07/05/2015 08:27 GMT+7

​Tri ân đâu cần phô trương, vẽ vời!

HÀN TRỌNG QUANG HƯNG
HÀN TRỌNG QUANG HƯNG

TT - Tôi là phụ huynh từng được dự lễ tri ân của con gái năm ngoái. Có thể nói tôi và nhiều phụ huynh khác đã khóc khi một em đại diện học sinh lên chia sẻ những tâm sự tiêu biểu của khối 12...

Áo của các bạn nam dày đặc chữ ký được các bạn ký tặng trong một buổi lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12 ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Áo của các bạn nam dày đặc chữ ký được các bạn ký tặng trong một buổi lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12 ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Chân thật, giản dị mà sâu sắc, đó là điều tôi cảm nhận trong những chia sẻ của các em. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự trợ giúp của hội phụ huynh đã nói lời tri ân chân thành đến những ân nhân của mình.

Tôi còn nhớ mãi câu nói của một em: “Nếu không có những đồng tiền ấy, con đâu được cắp sách đến trường thế này...”. Một vài phụ huynh đưa tay lau nước mắt, học sinh ở dưới tựa vào vai nhau, những tiếng thút thít vang lên.

Lại nhớ đến câu chuyện của em học sinh cá biệt suýt bị đuổi học đã được cô giáo xin giữ lại để uốn nắn. Giờ em ấy vừa đoạt giải nhất môn toán học sinh giỏi của tỉnh. Những lời xuýt xoa của phụ huynh, những tràng pháo tay giòn tan của học sinh.

Từ dãy ghế phụ huynh, mẹ của em học sinh ấy đã lên tặng cô giáo cứu cuộc đời con chị bằng một đóa hoa và cái ôm.

Chị còn nói: “Con tôi tưởng đã bị đuổi học, nhưng nhờ bàn tay của cô đã mở ra cho con tôi một tương lai. Gia đình tôi chắc chắn không bao giờ quên ơn cô, không quên được mái trường này”.

Lễ tri ân phong phú, đa dạng với những câu chuyện xúc động giữa tình thầy trò, cha mẹ với con cái và cả phụ huynh dành cho thầy cô của con mình. Có một nhóm ba em học sinh khóa trước, giờ đã vào đại học quay lại trường xưa tri ân cô giáo.

Những lời nói: “Em nhớ cô lắm!”, “Cô có còn bị bệnh đau đầu nữa không? Em đọc tài liệu trên mạng có bài thuốc chữa bệnh đau đầu hay lắm cô ạ...”. Sự gần gũi, quan tâm qua lại của cô trò như thế khiến người ta phải suy nghĩ, trắc ẩn.

Có em tri ân chú bảo vệ vì chú nhiệt tình kéo xe ra cho học sinh nữ trong những buổi tan học đông đúc. Có em cảm ơn cô lao công trung thực vì bao lần cô nhặt được đồ bỏ quên của học sinh trong ngăn bàn, khi thì cái ví, hôm thì cái điện thoại đều đem trả lại.

Những lời tri ân tưởng nhỏ ấy lại ý nghĩa vô cùng. Người tri ân rưng rưng không nói nên lời, người được tri ân cũng xúc động, người chứng kiến cũng cảm thấy được chiêm nghiệm những giây phút quý giá, sâu sắc này. 

Tri ân đâu cần phô trương, vẽ vời trong những bản báo cáo thành tích của học sinh! Thực tế, theo tôi nghĩ, tri ân là cơ hội để các em vừa được bộc bạch lòng mình, vừa là cách để các em “uống nước nhớ nguồn”.

Đừng biến thành “buổi biểu diễn tri ân”!

Hằng năm, ngành giáo dục luôn nhắc nhở các trường: trong buổi tổng kết năm học phải luôn đi kèm lễ tri ân cho học sinh khối lớp 12. Nhưng hầu như “mạnh ai nấy làm”, ngày càng mất dần sự thiêng liêng bởi thiếu sự chân thật, vì phần “diễn” lấn át; thực hiện quá bài bản, rườm rà, dông dài nên phụ huynh và học sinh tham gia có tính chất “dự cho có”.

Theo tôi, có thể tổ chức buổi lễ nơi sân trường, không cần sân khấu, hóa trang, vẽ vời. Phụ huynh và giáo viên, học sinh cùng ngồi vòng tròn xung quanh. Học sinh thể hiện lòng biết ơn của mình qua những bài viết (văn xuôi, thơ...), lên trình bày với sự có mặt của người mà mình mang ơn (ông bà, cha mẹ, thầy cô...). Cũng không nên tập dượt trước, bởi đây là tấm lòng chân thành của các em và cứ để các em bày tỏ, thổ lộ một cách tự nhiên, chân thật... Không khí buổi lễ trang nghiêm, thiêng liêng bởi tình người: tình cha con, tình mẹ con, tình thầy trò. Và buổi lễ sẽ mang dấu ấn mãi mãi không quên trong hành trang vào đời của các em...

Nếu cứ tập dượt, cứ chăm chăm vào khâu “diễn” thì lễ tri ân sẽ phản tác dụng, tính giáo dục không còn cao vì đã biến thể thành “buổi biểu diễn tri ân" mất rồi!

SƠN THỊ PHÀ CA

Cần lắm giá trị thật

Những năm qua, “Lễ trưởng thành và tri ân” đã lan tỏa lối sống đẹp đối với những cô cậu học trò lớp 12 và cho các em thêm bao kỷ niệm đẹp trong những ngày cuối cùng của tuổi học trò. Dù chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng những nỗi niềm tâm sự được các em học sinh bộc lộ qua bài viết lại rất sâu sắc, chan chứa tình cảm. “Lễ trưởng thành và tri ân” đã tạo điều kiện cho các em gửi thông điệp tri ân đến ông bà, cha mẹ và thầy cô. Buổi lễ đã để lại những ấn tượng khó phai với các đấng sinh thành, thầy cô và nhất là học sinh.

Để buổi lễ thật sự ý nghĩa cần có nhiều yếu tố. Song yếu tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố “thật”. Sự chân thật trong lời nói, bài viết, cử chỉ từ những cô cậu học trò dành cho người mà mình tri ân là điều rất quan trọng. Nó không chỉ quan trọng để tạo nên một buổi lễ tri ân đúng nghĩa, mà còn lắng sâu trong tâm hồn của học sinh và người được tri ân. Dẫu lời nói, bài viết, những cử chỉ của học sinh còn ngây thơ, vụng về nhưng đó là điều rất thật từ tấm lòng của các em, còn quý gấp bội so với “sự hoàn hảo hình thức”.

Việc tổ chức “Lễ trưởng thành và tri ân” đối với học sinh lớp 12 - tuổi 18 là điều rất cần thiết. Nó mang ý nghĩa giáo dục rất thiết thực cho học sinh đang chuẩn bị hành trang vào đời - bước vào một giai đoạn mới và cũng là đánh dấu một chặng đường mới cho các em. Những kỷ niệm đẹp, chân thật, xúc động trong buổi lễ sẽ làm hành trang của các em thêm chất nhân văn.

Vì vậy, các người lớn - gia đình và nhà trường - đừng tạo ra giá trị ảo cho buổi lễ bằng những kịch bản hoàn hảo mà khô khan, giả tạo. Hãy tạo ra giá trị thật để tâm hồn con em mình thật sự trong sáng và lắng sâu trong buổi lễ cuối cùng của đời học sinh.

THÁI HOÀNG

 

HÀN TRỌNG QUANG HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên