24/05/2016 09:30 GMT+7

Thầy quản sinh

BÌNH YÊN
BÌNH YÊN

TTO - Có một người thầy không bao giờ đứng trên bục giảng nhưng lại được các thế hệ học trò của trường tôi rất quý trọng, đó là thầy quản sinh (hay còn gọi là thầy quản nhiệm).

Thầy quản sinh Hồ Viết Vỹ (trái), Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM), trò chuyện cùng học sinh nội trú - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thầy quản sinh Hồ Viết Vỹ (trái), Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM), trò chuyện cùng học sinh nội trú - Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Nếu như ở trường công học sinh quen thuộc với hình ảnh của thầy giám thị thì trường tư chúng tôi thầy quản sinh cũng không hề xa lạ với các em. Ngoài giáo viên chủ nhiệm (GVCN), các thầy quản sinh cũng cùng góp phần rất quan trọng trong việc giữ vững nề nếp của toàn trường.

Mỗi khối lớp có hai thầy quản sinh, đến tiết học khi giáo viên đứng trên bục giảng thì thầy quản sinh có nhiệm vụ rảo qua rảo lại các hành lang mình phụ trách, xem tình hình học sinh như thế nào: tóc màu, tóc kiểu, và đặc biệt có biểu hiện gì bất thường không... thầy quản sinh liếc thấy hết. Đợi giờ ra chơi thầy sẽ nhắc nhở, xử lý riêng.

Đến giờ ra chơi, giáo viên lên phòng hội đồng nghỉ ngơi thì thầy quản sinh tiếp tục nhiệm vụ của mình là theo dõi, giám sát xem có em nào nô đùa quá trớn không, lân la nói chuyện, vui đùa với những học sinh cá biệt để biết thêm hoàn cảnh của các em và trao đổi với GVCN, từ đó có những phương pháp giáo dục phù hợp. Trò chuyện với nhiều học sinh khác nhằm biết mặt, biết tên và tính tình từng em trong khối mình phụ trách (đây cũng là quy định bắt buộc đối với quản sinh).

Nhờ sự gần gũi, sát sao này mà thầy quản sinh đã thu thập được nhiều thông tin liên quan đến việc học sinh nào đó đang xích mích hay một nhóm học sinh có ý định đánh nhau. Vì thầy quản sinh ở trên lớp thường xuyên nên bao giờ cũng là người biết rất sớm những tin tức này nhờ lực lượng "tai mắt" từ các lớp báo lại. Vì vậy, nhà trường đã ngăn chặn rất kịp thời những vụ học sinh đánh nhau.

Thầy quản sinh bao giờ cũng là người đi sớm về trễ, sáng 6g15 đã có mặt ở các hành lang. Sau giờ tan học, nếu giáo viên được về trước thì thầy quản sinh phải chia nhau ra đứng từng ngả đường theo dõi xem có kẻ xấu nào mai phục trước cổng trường để lôi kéo, dọa nạt học trò của mình không.

Nếu tình huống bất trắc xảy ra thì phải báo ban giám hiệu và xử lý kịp thời. Có những vụ người ngoài kéo đến gây gổ với học sinh do mâu thuẫn trước đó thì thầy quản sinh luôn đứng ra che chở, can thiệp cho các em được an toàn.

Cứ như thế, sau mỗi buổi chiều khi các em lên xe buýt hoặc phụ huynh đến đón con rồi thì thầy quản sinh mới yên tâm ra về.

Những giờ bán trú tại trường, thầy quản sinh như những người cha, người mẹ coi sóc việc ăn ngủ của các em. Hễ em nào có biểu hiện khác thường không ăn cơm, mệt mỏi, lập tức phòng y tế hoặc cha mẹ biết ngay. Đến giờ ngủ còn nói chuyện thì chiều đó GVCN biết liền. Lúc đầu các em có vẻ khó chịu nhưng khi quen dần, các em lại vui vẻ vâng lời thầy quản sinh mà không cần nhắc nhở.

Học sinh nào có ý định trốn học, cúp học cũng không xong với thầy quản sinh. 15 phút đầu giờ rảo một vòng, bạn nào vắng thầy sẽ gọi điện báo phụ huynh liền, nếu chán học có ý định cúp tiết cũng không thể tránh được ánh mắt “trinh sát” của thầy quản sinh.

Nhiều phụ huynh biết ơn thầy quản sinh vì rõ ràng sáng sớm phụ huynh chở con tới cổng trường nhưng khi phụ huynh quay xe thì con đã nhanh chân vào quán game bên trường, nhờ có thầy báo liền mới biết con trốn học.

Tôi nghĩ với tình hình học sinh hiện nay, đặc biệt là vấn nạn bạo lực học đường xảy ra như cơm bữa, vai trò của lực lượng quản sinh cũng rất quan trọng.

Bởi vì GVCN ngoài việc phụ trách lớp mình chủ nhiệm còn là giáo viên bộ môn phải lên lớp dạy nên không dễ gì nắm bắt hết tất cả mọi vấn đề của học sinh, đặc biệt là tình hình trong ngày học đó.

Nên sẽ rất thuận lợi nếu như cứ năm lớp có một thầy quản sinh phụ trách kết hợp chặt chẽ với GVCN thì sẽ rất hiệu quả trong việc giám sát thực hiện quá trình rèn luyện của học sinh.

Vắng GVCN sẽ có quản sinh theo dõi nên những vụ việc đau lòng xảy ra trong học đường như một số vụ báo chí đã đưa tin gần đây sẽ không diễn ra.

Bộ GD-ĐT nên chú ý đến "loại hình" thầy quản sinh để có những khóa đào tạo bài bản, giúp cho nhà trường trong việc quản lý học sinh ngoài giờ, phụ huynh cũng an tâm khi gửi con đi học, còn học sinh buộc tuân thủ tính kỷ luật và như vậy thì nạn bạo lực học đường có thể sẽ giảm bớt rất nhiều.

BÌNH YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên