10/05/2017 11:31 GMT+7

​VN mất lợi thế lao động giá rẻ vì công nghệ

HỒNG NHUNG
HỒNG NHUNG

TTO - Tại TP.HCM ngày 10-5 đã diễn ra hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh” do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức. 

Hội thảo đưa ra góc nhìn toàn cảnh về xu thế và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền công nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thông minh.

Chia sẻ tại hội thảo, thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng cho biết làn sóng công nghệ mới sẽ tạo ra các nền tảng mới, thay thế dần cấu trúc ngành công nghiệp hiện có.

Sự phát triển của công nghệ cũng cho phép tạo ra các sản phẩm, dịch vụ với đầu tư ban đầu có thể không lớn, nhưng lợi nhuận thu về cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hình thành.

Sự gia tăng tỉ lệ tự động hóa giúp các công ty sản xuất toàn cầu có cơ hội đưa sản xuất về lại nước mình, giành lại công việc từ các nước có giá nhân công thấp.

Ông Tùng nhấn mạnh Việt Nam không nằm ngoài tác động của làn sóng này. Các đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do làm giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo thượng tướng Nguyễn Văn Thành, thứ trưởng Bộ công an, sẽ là mất việc làm, thất nghiệp và nhiều ngành gặp thách thức do cạnh tranh khốc liệt.

Ông Thành cho biết Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 1-2016 dự báo Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020 vì chất lượng nhân lực đạt chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10); đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng và số cạnh tranh nhân lực 4,3/10 điểm.

Bên cạnh đó, nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và tránh nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.

HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên