06/04/2010 08:00 GMT+7

"Tôi rất yêu người mẹ tôi chưa bao giờ biết mặt"

Tháng 4-1975, những em bé Việt Nam sơ tán khỏi đất nước trong Chiến dịch babylift bằng đường không vận trong những ngày cuối cùn
Tháng 4-1975, những em bé Việt Nam sơ tán khỏi đất nước trong Chiến dịch babylift bằng đường không vận trong những ngày cuối cùn

TTO - "Tôi rất vui được là người Việt Nam"; "Tôi cảm thấy rất an toàn khi trở về quê hương"; "Tôi đang cố học tiếng mẹ đẻ"; "Tôi muốn làm việc tại Việt Nam"... là những cảm xúc chân thành mà các bạn trẻ đoàn babylift đã chia sẻ với bạn đọc Tuổi trẻ Online (tuoitre.vn) sáng nay 6 -4.

Video clip: Babylift - Như chưa hề có cuộc chia ly

PQehxyjO.jpgPhóng to

Ba đứa trẻ trong chiến dịch babylift 35 năm trước bật khóc nức nở khi đến viếng địa điểm chiếc máy bay C5A rơi ngày 4-4-1975. Hai cô gái (từ trái sang) Safi Thi-Kim Dub và Emma McCrudden đã may mắn sống sót trong chuyến bay này - Ảnh: My Lăng

Một số thành viên đoàn babylift giao lưu cùng độc giả:

- Chị Kim Browne Nguyen: đang sống ở London, Anh, công tác cho Tập đoàn Danone. Kim Browne Nguyen sinh ngày 27-2-1975, rời Việt Nam lúc 2 tháng tuổi, tên tiếng Việt: Nguyễn Sơn Thủy, hiện sống độc thân.

- Chị Trista Goldberg: đang sống tại Linwood, NJ, Mỹ. Trista Goldberg sinh ngày 8-11-1970, rời Việt Nam lúc 4 tuổi rưỡi, đã có gia đình và 2 con.

- AnhRalf Lofstad: đang sống tại Oslo, Na Uy, hiện là phóng viên AS Dagbladet. Ralf Lofstad sinh ngày 21-7-1974, rời Việt Nam lúc chưa đầy 1 tuổi, hiện sống độc thân.

- AnhPatrick Loof: đang sống tại Hamburg, Đức. Anh sinh ngày 21-4-1972, rời Việt Nam lúc gần 2 tuổi, tên tiếng Việt: Lê Minh Phát, hiện sống độc thân.

- Anh Dominic Golding, hiện đang sinh sống tại Mỹ.

- Anh Jacob Wood, hiện đang làm việc trong ngành tài chính, sinh sống ở Mỹ.

- ChịVictoria Cowley (Vikki): đang sống ở Eastbourne, Anh. Chị sinh ngày 5-1-1973, rời Việt Nam lúc hơn 1 tuổi, tên tiếng Việt: Trần Thị Minh Trang.

W8f6Ti82.jpgPhóng to
Kim Browne Nguyen (thứ 2 từ trái sang) và Victoria Cowley (thứ 3 từ trái sang)
oA4SEo8x.jpgPhóng to
Patrick ngoài cùng bên phải

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

* Khái niệm về hai chữ "Quê hương" đối với bạn là gì, trước và sau khi trở về Việt Nam? (Lê Liêm, 25 tuổi, infotechtalent@...)

- Chị Trista Goldberg: Quê hương là nơi tôi đã sinh ra, vẫn thường đến với tôi trong những giấc mơ trước khi tôi về thăm lại Việt Nam. Chính quê hương ấy đã "gọi" tôi quay về. Bây giờ, quê hương là nơi tôi có thể trở về trong cuộc đời mình. Đó là nơi tôi đã và sẽ về để được gặp những bạn bè giống tôi, trò chuyện, chia sẻ cảm xúc với họ.

fJFwpnoZ.jpgPhóng to
Toàn cảnh buổi giao lưu - Ảnh Thuận Thắng

* Vào ngày định mệnh đó, bạn chỉ là đứa trẻ còn non nớt, không thể tự quyết định được số phận của mình nhưng phải ra đi khỏi VN. Khi lớn lên, hiểu được hoàn cảnh của mình, bạn có luyến tiếc là không được ở lại Việt Nam để được sống cùng với bố mẹ và người thân hay không?

Các bạn đã và sẽ làm gì để giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi có hoàn cảnh như các bạn từng có đang sống trong các Trung tâm mồ côi ở TP.HCM và các tỉnh khác? Bạn có dự định nhận mang các em bé mồ côi đang sống trong các Trung tâm mồ cồi về bên nước bạn đang sống để nuôi không? (Huy Quang, 52 tuổi, mail_nhquang@...)

- Chị Trista Goldberg: Khi tôi gặp lại mẹ ruột năm 2001, tôi đã được nhìn thấy mình gần gũi với những anh em của mình thế nào. Tôi nhớ họ. Nhưng tôi cũng biết tôi đã có một chút may mắn khi được nhận nuôi ở Mỹ ngày đó, tôi có cơ hội được học hành, được lớn lên ở Mỹ với những điều kiện thật tốt.

Đôi khi tôi cũng cảm thấy tiếc mình đã không ở đây, nhưng tôi trân trọng cơ hội mà gia đình nuôi tôi đã cho tôi. Tôi tin rằng mình sẽ sẵn sàng giúp đỡ những em nhỏ mồ côi khi mình có cơ hội. Hiện nay, tôi đã có hai con và chúng còn nhỏ, trong tương lai có thể lúc nào đó tôi sẽ suy nghĩ về điều bạn nói.

JRbwPhX7.jpgPhóng to
Kim Nguyễn Browne (trái) và Patrick Loof - Ảnh Thuận Thắng

*Trong ký ức, hình bóng người mẹ Việt Nam của bạn sẽ như thế nào (Nguyễn Thanh Ý, 42 tuổi, ntylan@...)

- Peter Shepton: Tôi rất hạnh phúc nếu tôi tìm được mẹ. Bởi vì trong ký ức của tôi, tôi không có được hình ảnh của mẹ rõ ràng lắm nên tôi không thể tưởng tượng chắc chắn về mẹ, nhưng có một điều chắc chắn tôi rất yêu người mẹ mà tôi chưa hề biết mặt.

Tôi nghĩ mẹ đã rất khó khăn khi sinh ra tôi và tôi không biết giờ đây mẹ có còn gặp nhiều khó khăn ở nơi này hay không.

* Chiến tranh đã qua và quê hương luôn mong ngóng các bạn trở về trong vòng tay yêu thương của đất mẹ. Chúng tôi - những người sinh ra sau chiến tranh nhưng cũng cảm nhận được những sự mất mát to lớn.

Người Việt có câu "chim có tổ người có tông", xa quê hương từ bé các bạn có cảm nhận thấy mình mất mát quá nhiều không? (Dương Đình Minh, 29 tuổi, dinhminh03dl3_hv2003@...)

- Chị Victoria Cowley: Cám ơn câu hỏi của bạn. Tôi không nghĩ về sự mất mát, tôi cố gắng gắn kết mọi thứ lại với nhau giống như là trò ghép hình.

* Chúc mừng các thành viên của đoàn babylift trở về quê hương. Tôi muốn hỏi về lại quê hương mình, chị có cảm giác như thế nào? (Nguyễn Ngọc Tuyên, 25 tuổi, ngoctuyenpn_241@...)

- Chị Victoria Cowley: Cám ơn về câu hỏi của bạn. Tôi rất vui khi được chứng kiến cuộc sống của người Việt Nam và tôi cảm thấy như được ở nhà vậy. Bây giờ thì tôi có kế hoạch trở về thăm Việt Nam càng nhiều lần càng tốt.

* Sống dưới nền văn hóa Mỹ ngần ấy năm, điều gì trong tính cách bạn mà bạn cho là đặc điểm của người Việt? (Quách Cảnh Toàn, 20 tuổi, canhtoan.qu@...)

- Anh Patrick Looft: Tôi sống ở Mỹ 1 năm và đã sống ở Đức được 26 năm. Tôi không biết nhiều về những đặc điểm của người Việt Nam vì hầu như không có ai nói với tôi.

Đây là lần thứ hai tôi về Việt Nam và khi đi trên đường, tôi nhận ra rằng người Việt Nam thức dậy rất sớm và làm việc rất chăm chỉ. Tôi cũng thích rất nhiều món ăn của Việt Nam, đặc biệt là hải sản. Ở Đức, tôi có đi học tiếng Việt và đã nói được một chút. Hiện nay, tôi vẫn đang cố gắng để có thể nói tốt tiếng Việt hơn.

* Anh chị có ý định tìm cha mẹ mình không? Nếu gặp được họ, anh chị có tha thứ cho họ vì đã đưa anh chị vào trại trẻ mồ côi? (Trương Thị Thùy Tiên, 30 tuổi, tienfairy555@...)

- Chị Trista Goldberg: Tôi đã tìm thấy mẹ đẻ và gia đình của mình. Tôi trân trọng việc được gặp lại họ và tôn trọng những gì họ đã làm với tôi. Tôi có một cơ hội được lớn lên ở một nơi tốt đẹp.

* Bạn có thường mơ thấy cha, mẹ không? Bạn hình dung cha mẹ mình là người như thế nào? (Quách Cảnh Toàn, 20 tuổi, canhtoan.qu@...)

- Chị Victoria Cowley: Không, tôi chưa bao giờ nằm mơ thấy họ. Tôi không biết là khi gặp họ thì cảm xúc của tôi sẽ như thế nào, liệu có thất vọng hay không nên tôi luôn hình dung một hình ảnh rất cởi mở về cha mẹ mình. Cám ơn bạn.

yd7Ke9Q6.jpgPhóng to
Victoria Cowley
* Trở về Việt Nam lần này, các bạn cảm thấy quê hương mình ra sao? Thanh niên Việt Nam ra sao? Xin cám ơn (Nguyen Thanh Tuan, 38 tuổi, banhdao@...)

- Anh Ralf Lofstad: Đối với tôi thì VN rất đẹp với những nét đổi mới. Tôi nhận thấy có nhiều nét thay đổi lớn so với 3 năm trước đây khi lần đầu tiên đến VN.

Tôi hi vọng thế hệ trẻ của VN sẽ thích ứng với những phát triển của thế giới để áp dụng vào đất nước mình, làm đất nước ngày một vững mạnh hơn, giàu đẹp hơn. Và tôi hi vọng không ai rời bỏ đất nước mà ở lại để cống hiến cho quê nhà.

Đối với thanh niên VN thì tôi thấy họ có một tương lai xán lạn. Dĩ nhiên, chính họ chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm chính trong việc đưa đất nước đi lên, phát triển vững mạnh như các nước khác.

* Sau 35 năm trở về quê hương, chị có hối tiếc vì mình đã xa quê lâu như thế không? Chị nhận xét như thế nào về sự thay đổi của quê hương ? Chị có lưu giữ được hình ảnh nào của quê hương mình trong quá khứ không? Chị có muốn tìm lại không? (Trần Quốc Dự, 32 tuổi, quocdu_gr@...)

- Chị Kim Browne Nguyen: Tôi trở lại lần đầu tiên năm 2001 cùng với gia đình đã nhận nuôi tôi. Họ luôn khuyến khích tôi trở về để tìm hiểu về lịch sử cuộc sống mình, năm đó tôi 25 tuổi.

Họ luôn cho tôi đọc sách, về cả 2 mặt của cuộc chiến tranh. Họ bảo tôi phải tìm lại cha mẹ đẻ của mình. Đó đã là một cơ hội rất lớn, tôi được học về văn hóa, gặp gỡ những người bạn trên quê hương.

Tôi là người sáng lập tổ chức Vietnam Volunteer network, tôi tình nguyện và kêu gọi những người bạn của mình trở về làm tình nguyện ở đây với trẻ mồ côi. Nếu tôi trở về lúc trẻ hơn 25 tuổi, có lẽ tôi đã không có đủ sự vững vàng về tài chính để có thể làm những việc thế này.

Tôi rời khỏi VN mà không có giấy tờ. Cha mẹ nuôi tôi đã luôn lo lắng mình có thể bị VN đòi lại khi tôi còn bé. Nhưng vào năm tôi 25 tuổi, họ đã bảo "Giờ thì con có thể trở về". Tôi không hối tiếc điều gì.

Tôi chỉ tiếc là mình đã trở về khi đã lớn. Mẹ đẻ tôi đã già. Những xơ đã chăm sóc tôi ở trại mồ côi Gò Vấp đã quá già. Nếu tôi trở về sớm hơn, tôi đã có thể cảm ơn họ sớm hơn. Và còn một điều đáng tiếc hơn nữa trong tôi, đó là đã có một cuộc chiến ở đây.

Tất cả chúng tôi đều là những người bị chiến tranh làm tổn thương, ngay cả nhiều đứa trẻ ở trung tâm bảo trợ Gò Vấp hiện nay cũng đang chịu những di chứng của chất độc da cam.

Về sự thay đổi của Việt Nam, mỗi năm trở về tôi đều thấy có những tòa nhà mới, nhiều khách du lịch. Kinh tế đang tốt hơn. Tôi hi vọng giáo dục cũng sẽ tốt hơn cho bọn trẻ, mong đợi là dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ tốt hơn cho mọi người.

Tôi lưu giữ rất nhiều ảnh về quê hương, đặc biệt là về những đứa trẻ tôi chăm sóc ở đây. Tôi hay gửi chúng lên Facebook để chia sẻ với mọi người.

* Đất nước 35 năm trước đây và đất nước bây giờ như thế nào trong suy nghĩ của các bạn? Lịch sử đã đi qua với nhiều thăng trầm, và bây giờ chúng ta đang ở hiện tại, anh chị còn trăn trở hay nuôi ước nguyện, hành động gì để đất nước ngày càng phát triển không? (Trương Thị Hiền Linh, 22 tuổi, hienlinhbds@...)

- Dominic Golding: Tôi không có nhiều khái niệm về sự khác biệt giữa đất nước hiện nay và 35 năm về trước vì khi ra đi tôi rất nhỏ, khoảng 4 tháng tuổi.

EzRVqFxK.jpgPhóng to
Dominic Golding (trái), Jacob Wood (phải) - Ảnh Thuận Thắng

Mong ước của tôi là nhìn đất nước phát triển mạnh mẽ, như Hàn Quốc chẳng hạn. Tôi cũng muốn thành lập một tổ chức dành cho các trẻ mồ côi, nơi mọi người có thể tìm đến khi trở về Việt Nam.

* Bạn nghĩ gì về đất nước chúng ta hiện nay? (Trần Thanh Vân, 46 tuổi, thantaidn@...)

- Anh Patrick Loof: Tôi đang học cách yêu đất nước của mình. Việt Nam là một đất nước rất xinh đẹp, người VN cũng rất đẹp và làm việc chăm chỉ. Tôi rất muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Vì tôi sống hầu hết thời gian ở Đức nên hầu như tôi không biết nhiều về văn hóa Việt Nam. Những chuyến trở về này là cơ hội để tôi hiểu hơn về đất nước của mình.

* Bạn sẽ làm gì nếu như may mắn bạn tìm được người thân trong gia đình của bạn ngày xưa? (Nguyễn Thanh Ý, 42 tuổi, ntylan@...)

- Jacob Wood: Tôi sẽ dành thời gian cho họ để hiểu họ hơn, và cố gắng tạo mối quan hệ gần gũi và làm mọi cách sống cùng mọi người để hiểu mọi người hơn.

* Trước khi về Việt Nam, bạn đã tìm hiểu gì về văn hóa, con người ở quê hương chưa? Cảm giác của bạn thế nào khi hòà vào dòng người đi trên phố? (Thế Vinh, 28 tuổi, tranthevinh83@...)

- Victoria Cowley: Vâng, trước khi về Việt Nam tôi đã tìm hiểu rất nhiều về văn hóa và lối sống của người Việt Nam.

Ở đây tôi cảm thấy giống như là nhà của mình nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy mình như là một du khách. Tôi rất muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa , cuộc sống và đặc biệt là lịch sử của Việt Nam. Và tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước rất đẹp.

* Chào chương trình, gia đình mình rất xúc động khi đọc tin tức cũng như khi xem chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" về babylift.

Mình có người anh cũng bị thất lạc năm 1975. Anh ấy tên là Nguyễn Hải Nam sinh năm 1973, đặc biệt là 1 bàn tay có 6 ngón tay. Nếu có trường hợp nào như vậy xin mách cho mình nhé. Rất mong chương trình chuyển câu hỏi của mình đến với các bạn. Xin cám ơn! (Nguyễn Anh Thư, 34 tuổi, beyeu173vn@...)

- Anh Ralf Lofstad: Xin chào Anh Thư. Tôi chưa có gặp được người nào như miêu tả của chị. Nhưng mà, dĩ nhiên rồi, tôi có gặp người nào đó, cũng là người VN có nhân dạng giống như chị mô tả thì tôi sẽ giúp chuyển thông tin đến tòa soạn để báo đến chị.

Vì công việc, tôi phải đi rất nhiều nơi nên tôi sẽ để ý giúp chị. Hi vọng hiện giờ anh của chị có một cuộc sống tốt và đang nhớ và mong được đoàn tụ với gia đình chị. Chúng ta hãy cùng tin vào một phép nhiệm mầu.

* Các bạn suy nghĩ gì về quê hương Việt Nam của chúng ta? (Nguyễn Xuân Nam, 35 tuổi, nguyennam_pgd_iagrai@...)

- Chị Kim Browne Nguyen: Việt Nam là 1 đất nước rất đẹp, với những con người đẹp. Tôi luôn cảm thấy mình đang ở nhà khi trở về.

Với Vietnam Volunteer Network, tôi luôn cảm thấy có rất nhiều việc vẫn còn phải làm với những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Tôi đã cố gắng rất nhiều để giúp đỡ những ai mình có thể. Có những người bạn nước ngoài khác cũng rất muốn giúp trẻ em và chúng ta phải cho họ biết điều đó.

* Tháng 4-1975, tôi sống ở tại Cô nhi viện Thánh mẫu Bình Lợi và tôi cũng suýt bị đưa đi như những đứa trẻ mồ côi khác trong chuyến bay cuối cùng. Tôi xin hỏi trong các thành viên của đoàn Babylift có ai ở trại Cô nhi viện thánh mẫu Bình Lợi như tôi không? Tôi nghe các bạn trở về tôi rất xúc động. (Lê Thị Bích Thủy, 43 tuổi, thuy.le@)

- Anh Patrick Loof: Rất tiếc, tôi không biết địa điểm mà bạn nói. Tại Sài Gòn, tôi chỉ sống trong cô nhi viện Tổ Ấm và Pierre Olivier's.

* Bạn có nghĩ là mình may mắn trong cuộc sống không? (Lâm Thảo, 34 tuổi, thaonhs@...)

- Jacob Wood: Tôi nghĩ mình rất may mắn bởi vì sau những điều tồi tệ nhất trong cuộc đời, tôi luôn gặp may. Hiện nay tôi có cuộc sống rất thoải mái, tôi có một gia đình rất tốt, họ luôn thương yêu tôi. Đặc biệt may mắn lớn nhất là tôi được trở về Việt Nam.

* Được sinh ra cùng thời, nhưng tôi được may mắn vẫn còn cha còn mẹ, biết rõ nguồn gốc của mình. Thật là xúc động với các số phận của anh chị. Cầu chúc cho các bạn tìm được nguồn cội (Nguyễn Trung Hiếu, 35 tuổi, mitsoc625@...)

* Patrick Looft: Cảm ơn bạn rất nhiều! Tôi thật sự không biết bày tỏ lời cảm ơn thế nào đến bạn vì bạn đã chia sẻ và theo dõi những câu chuyện về babylift. Và chúc bạn cũng may mắn trong cuộc sống.

* Chào các bạn. Quê hương rất vui khi chào đón các bạn trở về. Cảm xúc của bạn như thế nào khi lần đầu tiên về lại quê hương sau 35 năm xa cách? Các bạn có dự định làm gì khi về lại VN không?

Mình rất vui khi mọi người vẫn luôn nghĩ đến Việt Nam. Chúc các bạn có thời gian đầy kỷ niệm đẹp khi về lại quê hương thân yêu của mình. (Nguyễn Ngọc Quyên, 43 tuổi, ngquyen2000@...)

- Peter Shepton: Tôi muốn làm việc ở Việt Nam, nhưng tôi chưa có cơ hội. Tôi muốn làm công việc từ thiện để có thể giúp được phần nào cho người dân nghèo ở Việt Nam. Khi tôi trở về Mỹ, liên hệ được với các tổ chức từ thiện tôi sẽ làm việc này.

* Xin cảm thông và được chia sẻ nỗi đau của các anh chị. Các anh chị có những dự định gì khi về quê hương lần này không? Anh chị thấy Việt Nam mình thế nào? (Phạm Sinh Hùng, 28 tuổi, sinh_hung_2807@...)

- Leigh Ann Chow: Chào bạn Hùng. Đây đã là lần thứ 3 tôi trở về Việt Nam, nên đất nước đã trở nên khá quen thuộc với tôi.

Chuyến đi lần này, ngoài việc tiếp tục cố gắng tìm lại người thân, tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về đất nước, đặc biệt là TP.HCM, thông qua những chuyến du lịch, tiếp xúc với người dân. Mỗi lần trở về, tôi lại thấy thành phố phát triển hơn, con người thì rất cởi mở, hài hước và rất năng động.

* Đầu tiên cho phép tôi được gởi lời kính chào trân trọng đến toàn thể các anh chị. Chiều qua tôi có đọc được bài viết về các anh chị trên báo Tuổi Trẻ và các anh chị biết không tôi đã khóc, khóc thật nhiều vì quá xúc động.

Xin hỏi hoạt động của các bạn khi trở lại Việt Nam là gì, các bạn có kế hoạch gì cụ thể để giúp đỡ những trẻ em khác không? Tôi rất mong được gặp các anh chị ở ngoài lắm. Tôi xin cảm ơn các anh chị (Lê Thị Lê Trang, 26 tuổi, letrang_1984@...)

- Chị Victoria Cowley: Tôi đã cố gắng tìm kiếm rất nhiều về thông tin trại mồ côi của mình, tìm kiếm xem có tài liệu nào về nơi đó hay không, tìm xem là bố của tôi đến từ đâu, nơi mà ông từng làm việc và tôi đã đến những địa danh ở Sài Gòn như Bảo tàng chứng tích chiến tranh, dinh Độc Lập...

Tôi cũng đã đến thăm 2-3 trại trẻ mồ côi, tham gia vào các hoạt động như vui chơi, cùng hát với các em.

Cảm xúc của tôi khi lần đầu tiên đến thăm trại mồ côi là tôi muốn đưa tất cả những đứa trẻ ở đó về nhà.

* Bạn đã phải đương đầu và vượt qua những khó khăn như thế nào khi cảm thấy mình lạc lõng giữa những người không cùng màu da? (Xuân, 30 tuổi, sunflower2007vn@...)

- Anh Ralf Lofstad: Lúc ở VN thì tôi còn quá nhỏ nên không nhớ hết mọi thứ vào lúc đó, nhưng khi ra nước ngoài thì mọi thứ đối với tôi cũng tương đối ổn, không có gì quá khó khăn đến nỗi không vượt qua được.

Tuy nhiên vì mình là người VN nên lối sống có phần khác biệt, mình phải tìm cách thích nghi để tồn tại.

* Cảm nghĩ của các bạn về đất mẹ Việt Nam? Tương lai các bạn sẽ làm gì để Việt Nam chúng ta phát triển ngang với các nước tiên tiến? (Lê Mười, 37 tuổi, lmui@...)

- Chị Kim Browne Nguyen: Tôi yêu Việt Nam. Còn rất nhiều thứ phải làm để xây dựng lại đất nước. Tôi thấy rất nhiều sự hủy hoại mà chất độc da cam tác động lên trẻ em.

Tôi đang cố gắng xây dựng những việc hỗ trợ liên quan tới y tế cho bọn trẻ ở đây. Tôi cũng cố gắng tổ chức những đợt để bác sĩ nước ngoài có thể tiếp cận với tình cảnh bệnh tật của các em để giúp đỡ các em.

Những người trẻ Việt Nam thực sự muốn giúp đỡ các em. Tôi cũng biết những bạn trẻ quay về từ nhóm Babylift (nhóm The Operation Reunite) luôn sẵn sàng tài trợ và dành thời gian cho các trẻ em bị bệnh vì chất độc da cam. Thật vui là những người bạn này luôn sẵn sàng để tham gia vào cùng xây dựng đất nước.

* Xin cho tôi được hỏi câu hỏi chung cho tất cả các bạn trong đoàn Babylift . 1- Các bạn có cảm giác như thế nào khi vừa đặt chân tới quê mẹ mà lúc các bạn ra đi chưa thể hiểu biết nhiều về mẹ. 2- Nếu các bạn có một ước mơ thì các bạn có ước mơ gì cho quê hương sau 35 năm ra đi và trở về? Xin cảm ơn các bạn. (Phan Lac Dong Quan, 47 tuổi, quanphan_52@...)

- Jacob Wood: Nếu có điều ước, tôi ước cho nước mẹ Việt Nam ngày càng có nhiều điều kiện phát triển vững mạnh hơn nữa để có thể sánh ngang các cường quốc trên thế giới và nếu được, tôi ước cho tất cả người Việt Nam có điều kiện đi khắp nơi trên thế giới để mở mang tầm nhìn, kiến thức.

* Theo dõi chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" với sự tham gia của nhiều anh chị babylift vào đêm gần đây, tôi rất muốn biết tâm trạng của các anh chị vào lúc đó ra sao? Các anh chị có nghĩ mình may mắn hơn những người cùng cảnh ngộ? (phương mai, 22 tuổi, vanhoamt@...)

- Peter Shepton: Tôi cảm thấy tôi rất may mắn vì từ khi còn bé tôi đã được học hành rất tốt, tôi được ba mẹ nuôi yêu thương và chăm sóc. Tôi cũng biết mình may mắn dù là con nuôi nhưng được hưởng rất nhiều cơ hội tốt hơn nhiều bạn trẻ đồng cảnh ngộ.

Wku6UYMR.jpgPhóng to
Peter Shepton (trái), Ralf Lofstad (phải) - Ảnh Thuận Thắng

* Bạn cùng những trẻ Babylift khác đã sống chông chênh như thế nào suốt một khoảng thời gian dài gần nửa đời người mà không hề biết về gốc gác của mình? Bây giờ về thăm Việt Nam, mọi thứ có khác so với hình dung của bạn? (Quách Cảnh Toàn, 20 tuổi, canhtoan.qu@...)

- Chị Kim Browne Nguyen: Với tôi, tôi đã có một tuổi thơ rất đẹp. Tôi rất may mắn vì mình đã được nhận nuôi khi 2 tháng tuổi. Cha mẹ nuôi của tôi còn nhận nuôi một em nhỏ khác từ Thái Lan. Tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Tôi được lớn lên ở London, Anh Quốc. Cha mẹ tôi luôn dạy tôi phải học về lịch sử của mình trong sách vở. Tôi luôn biết dòng máu Việt Nam chảy trong mình.

Tôi may mắn khi trở về. Mặc dù tôi không nói được tiếng Việt, giám đốc trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp, cô Loan, cô luôn đối với tôi như con gái mình. Ở đó, bọn trẻ cũng luôn coi tôi như 1 người chị của chúng. Tôi vẫn có 1 gia đình ở đây.

Tôi luôn cảm thấy an toàn khi trở về Việt Nam, nơi mình sinh ra.

* Các bạn có buồn khi nghĩ rằng cha mẹ đã bỏ rơi mình không (dù bất kỳ lý do gì)? (Trần Công Vinh, 45 tuổi, vinhtc-dng@...)

- Ralf Lofstad: Tôi cũng không biết là mình có bị bỏ rơi hay không nên không định hình được cảm giác vui hay buồn. Tôi cũng không nhớ cảm xúc của mình lúc đó vì lúc đó tôi còn rất bé và khi lớn lên thì tôi đã ở trên đất nước Na Uy rồi.

Tôi không giận gia đình mình dù tôi có bị bỏ rơi vì bất cứ lý do gì đi nữa, ngay cả cha mẹ tôi. Tôi nghĩ vì một lý do gì đó bất đắc dĩ nên họ mới làm vậy với tôi. Thậm chí cuộc sống bắt họ phải làm vậy.

* Chào mừng các anh chị "Babylift" có cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa trên mảnh đất được sinh ra. Các anh chị gặp không ít khó khăn khi lớn lên, có sự khác biệt về màu da với những người chung quanh, nếu có phép màu được chọn nơi để sinh ra lần nữa, các anh chị có chọn mảnh đất tuy còn nghèo kinh tế nhưng giàu về tình yêu thương gia đình, thân tộc này không? (Nhi, 32 tuổi, vnrose7726@...)

- Jacob Wood: Đây là một câu hỏi khó, tôi không biết sinh ra ở đây khác với sinh ở nơi khác như thế nào, tuy nhiên có 1 điều tôi rất vui vì mình là người Việt Nam.

* Từ khi bạn ý thức được cội nguồn dân tộc của mình, bạn đã làm gì? (Nguyễn Thanh Ý, 42 tuổi, ntylan@...)

- Leigh Ann Chow:Tôi luôn biết nguồn gốc của mình là người Việt dù tôi được một gia đình người Trung Quốc nhận nuôi. Cha mẹ nuôi không giấu tôi việc tôi là người Việt nhưng cũng không giúp tôi tìm hiểu về đất nước của mình. Thế nên tôi đã tự tìm hiểu. Tôi bắt đầu học về Việt Nam lúc khoảng 20 tuổi và càng thực sự thích thú với việc này.

* Khi biết mình là người Việt, bạn có dự định học tiếng Việt để giao tiếp với người Việt Nam mỗi khi trở về mảnh đất quê hương không? (Yến Linh, 32 tuổi, red_rubi2001@...)

- Ralf Lofstad: Hiện giờ tôi cũng đang cố gắng học tiếng Việt nhưng thật lòng mà nói tôi biết rất ít. Trong tương lai tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để giao tiếp với người Việt Nam bởi vì biết tiếng mẹ đẻ là điều rất quan trọng.

* Tôi thật sự xúc động khi nhìn hình ảnh các bạn bật khóc khi trở về VN. Vậy có khi nào các bạn nghĩ mình sẽ ở lại VN sống và làm việc không? (Trần Thị Hạnh, 28tuổi tuổi, hanhtran)

- Jacob Wood: Cũng nhiều khả năng điều đó xảy ra, tôi cũng đã từng nghĩ đến việc về Việt Nam mở cơ sở làm ăn hoặc kiếm 1 công việc làm và sinh sống ở đây.

* Chào các bạn, tôi biết các bạn đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, các bạn có thể chia sẻ một trong những khó khăn đó không? Nguyễn Anh Khoa, 35 tuổi, anhkhoa0911@...)

- Jacob Wood: Vâng dĩ nhiên rồi, cũng có nhiều khó khăn đấy nhưng khi mình trưởng thành, mình cảm thấy mọi việc khác đi, không còn quá phức tạp hay khó khăn. Tôi nghĩ những người con nuôi khác có người cũng gặp khó khăn khi trưởng thành nhưng rồi mọi việc cũng sẽ khắc phục được.

* Khi các bạn ra đi, có khi nào các bạn không yêu đất nước mình không (Nguyen Van Nho, 26 tuổi, nhonguyenpro@...)

- Patrick Looft: Không đâu bạn ạ, tôi yêu Việt Nam vì tất cả những gì thuộc về Việt Nam. Và tất nhiên, cũng như bất kỳ đất nước nào trên thế giới, VN cũng có người giàu người nghèo, có những vấn đề cần giải quyết để đất nước phát triển, giàu đẹp hơn.

* Đã có ai trong các bạn tìm được người thân, ruột thịt của mình chưa? (Nguyễn Tấn Lai, 36 tuổi, Laithanh@...)

- Ralf Lofstad: Có một vài thành viên tình cờ và may mắn đã tìm được người thân của mình ở VN. Tuy nhiên đó là những dịp tình cờ hiếm hoi, phần lớn trẻ babylift trước khi rời VN thường sống ở trại mồ côi nên họ không có nhiều thông tin.

* Có phải tất cả các bạn đều có cuộc sống thành đạt ở nước ngoài hay không ? (Nguyễn Tấn Lai, 36 tuổi, Laithanh@...)

- Ralf Lofstad: Tôi không biết hết tất cả cuộc sống của các thành viên khác. Riêng tôi thì thấy cuộc sống cũng có thể chấp nhận được. Tôi hiện đang là phóng viên của tờ báo Dagbladet ở Oslo, Na Uy.

* Bạn có cảm nghĩ gì sau 35 năm xa quê hương, bạn có ý định ở lại quê nhà nơi mà bạn sinh ra không (Nguyen Huu Tai, 1968 tuổi, huutai280@...)

- Jacob Wood: Tôi vô cùng xúc động khi trở về đất mẹ, có nhiều cảm xúc đặc biệt không diễn đạt được. Không phải ai cũng được như tôi, sự trở lại nó đánh dấu nhiều điểm mốc quan trọng, ý nghĩa. Tôi đang đặt ra mục tiêu tôi sẽ trở về quê nhà thường xuyên hơn. Việc sinh sống ở quê nhà lâu dài hay sống trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời minh thì tạm thời tôi chưa nghĩ đến. Đương nhiên nếu tôi sống ở đây lâu dài, tôi sẽ dành thời gian đi tìm kiếm gia đình của mình.

* Cho hỏi chi Kim Browne, chị rời VN lúc mới mấy tháng tuổi, vậy những ngày đầu tiên ở nước ngoài, chị đã sống như thế nào? Hiện giờ chị có nói được tiếng Việt không? (Duong The Anh, 30 tuổi, dranhuro@...)

- Kim Browne: Khi rời khỏi Việt Nam, tôi chỉ mới 2 tháng tuổi. Được lớn lên ở London rất đặc biệt, tôi được giáo dục rất tốt, được chăm sóc sức khỏe tốt, có nhiều bạn tốt và có một gia đình tốt.

Điều giống nhau giữa Việt Nam và nơi tôi lớn lên là ở đây mọi người cũng có gia đình rất bền vững và nhiều bạn bè. Điều khác nhau duy nhất là ở Anh có nhiều tòa nhà cổ hơn, thời tiết lạnh hơn và mùa hè ngắn quá. Tôi chỉ nói được vài từ tiếng Việt thôi, đó là rào cản ngôn ngữ. Trẻ ở trung tâm Gò Vấp có dạy tôi tiếng Việt, còn tôi dạy chúng tiếng Anh, chúng tôi có một trao đổi nho nhỏ như vậy đấy.

* Nếu cô Kim Browne không tổ chức cuộc đoàn tụ này thì các anh chị cũng sẽ về lại Việt Nam chứ ? Có thể câu hỏi của em sẽ làm các anh chị buồn nhưng em rất muốn biết cuộc sống của các anh chị có tốt không trong suốt 35 năm qua khi thiếu vắng tình thân gia đình.

Các anh chị đã nghĩ gì khi biết mình là những "đứa trẻ babylift", rời quê hương trong hoàn cảnh đặc biệt như thế? Chúc các anh chị những điều tốt đẹp nhất và sớm đoàn tụ với những người thân của mình. (Ngô Xuân Thịnh, 23 tuổi, thinhkhtn06@...)

- Chị Viktoria Cowley: Đây là lần thứ 2 tôi trở về Việt Nam. Lần đầu tiên tôi đến đây vào tháng 1-2010, tôi đã cố gắng hết sức để tìm kiếm thông tin về trại mồ côi mà tôi đã từng ở và những người xung quanh nhưng không may là có rất ít thông tin.

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn biết mình là một trong những đứa trẻ babylift nhưng tôi chỉ mới bắt đầu liên lạc với những bạn babylift khác trong khoảng 1 năm trở lại đây. Trong năm qua tôi đã học hỏi được thêm rất nhiều và tôi mong muốn sẽ còn học hỏi được thêm nhiều nữa.

*Tôi có hoàn cảnh giống như bạn, tôi chỉ khác là ở Việt Nam. Tôi muốn chia sẻ với các bạn. Tôi có thể xin email của các bạn được không? (Trương Chinh, 37 tuổi, chinhtruong28@...)

- Bạn Trương Chinh thân mến, tôi là Peter Shepton, tôi rất vui khi nhận được câu hỏi của bạn. Đây là email của tôi: sheppiester@gmail.com

* Bạn Victoria ơi, đã có bao giờ có người nào đó nói bạn không phải là người Việt Nam chưa ? (Vũ Viết Phiến, 38 tuổi, vvphien@...)

- Chị Victoria Cowley: (Cười to) Không, chưa bao giờ. Tôi luôn được người khác nói mình là người Việt Nam.

* Gần 200 câu hỏi đã được bạn đọc từ khắp nơi gửi đến tham gia giao lưu với các bạn trong nhóm babylift, tuy nhiên do thời gian có hạn, nên khách mời của chương trình không thể trả lời hết tất cả câu hỏi, rất mong bạn đọc thông cảm. Chân thành cảm ơn.

Tháng 4-1975, những em bé Việt Nam sơ tán khỏi đất nước trong Chiến dịch babylift bằng đường không vận trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Những đứa trẻ ngày xưa giờ đã lớn trên nhiều vùng trên thế giới, mỗi người có một cuộc sống, công việc riêng.

35 năm sau, những “đứa trẻ babylift” hội ngộ tại quê hương. Họ gặp nhau để chia sẻ và quan trọng hơn hết là cảm nhận về nguồn cội Việt Nam dù khi rời quê hương hầu hết họ vẫn còn rất nhỏ.

Ngày 2-4, gần 100 người từng là trẻ babylift từ nhiều quốc gia trên thế giới đã tề tựu về TP.HCM để tham dự cuộc đoàn tụ “Hành trình trở về sau 35 năm lưu lạc nơi đất khách” do cô Kim Browne, người Anh gốc Việt, tổ chức.

Tin, bài liên quan:

Ngày về đẫm nước mắtMột đời gắn với trẻ babyliftHội ngộ babyliftVề đất mẹ tìm nguồn cộiChuyến trở về của VikkiTìm thấy nhau sau 32 năm thất lạc

Tháng 4-1975, những em bé Việt Nam sơ tán khỏi đất nước trong Chiến dịch babylift bằng đường không vận trong những ngày cuối cùn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên