", ông nói.

Vì thế, không chỉ những bình luận của phía VN được xem xét mà tất cả những bình luận, ý kiến của những người nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ của EU cũng phải được tính toán tới. Họ là người thuộc các nhóm lợi ích khác nhau, thậm chí là xung đột.

Ngành giày VN đang gặp phải nhiều khó khăn sau khi EC tuyên bố không công nhận 8 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của nền kinh tế thị trường. Giám đốc Công ty TNHH sản xuất giày Liên Anh - Trương Thị Thúy Liên cho biết, hiện tất cả các đơn hàng thuộc chủng loại da đã bị đối tác từ chối. Thậm chí, một số hợp đồng đã ký trước đó cũng bị hủy. Duy chỉ còn lại các đơn hàng nguyên liệu mũ, song cũng chiếm một phần rất nhỏ so với mọi năm.

"Nhiều khách hàng cho biết, vẫn chờ đến tháng 3 năm 2006, khi có kết luận cuối cùng về vụ kiện mới quay lại đặt hàng. Trong khi, doanh nghiệp phải duy trì lao động", bà Liên buồn bã nói.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Giám đốc Công ty dệt may da giày xuất khẩu Sài Gòn (Wec Saigon), tình hình ký tiếp đơn hàng giữa doanh nghiệp và đối tác đang căng thẳng. Các đơn hàng giày thể thao vẫn có nhưng riêng mặt hàng da thì rất khan hiếm. Từ đó, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc thu hút đơn hàng khiến giá thành bị hạ thấp.

Mặt khác, so với doanh nghiệp nước ngoài, nhà sản xuất VN vẫn còn thụ động về khâu tìm kiếm thị trường và chia nhỏ thị phần để tránh rủi ro khi vụ kiện xảy ra. Đơn cử như Nike, sau khi nhận thấy vụ kiện sẽ ảnh hưởng ngành giày VN đã chuyển hướng xuất sang thị trường Mỹ và một số thị trường khác.

Ông Felipe thừa nhận, tất cả các trường hợp điều tra bán phá giá đều gây ra một mức độ ảnh hưởng khá tiêu cực nhất định tới thị trường. Đây chính là lý do vì sao trong tất cả các cuộc điều tra bán phá giá luôn có những quy định chặt chẽ về việc lúc nào phải làm gì và phải làm như thế nào.

Ông Felipe lấy ví dụ, trong trường hợp của EU hiện giờ, họ cũng cố gắng thông báo cho các bên liên quan biết về những tiến triển của vụ kiện, đặc biệt là việc có thể loại bỏ giày Staf ra khỏi vụ kiện để doanh nghiệp có thể yên tâm ký hợp đồng cho năm sau. "Ngày 29-11 vừa qua, EC đã có một cuộc tham vấn với tất cả các bên liên quan để loại trừ mặt hàng giày Staf ra khỏi cuộc điều tra này", ông Felipe cho biết thêm.

Bài học để doanh nghiệp da giày Việt Nam lớn lên

* Ông có bất ngờ trước phán quyết của EC?

- Tôi cũng bất ngờ. Để điều tra vụ kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá sản phẩm da giày bằng mũ da vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), EC đã tiến hành kiểm tra tại tám doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không thể kết luận vội vàng như vậy. Chúng ta sẽ bảo lưu ý kiến đến cùng. Tôi lấy thí dụ về trường hợp doanh nghiệp Bảo Nguyên (TP.HCM), đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, có tới 50.000 lao động và thị trường xuất khẩu lớn như Đài Loan, nhưng cũng không dược EC công nhận đạt "tiêu chuẩn theo cơ chế thị trường".

* Vậy tiêu chí nào để EC đánh giá các doanh nghiệp da giày VN, thưa ông?

- Dựa trên một số tiêu chí như hệ thống sổ sách kế toán, chứng từ, quyền sử dụng đất, EC không công nhận sổ sách kiểm toán, kế toán trong các doanh nghiệp da giày, cũng như chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư... Tuy nhiên, không thể "vin" vào đó để nói rằng, doanh nghiệp da giày VN bán phá giá. Có đến 80% doanh nghiệp da giày VN đang làm gia công cho nước ngoài và thực tế không trực tiếp bán hàng.

* Có thông tin cho rằng, ngành da giày Việt Nam sẽ bị áp mức thuế là 130%?

- Các doanh nghiệp cũng không nên quá lo lắng, bởi mọi vấn đề EC đều bàn thảo với VN, chứ không đơn phương quyết định. Hiệp hội các nhà sản xuất giày dép châu Âu đòi áp mức thuế 130% đối với sản phẩm da giày của VN và 400% đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, sớm nhất phải đến tháng 3-2006 mới có quyết định cuối cùng về mức thuế.

* Những bước theo đuổi vụ kiện đã được Hiệp hội Da giày VN thực hiện đến đâu?

- Bộ Thương mại đã gửi thư cho Cao ủy Thương mại EC để bày tỏ quan điểm. Sắp tới Bộ sẽ tiếp tục gửi Công hàm cho EC đề nghị xem xét công minh vụ kiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải vận động các nước trong khối EU để có được kết quả có lợi nhất cho VN. Trong trường hợp vụ kiện không bị đình chỉ thì cũng phải thoả thuận được một mức thuế để các doanh nghiệp đưa được hàng sang châu Âu.

Tuy nhiên, qua cuộc điều tra của EC, các doanh nghiệp da giày VN cũng nên xem lại mình, phải tìm cách "nâng tầm" để hội nhập, chứ không thể chỉ dừng ở việc gia công sản phẩm. Đây cũng là bài học giúp các doanh nghiệp da giày VN lớn lên. Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc đợt kiểm tra đối với các doanh nghiệp (DN) da giày VN và không công nhận bất cứ DN nào đủ tiêu chuẩn hoạt động theo cơ chế thị trường.

Việc này cũng đồng nghĩa với khả năng EC có thể đưa ra một phán quyết về áp thuế chống bán phá giá đối với ngành da giày VN trong tương lai gần. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) đã mở một cuộc họp báo để lên tiếng về kết luận này của EC.

Theo VnExpress
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên