01/11/2003 14:56 GMT+7

Gian lận trong kinh doanh xăng dầu

 
 

TTCN - Người tiêu dùng bị các cây xăng "móc túi" (đong đo thiếu, bán hàng không đúng chất lượng...) nhiều năm nay. Người dân biết, Nhà nước biết, tất cả đều biết nhưng đành bó tay, chịu bị móc túi hàng chục tỉ đồng/tháng.

4fUwobdZ.jpgPhóng to
TTCN - Người tiêu dùng bị các cây xăng "móc túi" (đong đo thiếu, bán hàng không đúng chất lượng...) nhiều năm nay. Người dân biết, Nhà nước biết, tất cả đều biết nhưng đành bó tay, chịu bị móc túi hàng chục tỉ đồng/tháng.

10 năm một lần kiểm tra!

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (CCTCĐLCL - Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM) cho biết tại thành phố này trong 10 năm qua chỉ có duy nhất một đợt kiểm tra chất lượng xăng dầu với qui mô từ tổng kho đến các cửa hàng bán lẻ (mức tiêu thụ xăng dầu chỉ tính riêng ngành giao thông vận tải đã chiếm 32% tổng lượng xăng dầu). Nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm tra đo lường và chất lượng xăng dầu bị coi nhẹ là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng gian lận trong mua bán xăng dầu ngày một tồi tệ hơn.

Còn thanh tra sở cho biết kết quả thử nghiệm về trị số octan cho thấy một số mẫu xăng không thể xếp vào loại xăng nào, vì được pha trộn một chất nào đó (xăng A83 hoặc dầu hỏa) để bán với danh nghĩa xăng A92 (hoặc xăng A90 nhưng lại bán với giá xăng A92...).

2001: phạt vi phạm hành chính về đo lường 20 doanh nghiệp, cửa hàng với tổng tiền phạt 26 triệu đồng.

2002: phạt 31 doanh nghiệp, cửa hàng với tổng tiền phạt 45 triệu đồng.

Sáu tháng đầu năm 2003: phạt 40 doanh nghiệp với tổng tiền phạt 76 triệu đồng.

Các cửa hàng thực hiện hành vi gian lận, lừa dối này kéo dài với số lượng lớn xăng bán ra. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, một trạm xăng ở TP.HCM bị phát hiện có sai số đo lường đến 7% (sai số cho phép nhỏ hơn 0,5%) với lượng xăng bán ra từ đầu năm đến nay gần cả triệu lít. Chỉ cần làm con tính nhỏ cũng thấy trạm xăng này đã ăn gian khách hàng đến hàng chục ngàn lít xăng trong thời gian chưa đầy một năm.

TS Trịnh Xuân Giao - phó trưởng Phòng đo lường CCTCĐLCL - nhấn mạnh: “TP.HCM có lượng tiêu thụ xăng dầu rất lớn nên chỉ cần một sai số nhỏ, vượt quá phạm vi cho phép sẽ dẫn đến giá trị gian lận lên đến hàng tỉ đồng”.

Theo thanh tra Sở Khoa học -công nghệ TP.HCM, trong số 30 cột đo nhiên lường thì sai số khoảng 0,5% - 0,8% (tức cứ mua 100 lít xăng dầu thì bị đong thiếu 0,5 - 0,8 lít); sáu cột đo nhiên liệu có sai số trên 0,8%. Chỉ tại một cửa hàng đã có đến ba cột đo nhiên liệu sai số đến trên 6%. Như vậy một khối lượng xăng dầu lớn đã bị ăn cắp, mà nếu được tính toán chính xác sẽ là con số làm người dân chóng mặt.

Ông Trịnh Minh Tâm - chi cục trưởng CCTCĐLCL - than thở “công tác kiểm tra, kiểm định trong lĩnh vực xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn”. Theo ông, tốc độ phát triển mặt hàng xăng dầu ngày càng tăng, trong khi con người và thiết bị kiểm tra, kiểm định trong vòng 10 năm gần đây đứng yên, thậm chí còn giảm.

Một con số thống kê cho thấy số cột bơm kiểm định trung bình 1.500 - 2.000 lượt/năm, nhưng kiểm định viên chỉ có 13 người. Số người phụ trách kiểm tra đo lường của chi cục chỉ có bốn người nhưng “ôm” quá nhiều lĩnh vực. Lượng kiểm tra cột bơm xăng dầu hằng năm chỉ chiếm khoảng 5- 10%; trong khi trên địa bàn TP.HCM có khoảng 523 trạm bán lẻ xăng dầu với hơn 2.500 cột đo nhiên liệu.

Những thủ đoạn gian lận “cao cấp”...

1YfnU1Kz.jpgPhóng to

Do sức hấp dẫn quá lớn của những đồng tiền thu lợi bất chính, tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu trở nên rầm rộ. TS Giao cho biết “hiện đã xuất hiện nhiều thủ đoạn gian lận tinh vi, khó phát hiện, với những kỹ thuật cao cấp nhằm làm lợi cho người bán xăng dầu”.

Theo ông, trong cột đo nhiên liệu có năm điểm “nhạy cảm”, thường bị các chủ cây xăng tác động để điều chỉnh sai số đo lường sau khi kiểm định. Đó là: bầu lường, bộ tạo xung (thiết bị gắn trên trục quay của bầu lường để tính thể tích xăng chảy qua bầu lường), cơ cấu truyền động từ trục bầu lường đến bộ tạo xung, cơ chế làm tròn khi bơm tự động theo số tiền hay số lít đặt trước, bộ xử lý trung tâm (bộ não cột đo) - CPU.

Trên thực tế, chủ cây xăng bứt chì niêm phong bầu lường, điều chỉnh lại bầu lường rồi niêm chì (giả mạo) lên vị trí cũ. Cách gian lận này thường gây ra sai số khoảng 1-2% nhưng dễ phát hiện; thời gian thao tác kéo dài nên khó đối phó với các đoàn thanh tra đột xuất. Thủ thuật gian lận trên bộ tạo xung nhằm tăng số xung tương ứng với một đơn vị thể tích; ví dụ tăng từ 200 xung/lít lên 206 xung/lít, tạo ra sai số tương đương 2,5%.

Chịu phạt để thu lợi nhuận

Theo ông Nguyễn Xuân Trực, chánh thanh tra Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, mục đích của đợt thanh tra, kiểm tra vừa qua không phải là xử phạt nặng các hành vi vi phạm các qui định về đo lường, chất lượng... trong kinh doanh xăng dầu mà vấn đề quan trọng là nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại nói mức xử phạt hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu còn quá nhẹ nhàng. So với số tiền thu lợi bất chính từ việc gian lận xăng dầu của người bán thì số tiền phạt vài triệu đồng chẳng có ý nghĩa gì. Thực tế, nhiều đơn vị kinh doanh chấp nhận chịu phạt nhưng bù lại sẽ thu được những khoản lợi kếch xù từ hành vi gian lận.

Nhưng có lẽ tinh vi hơn là thủ đoạn lắp thêm một mạch đếm xung trung gian để thay đổi số lượng xung, tức thay đổi tỉ lệ xung/lít. Mạch đếm trung gian này thường có kích thước nhỏ, chỉ chứa một chip điện tử và vài linh kiện nhỏ hỗ trợ. (Thủ đoạn này đã bị phát hiện ở nhiều địa phương). Và đặc biệt hơn, có thể điều khiển hoạt động đúng (sai) của mạch này bằng một công tắc ON/OFF giấu ở một nơi nào đó rất kín đáo. Thủ đoạn gian lận “công nghệ cao” này dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng.

Chức năng của CPU là điều khiển các thiết bị: bơm hút nhiên liệu, đếm xung từ bộ tạo xung phát ra, tính toán dung tích, đếm số tiền tương ứng với dung tích đã bơm, hiển thị kết quả đo. Việc định giá (đồng/lít), chế độ bán (tự động theo số tiền, số lít), lưu giữ số liệu bơm... cũng đều do CPU đảm trách. Thủ đoạn gian lận tại bộ phận CPU là thay đổi tỉ số truyền xung/lít.

Những kẻ thực hiện hành vi gian lận thường sửa chữa lại phần mềm điều khiển cột bơm, thay chip nhớ bằng một chip nhớ khác có số xung/lít nhỏ hơn hoặc làm giả đầu đo điện tử. Trường hợp này đã xảy ra ở một số công ty sản xuất cột đo điện tử trong nước (cột đo nhập khẩu thường khó làm giả chương trình phần mềm).

Chính những người tham gia thiết kế, chế tạo hiểu biết cả phần cứng lẫn phần mềm có đủ khả năng thực hiện các kỹ thuật gian lận “cao cấp” này. Những người này có thể điều chỉnh cột đo bằng cách dùng các bộ thu phát hồng ngoại để điều khiển từ xa (giống như remote điều chỉnh tivi); hoặc điều chỉnh cột đo bằng tổ hợp phím trên bàn điều khiển... Các cách thao tác này điều chỉnh cột đo rất nhanh và tất nhiên là rất khó phát hiện. Cách duy nhất để phát hiện thủ đoạn gian lận này là phân tích phần mềm được cài trong chip xử lý. Đây không phải là công việc dễ làm vì đòi hỏi kỹ thuật cao, mất nhiều thời gian...

Ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi với ông Đình Thái Xuân - chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM:

* Để tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu kéo dài và người tiêu dùng tiếp tục bị móc túi, theo ông, ai phải chịu trách nhiệm?

- Nếu qui trách nhiệm cụ thể sẽ rất khó. Qui định hiện hành chỉ khá rõ chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Cụ thể: ở khâu nhập xăng dầu Cục Hải quan và Trung tâm Kỹ thuật 3 (gọi tắt là Trung tâm 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chịu trách nhiệm kiểm tra chủng loại, chất lượng và số lượng xăng dầu. Xăng dầu được đưa về lưu giữ tại các tổng kho, Trung tâm 3 chịu trách nhiệm kiểm định bể chứa, lập barem bồn và chủ hàng tự chịu trách nhiệm về chất lượng hàng.

Từ tổng kho, xăng dầu được vận chuyển đến các cửa hàng theo yêu cầu của bên mua và bán bằng xe bồn. Xe bồn do Trung tâm 3 kiểm định, chất lượng do doanh nghiệp và chủ xe tự quản lý; việc giao hàng từ xe bồn tới các cửa hàng là do chủ xe và cửa hàng thực hiện... Riêng việc kiểm định cột bơm xăng dầu do bốn cơ quan thực hiện: Trung tâm 3, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trạm tiêu chuẩn đo lường Quân khu 7 và PetrolimexSaigon (đơn vị được ủy quyền).

* Trong kinh doanh xăng dầu ít nhất có ba cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra: Thanh tra Sở Khoa học - công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Với qui định này xem ra chẳng ai chịu trách nhiệm?

- Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM không có chức năng thanh tra chuyên ngành, nên chỉ thực hiện chức năng kiểm tra định kỳ (phải báo trước 15 ngày); trong nhiều trường hợp phải kiểm tra, thanh tra đột xuất mới có tác dụng, tránh được sự đối phó. Chi cục Quản lý thị trường là đơn vị quản lý lưu thông phân phối hàng hóa (trong đó có xăng dầu) nhưng không có kiểm định viên đo lường, phương tiện kiểm tra để tiến hành thanh tra đột xuất. Thanh tra Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM cũng thế, có chức năng thanh tra, xử phạt nhưng lại thiếu phương tiện kỹ thuật và nhân sự chuyên môn... Đây là sự bất cập trong việc thanh tra, kiểm tra chất lượng xăng dầu.

 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên