16/01/2009 11:02 GMT+7

Ấm nồng Tết Huế

ĐẠT NGUYÊN
ĐẠT NGUYÊN

TTO - Ăn mấy chục cái tết ở Huế rồi, vậy mà gần hết năm có người bạn ở xa điện về hỏi: "Tết Huế có chi vui không?" lại không biết trả lời thế nào, vì bao năm nay đều vậy, mặc dòng chảy của thời gian thì người Huế vẫn ăn tết rất riêng.

zY1V5B52.jpgPhóng to
Ảnh: Đạt Nguyên
TTO - Ăn mấy chục cái tết ở Huế rồi, vậy mà gần hết năm có người bạn ở xa điện về hỏi: "Tết Huế có chi vui không?" lại không biết trả lời thế nào, vì bao năm nay đều vậy, mặc dòng chảy của thời gian thì người Huế vẫn ăn tết rất riêng.

Huế đón tết từ giữa tháng chạp. Những ngày cuối năm, từ các làng hoa quanh Huế, người ta chở hoa về bày bán dọc bờ bắc sông Hương, hai bên Phú Văn Lâu và công viên Nghinh Lương Đình.

Hoa ở dưới sông, hoa trên đường phố, hoa theo đường hàng không về đây tụ hội. Nhìn hoa tôi nhớ lại những ngày yêu nhau dắt tay em đi giữa hoa muôn ngàn sắc, tay trong tay, nụ hoa hé nở trên môi em chúm chím thấy thật ấm lòng.

Những ngày giáp tết, có yêu nhau lắm thì thật khó kéo em ra khỏi nhà vì con gái Huế dịp này phải ở nhà để chuẩn bị tết. Người Huế ăn tết thường không thích mua đồ làm sẵn ở chợ nên các mẹ, các chị, các cô gái thường lo ăn tết theo kiểu chế biến tại nhà. Theo nếp ăn uống của mỗi gia đình mà tự làm mứt, dưa món, thịt dầm.

Mứt Huế thì đa dạng, thường là mứt gừng, mứt dừa, bí đao, sắn dây, bình tinh... Trái cây dầm là cóc, me, ổi dầm, vị chua chua ngọt ngọt của nước dầm, cây quả chỉ nghĩ tới cũng đủ thèm. Đặc sản của Huế còn là món “dưa món”, đồ chua ngọt với nhiều loại củ, quả như cà rốt, đu đủ, củ cải, dưa kiệu, đậu phụng rang, hành... được cắt tỉa, trình bày rất công phu.

Thứ không thể thiếu nữa là thịt dầm với thịt heo luộc, thịt bò bắp, đôi ba bộ sô, thịt nai dầm, khi khách đến thì vớt ra cắt lát nhỏ, uống với đôi ba ly rượu tết thật đã đời. Nhà nào cũng chuẩn bị công phu như vậy nên tết phải đến thăm nhau, bên ly rượu, nhành mai bàn luận chuyện đời.

Ngày ba mươi, cả nhà quây quần bên nhau làm bánh chưng, bénh tét. Buổi sáng dậy sớm lọc nếp ngâm với nước lạnh chừng vài giờ thì vớt ra, để cho ráo nước rồi gói với nhân làm bằng đậu xanh, mỡ heo. Lá chuối được cắt sẵn, quét sơ qua bằng khăn ấm rồi phết qua bằng nước mỡ heo rồi bọc quanh bánh, bánh chưng thì có khuôn, bánh tét thì tùy vào đôi tay khéo léo của mỗi người, tất cả được cột chặt bằng lạt. Nồi bánh được nổi lửa từ trưa 30 đến giờ giao thừa. Ngồi bên em quanh bếp lửa, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm yêu thương, không khí ấm áp xua đi cái se lạnh của đêm cuối năm mới thấy tình yêu thật đậm đà!

Người Huế gọi khách đến xông đất là đạp đất và tin rằng người đạp đất đầu tiên thế nào thì cả năm phải theo hên, xui, vận hạn của người ấy. Nên nếu có ấm áp bên em chừng nào thì phải ước chừng còn nửa tiếng đồng hồ là đến giao thừa thì phải tạm biệt yêu thương mà ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Vì nếu lỡ đạp đất nhà em thì cả năm lo ngay ngáy. Còn nếu về nhà qua khỏi thời khắc chuyển năm thì dễ bị nghe “mệ” chửi đầu năm rằng “Đồ con cái chi mà việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, có khi ba ngày tết không dám vác mặt về nhà.

Tết Huế là rứa, không ồn ào, tưng bừng như những nơi khác. Tết đầm ấm, lắng sâu chan chứa tình gia đình thân hữu hơn là xôn xao trên các nẻo đường. Những người con xứ Huế ai có đi xa, cuối năm đều nôn nao về quê ăn Tết. Nên hỏi Tết Huế vui hay không, mần răng trả lời được! Ngắm nhìn thành quách soi mình trên dòng Hương thơ mộng, từng hàng cây trầm mặc trong sương chiều mới thấy vẫn còn vương vấn đâu đây những nét truyền thống đáng yêu...

ĐẠT NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên