27/04/2006 14:13 GMT+7

Các ngành đào tạo của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

QUỐC DŨNG tổng hợp
QUỐC DŨNG tổng hợp

TTO - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện là một trong 14 trường ĐH trọng điểm quốc gia, là một trường ĐH đa ngành trong lĩnh vực kinh tế, có uy tín trong công tác đào tạo ở khu vực các tỉnh, thành phía Nam.

Mã trường: KSAĐịa chỉ: 59C Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCMĐT: (08) 8222093 - 8231604 - 8230082Website: www.ueh.edu.vn

YUA5x4gD.jpgPhóng to

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thực tập giao dịch chứng khoán

Từ năm 1996, khi có mô hình ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được hình thành trên cơ sở hội nhập Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (cũ), Trường ĐH Tài chính kế toán TP.HCM (cũ) và Khoa Kinh tế Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (cũ), đều là những đơn vị đă có lịch sử trên 20 năm xây dựng và phát triển.

Trường đang đào tạo gần 50.000 sinh viên và học viên theo các hệ, bậc học: CĐ chính quy, ĐH chính quy, ĐH văn bằng 2 chính quy, ĐH không chính quy, ĐH văn bằng 2 không chính quy, Hoàn chỉnh kiến thức ĐH, Cao học, nghiên cứu sinh.

Là một trường kinh tế đào tạo đa ngành, trường có 7 ngành và chuyên ngành sau:

1. Ngành Kinh tế (mã ngành 401)

+ Chuyên ngành Kinh tế học (mã ngành 411)

Đào tạo SV có khả năng nghiên cứu độc lập và có tính sáng tạo; có kiến thức chuyên sâu, hiện đại về kinh tế học và các lĩnh vực kinh tế ứng dụng; có khả năng vận dụng lý thuyết kinh tế để phân tích các tình huống kinh tế; có khả năng phân tích các chính sách kinh tế, các dự án kinh tế.

SV tốt nghiệp có thể làm nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu kinh tế, trong các định chế tài chính trong nước và quốc tế, trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, trong các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, hoặc làm giảng viên trong các trường ĐH, CĐ, TCCN.

+ Chuyên ngành Kinh tế kế hoạch và đầu tư (mã ngành 412)

Trang bị cho SV kiến thức tổng hợp về kinh tế và quản lý có kiến thức tổng hợp, nhận dạng được cấu trúc và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô; có khả năng đánh giá, phân tích các chiến lược, chính sách vĩ mô, kế hoạch, chương trình phát triển; có khả năng xây dựng và quản trị các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển trong phạm vi công tác.

SV tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước; các viện, trường ĐH, CĐ khối kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất; các tổng công ty, các doanh nghiệp và các tổ chức, chương trình nghiên cứu, hỗ trợ phát triển.

+ Chuyên ngành Kinh tế lao động và quản lý nguồn nhân lực (mã ngành 413)

Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức cần thiết về quản lý vi mô và quản lý vĩ mô về các lĩnh vực dân số (đặc biệt là ở các doanh nghiệp), nguồn nhân lực trên cơ sở khoa học, bao gồm các khía cạnh quan trọng sau: nguồn lao động, quản lý và sử dụng lao động, các hình thức thù lao; nghiên cứu dân số khía cạnh là nguồn của lao động, dân số trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu dân số học, dân số phát triển, di dân, đô thị hóa; lao động, tiền lương, quản trị nhân sự, tổ chức lao động khoa học, định mức lao động, các vấn đề tâm lý trong quản lý lao động;

SV tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan quản lý vĩ mô ở trung ương như các bộ, cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu cho đến các phòng tổ chức cán bộ, quản trị nhân sự của các cơ quan, doanh nghiệp.

+ Chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (mã ngành 414)

Đào tạo cử nhân kinh tế có năng lực quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ; có khả năng hoạch định tác nghiệp cho các doanh nghiệp nông nghiệp và phục vụ công cuộc phát triển nông thôn; có khả năng phân tích, đánh giá và tham gia hoạch định các chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn đáp ứng nhu cầu cán bộ quản lý kinh tế cho các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, các sở (thuộc khu vực nhà nước) và cho các thành phần kinh tế khác trong nông nghiệp.

SV tốt nghiệp có thể làm việc tai: các sở nông, lâm, thủy sản, địa chính, kế hoạch đầu tư ở các tình, phòng kế hoạch, kinh tế ở các huyện; các viện nghiên cứu kinh tế, viện nghiên cứu liên quan đến nông, lâm thủy sản và phát triển nông thôn, các trường ĐH, CĐ có chuyên ngành kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản; các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế tài trợ; ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc các ngân hàng hoạt động gắn với vùng nông thôn.

+ Chuyên ngành Kinh tế quản lý công cộng (mã ngành 415)

Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức tổng hợp về kinh tế học ứng dụng trong khu vực công và khả năng quản lý khu vực công. Cụ thể: am hiểu, phân tích, đánh giá, hoạch định các chính sách kinh tế áp dụng trong khu vực công; quản lý nhà nước, quản lý kinh tế các địa phương, các ngành, các khu vực hành chính sự nghiệp, sản xuất và dịch vụ công cộng.

SV tốt nghiệp là các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý về kinh tế trong khu vực công, có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước; các đoàn thể xã hội, hội nghề nghiệp; các ngành hành chính sự nghiệp, dịch vụ công cộng (giáo dục, y tế, thể dục thể thao, quản lý đô thị, bảo hiểm, dịch vụ công cộng…).

+ Chuyên ngành Kinh tế thẩm định giá (mã ngành 416)

Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức và năng lực chuyên môn trong việc thẩm định giá các loại tài sản trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh doanh khu vực và quốc tế.

Có khả năng thẩm định giá các loại tài sản quan trọng trong nền kinh tế như thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá bất động sản, định giá thành và giá bán các loại sản phẩm trong doanh nghiệp, thẩm định các dự án đầu tư của các tổ chức tư nhân, chính phủ và phi chính phủ.

Có kỹ năng giao tiếp và phối hợp với các tổ chức thẩm định giá trong nước và quốc tế; tư vấn cho khách hàng thông qua việc cung cấp các loại dịch vụ thẩm định giá các loại tài sản.

SV tốt nghiệp có thể công tác tại các trung tâm thẩm định giá và các chi nhánh của trung tâm; các công ty kiểm toán nhà nước và kiểm toán tư nhân; các sàn giao dịch bất động sản; các trung tâm đấu giá của phòng thi hành án thuộc các Sở Tư pháp; các phòng vật giá, các trung tâm dịch vụ thẩm định giá và bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tài chính; hội đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành, tỉnh, tổng công ty…; các trung tâm, phòng thẩm định giá thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường; các ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại

2. Ngành Quản trị kinh doanh (mã ngành 402)

+ Chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp (mã ngành 421)

Chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp cung cấp cho SV kiến thức hiện đại về quản trị kinh doanh và những bài học kinh nghiệm quản lý của các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giúp họ có những kỹ năng cần thiết và phẩm chất phù hợp để quản lý doanh nghiệp một cách khoa học và có hiệu quả cao.

Sau khi tốt nghiệp, SV có thể làm việc ở các doanh nghiệp, công ty, tổng công ty, các đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực: sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu, tài chính, tiền tệ.

+ Chuyên ngành Quản trị chất lượng (mã ngành 422)

Đào tạo cử nhân kinh tế để lập kế hoạch, chương trình quản trị chất lượng và chỉ đạo thực hiện tại các công ty dựa trên nhu cầu của thị trường; xác định mức chất lượng tối ưu trong chiến lược kinh doanh; xây dựng một một chính sách hợp lý về chất lượng cho công ty, cho ngành trên cơ sở những nhu cầu và khả năng của xã hội, của thị trường và của ngành.

Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị chất lượng trong các công ty, các ngành; phân bổ và sử dụng hợp lý các nguồn lực trong tổ chức, góp phần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường với chi phí thấp nhất; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế trong các doanh nghiệp.

SV tốt nghiệp làm việc ở các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ và các tổ chức khác.

+ Chuyên ngành Thương mại (mã ngành 423)

Đào tạo cử nhân kinh tế có trình độ, kiến thức chuyên môn vững vàng về lĩnh vực kinh doanh thương mại trong nước và quốc tế. Các chuyên gia được đào tạo có đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn để quản trị các doanh nghiệp thương mại thành công, có bản lĩnh kinh doanh thương mại trong nước và quốc tế, có khả năng tham mưu tốt cho lãnh đạo về các hoạt động thương mại có hiệu quả.

SV tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ quan quản lý kinh tế nhà nước về thương mại (Bộ Thương mại, Sở Thương mại, Phòng Kinh tế), các công ty về thương mại, xuất nhập khẩu, các công ty sản xuất, sản xuất thương mại, các công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài.

+ Chuyên ngành Kinh doanh quốc tế (mã ngành 424)

Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức, kỹ năng kinh doanh trong một môi trường quốc tế, có cái nhìn toàn cầu; có khả năng đàm phán và giao tiếp với nhiều đối tượng có những nền văn hóa khác nhau; có khả năng phân tích, tìm ra những điểm khác biệt và tương đồng giữa các thị trường và tìm cách duy trì sự hiện diện của doanh nghiệp trên các thị trường chủ yếu.

SV nhận biết các cơ hội và các thách đố trong kinh doanh quốc tế; có khả năng thực hành kỹ năng kinh doanh, kỹ năng làm việc theo nhóm; thực hành giao tiếp quốc tế.

SV tốt nghiệp có thể làm việc trong các doanh nghiệp với môi trường kinh doanh toàn cầu và các nền văn hóa khác nhau.

+ Chuyên ngành Ngoại thương (mã ngành 425)

Đào tạo cử nhân kinh tế thông thạo ngoại ngữ, có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao. Trang bị cho SV những kiến thức nền tảng về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời có kiến thức chuyên sâu về quản trị kinh doanh quốc tế và chính sách ngoại thương, có sự am hiểu nhất định về pháp luật và thông lệ trong giao dịch thương mại quốc tế để nghiên cứu thị trường nước ngoài, đàm phán và ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài, triển khai và hoàn tất các nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.

SV tốt nghiệp có thể làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, các công ty liên doanh, các khu chế xuất, các khu công nghệ cao... cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại quốc tế và quan hệ đối ngoại.

+ Chuyên ngành Du lịch (mã ngành 426)

Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức nền tảng về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế du lịch, quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn, cũng như trình độ thông thạo ngoại ngữ.

Sau khi tốt nghiệp SV có thể công tác tại các doanh nghiệp du lịch (hãng du lịch và lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch và vui chơi giải trí liên hợp...), các cơ quan quản lý du lịch nhà nước (Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch...) và các tổ chức đào tạo, nghiên cứu du lịch.

+ Chuyên ngành Marketing (mã ngành 427)

Đào tạo một đội ngũ các nhà quản lý có kiến thức và kỹ năng thực hiện chức năng marketing trong các doanh nghiệp. Về chuyên môn có khả năng nghiên cứu thị trường, đàm phán và giao tiếp với nhiều loại khách hàng; nhận biết các cơ hội và các thách thức trong điều kiện hội nhập; thực hành kỹ năng ra quyết định, kỹ năng làm việc theo nhóm; có khả năng thực hành giao tiếp quốc tế... từ đó vạch ra các chiến lược marketing cho các doanh nghiệp trước một môi trường kinh doanh ngày càng phát triển theo hướng năng động, cạnh tranh và toàn cầu hóa.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng phát hiện các cơ hội thị trường, nhận biết, đánh giá được tình hình cạnh tranh, thiết kế được các chiến lược và tổ chức thực thi các kế hoạch marketing; có thể làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, các công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài...

3. Ngành Tài chính - Ngân hàng (mã ngành 403)

+ Chuyên ngành Tài chính nhà nước (mã ngành 431)

Đào tạo cử nhân kinh tế ngành Tài chính - Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính nhà nước có năng lực nghiên cứu, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành về quản lý tài chính nhà nước. Cụ thể là đánh giá những nét cơ bản của các chính sách tài chính nhà nước như: chính sách thuế, chính sách vay nợ, chính sách chi tiêu và đầu tư của nhà nước.

Quản lý tài chính nhà nước: lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), tổ chức thực hiện dự toán NSNN, và lập quyết toán NSNN ở các cấp; lập kế hoạch thu thuế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu thuế; lập và thẩm định các dự án chi tiêu của nhà nước. Quản lý tài chính, kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp; lập các báo cáo thuế/các tờ khai thuế; tính đúng và đủ các khoản thuế phải nộp; tư vấn thuế cho các doanh nghiệp.

Cử nhân chuyên ngành Tài chính nhà nước có thể làm việc tại các cơ quan tài chính, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, các quỹ đầu tư từ trung ương đến địa phương; các đơn vị hành chính - sự nghiệp từ trung ương đến cơ sở; các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, công ty kiểm toán và tư vấn thuế.

+ Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp (mã ngành 432)

Trang bị cho SV các kiến thức kinh tế tài chính hiện đại liên thông với các trường ĐH trên thế giới và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các kiến thức tài chính doanh nghiệp hiện đại, quản trị tài chính các công ty đa quốc gia, tài chính quốc tế, hoạch định ngân sách vốn đầu tư, đầu tư chứng khoán, kế toán - kiểm toán, phân tích tài chính, hệ thống thông tin tài chính, thị trường chứng khoán, nghiệp vụ ngân hàng và bảo hiểm.

SV tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc liên quan đến các lĩnh vực quản trị tài chính - kế toán, kinh doanh tiền tệ, thẩm định dự án, kinh doanh chứng khoán và đầu tư tại các tổ chức tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm...) các công ty kiểm toán, các công ty kinh doanh trong nước hoặc công ty đa quốc gia.

+ Chuyên ngành Kinh doanh bảo hiểm (mã ngành 433)

Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức toàn diện về ngành Tài chính - Ngân hàng và kiến thức chuyên sâu về ngành bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chuyên môn cao về quản lý ở các tổ chức tài chính nói chung, các tổ chức bảo hiểm nói riêng.

SV tốt nghiệp có thể công tác tại các tổ chức bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế); cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội); các tổ chức tài chính trung gian (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ...) và các tổ chức kinh tế xã hội khác (với tư cách là người quản trị tài chính về rủi ro và bảo hiểm.)

+ Chuyên ngành Ngân hàng (mã ngành 434)

Cung cấp cho SV kiến thức cơ bản và nâng cao về Tiền tệ - Ngân hàng và Thị trường chứng khoán. Huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp để SV có thể tìm việc làm và đảm nhận công việc được giao trong ngân hàng (cán bộ tín dụng, nhân viên kế toán, kế toán viên phòng thanh toán quốc tế, nhân viên kinh doanh ngoại tệ) công ty chứng khoán (nhà môi giới và kinh doanh chứng khoán), tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính - ngân hàng và các loại hình doanh nghiệp khác.

SV tốt nghiệp có thể đảm nhận các công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, các ngân hàng thương mại cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và các tổ chức tín dụng khác.

4. Ngành Kế toán (mã ngành 441)

Đào tạo cử nhân Kế toán nắm vững các chế độ tài chính - kế toán do Bộ Tài chính và Nhà nước ban hành; có kiến thức kế toán, kiểm toán và tài chính đủ khả năng tổ chức điều hành công tác kế toán, kiểm toán nội bộ và tài chính ở tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Thực hành và hướng dẫn thực hiện công tác kế toán, kiểm toán nội bộ thủ công hay trên máy vi tính từ kế toán chi tiết đến kế toán tổng hợp; có khả năng nghiên cứu khoa học để phát triển và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế công tác.

SV tốt nghiệp có thể làm việc ở các doanh nghiệp và các bộ phận chức năng kế toán, kiểm toán tại các Bộ, ngành và các cơ quan nhà nước khác.

5. Ngành Hệ thống thông tin kinh tế (mã ngành 405)

+ Chuyên ngành Toán Kinh tế (mã ngành 451)

Đào tạo cử nhân kinh tế là những chuyên gia kỹ thuật quản lý được trang bị các kiến thức nền tảng về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời có các kiến thức chuyên ngành về toán ứng dụng trong kinh tế bao gồm phân tích kinh tế định lượng, các phương pháp dự báo ứng dụng trong kinh doanh và công cụ xử lý số liệu.

Trang bị cho SV khả năng phân tích độc lập các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, những biến động kinh tế và tác động của cách chính sách kinh tế dưới góc độ định lượng trên cơ sở thiết lập và ứng dụng những mô hình toán tài chính và các mô hình toán học hiện đại khác vào lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng...

SV tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty tài chính, các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, các ngân hàng; công tác tại các trường ĐH, bộ, ngành và các cơ quan nhà nước.

+ Chuyên ngành Thống kê (mã ngành 452)

Đào tạo cử nhân kinh tế là những chuyên gia kỹ thuật quản lý, được trang bị các kiến thức nền tảng về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh; đồng thời có những kiến thứ về lĩnh vực thống kê, tin học.

SV tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ quan thống kê nhà nước từ cấp huyện, tỉnh và tổng cục thống kê; cũng như trong các doanh nghiệp và cơ quan khác trong nền kinh tế quốc dân với nhiệm vụ tổ chức và thực hiện công tác thống kê. Tổ chức thu thập, phân tích và xử lý các số liệu thống kê các loại, từ đó đưa ra các dự báo thống kê ngắn hạn và dài hạn.

+ Chuyên ngành Tin học quản lý (mã ngành 453)

Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức chuyên sâu về tin học kinh tế, có năng lực tổ chức ứng dụng và phát triển các ứng dụng tin học trong hoạt động của các tổ chức kinh tế - xã hội.

SV tốt nghiệp có thể làm việc ở các bộ phận tin học, quản trị các hệ thống thông tin trong các doanh nghiệp, các công ty, xí nghiệp, ngân hàng, các cơ quan nhà nước... Ngoài ra, có thể làm việc tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế và xây dựng phần mềm...

6. Ngành Kinh tế chính trị học (mã ngành 461)

Đào tạo cử nhân kinh tế nắm vững các vấn đề lý luận và thực tiễn của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

SV tốt nghiệp có thể làm cán bộ giảng dạy Kinh tế chính trị cho các trường ĐH và CĐ; cán bộ nghiên cứu và quản lý kinh tế cho các viện, các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

7. Ngành Luật học - chuyên ngành Luật Kinh doanh (mã ngành 511)

Đào tạo cử nhân luật thuộc mã ngành Luật học có kiến thức cơ bản và kỹ năng chuyên sâu về pháp luật trong kinh doanh, trên cơ sở kiến thức về kinh tế, quản trị kinh doanh; đủ khả năng tiếp cận và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước đối với nền kinh tế của Việt Nam.

SV được trang bị các kỹ năng nghề nghiệp như: tư vấn, phát triển doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, thực hiện chức năng của chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có thể độc lập đưa ra các đề xuất giải quyết các tình huống pháp lý trong kinh doanh, nắm vững các thao tác nghiệp vụ khi doanh nghiệp tham gia vào các vụ tố tụng phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

Sau khi tốt nghiệp, SV có thể công tác tại các doanh nghiệp, các tòa kinh tế thuộc hệ thống Tòa án nhân dân, các Trung tâm trọng tài thương mại và các đơn vị cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý. (Đây là ngành học mới, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh từ năm 2005)

QUỐC DŨNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên