07/07/2015 16:48 GMT+7

Hậu kỳ thi THPT, đừng là những lời trách!

M.M.
M.M.

TT - Sau kỳ thi THPT quốc gia, nhiều bạn đọc đã gửi bài viết kể về những câu chuyện hậu mùa thi của chính mình. Tuổi Trẻ  xin được giới thiệu hai câu chuyện khá xúc động về chủ đề nói trên.

Nụ cười rạng rỡ và cái ôm mừng rỡ của hai nữ sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 - ẢNh: Như Hùng
Nụ cười rạng rỡ và cái ôm mừng rỡ của hai nữ sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 - ẢNh: Như Hùng

Ngày xưa, tôi cũng từng là học trò. Ngày xưa, tôi cũng có những mùa thi... Và tôi đã hỏng kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu đời. Với tôi, đây là vết đau trên con đường học hành. Tôi chưa bao giờ kể chuyện này với ai, đặc biệt là học trò của mình, tôi muốn giấu nó, giấu thật kỹ bởi tôi là cô giáo. Nhưng hôm nay, tôi quyết định kể câu chuyện này vì lời tâm sự của một em học trò.

Cô học trò của tôi nhiều năm liền là học sinh giỏi. Em tâm sự với tôi rằng vì tất cả những người xung quanh đều nghĩ em học giỏi và tin em thi đậu nên em rất sợ nếu hỏng thi. Sự tin tưởng tuyệt đối của những người xung quanh vô tình tạo áp lực cho em, và em lo lắng cho kỳ thi tới mức mất ngủ. Bây giờ đi thi, em không còn tự tin khi bước vào phòng thi nữa. Em chỉ biết mình cố gắng làm bài chứ không biết mình làm bài đúng sai thế nào, em còn bảo nếu hỏng kỳ thi này chắc em sẽ tự tử vì xấu hổ mất.

Vì tất cả những người xung quanh đều nghĩ em học giỏi và tin em thi đậu nên em rất sợ nếu hỏng thi. Nếu hỏng thi kỳ này chắc em sẽ tự tử vì xấu hổ mất!

TÂM SỰ CỦA MỘT HỌC SINH

Những năm cấp III tôi là một học sinh giỏi. Tôi nằm trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Nhưng rồi vì những lời khen, tôi đâm ra tự mãn, hống hách nghĩ “ngựa hay lo gì chạy”, và cuối cùng tôi đã không chạy tới đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Năm tôi học vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp lần 2 cho những thí sinh thi hỏng lần 1. Và dù lần 2 tôi tốt nghiệp với số điểm cao thì cũng đành gác lại giấc mơ đi thi đại học. Tôi vô cùng xấu hổ, đau khổ nhiều lắm. Nhưng rồi người đã kéo tôi ra khỏi cú sốc đầu đời đó chính là cô giáo chủ nhiệm của tôi.

Còn nhớ năm ấy dù rất tủi hổ nhưng tôi vẫn đến nhà cô giáo chủ nhiệm của mình - cô là mẹ thằng bạn chí thân - để mừng bạn vào đại học. Nhìn thấy cô - dù cô vẫn mỉm cười sau lời chào của tôi, dù cô không có ý khiển trách gì - tôi vẫn xin lỗi vì mình thi hỏng và nhận là bản thân có ngựa non háu đá.

Cô bảo cuộc sống có rất nhiều chướng ngại, cũng như ai đó đã nói: nếu không vấp phải một trở ngại nào nữa, tức là bạn đã đi chệch đường rồi đó. Cô động viên tôi tiếp tục đèn sách cho kỳ thi đại học sang năm. Sự học, nỗ lực sửa sai không bao giờ uổng phí. Cô còn bảo hỏng tốt nghiệp chưa hẳn đã là điều buồn với một học sinh kiêu ngạo như tôi. Bài học này sẽ dạy tôi về hậu quả của sự chủ quan. Sự thành công của một người không phải là người đó đã làm được những gì, mà người ta trở thành người như thế nào. Cô, chính cô đã cho tôi động lực để cố gắng.

Thật tình lúc mới biết kết quả hỏng thi, tôi trốn biệt trong nhà không dám ló mặt ra ngoài đường. Tôi hình dung người ta sẽ nhìn mình bằng ánh mắt kỳ thị. Tôi thấy nhục, đến nỗi chỉ muốn chui đi đâu đó để đừng ai thấy bộ dạng thảm hại của một đứa hỏng thi nữa. Tôi đã vượt qua mặc cảm hỏng thi tốt nghiệp là nhờ ánh mắt bao dung và những lời động viên, an ủi của cô.

Là một cô giáo, ai cũng muốn học trò của mình đỗ đạt cao. Nếu nói cuộc đời vốn vô thường, chuyện thi cử vẫn là chuyện “học tài thi phận”, tôi e mình sẽ bị “ném đá”. Nhưng nếu học trò của mình thi hỏng, tôi tin mình cũng sẽ làm như ngày xưa cô chủ nhiệm đã làm với mình. Vì hơn ai hết, tôi hiểu rằng các em học sinh cần được tiếp thêm sức mạnh bằng những lời an ủi, động viên nếu rủi các em hỏng thi.

Nếu thi trượt, chắc cháu chết với mẹ...

Chị gái tôi có con năm nay thi đại học. Lực học của cháu chỉ ở mức trung bình khá. Thế nên khi cháu bảo tốt nghiệp cấp III xong thì đi học nghề chứ không thi đại học thì chị gái tôi không đồng tình.

Mỗi khi gặp tôi, câu cửa miệng của chị là: “Biết chúng nó ra trường thất nghiệp dài dài mà mình vẫn phải cố vào bằng được đại học dì ạ. Cứ phải thi cho đến khi nào đậu thì thôi, chứ thả ra lông bông bên ngoài cũng khốn”.

Theo chị gái tôi, thời buổi này nếu không cho con vào trường lớp nào thì con rất dễ sa ngã, sống tiêu cực. Với chị, nếu con không đậu đại học thì xem như thất bại. Chị bồi đắp vào tư tưởng của cháu về khát khao “làm thầy” chứ nhất định không chịu "làm thợ".

Thế nên khi cháu tôi thi đại học về, làm bài không như ý, chị tôi than khổ đủ đường. Cháu liền gọi điện cho tôi đến “giải cứu”.

Mặc dù tôi đã hết lời khuyên chị đừng sính ĐH quá, đừng đề cao cổng trường ĐH như vậy, nhưng chị vẫn khăng khăng theo ý mình. Chị tuyên bố: “Năm nay thi trượt thì cho ôn thi đến năm sau thi lại, trượt tiếp thi lại tiếp, đến khi nào đỗ thì thôi”. Lực học của cháu đến đâu anh chị là người hiểu rất rõ, nhưng chị không chịu thừa nhận cái sai của mình là đã đặt con không đúng chỗ.

Vì tư tưởng chỉ có học hành mới mở mày mở mặt được, chị cho rằng: “Chỉ yên tâm khi con lấy được tấm bằng rồi tính tiếp, chứ cứ bảo thất nghiệp nọ kia nhưng thử hỏi chúng nó làm ăn được gì khi tay trắng? 12 năm đèn sách mà về tay không thì đúng là quá hỏng, vứt luôn ấy chứ!”.

Mấy hôm cháu đi thi kỳ thi THPT quốc gia lúc nào mặt cũng buồn thiu. Nghe mẹ lên lớp, cháu càng thêm chán nản. Tôi cứ trăn trở mãi câu nói của cháu: “Nếu cháu trượt đại học, chắc cháu chết với mẹ cũng nên dì ạ”.

Sáng 5-7, chị gái tôi gọi điện nói là cháu nằm lì trong phòng, nhất định tuyệt thực và không cho ai vào phòng, không trò chuyện với ai. Để đến nông nỗi này, chị gái tôi vẫn cho rằng mình không có lỗi gì, rằng cha mẹ nào chẳng thương con, vì thương con nên mới chọn con đường cho con đi.

Thực tế sau khi trượt đại học nguyện vọng 1, các em đăng ký nguyện vọng 2 hoặc chọn “tù mù” theo kiểu hên xui một trường ĐH, CĐ nào đó, bất kể sự hiểu biết về trường đó là ít ỏi, bất kể ngành đó liệu có hợp với bản thân mình hay không. Nhiều em chọn kiểu "sao cũng được, miễn là đại học!".

Thế nên gần đây, chuyện sinh viên ra trường không có việc làm một phần do chọn sai ngành nghề và không hiểu đúng bản chất mình thích nghề gì. Lỗi này cũng một phần do phụ huynh “sính” ĐH chứ đừng đổ hết cho nền giáo dục hiện tại.

NGUYỆT NGA

Hằng năm, cánh cổng đại học “hạ gục” không ít sĩ tử. Nói đúng hơn là có một cuộc đua giữa các vị phụ huynh khiến cho nhiều em đối mặt với kỳ thi khá nặng nề, căng thẳng. Vì còn mang nặng tư tưởng nhất thiết phải đậu đại học, con nhà người ta đỗ mà con mình trượt là một nỗi nhục của cả gia đình.

Nếu con không đậu đại học, cha mẹ thường có tâm lý so đo con với những bạn thi đậu, những bạn thủ khoa. Những điều đó vô tình đẩy các em vào trạng thái căng thẳng, mặc cảm rằng mình là kẻ vô tích sự, không làm được trò trống gì.

Bài vở cho chuyên mục: Câu chuyện giáo dục, Giáo dục dưới mắt mọi người xin vui lòng gửi về địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn. Rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc.

 

M.M.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên