17/07/2007 05:03 GMT+7

Nhập, tách hộ khẩu cho người thân như thế nào?

(Lê Vĩnh Kha, 28 tuổi).
(Lê Vĩnh Kha, 28 tuổi).

TT - Làm thế nào để “hợp thức hóa” chỗ ở hợp pháp khi đang sở hữu những căn nhà xây dựng trái phép, nhà nằm trong khu qui hoạch, nhà mua bán giấy tay; thủ tục nhập, tách hộ khẩu như thế nào?

An23F07P.jpgPhóng to
Trung tá Nguyễn Thị Bền, tổ đăng ký hộ khẩu Công an quận Gò Vấp, TP.HCM, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký hộ khẩu theo Luật cư trú - Ảnh: THANH ĐẠM

Những thắc mắc này đã được nhiều bạn đọc gửi đến buổi giao lưu trực tuyến với thượng tá Vũ Xuân Dung - phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an).

* Em tôi đã có KT3 17 năm ở TP.HCM, hiện còn là sinh viên thì có được nhập hộ khẩu không?

- Đang là sinh viên thì không được đăng ký hộ khẩu thường trú vì theo qui định tại điều 28 Luật cư trú, học sinh sinh viên sẽ không được cấp giấy chuyển hộ khẩu. Do vậy, em của anh không đủ điều kiện để đăng ký thường trú tại TP.HCM.

* Gia đình tôi ở Hà Nội sáu năm, có nhà riêng, có KT3. Vừa rồi đi làm hộ khẩu, công an phường nói con chúng tôi còn đang là sinh viên ĐH nên không được nhập khẩu mà chỉ nhập cho bố mẹ, cho con đang là học sinh hoặc đã học xong ĐH. Như vậy có đúng không?

- Sinh viên đang học tại các trường đại học thì không được cấp giấy chuyển hộ khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian sinh viên đang học tập mà gia đình chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới thì sinh viên có thể chuyển đăng ký thường trú theo gia đình.

* Tôi đã lập gia đình nhưng vẫn sống chung với bố mẹ ruột. Vừa rồi bố mẹ tôi được nhập hộ khẩu nhưng tôi thì không được vì đã có gia đình. Vậy tôi phải làm gì để được nhập hộ khẩu?

- Theo qui định, dẫu chị đã có gia đình vẫn được nhập hộ khẩu nếu cha mẹ chị đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình. Thủ tục đăng ký của chị bao gồm: phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; giấy chuyển hộ khẩu; giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha con trong gia đình. Việc bố mẹ đồng ý cho nhập hộ khẩu phải ghi rõ ý kiến đồng ý vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày tháng năm đồng ý.

* Vợ chồng tôi kết hôn từ năm 1992 nhưng chồng tôi vẫn chưa nhập khẩu vào TP.HCM. Năm 2000 chúng tôi ly hôn, sau đó tái hợp nhưng không đăng ký kết hôn. Chúng tôi ở chung nhà từ năm 1992 cho đến nay. Nay tôi muốn bảo lãnh chồng tôi nhập hộ khẩu thì có cần đăng ký kết hôn lại?

- Nếu chị có đăng ký kết hôn thì việc làm thủ tục nhập hộ khẩu cho chồng chị sẽ đơn giản, thuận tiện. Nếu không, chị phải có hợp đồng hoặc cam kết cho chồng chị ở nhờ có công chứng hoặc xác nhận của UBND cấp phường. Ngoài ra anh ấy phải có giấy tờ chứng minh tạm trú từ một năm trở lên, và phải được chị đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của chị tại phiếu báo thay đổi nhân hộ khẩu.

* Tôi và chồng tôi đã ly hôn nhưng tên chồng tôi vẫn còn trong hộ khẩu do tôi đứng tên chủ hộ. Xin hướng dẫn thủ tục cắt hộ khẩu của người chồng cũ, hiện anh ấy đang tạm trú tại một nơi khác.

- Chị nên thỏa thuận với chồng cũ để anh ấy chuyển hộ khẩu cũ của mình đến nơi ở mới. Theo qui định, người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.

* Muốn tách hộ khẩu phải thực hiện những thủ tục và qui trình như thế nào? Chủ hộ có quyền không đồng ý cho người có tên trong hộ khẩu xin tách hộ không?

- Theo qui định, khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu những người xin tách hộ không phải quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị em ruột, cháu ruột của chủ hộ. Những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu thì được quyền tách hộ, không cần ý kiến của chủ hộ. Trường hợp không phải quan hệ gia đình với chủ hộ như nói trên mà xin tách sổ hộ khẩu, thì bắt buộc phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ.

* Chúng tôi xây nhà trên đất chưa được cấp chủ quyền, nhưng đã được cấp số nhà tạm và có KT3 hơn một năm. Vậy chúng tôi có được cấp hộ khẩu không? Nếu được, chúng tôi phải đến đâu để xin đăng ký? (Hạnh Dung, 30 tuổi, dung.h.ph@gmail.com)

- Bạn đã tạm trú tại TP.HCM hơn một năm và nhà ở của bạn có xác nhận của UBND xã về tình trạng nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu thì được coi là chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú. Bạn cần đến công an huyện là cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú để được hướng dẫn thủ tục cụ thể.

* Gia đình tôi ở TP.HCM từ năm 2000, có KT3, có việc làm ổn định. Nhưng nhà chúng tôi xây trên đất công. Vậy chúng tôi có được nhập hộ khẩu hay không?

- Trường hợp của anh không đủ điều kiện để đăng ký thường trú, vì chỗ ở của anh nằm trên đất lấn chiếm trái phép là một trong các loại chỗ ở không được đăng ký thường trú (theo khoản 4, điều 4, nghị định 107).

* Gia đình tôi cư trú tại TP.HCM trên 12 năm. Chúng tôi đã có nhà, có KT3 nhưng hiện căn nhà tôi ở nằm trong khu vực bị qui hoạch. Vậy gia đình tôi có được nhập khẩu vào TP không? Nếu được thì cần những thủ tục gì?

- Trường hợp của bạn đã đủ điều kiện về thời gian tạm trú. Nếu nhà bạn nằm trên khu đất chưa có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền thì được đăng ký thường trú tại nhà đó.

* Gia đình tôi có KT3 được chín năm. Gần đây cha chồng tôi có cho vợ chồng tôi ở nhờ nhà do ông đứng tên nhưng hộ khẩu của ông lại ở Phan Rang. Vậy nếu cha chồng tôi làm giấy cho tôi ở nhờ thì tôi có đủ điều kiện nhập hộ khẩu TP.HCM ?

- Trường hợp của bạn cần có hợp đồng, cam kết cho ở nhờ có công chứng hoặc xác nhận của UBND cấp phường nơi có nhà ở đó. Ngoài ra, phải có ý kiến đồng ý của bố chồng cho bạn đăng ký thường trú tại nhà ở đó vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

* Tôi là giảng viên ĐH ở Hà Nội, tạm trú tại Hà Nội năm năm. Bố vợ tôi đã đồng ý cho ở nhờ nhà bằng văn bản có xác nhận của UBND phường. Tuy nhiên, bố vợ tôi chỉ có giấy tờ mua bán nhà có xác nhận của UBND phường (chưa có sổ đỏ). Vậy tôi có đủ điều kiện “nhà ở hợp pháp” để nhập hộ khẩu không?

- Trường hợp của anh đáp ứng yêu cầu về chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú. Trường hợp bố vợ anh đã có hộ khẩu thường trú tại chỗ ở hợp pháp mà vợ chồng anh xin chuyển đến, thì khi làm thủ tục đăng ký thường trú về cùng sổ hộ khẩu của bố vợ, anh không phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

(Lê Vĩnh Kha, 28 tuổi).
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên