08/01/2017 12:02 GMT+7

Từ chối lương ngàn đô về mở phòng thí nghiệm "ba không"

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Từ chối mức lương 3.000 USD/tháng vào thời điểm bốn năm trước, tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp rời Hàn Quốc trở về Việt Nam, đặt những viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo.

TS Nguyễn Thị Hiệp hướng dẫn sinh viên nuôi cấy tế bào tại phòng thí nghiệm y học tái tạo - Ảnh: TƯỜNG HÂN
TS Nguyễn Thị Hiệp hướng dẫn sinh viên nuôi cấy tế bào tại phòng thí nghiệm y học tái tạo - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Hơn ba năm về trước, phòng thí nghiệm y học tái tạo hình thành, trực thuộc bộ môn kỹ thuật y sinh ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM. Phòng thí nghiệm này được bắt đầu với “3 không”: không dự án, không thiết bị, không tài trợ. Đó là thực tế mà nữ tiến sĩ 8X phải đối diện khi về nước lập nghiệp.

Ý chí của “người nhà quê”

Là người thuyết phục tiến sĩ Hiệp về quê nhà công tác, GS.TS Võ Văn Tới - trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh - chia sẻ: “Tôi khám phá Hiệp có tất cả đức tính đáng quý của một “người nhà quê”. Em cần cù, chịu khó, sống tình cảm, thật thà, ẩn sâu bên trong là ý chí độc lập, tính cách lạc quan và có nhiều ý tưởng vượt ngoài khung bình thường”.

“Năm đầu tiên cực kỳ vất vả! - chị Hiệp chia sẻ - Không có gì để làm, không xin được đề tài. Người ta không hiểu mình làm gì vì chuyên ngành y học tái tạo còn quá mới mẻ tại Việt Nam. Họ càng không tin mình vì phòng thí nghiệm chưa có máy móc, dụng cụ gì để phục vụ chuyên ngành cả”.

GS.TS Võ Văn Tới kể lại: “Lúc bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm, Hiệp và tôi chẳng có gì ngoài ý chí. Trước mặt chúng tôi là một hành trình đầy ẩn số. Nhiều lúc thầy trò nhìn nhau ngao ngán, tự động viên nhau”.

Khó khăn, thiếu thốn, tất cả chị Hiệp đã lường trước và sẵn sàng đối mặt khi về nước. Lớn lên từ “làng” - cách nói bông đùa của nhiều thế hệ sinh viên về khu đô thị ĐHQG TP.HCM, nên Nguyễn Thị Hiệp luôn mơ ước đặt chân đến những biên giới mới của khoa học.

Do đó, sau năm năm rưỡi du học tại Hàn Quốc, dù được mời ở lại nghiên cứu với điều kiện và cơ hội tốt nhất, Hiệp vẫn khước từ, chuẩn bị kế hoạch sang Mỹ trau dồi, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Nhưng mơ ước vẫy vùng khiến cô gái Việt Nam xa dần người thân. Thương con gái, ba Hiệp mỗi ngày đều gọi điện sang Hàn Quốc.

Chị kể lại: “Ba kêu về nhà tìm công ăn việc làm, kiếm sống hằng ngày cũng được, miễn là vợ chồng có nhau. Ra đi thì được cho mình nhưng gia đình không có gì hết”.

Nghĩ cho cha mẹ và ông xã đã đợi chờ nhiều năm, Hiệp chọn đường về nhà, chủ động gặp GS Tới, khi đó mới bắt đầu xây dựng bộ môn kỹ thuật y sinh để tìm cơ hội giảng dạy trong nước. Ngặt nỗi vào thời điểm đó ĐH Quốc tế chưa cần thêm giảng viên, bộ môn cũng chưa có máy móc phục vụ chuyên ngành y học tái tạo đang xây dựng.

Thực tế buộc Hiệp phải cân đong đo đếm: nếu sang Hàn Quốc, lương tiến sĩ khi đó là 3.000 USD/tháng; còn ở lại Việt Nam, Hiệp sẽ phải xây dựng từ đầu, tất cả là con số 0 và vốn liếng duy nhất là con người. Chưa kể Hiệp chỉ làm việc theo hợp đồng tạm thời với mức lương không tới 1/3 con số ở Hàn. Cô gái “nhà quê” giàu tình cảm chấp nhận tất cả để ở lại quê nhà.

Bắt tay xây dựng phòng thí nghiệm và chuyên ngành không lâu, chị Hiệp mang thai.

Xúc động, chị kể lại về quãng thời gian đầy khó khăn với một bà mẹ mong con, đồng thời là một người làm nghề có trách nhiệm: “Công việc nhiều mà sức khỏe không cho phép. Những dự định, tiến độ chung bị dang dở vì chuyện riêng tư của mình. Tôi thấy một phần mặc cảm, áp lực và căng thẳng, khi đã hứa với thầy hoàn thành phòng thí nghiệm trong một năm mà không làm tròn vẹn”.

Cố gắng giữ lời hứa, chị Hiệp vừa mang thai vừa xây dựng phòng thí nghiệm và hỗ trợ đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nửa năm sau ngày sinh con, chị trở thành giảng viên chính thức tại Trường ĐH Quốc tế. Nhưng thử thách chỉ mới bắt đầu.

Học trò là động lực

Thiết bị đầu tiên trong phòng thí nghiệm của tiến sĩ Hiệp được sắm nhờ “hưởng ké” học bổng của sinh viên. Tháng 11-2013, Lương Thu Hiền, thành viên trong nhóm nghiên cứu, nhận khoản hỗ trợ gần 30 triệu đồng từ chương trình “Tiếp sức những ước mơ” của báo Tuổi Trẻ để làm đề tài khoa học.

Nhờ đó, phòng thí nghiệm mua được một số thiết bị khuấy polyme sinh học thành dung dịch. “Nó giống như nồi cơm điện đầu tiên mà gia đình mình sắm được khi chưa có gì” - chị Hiệp chia sẻ.

Từng bước, chị Hiệp tìm kiếm tài trợ từ các quỹ nước ngoài. GS Tới cùng mọi người viết dự án, đề nghị ĐHQG đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm với quỹ 30 tỉ đồng; rồi xin được tài trợ của ĐH Quốc tế và nhiều nơi khác để trang bị dụng cụ, máy móc...

Hoạt động nghiên cứu dần đi vào ổn định và phòng thí nghiệm cơ bản hoàn thành giữa năm 2015. Hiện tại hằng tháng tiến sĩ Hiệp trích quỹ tài trợ 10-20 triệu đồng trả lương cho sinh viên, thạc sĩ làm dự án nghiên cứu, mua mới hóa chất, vật tư tiêu hao...

Mỗi khi gặp khó khăn trong nghiên cứu hoặc đề tài bị từ chối, chị Hiệp đều nghĩ về học trò, lấy đó làm động lực.

“Nếu một ngày mình không có tiền thì làm sao hỗ trợ nhóm nghiên cứu hoạt động? Mình phải tạo công ăn việc làm cho các em. Tìm cơ hội đưa những em có năng lực đi du học, như cách mà ngày xưa thầy cô ở ĐH Khoa học tự nhiên đã giúp đỡ mình.

Các em bước ra nước ngoài học tập, mang kiến thức mới trở về giúp ích cộng đồng, tạo ra sản phẩm hỗ trợ sức khỏe con người” - chị Hiệp nói và đã làm như thế với tất cả tâm huyết của một người thầy.

“All the ways home” (Đường về nhà) có thể đi đơn độc hoặc đi cùng nhau, đó là điều GS Tới đã dùng để thuyết phục tiến sĩ Hiệp và nhiều trí thức Việt quay về Tổ quốc, tiếp tục hỗ trợ lớp đàn em dấn thân trên con đường nghiên cứu khoa học...

* GS.TS Võ Văn Tới (trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh, ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM):

“Lần đầu gặp mặt, tôi ấn tượng với lý lịch khoa học của Hiệp, với vẻ mộc mạc, chân thành, hiền hòa, bền chí của em. Đó là một cô gái quyết liệt, dám làm, có tầm nhìn xa. Sau nhiều năm công tác, Hiệp vẫn giữ được những phẩm chất đó và trở nên chín chắn, tập trung hơn.

Nhìn lại quãng đường đã qua, tôi thấy cả Hiệp và tôi đều rất liều lĩnh. Hiện tại Hiệp đã xây dựng được những gì cần thiết để cất cánh. Tôi hoàn toàn vững tâm về em và chắc chắn em sẽ thành công mỹ mãn”.

TS Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981, quê quán TP.HCM) là giảng viên bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM. Chị có hơn chín năm nghiên cứu về vật liệu sinh học, y học ứng dụng, phụ trách nhóm nghiên cứu gần 40 người về chuyên ngành y học tái tạo.

TS Hiệp vừa nhận học bổng “Nhà nghiên cứu khoa học trẻ tài năng” (L’Oreal National Fellowship) với đề tài "Biến tinh thể bề mặt titanium bằng collagen nhằm tăng khả năng bám dính mô mềm trong cấy ghép implant, nha khoa phục hồi".

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên