07/03/2010 09:14 GMT+7

"Bình đẳng giới - Có hay không?"

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Rất nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi đến buổi Giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online. Bởi lẽ dường như còn rất nhiều va đập trong cuộc sống khiến người phụ nữ cảm thấy thiệt thòi. Có dịp nói ra, có dịp chia sẻ chính là để câu trả lời cho chủ đề “Bình đẳng giới - Có hay không?" sớm trở thành hiện thực.

1uVEDkS5.jpgPhóng to
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến đang diễn ra - Ảnh: Minh Đức

Khách mời giao lưu gồm có:

- PGS – TS Phan Thị Tươi, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, người đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2009.

- Bà Nguyễn Thế Thanh - Tổng giám đốc công ty Sài Gòn truyền thông (Saigon Media); nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ; nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch

- MC Minh Hương - Đại biểu HĐND; Giám đốc Công ty Truyền thông Golden-Event-PR

- Nguyễn Thị Thùy Linh - người Pháp gốc Việt, Tùy viên báo chí Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM

- Người mẫuXuân Lan

-----------------------------

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

* Hiện nay chúng ta thường nói về bình đẳng giới và phong trào giải phóng phụ nữ, sự bất bình đẳng này do người khác gây ra cho phụ nữ hay do chính bản thân phụ nữ muốn như thế? Tại sao tôi lại hỏi như thế? Bởi vì tôi thấy hiện nay có nhiều bà mẹ trẻ có học thức rất cao nhưng sao vẫn muốn có con trai hơn con gái? Hay do bản thân họ là phụ nữ vì vậy họ thấy những khó khăn của mình là phụ nữ nên giờ đây họ không muốn có con là con gái để con họ cũng không phải khổ như họ? Nếu vậy phải chăng sự bất bình đẳng giới lại xảy ra chính từ áp lực gia đình muốn có con trai nối dõi tông đường và bản thân người mẹ cũng muốn có con trai? Điều này góp phần gây nên mất cân bằng giới? Chị nghĩ sao về vấn đề này? (Cao Toàn Phúc, 27 tuổi, phucwaw@...)

- Bà Nguyễn Thế Thanh: Tôi thuộc phái cho rằng, trong tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay, người phụ nữ có đóng góp một phần đáng kể. Nhiều phụ nữ thiếu tự tin vào suy nghĩ đúng của mình: trai hay gái đều là con của mình, cháu của mình. Và vì thế không thể có việc đứa con trai, cháu trai mới có ý nghĩa nối dõi tông đường.

Đứa con nối dõi được hay không là do đạo đức và tài năng của nó. Nhiều cậu con trai duy nhất của gia đình nào đó nhưng về mọi mặt đâu có bằng được chị em gái của mình.

Đứa con nối dõi được hay không là do đạo đức và tài năng của nó. Nhiều cậu con trai duy nhất của gia đình nào đó nhưng về mọi mặt đâu có bằng được chị em gái của mình. Vấn đề là, do thiếu tự tin nên nhiều chị (kể cả người có học thức cao) vẫn bị chi phối lớn bởi áp lực "không có con trai thì giá trị của mình (người phụ nữ) bị giảm sút rõ rệt, thậm chí "vô giá trị" (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô)".

Để khắc phục tình trạng theo tôi là vô lý này, tôi nghĩ nên sửa đúng cách viết gia phả dòng họ, người phụ nữ đi lấy chồng mà là người tử tế, thậm chí làm rạng danh được dòng họ thì cũng nên ghi rõ. Việc chia thừa kế, việc giao cho người phụ nữ và chồng của họ chăm sóc truyền thống gia đình bên nội cũng là việc cần nghĩ tới. Việc thay đổi cách giáo dục kỹ năng làm việc nhà cũng nên thực hiện: dạy con trai làm việc nhà thay vì chỉ dạy con gái.

* Thưa bà Nguyễn Thế Thanh, nếu gọi chung tổng số công việc (gia đình và xã hội) là 100% thì theo bà người phụ nữ nên gánh vác bao nhiêu % là hợp lý, và có thể gọi là có bình đẳng giới trong một gia đình? Chân thành cảm ơn bà. (THOM.NGUYEN, 23 tuổi, thom10thang@...)

- Bà Nguyễn Thế Thanh: Theo tôi không thể có việc chia đôi việc nhà ra làm hai phần 50 rồi tính toán xem người phụ nữ nên làm bao nhiêu để được xem là bình đẳng cho phụ nữ. Vấn đề là, người phụ nữ đi làm việc để có hai mục đích: để góp phần tăng thêm thu nhập (đôi khi là rất đáng kể) cho gia đình và cũng để bản thân mình thanh thản trong suy nghĩ mình đang là người có ích cho xã hội và cho gia đình mình.

Khi họ đi làm việc với tâm thế đó, việc nhà cũng nên tùy theo đó mà chia ra, khi không bận việc công nhiều thì làm việc nhà nhiều hơn. Khi việc công quá bận thì người khác trong nhà gánh vác dùm. Bình thường thôi mà. Đôi khi, hoàn toàn rảnh rỗi việc cơ quan trong một vài ngày nghỉ, người phụ nữ cũng có thể làm tất cả việc nhà với niềm vui "mình đang bù lại cho chồng, con, cho những người thân những lúc không thể toàn tâm toàn ý cho việc nhà".

WueyWNkA.jpgPhóng to
Bà Thế Thanh trước một câu hỏi thú vị - Ảnh: Minh Đức

* Câu hỏi cho chị Thùy Linh: Nói đến thế giới chính khách, ngoại giao, người ta thường nghĩ đến những những quí ông lịch lãm, khôn ngoan. Vị trí người phụ nữ trong thế giới này thường được nhìn trong lăng kính những cô nàng đẹp và chuyên dùng... "mỹ nhân kế". Chị có thấy như thế không? Nếu không là một người theo đường chính trị thì chị có mong ước lập gia đình với một chính khách không? (Phi Em, 25 tuổi tuổi, phi-em@...)

Trong mỗi công việc phải có bản lĩnh, ý chí và kinh nghiệm thì mới thành công. Có một điều rất quan trọng là niềm đam mê trong công việc thì mới thành công tốt.

- Nguyễn Thị Thùy Linh: Chào Phi Em! Chị không đồng ý với ý thứ nhất, vì người phụ nữ trong thế giới chính khách ngày nay không phải nhờ vào nhan sắc mà họ thành công là nhờ vào tài năng. Trong mỗi công việc phải có bản lĩnh, ý chí và kinh nghiệm thì mới thành công. Có một điều rất quan trọng là niềm đam mê trong công việc thì mới thành công tốt. Trong lĩnh vực như ngoại giao, chính trị, marketing... dĩ nhiên hình thức bên ngoài của một người cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến công việc nên phụ nữ và nam giới hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần chú ý đến diện mạo bề ngoài.

Về chuyện lập gia đình với một chính khách hiện giờ Linh cũng chưa xác định được. Nếu mình gặp một người mà mình yêu thì mình sẽ lập gia đình với người đó, bất kể họ làm trong lĩnh vực nào chứ không chỉ riêng về lĩnh vực ngoại giao.

* Theo bà để bình đẳng giới, phụ nữ chúng ta phải làm gì? Vì tôi vẫn thấy không bình đẳng trong gia đình mình. (Nguyễn Thị Bích Hạnh, 33 tuổi, hanhhuflit@...)

- Bà Nguyễn Thế Thanh: Tôi không chắc có được câu trả lời làm chị hài lòng. Nhưng tôi nghĩ, trên đời này có 3 thứ bất bình đẳng mà toàn nhân loại đã và còn phải phải phấn đấu rất lâu dài, gian khó để thiết lập lại sự bình đẳng. Đó là bất bất đẳng về đẳng cấp xã hội (giàu - nghèo), bất bình đẳng về chủng tộc (màu da), bất bình đẳng về giới (nam nữ).

Thực trạng bất bình đẳng về Giới, theo tôi đã có một bước tiến khá dài trên toàn thế giới kể từ năm 1910, là năm mà Tuyên ngôn về quyền bình đẳng của phụ nữ được công bố tại Hội nghị Copenhagen do Rosa Luxemburg và Krupskaia Constantinovna chủ trì. Trong Tuyên ngôn đó, lần đầu tiên vấn đề bình đẳng cho phụ nữ đi làm việc được đặt ra với các nguyên tắc cơ bản "Làm việc ngày 8 tiếng (để chăm sóc gia đình); giờ làm ngang nhau thì tiền công phải được trả ngang nhau; Phụ nữ lao động có con nhỏ phải được dành thời gian cho con bú)".

Nhìn lại thành tựu của chặng đường bình đẳng giới 100 năm qua và những tồn tại lớn hiện nay về bất bình đẳng giới, tôi nghĩ một bộ phận khá lớn của nhân loại đã phải thừa nhận bình đẳng giới là cần thiết, là có thể thực hiện và thành quả của bình đẳng giới đã góp phần rất quan trọng vào sự tiến bộ chung của thế giới.

Từ đó đến nay như chị thấy đó, đúng 100 năm đã trôi qua. Từ chỗ không thừa nhận phụ nữ đi làm việc và không thể có cương vị xã hội như nam giới, trong 100 năm qua, chúng ta có phụ nữ trong danh sách đoạt giải Nobel mà Marie Curie là người đầu tiên. Chúng ta có phụ nữ là Tổng thống, Phó Tổng thống (Phó chủ tịch Nước), Chủ tịch Quốc Hội và Phó chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng quốc phòng, Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Tài chính (là những Bộ mà hơn hai thập niên trước chưa từng có phụ nữ đảm trách trong các chính phủ). Chúng ta có các nữ Hiệu trưởng Đại học ở Việt Nam và một số đại học khác trên thế giới. Chúng ta có các nữ Tổng biên tập báo và truyền hình. Chúng ta có các nữ phi hành gia và nữ vận động viên thể thao danh tiếng không thua kém nam giới. Riêng ở Việt Nam đã có 33% phụ nữ trong Quốc Hội.

Nhìn lại thành tựu của chặng đường bình đẳng giới 100 năm qua và những tồn tại lớn hiện nay về bất bình đẳng giới, tôi nghĩ một bộ phận khá lớn của nhân loại đã phải thừa nhận bình đẳng giới là cần thiết, là có thể thực hiện và thành quả của bình đẳng giới đã góp phần rất quan trọng vào sự tiến bộ chung của thế giới.

Để được đánh giá như vậy, người phụ nữ trên toàn thế giới đã phải phấn đấu rất nhiều và cũng đã được một bộ phận tiến bộ của nhân loại không cùng phái hỗ trợ rất nhiều. Vậy thì, để bình đẳng giới được tin là có thực và trở nên thuyết phục hơn, sống động hơn nữa trong con mắt của cộng đồng, tôi xin trả lời bạn rằng, chỉ có một con đường duy nhất: đó là người phụ nữ luôn phải phấn đấu và phấn đấu nhiều hơn nữa. Có trình độ hiểu biết, có kỹ năng làm việc và có kinh nghiệm ứng xử công cộng thì mới được tuyển dụng, bổ nhiệm. Có sức khỏe, có công việc và thu nhập ổn định, có kỹ năng tổ chức cuộc sống chung và riêng thì mới duy trì được hạnh phúc gia đình (bao gồm sự vén khéo nhà cửa và cả hình dáng nữa) và sự tôn trọng của cộng đồng nghề nghiệp nơi làm việc.

Bạn thấy đấy, một núi yêu cầu đặt ra, không phấn đấu thì làm sao đáp ứng. Nếu bạn ngợp quá nên bảo tôi rằng "tại sao tôi phải phấn đấu nhiều như thế, trong khi không ai sanh con dùm tôi, cho con bú dùm tôi. Tôi không phấn đấu nữa". Thì bạn ơi, vấn đề là bạn phải trở lại từ đầu, phải trả lời chính xác 3 câu hỏi: tôi là ai, tôi muốn gì và tôi phải làm gì để đạt được điều tôi muốn. Bạn muốn được xã hội và gia đình tôn trọng, bạn muốn được hạnh phúc vì đã đem lại chất lượng cuộc sống cho gia đình mình (chất lượng của đứa con tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng người mẹ và hình ảnh gia đình tùy thuộc phần lớn vào người vợ). Nếu muốn thì phải phấn đấu. Đừng nói với tôi rằng bạn không muốn nha.

* Xin gửi câu hỏi đến chị Thùy Linh. Tôi từng có thời gian sinh sống ở Pháp, tôi nhận thấy thái độ tích cực của nam giới trong việc chia sẻ với phụ nữ từ công việc ngoài xã hội đến gia đình tuy ở Pháp người phụ nữ đã có được sự tự chủ ở nhiều mặt. Thực sự đây cũng là tính nhân văn trong xã hội vì người phụ nữ thường nhanh chóng bị phôi phai nhan sắc còn người đàn ông thường chững chạc và trải nghiệm theo thời gian. Nếu những người đàn ông biết san sẻ thì phụ nữ sẽ có thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình chu toàn hơn.

Tôi nghĩ ngay từ lúc nhỏ, nhà trường nên giáo dục những kỹ năng sống cho giới trẻ để không những có sự công bằng về giới mà còn có sự đoàn kết và sẻ chia trong xã hội. Chị nghĩ sao về điều này? (Nguyen Anh, 25 tuổi, born_to_advance0101@...)

- Nguyễn Thị Thùy Linh: Chào Nguyen Anh!

Chị đồng ý với ý kiến là trong xã hội người đàn ông cần có sự chia sẻ với người phụ nữ. Nên ngay từ lúc nhỏ ngoài sự giáo dục kỹ năng sống ở nhà trường thì cần có sự dạy dỗ từ gia đình.

* Theo bà, làm sao để xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ ở Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn? (Đào Việt Anh, 29 tuổi, dongsongbang171@...)

- Bà Nguyễn Thế Thanh: Tôi nghĩ, chỉ có cách tính toán bằng con số, rằng người nữ lao động (cũng là người vợ, người mẹ, người bà) đã làm ra bao nhiêu của cải cho gia đình khi họ vừa đi làm đồng áng hoặc nghề thủ công, vừa nấu ăn, giặt giũ, thu dọn nhà cửa cho mọi thành viên trong nhà. Ở thành thị, một người giúp việc nhà được trả công từ 1 triệu đến 1,8 triệu/tháng.

* Thưa cô Tươi, được biết cô vừa đoạt giải thưởng Kovalevskaia, xin hỏi giải thưởng này được trao dựa trên những tiêu chí nào? Cô có dự định gì tiếp theo trên con đường sự nghiệp của mình? (Phương Anh, 38 tuổi, phuonganh@..,)

- PGS-TS Phan Thị Tươi: Giải thưởng này được trao tặng dựa trên tiêu chí: những phụ nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học trong một thời gian dài, có công trình, đề tài khoa học được chuyển giao công nghệ.

Tôi đang tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và mong muốn đào tạo thế hệ cán bộ nghiên cứu khoa học kế cận để góp phần vào sự phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam.

* Chế độ phong kiến đã ăn sâu vào đời sống của các tầng lớp nhân dân, vấn đề bình đẳng giới chỉ mới mở đầu, có thực hiện được hay không cần phải có sự đồng tình của các cấp chính quyền và người dân nhất là nam giới, bà nghĩ sao về điều này? (Tran Thi Lan Anh, 25 tuổi, Quảng Ngãi).

Không có sự đồng tình của nam giới và nhất là của chính quyền các cấp thì không thể nào thực hiệnđược bình đẳng giới đâu.

- Bà Nguyễn Thế Thanh: Không có sự đồng tình của nam giới và nhất là của chính quyền các cấp thì không thể nào thực hiện được bình đẳng giới đâu. Chừng nào nam giới còn nhận thức "phụ nữ chỉ nên ở trong nhà". Chừng nào cán bộ chính quyền các cấp còn suy nghĩ "phụ nữ chỉ nên đảm đương các công việc giản đơn, cương vị thấp, lương thấp và vì thế không cần phải đào tạo nâng cao trình độ cho chị em làm gì". Chừng nào còn thiếu các chính sách bình đẳng đúng đắn trong tuyển dụng, trong làm việc, trong đào tạo và bổ nhiệm. Chừng nào còn những tồn tại ấy thì sẽ không thể có bình đẳng giới đúng nghĩa. Việc giải quyết cho phụ nữ đi làm việc được hưởng ngày phép nhiều hơn nam giới trong năm khi chị em đã có con.

Việc hỗ trợ một khoản tiền đi lại cho chị em (làm việc) được cơ quan cử đi đào tạo dài hạn ở nơi xa nhà, để một mặt khuyến khích chị em đi học nâng cao trình độ làm việc, mặt khác thể hiện sự quan tâm đến vần đề bình đẳng GIỚI một cách đúng đắn. Tôi nghĩ đó là những gợi ý cho những nhà làm chính sách ở cấp vĩ mô và vi mô (chính sách riêng của một công ty, đơn vị), hoàn toàn không có gì là chiếu cố gây bất bình đẳng cho nam giới cả.

* Xin đặt câu hỏi cho MC Minh Hương: Chị cảm thấy như thế nào khi vừa tham gia chính trị (đại biểu HDND) vừa là một MC, lại vừa là một doanh nhân? Chị hiểu thế nào về sự "vùng lên" của người phụ nữ hôm nay? (phan lac dong quan, 47 tuổi, quanphan_52@...)

Minh Hương thích sự "vùng lên" bằng cách khẳng định và tôn trọng những giá trị của phụ nữ, biết cách đòi hỏi sự công bằng và chia sẻ những khó khăn vất vả, những vui buồn trong cuộc sống giữa hai phái.

- MC Minh Hương: Mình cảm thấy rất có ích khi làm tốt cả hai công việc vì thấy được giá trị của bản thân và sự đóng góp cho cộng đồng.

Như anh hỏi về sự "vùng lên" của phụ nữ thì Hương hiểu rằng đó là sự tôn trọng và bình đẳng mà người phụ nữ thấy mình cần phải được hưởng. Đôi khi có sự vùng lên hơi thái quá như "em cho con bú thì anh phải lau nhà" hoặc "phụ nữ thời nay không cần vào bếp vì đã có thức ăn nhanh bán đầy ngoài siêu thị". Mình không tán thành sự "vùng lên" như vậy.

Mình thích sự vùng lên bằng cách khẳng định và tôn trọng những giá trị của phụ nữ, biết cách đòi hỏi sự công bằng và chia sẻ những khó khăn vất vả, những vui buồn trong cuộc sống giữa hai phái.

wPRwXPGa.jpgPhóng to
Đại biểu HĐND - MC Minh Hương - Ảnh: Minh Đức

* Kính gửi PGS-TS Tươi: Liệu có bình đẳng giới không, khi phụ nữ phải về hưu khi 55 tuổi, còn đàn ông 60 tuổi. Trong khi đó có rất nhiều chi phụ nữ còn có khả năng làm việc, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp. Liệu bao giờ mới áp dụng giải pháp nam và nữ về hưu cùng tuổi? (Lan Huong, 52 tuổi, dlhuong0405@...)

- PGS-TS Phan Thị Tươi: Trong thực tế xã hội có nhiều phụ nữ còn khả năng làm việc và làm việc tốt ở tuổi 55. Nhất là trong lĩnh vực hành chánh, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đối với môi trường của tôi, phụ nữ từ khoảng 45-55 là tuổi sung sức nhất trong công việc vì chị em đã ổn định về gia đình, tích lũy nhiều kinh nghiệm chuyên môn và còn sức khỏe. Hiện nay cũng có những quy định cho phép phụ nữ được kéo dài thời gian làm việc đến 60 tuổi (ví dụ như tôi). Tuy nhiên ở những môi trường khác đòi hỏi sức khỏe của người lao động thì việc kéo dài tuổi làm việc của phụ nữ lại là sự không hợp lý.

* Chào chị Linh! Theo chị thế nào là bình đẳng giới. Cùng một vị trí việc làm, nếu nữ giới nhận lương bằng với nam giới nhưng hiệu quả công việc ít hơn. Như vậy có gọi là bình đẳng giới? (Phi Hùng, 19 tuổi, hungphi245@...)

- Nguyễn Thị Thùy Linh: Theo chị bình đẳng giới là trong một xã hội người đàn ông và phụ nữ được xem là như nhau, giữa họ không có sự phân biệt đối xử. Cùng một vị trí công việc, cả hai cùng nhận lương như nhau nhưng hiệu quả công việc của người phụ nữ kém hơn. Bình đẳng giới trong trường hợp này không phải dựa trên hiệu quả công việc, vì trong nhiều công việc, người đàn ông cũng có thể làm kém hiệu quả hơn phụ nữ.

* Chị nghĩ như thế nào khi người con gái từ khi lấy chồng cứ năm nào cũng phải ăn Tết ở quê chồng, có mấy ai có thể được chồng cho quyền xen kẽ 1 năm ăn Tết với nhà chồng, năm sau ở nhà vợ? (Nguyễn Lê Diễm Trang, 27 tuổi, tuoitreonline@...)

- MC Minh Hương: Sao bạn hiền thế, bạn có thể bàn bạc với chồng về việc ăn tết và thu xếp việc đó mà. Mình không nghĩ gia đình bên ngoại hay bên nội quan trọng hơn đâu. Hãy cùng chồng bàn bạc và đưa ra giải pháp lựa chọn chứ nếu cứ thế bạn bị stress suốt tết mất thôi.

* Gởi cô Tươi, ba con là con thứ ba trong gia đình có 6 anh em, má con là út. Ba con dành hết phần cúng kiếng bên gia đình nội nên một năm nhà con có 8 cái đám giỗ. Má con luôn làm tròn công việc này, nhưng con thấy như vậy là không công bằng cho má lắm. Đám giỗ ngoại thì má con phải đi đến nhà dì dự. Con có nên nói với ba con chuyện này không? Và có hay không sự bình đẳng với má con. Cám ơn cô nhiều. (Tuấn Vinh, 22 tuổi, tuanvinh12a5@...)

- PGS-TS khoa học Phan Thị Tươi: Em là con (con trai), nếu em thấy điều này chưa hợp lý thì em có thể nói chuyện với ba - mà đàn ông với nhau nói chuyện này càng dễ, cô nghĩ ba sẽ thông cảm và hiểu em.

* Theo chị, cuộc sống thời nay người phụ nữ cần phải như thế nào để cân bằng việc gia đình và công việc ở công ty? (Thảo Trang, 28 tuổi, bienxanh_020485)

- Người mẫu Xuân Lan: Theo Xuân Lan thì không phải thời nay mà từ rất lâu rồi hình ảnh người phụ nữ luôn cố gắng phát triển và phấn đấu để đạt được mục tiêu là "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Nếu muốn được như thế thì việc đầu tiên là phải biết cân bằng thời gian sao cho hợp lý nhất để bảo đảm cả hai, kế đến là chúng ta phải giữ tinh thần thật minh mẫn và sức khỏe thật tốt để mình luôn thoải mái vui vẻ trong công việc lẫn như trong cuộc sống thường ngày.

* Bình đẳng giới là một đề tài khá rộng. Tôi chỉ xin đặt một câu hỏi nho nhỏ là theo cô Phụ nữ Việt Nam đến bao giờ được Luật pháp bảo vệ chính đáng trong hôn nhân gia đình. Cụ thể, nếu chồng ngoại tình, vũ phu, khi ly đị họ có thực sự được Luật pháp bảo vệ hay không? Tại sao không chế tài việc ngoại tình bằng việc phân chia tài sản nhiều hơn cho nữ giới, và thêm tiền phụ cấp cho con cái. Ở các nước phương Tây, nhờ có chế tài tài chính mà người ta ngăn được ngoại tình. Tại sao ta thì không? Cô nghĩ sao về điều này? (James, 26 tuổi, jamesngo@...)

- PGS-TS Phan Thị Tươi: Hiện nay luật pháp Việt Nam đã bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người phụ nữ trong hôn nhân gia đình bao gồm cả những vấn đề cô đã nêu ở trên. Theo tôi biết, thậm chí khi người chồng thực hiện sự chuyển dịch tài sản mà chỉ có một mình họ đứng tên thì theo luật Việt Nam vẫn phải có sự đồng ý của người vợ. Còn việc ngăn chặn việc ngoại tình thì tôi nghĩ phải có nhiều biện pháp khác nữa. Và cũng không thể nói hiện tượng ngoại tình ở Việt Nam lả nhiều hơn ở nước khác.

* Thưa chị Minh Hương, gần đây em thấy chị ít xuất hiện với vai trò MC trên các chương trình truyền hình, phải chăng vì chị muốn làm MC đến một thời điểm nào đó rồi chuyển hướng sang con đường chính trị hay vì một lý do nào khác? (Minh Triet, 32 tuổi, minhtriet@...)

- MC Minh Hương: Chào bạn Triết, dạo này vì quá bận việc của công ty và cũng muốn giành thời gian nhiều hơn để chăm lo cho gia đình và phát triển bản thân nên chị đã rút dần ra khỏi công việc MC, dù lâu lâu cũng nhớ nghề lắm. Chị cảm thấy rất vui khi ra đường vẫn có người vẫn nhận ra mình với vai trò là MC, nhưng cũng rất hài lòng với lựa chọn hiện nay vì với công việc này chị có thể áp dụng được những kiến thức đã học và luôn luôn cập nhật những thông tin mới, kiến thức mới của nghề truyền thông, chính vì vậy chị không cảm thấy mình bị chia tách với nghề MC trước đây.

Còn việc trở thành nhà chính trị thì không phải là lựa chọn của chị đâu. Chị chỉ làm hết trách nhiệm của đại biểu HDND TP.HCM trước những người dân đã bỏ phiếu cho chị mà thôi.

* Theo cô, bình đẳng có phải là ngang bằng nhau về mọi vấn đề trong cuộc sống tâm sinh lý và xã hội hay là sự tôn trọng sắp xếp vị trí vai trò của phụ nữ trong cuộc sống hiện đại? (Duong Minh Anh, 32 tuổi, duong_minhanh@...)

- PGS-TS Phan Thị Tươi: Bình đẳng giới là tôn trọng vai trò của phụ nữ trong cuộc sống xã hội. Tôi nghĩ không hẳn là: "sự tôn trọng sắp xếp vị trí vai trò của phụ nữ trong cuộc sống hiện đại" như câu hỏi của bạn.

* Em muốn đặt câu hỏi cho bà Nguyễn Thế Thanh: Là tổng giám đốc công ty Sài Gòn truyền thông, nguyên tổng biên tập báo Phụ Nữ, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch, với nhiều vai trò như vậy thì việc phân phối công việc gia đình và của công ty như thế nào, trong gia đình thì sự phân phối công việc của bà như thế nào giữa chồng và vợ. Và giả sử người phụ nữ hiện nay được đi làm và có chỗ đứng trong xã hội thì vị trí người đàn ông có ảnh hưởng như thế nào cả về mặt suy nghĩ lẫn bên ngoài? (Một bạn đọc, 22 tuổi, thienha888@...)

Sự phấn đấu của người phụ nữ là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn đối với người phụ nữ đi làm việc và đã lập gia đình là họ có một người chồng yêu mình và thể hiện tình yêu đó qua sự cảm thông, chia sẻ mọi bề với vợ.

- Bà Nguyễn Thế Thanh: Thực ra, những người phụ nữ đi làm việc như tôi hiện có rất nhiều trong xã hội. Sở dĩ tôi và các chị cùng hoàn cảnh cương vị như tôi hoàn thành được một khối lượng công việc nào đó ở cơ quan, là do chúng tôi may mắn có được người chồng hiểu biết, rất cảm thông và sẵn sàng chia sẻ với vợ mọi điều, kể cả việc chấp nhận vợ mình không có nhiều thời gian dành cho gia đình, không khéo léo đảm đang lắm. Sự phấn đấu của người phụ nữ là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn đối với người phụ nữ đi làm việc và đã lập gia đình là họ có một người chồng yêu mình và thể hiện tình yêu đó qua sự cảm thông, chia sẻ mọi bề với vợ. Việc nhà thì nhiều chị đã biết đấy, chẳng bao giờ được xem là đã xong, đã hết. Tôi nghĩ người phụ nữ phải tổ chức việc nhà sao cho có sự hiện diện của mình nhưng không nhất thiết tự mình phải làm hết mọi việc. Tôi nhớ chị bạn tôi kể, nhiều lần cơm nước đã dọn lên bàn, chị ấy đi làm về với túi trái cây mà chồng và con trai rất thích, trong khi rửa tay chị hỏi "còn thiếu gì nữa để mẹ làm thêm nào", chồng chị đã vui vẻ trả lời "thiếu mỗi mẹ và món trái cây bố con anh thích nữa thôi".

* Quả thật phụ nữ ngày nay đã tiến bộ rất nhiều trong mọi lĩnh vực, nhưng để đạt được những thành quả đó, có thể nói người phụ nữ phải nỗ lực gấp hai lần so với đàn ông. Ngoài công việc đã rất áp lực ở xã hội, họ lại còn gánh vác cả những công việc không công trong gia đình, không được tính vào chỉ số GDP. Phải chăng chúng ta nên giáo dục những trẻ trai phải biết làm việc nhà ngay từ nhỏ, đồng thời có phong trào phát động phụ nữ biết khéo léo hơn trong việc chia sẻ công việc nhà với chồng? (Trương Thị Kim Nhung, 23 tuổi, kimnhungflower@...)

- PGS -TS Phan Thị Tươi: Tôi đồng ý với em ở ý đầu tiên trong câu hỏi này nhưng không đồng ý ở ý thứ hai về quan điểm công việc gia đình. Đúng là người phụ nữ để đạt được thành quả trong công việc thì phải nỗ lực gấp hai thậm chí gấp ba so với đàn ông bởi vì họ vừa làm trách nhiệm của một công dân trong xã hội lại làm thiên chức người mẹ, người vợ. Tuy nhiên những công việc trong gia đình thì không phải là công việc không công bởi vì những công việc này là những công việc chúng ta làm cho những người thân của mình thì không thể gọi là không công.

* Thưa chị Minh Hương: Công việc của chị thường xuyên xuất hiện trước công chúng nên rất cần một nhan sắc và diện mạo bên ngoài, thế nhưng có khi nào công việc chị đang làm và áp lực gia đình, chăm lo chồng con quá nặng nề khiến chị cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi hay không? Nếu có thì làm thế nào để chị cân bằng nó? (Trâm Anh, 27 tuổi, anhtram@...)

Khi mệt mỏi với công việc ở bên ngoài thì Minh Hương tìm cách thư giãn với công việc gia đình.

- MC Minh Hương: Chào Trâm Anh! Trong xã hội hiện đại này, chịu áp lực là đương nhiên. Có những lúc áp lực công việc quá lớn khiến mình bị căng thẳng và mình tự cho phép dành khoảng 2 giờ để thư giãn, đi mua sắm hay đọc sách chẳng hạn.

Như bạn đã biết, hiện nay mình luôn phải làm việc với cường độ cao nên cũng rất căng thẳng, khi mệt với công việc ở ngoài thì mình tìm cách thư giãn với công việc gia đình. Mình có người giúp việc nên không quá áp lực bởi việc nhà mà chỉ phân công, lên thực đơn cho cả nhà và vào bếp trong ngày thứ bảy và chủ nhật. Mình thích nấu ăn và nấu ăn ngon nên việc vào bếp trở nên rất thích thú nữa. Thêm một bí quyết để lúc nào cũng giữ được vẻ thoải mái đó là mình đi tập yoga và chính điều này đã giúp mình có đủ sức khỏe kể cả thể chất và tinh thần để không lo stress.

BF0Uw5dg.jpgPhóng to
MC Minh Hương trò chuyện trực tuyến - Ảnh: Minh Đức

* Thưa Xuân Lan, theo chị trong đời sống vợ chồng, để gắn bó lâu dài thì điều gì là quan trọng nhất? (NGOC DUC, 53 tuổi, mechanhkhe@...)

Cuộc sống có trăm ngàn điều khó khăn. Một cặp vợ chồng lúc nào cũng tôn trọng nhau có nghĩa là cũng sẽ tin tưởng nhau, trân trọng nhau, chia sẻ cho nhau những điều khó khăn đó.

- Người mẫu Xuân Lan: Chào anh,Xuân Lan nghĩ rằng trong đời sống vợ chồng để được lâu dài thì quan nhất là phải tôn trọng nhau, sau đó mới là yêu thương nhau.

Cuộc sống có trăm ngàn điều khó khăn. Một cặp vợ chồng lúc nào cũng tôn trọng nhau có nghĩa là cũng sẽ tin tưởng nhau, trân trọng nhau, chia sẻ cho nhau những điều khó khăn đó. Nếu được như thế thì không hạnh phúc nào sánh bằng. Lúc đó tình yêu thương sẽ được cộng hưởng và sẽ càng yêu thương nhau hơn. Nếu giữ được lửa chỉ từ hai yếu tố này thôi thì hạnh phúc của hôn nhân gia đình sẽ được sưởi ấm rất lâu bền.

Rất cám ơn anh vì câu hỏi này.

iayPhcvZ.jpgPhóng to
Người mẫu Xuân Lan tại Tòa soạn Tuổi Trẻ Online - Ảnh: Minh Đức

* Tôi có 2 con nhỏ, việc chăm sóc chồng và con là niềm hạnh phúc của tôi, nhưng đôi lúc tôi cũng bị quá tải. Tôi thấy người nước ngoài, chẳng hạn như người Mỹ, thông thường người chồng cùng phụ giúp vợ làm việc nhà và chăm sóc con. Mỗi khi tôi nhìn thấy những cảnh như thế tôi thấy rất hạnh phúc cho họ. Còn ở Việt Nam sao lại ít có trường hợp chồng giúp vợ trong việc gia đình quá, họ cũng công nhận rằng phụ nữ ngày nay cần được bình đẳng như nam giới, ấy vậy lại cũng chẳng giúp được gì cho vợ. Theo chị có cách nào làm thay đổi tư tưởng của những người chồng ấy không? (Nguyễn Ngọc Hoài Thi, 33 tuổi, cathipha@...)

- MC Minh Hương: Hoài Thi ơi! Ngày nay xã hội phát triển và vai trò của phụ nữ được đề cao hơn nên chúng ta hay lên án đàn ông VN sao chẳng biết galăng, chẳng biết chia sẻ công việc với vợ. Lỗi không hoàn toàn nằm ở đàn ông đâu bạn ạ.

Mình nghĩ rằng để người chồng VN biết chia sẻ công việc như các ông chồng tây thì hãy tập cho người đàn ông của mình và biết các khuyến khích anh ấy chia sẻ công việc gia đình, chăm con với mình.

Theo mình thì chính những người mẹ đã không dạy con trai mình biết chia sẻ công việc gia đình, biết làm việc của gia đình, lớn lên lấy vợ, vợ lại làm hết việc nhà và giành phần chăm sóc con, thế là họ chẳng biết làm gì.

Mình nghĩ rằng để chồng VN biết chia sẻ công việc như các ông chồng tây thì hãy tập cho người đàn ông của mình và biết các khuyến khích anh ấy chia sẻ công việc gia đình, chăm con với mình. Bạn đừng quá khắt khe về chất lượng công việc anh ấy làm lúc ban đầu, từ từ anh ấy sẽ giỏi thôi. Vấn đề là bạn phải cho anh ấy biết bạn rất cần anh ấy giúp đỡ và bạn tự hào về điều đó. Hãy hướng dẫn và khuyến khích anh ấy chia sẻ công việc gia đình với bạn một cách kiên nhẫn. Chồng bạn sẽ hiểu và làm tốt thôi vì chẳng người chồng nào lại không muốn mang lại hạnh phúc cho vợ con mình cả.

* Chào chị Tươi, xin cho hỏi một câu hơi riêng tư: Chị có bao giờ cảm thấy cô đơn trên hành trình làm khoa học của mình không? Nếu có, chị sẽ làm gì những lúc cô đơn như vậy? (Đào Như, 27 tuổi, daonhu@...)

- PGS -TS Phan Thị Tươi: Tôi không cảm thấy cô đơn bởi vì tôi không cô đơn trên hành trình làm khoa học của mình. Tôi có gia đình hạnh phúc, tôi luôn được chồng và các con giúp đỡ và ủng hộ. Trong công việc tôi nhận được sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp, sự cộng tác tốt của các học trò của tôi.

Theo tôi cuộc sống rất đa dạng, rất phong phú nên chúng ta đừng để mình ở trạng thái cô đơn mà mở lòng mình với mọi người và tìm cho mình những hoạt động để thoát ra khỏi sự cô đơn.

* Khi yêu con gái không nên chủ động mà nếu có thì bị coi là không đàng hoàng. Tại sao lại như vậy? Bà nghĩ sao về vấn đề này? (Huỳnh Thị Ngọc Oanh, 20 tuổi, oanhhuynhtl_qn@...)

- Bà Nguyễn Thế Thanh: Tôi nghĩ, sự đàng hoàng của một cô gái không tùy thuộc vào việc cô ấy chủ động bày tỏ tình yêu với người mình yêu hay là chờ người kia bày tỏ. Vấn đề là tình cảm của cô gái rất chân thành, thái độ bày tỏ rất có văn hóa. Như vậy, nếu chàng trai kia cũng yêu chân thành cô gái mà chưa có dịp bày tỏ, sẽ chẳng có chuyện cô gái bị xem là không đàng hoàng. Trường hợp tình yêu của cô gái là đơn phương, sự chân thành và nét văn hóa trong sự chủ động bày tỏ của cô gái cũng sẽ không thể bị chàng trai xem thường, nếu đó là một chàng trai thực sự đàng hoàng.

* Người xưa có câu "hạnh phúc như một chiếc chăn hẹp", nếu kéo đằng này thì đằng kia sẽ hở. Xin hỏi cô Tươi, cô đã từng thành công với công việc một nhà quản lý, một nhà nghiên cứu, vậy công việc gia đình được cô sắp xếp như thế nào? Theo cô tự đánh giá thì cô có làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình không? (Anh Quan, 36 tuổi, anhquan@...)

- PGS-TS Phan Thị Tươi: Theo cá nhân tự đánh giá thì tôi làm tròn trách nhiệm của một nhà quản lý và nỗ lực hết sức mình trong công tác nghiên cứu khoa học. Công việc gia đình tôi tự đánh giá làm được thiên chức của người vợ và người mẹ nhưng tôi không dám đánh giá làm tròn thiên chức đó. Vì làm tròn có nghĩa là không có thiếu sót nào cả, tôi tự thấy mình có thể làm tốt hơn nếu có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình.

* Chào chị Minh Hương, em đã được biết chị trước đây qua vai trò là MC. Và bây giờ chị là Đại biểu Hội đồng Nhân dân và là giám đốc của một công ty truyền thông. Với khối lượng công việc lớn như vậy chị làm thế nào để vừa làm tốt được công việc vừa làm tốt được vai trò của người phụ nữ trong gia đình? Thân chào chị. (Trịnh Phương Thanh Thủy, 19 tuổi, thanhthuycth@...)

- MC Minh Hương: Bạn Thủy mến! Nhiều lúc nghĩ lại mình không hiểu làm sao mình có thể làm tốt được mọi việc. Cũng có những lúc cảm thấy đuối sức nhưng rồi mọi việc cũng ổn. Bí quyết của mình là tự tập cho mình cách sống với áp lực cao và làm việc theo thứ tự ưu tiên cũng như biết cách chia sẻ công việc với mọi người từ trong gia đình đến các cộng sự tại công ty. Đừng quá đòi hỏi mình phải hoàn hảo ở các vị trí, hãy biết yêu bản thân mình và chia sẻ công việc với mọi người.

* Thưa cô Tươi, được biết cô đã từng lãnh đạo, quản lý một trường kỹ thuật qui mô và nổi tiếng như Đại học Bách khoa (công việc vốn thuận tay đối với nam giới). Phụ nữ làm công việc này thì có ảnh hưởng gì đến việc dạy con của cô không? (Vu Hoang Xuan, 33 tuổi, vuhoangxuan@...)

- PGS-TS Phan Thị Tươi: Công việc quản lý thì phụ nữ hay đàn ông đều có thể làm. Hiện nay có rất nhiều những doanh nghiệp nữ, những nhà quản lý nữ thành đạt. Chỉ khác là trường đại học Bách khoa thì số lượng nam giới nhiều hơn. Còn chuyên môn thì tôi cũng thuộc lãnh vực kỹ thuật nên không thể nói công việc này chỉ thuận tay đối với nam giới. Công việc quản lý chiếm nhiều thời gian cho nên tôi cũng không có nhiều thời gian dành cho các con, tuy nhiên ngoài công việc xã hội thì thời gian còn lại là tôi dành cho gia đình. Các con tôi cũng hiểu được điều đó. Hơn nữa chính sự nỗ lực của tôi trong quản lý và chuyên môn ở môi trường giáo dục cũng là một cách dạy các con những đức tính cần có trong cuộc sống.

* Chào chị Minh Hương, chị rất tài năng và đẹp, trong các lĩnh vực kinh doanh rồi tham gia công tác chính trị nữa. Là một người phụ nữ, thời gian phải "chia năm, xẻ bảy" như vậy, liệu chị có đảm bảo việc gia đình để ổn định cho sự nghiệp bởi vì đàn ông cũng khó tính lắm! (Văn Bảo Anh Trinh, 22 tuổi, trinhvan87@...)

- MC Minh Hương: Cảm ơn em đã khen chị (phụ nữ vẫn luôn thích được khen mà...). Ngoài công việc chuyên môn ở công ty truyền thông mà chị phụ trách và hoạt động của đại biểu HDND TP.HCM thì chị vẫn khá đảm đang trong gia đình đấy.

Quan điểm của chị là người phụ nữ bận rộn thì nên tập cho các thành viên trong nhà cùng biết chia sẻ việc nhà.

Vấn đề của chị là việc sắp xếp thời gian và nhờ mọi người trong gia đình cùng chia sẻ công việc nhà. Những lúc quá bận rộn chị lại nhờ mẹ và thế là ai cũng vui, chị thì đỡ stress, mẹ chị cảm thấy vẫn còn có ích cho con cháu, các con và ông xã chị cũng vui vì mọi việc được giải quyết êm xuôi.

Quan điểm của chị là người phụ nữ bận rộn thì nên tập cho các thành viên trong nhà cùng biết chia sẻ việc nhà. Đừng ôm hết việc vào mình thì rất mệt mỏi. Khi người mẹ mệt mỏi, sinh ra cáu gắt thì cả nhà cũng căng thẳng theo vậy là chẳng ai vui cả.

* Để phụ nữ đang có sự nghiệp, việc làm mang lợi nhuận cao về cho gia đình được bớt gánh nặng gia đình, người đàn ông có thể ở nhà lo việc chăm sóc con cái; nấu nướng; đi chợ và dọn dẹp nhà cửa. Vậy thật ra trong mắt phụ nữ và xã hội có còn xem họ là đàn ông nữa không? Hay cảm thấy họ không còn xứng đáng là chủ gia đình, là trụ cột gia đình và là "đàn ông" nữa, chị nghĩ sao về điều này? (Nguyễn Thanh Phong, 46 tuổi, nguyenphong@...)

- MC Minh Hương: Thưa anh Phong, Hương đọc thấy trong câu hỏi của anh rất "tâm trạng". Dưới con mắt của xã hội, khi đàn ông gánh vác việc gia đình để người phụ nữ yên tâm ngoài xã hội thì đó quả là sự hi sinh rất lớn, chính vì vậy họ càng cần được gia đình trân trọng những đóng góp này. Riêng đối với Hương thì ngoài sự hi sinh và đóng góp này cho gia đình thì người đàn ông luôn cần phải có cái riêng, đó có thể là sự đam mê khoa học, đam mê chính trị, chuyên môn hay đơn giản là luôn biết tôn trọng và tạo ra một giá trị riêng cho mình, nếu như vậy thì dù có làm gì họ cũng không mất đi sự tôn trọng của phụ nữ.

* Liệu có thật sự bình đẳng giới không khi mà công việc ngoài xã hội người phụ nữ phải hoàn thành như các anh, khi về nhà lại lo công việc nhà, nấu ăn, chăm con... Và điều đó được xem là trách nhiệm hiển nhiên, thiên chức của người phụ nữ. Với khối lượng công việc ở nhà như vậy nếu không có sự chia sẻ của các anh thì chị em vẫn làm được nhưng không còn thời gian dành cho riêng mình. Cô nghĩ sao về điều này? (Thai Kieu Oanh, 25 tuổi, thaingoc25@...)

- PGS - TS Phan Thị Tươi: Đúng thật là không có sự bình đẳng giới nếu ngoài công việc ở xã hội người phụ nữ phải làm tất cả công việc gia đình mà không có sự chia sẻ của người chồng. Như vậy chúng ta (phụ nữ) phải thực hiện sự bình đẳng giới đó ngay tại gia đình mình bằng cách trao đổi để chồng mình hiểu và chia sẻ công việc gia đình. Tôi nghĩ điều đó có thể thực hiện được khi chúng ta phải là người quan tâm đến những người thân trong gia đình trước tiên: chồng, con... Nếu làm được điều này thì cũng dễ dàng nhận được sự cảm thông chia sẻ của chồng hơn.

* Gửi chị Thùy Linh: Thưa chị, ở Pháp và cũng như ở châu Âu người ta giáo dục như thế nào cho giới trẻ về bình đẳng giới? Đàn ông Việt Nam ở đây thường nửa đùa, nửa thật rằng còn may mắn sống ở đây vì ở Âu - Mỹ, "phụ nữ đứng thứ nhất, con cái đứng thứ hai, chó mèo đứng thứ ba, còn đàn ông đứng... thứ chót". Điều đó có đúng không chị? Và là một phụ nữ Pháp, chị thấy có tự hào vì điều đó không? (Bong Hong Gai, 27 tuổi tuổi, rose-aigue@...)

- Nguyễn Thị Thùy Linh: Chào bạn! Ở bên Pháp điều đầu tiên người ta dạy là con người trong xã hội là công bằng, không phân biệt là nam hay nữ, già hay trẻ, màu da, sắc tộc...

Người đàn ông ở nước ngoài và người đàn ông ở Việt Nam cũng là người đàn ông, bạn ơi! Họ khác văn hóa và khác ngôn ngữ nhưng về quan hệ với phụ nữ thì có người thích nói đùa, có người nghiêm túc, có người tốt, có người xấu nhưng mình phải phân tích con người thì mới biết được.

Không biết bạn đọc câu này ở đâu nhưng có thể là đúng. Theo mình thì gia đình đứng thứ nhất, sau đó là công việc. Cũng có thể người đàn ông Pháp muốn đề cao người phụ nữ trong cuộc sống, quyền bình đẳng của người phụ nữ Pháp được quan tâm hơn.

* Thưa bà Nguyễn Thế Thanh, từng giữ những chức vụ cao như quản lý, điều hành một tờ báo, tham gia công tác xã hội, vậy theo bà làm thế nào xóa bỏ dần nạn bạo hành gia đình hiện nay. Tôi được biết vấn nạn này ngày càng phổ biến ở nhiều hình thức: phụ nữ có học thức cũng có thể bị chồng bạo hành bằng cử chỉ, lời nói... (Ngọc Anh, 55 tuổi, anhngoc@...)

Sở dĩ nạn bạo hành trong gia đình còn tồn tại khá phổ biến là bởi vì bản thân người phụ nữ khi bị chồng đánh hoặc không cảm thấy bị xúc phạm vì luôn tự xác định mình là tôi tớ của ông chồng.

- Bà Nguyễn Thế Thanh: Theo tôi, sở dĩ nạn bạo hành trong gia đình còn tồn tại khá phổ biến là bởi vì bản thân người phụ nữ khi bị chồng đánh hoặc không cảm thấy bị xúc phạm vì luôn tự xác định mình là tôi tớ của ông chồng. Hoặc biết rõ đó là sự xúc phạm nghiêm trọng nhưng nếu nói ra, nếu làm lớn chuyện sẽ "xấu chàng hổ ai", nên đã giữ im lặng, khiến xung quanh không biết đến tình trạng bị chồng đánh, hoặc bị chồng lăng mạ bằng lời nói, cử chỉ. Trong khi những hành vi bạo hành (không bằng vũ lực) đều đã được giải thích, qui định cụ thể trong Luật dân sự, Luật hình sự, Luật hôn nhân gia đình và nay là Luật bình đẳng giới.

Vấn đề chấm dứt bạo hành gia đình, theo tôi, có được giảm thiểu đáng kể và đi đến chấm dứt hay không là do người phụ nữ có muốn tham gia hay không vào quá trình xóa bỏ nó. Còn giữ khư khư những suy nghĩ "chồng mình đánh mình chứ có phải ai đâu", hoặc "nói cho người khác biết, vừa xấu hổ lại vừa bị đánh nhiều hơn không biết chừng". Mặt khác, nếu những người xung quanh đừng xem chuyện phụ nữ bị chồng đánh, bị chồng ngược đãi bằng sự lăng mạ là "chuyện riêng nhà người ta"; nếu xung quanh sẵn sàng giúp người phụ nữ, nạn nhân của bạo hành gia đình giải quyết vấn đề của họ thì tôi tin tình trạng bạo hành gia đình sẽ giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, có một vấn đề mà theo tôi người phụ nữ cũng rất cần quan tâm: bản thân mình đừng tạo ra những tình huống có thể dẫn đến hành vi bạo hành. Ý tôi là chúng ta nên tìm hiểu về văn hóa hòa bình, nghĩa là chừng nào còn có nhiều sự tôn trọng, sự bao dung trong cuộc sống chung thì chừng ấy sẽ không có cánh cửa nào cho bạo hành gia đình. Phụ nữ có học thức chưa chắc đã muốn hiểu về văn hóa hòa bình đâu. Có học thức cao, địa vị xã hội cao - đó chưa phải là những đảm bảo duy nhất cho một mối quan hệ văn hóa gia đình.

* Xin hỏi người mẫu Xuân Lan, chị nghĩ thế nào về tình trạng bạo hành gia đình khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Theo chị, làm thế nào giảm thiểu tình trạng này? (Ngọc Nga, 23 tuổi, ngocngaanh@...)

- Người mẫu Xuân Lan: Nạn bạo hành gia đình là một vấn đề khá nóng trong xã hội hiện nay. Để giảm thiểu tình trạng này Xuân Lan nghĩ điều cần thiết đầu tiên là nạn nhân của bạo hành gia đình phải biết tự bảo vệ mình. Nếu cứ im lặng chịu đựng thì càng ngày hậu quả càng nặng nề hơn. Nếu thấy có những biểu hiện của bạo hành trong gia đình cần phải lên tiếng ngay hoặc cầu cứu đến những người chung quanh và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng diễn biến xấu hơn.

Bên cạnh đó các cơ quan chức năng nên tư vấn cho những gia đình này những điều cơ bản của một gia đình văn hóa như biết tôn trọng lẫn nhau, biết cư xử đúng cách.

* Đàn ông VN vẫn còn "tật" là bất kỳ buổi tiệc hay liên hoan nào là chỉ có phụ nữ quẩn quanh dưới bếp, còn các ông các anh thì ngồi nhà trên chơi uống nuớc chờ cơm, làm sao để tình trạng này giảm dần trong tương lai? (Thanh, 17 tuổi, jtramnguyen@...)

- MC Minh Hương: Hi hi, bạn hỏi khó quá... vì chính các bà, các chị trong gia đình cũng rất ghét đàn ông quẩn quanh dưới bếp khi có đám tiệc đám giỗ (vì mấy ông cứ lóng nga, lóng ngóng nên lắm khi còn "rách" việc thêm). Thế là các ông kéo nhau uống trà, tán chuyện mặc các bà làm gì thì làm.

Vấn đề ở đây là ngay từ nhỏ chúng ta đã không tập cho bé trai làm việc nhà và làm bếp đến khi lớn lên họ đương nhiên hiểu là họ sẽ không phải làm việc nhà và vào bếp. Để thay đổi tình trạng này, trước hết hãy dạy cho các bé trai biết chia sẻ công việc nhà với mẹ và các chị em gái để khi lớn lên họ sẽ biết cách làm và không quá vụng về. Bên cạnh đó người phụ nữ cũng phải biết phân công và chia sẻ công việc với đàn ông không nhất thiết cứ phải bắt họ vào bếp mà có thể phân công những việc khác như lau bàn thờ, kê dọn bàn ghế... để cả nhà cùng đỡ mệt mà đàn ông cũng cảm thấy có ích hơn...

* Sắp đến ngày 8-3, em xin chúc chị có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Và câu hỏi của em là chị có quan điểm như thế nào về người phụ nữ thành công hơn người chồng của mình? Em cũng thấy người chồng phải chịu khá nhiều áp lực từ dư luận xã hội. (Nguyễn Thành Nam, 23 tuổi, luckeman@...)

- MC Minh Hương: Cảm ơn lời chúc của Nam nhé (em là người chúc chị đầu tiên ngày 8/3 đấy).

Chị nghĩ việc người vợ thành công hơn người chồng của mình thì cũng bình thường thôi, chúng ta đang ở thời đại nam nữ bình đẳng cơ mà. Riêng ở VN người chồng cảm thấy chịu áp lực khi người vợ thành công hơn vì chúng ta vẫn có quan niệm vai trò của phụ nữ là ở trong gia đình là chính còn ngoài xã hội chỉ là phụ hoặc đàn ông thì phải công thành danh toại thì mới đáng mặt đàn ông.

Chị nghĩ rằng điều quan trọng là mỗi người tự xác định như thế nào là thành công của chính mình và mình tự hào vì điều gì chứ đừng để dư luận hoặc người khác điều khiển cảm xúc và cuộc sống của mình. Thêm nữa đối với những gia đình mà người vợ thành đạt ngoài xã hội hơn chồng mình thì phải rất khéo léo và tế nhị trong cuộc sống để người chồng không cảm thấy bị vợ xem thường.

* Xin hỏi chị Xuân Lan: Thưa chị, em từng được biết chị đã tuyên bố sẵn sàng là một "single mom". Thế rồi chị lại lập gia đình. Phải chăng chị cảm thấy sợ nếu phải "nuôi con một mình"? Cám ơn chị. (Phi Em, 25 tuổi tuổi, phi-em@...)

- Người mẫu Xuân Lan: Xuân Lan đã từng có ý định làm "single mom". Nói như thế không có nghĩa mình ủng hộ những bà mẹ đơn thân không nên lập gia đình. Xuân Lan nghĩ rằng mình ủng hộ bất cứ ai muốn có một đứa con để bớt cô đơn và thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống khi được làm mẹ nếu không tìm ra được một người hợp ý để kết hôn.

May mắn sau đó Xuân Lan gặp được chồng Xuân Lan bây giờ (cười). Dù sao có một gia đình hạnh phúc vẫn tốt hơn là làm mẹ đơn thân, bạn nhỉ?

* Là một nam thanh niên, tôi cảm thấy việc tuyên truyền về bình đẳng giới chưa đúng cách, chưa toàn diện đã tạo nên không ít tác dụng phụ, người phụ nữ Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung vẫn phải có những nét đẹp truyền thống vốn có, thế mà không ít bạn trẻ nữ đã dùng cái "lý luận bình đẳng giới" để biện minh cho những thiếu sót của mình, không chịu rèn luyện, trau dồi nhũng đạo đức, nét đẹp của người phụ nữ. Xin được biết ý kiến của cô về vấn đề này, xin cảm ơn! (Nguyễn Ngoc, 21 tuổi, redflag6789@...)

- PGS - TS Phan Thị Tươi: Tôi nghĩ không phải tuyên truyền bình đẳng không đúng cách hoặc chưa toàn diện mà chỉ vì chúng ta đã áp dụng nó cho bản thân mình và cho người khác không đúng cách. Tôi đồng ý với quan niệm của em là "người phụ nữ Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung vẫn phải có những nét đẹp truyền thống vốn có" bởi nếu không thì tất cả những phụ nữ trên thế giới đều giống như nhau.

Tôi cũng rất đồng ý là phụ nữ Việt Nam phải trau giồi và rèn luyện những đức tính, những nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Đó cũng chính là nét văn hóa của dân tộc Việt Nam

* Gửi chị Xuân Lan: Báo Tuổi Trẻ vừa qua có đăng bài "Đốt tiền ở vũ trường" nói về những bạn trẻ sống như thiêu thân trong những cuộc vui tràn mây. Tôi cũng từng một thời gian ngắn "lấy đêm làm ngày" và thấy thiệt thòi cuối cùng cũng rơi vào những cô gái trẻ. Là một người mẫu từng sống nhiều trong ánh đèn, liệu chị đã chứng kiến những điều như em cảm nhận hay không? Cảm ơn chị. Và nếu có lời khuyên cho những bạn gái trẻ đang bị lấp lóa trước các ảo vọng, chị sẽ có những lời chân tình gì? (Bong Hong Gai, 27 tuổi tuổi, rose-aigue@...)

- Người mẫu Xuân Lan: Tuổi trẻ của mỗi người ai cũng có một quãng thời gian thích khám phá,thích chinh phục bản thân và thích đề cao cái tôi riêng của mình. Xuân Lan cũng đã có một

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên