14/04/2015 10:59 GMT+7

​Đừng “giáo dục” học sinh như thế!

PHƯỚC BÌNH
PHƯỚC BÌNH

TT - Một sự thật ngoài sức tưởng tượng đã xảy ra tại Trường tiểu học P, TP.HCM trong buổi lễ chào cờ. Câu chuyện này được một phụ huynh chứng kiến và bức xúc viết lại gửi đến Tuổi Trẻ...

Sau khi tôi đóng tiền học cho con mình xong, vừa quay đầu xe đi làm thì nghe giọng vị hiệu trưởng sang sảng vang lên: “Các em có thấy bốn gương mặt này sáng sủa không? Các bạn có xinh đẹp không? (Bốn học sinh đứng giữa sân cờ, các học sinh khác ngồi xung quanh). Vậy mà các bạn sử dụng băng vệ sinh của mình xong thì nhét vào bồn cầu làm cầu nghẹt, nước không chảy được”.

Nghe đến đây, tôi quá bất ngờ về nội dung sinh hoạt dưới cờ và cách giáo dục học sinh trước toàn trường của vị hiệu trưởng này. Bốn học sinh lớp 5 đang tuổi dậy thì, là đàn chị của học sinh toàn trường, cúi gằm mặt, đứng co ro dưới cờ trước ánh mắt của học sinh, giáo viên, bảo mẫu... của trường.

Các em chỉ biết đứng câm lặng trước những lời lẽ nặng nề, chì chiết của vị hiệu trưởng gần 15 phút.

Người Việt mình thường có câu: “Cô giáo như mẹ hiền”. Tôi tự hỏi đó là lời nói, hành động từ người mẹ hiền thứ hai của các em đấy sao? Nếu phụ huynh của bốn em đó nhìn thấy cảnh tượng này họ sẽ có hành động gì? Tệ hại hơn, tôi chắc chắn rằng việc bị bêu xấu trước toàn trường một việc riêng tư như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của bốn học sinh, không chỉ khiến các em xấu hổ...

Tôi không thể ngờ một việc như vậy lại có thể xảy ra trong buổi chào cờ của một ngôi trường, nơi phụ huynh chúng tôi đặt trọn niềm tin để gửi gắm thế hệ tương lai của mình vào đó.

Tôi cũng nhớ một thông tư thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học từ cho điểm sang nhận xét, không chê bai học sinh, nhằm khuyến khích tất cả học sinh đều tiến bộ, tự tin trong học tập, vừa được áp dụng đầu năm học 2014-2015 này.

Chẳng lẽ chỉ ở trong sổ sách, trong tập vở, giáo viên mới “thể hiện tính nhân văn”, còn hành động và lời nói ở ngoài thì “vô tư” bỏ mặc?

* TS NGÔ XUÂN ĐIỆP (trưởng khoa tâm lý Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM):

“Tại sao không tìm cách giáo dục nhân văn hơn?”

Việc vị hiệu trưởng Trường tiểu học P bêu dưới cờ bốn nữ sinh vứt băng vệ sinh vào bồn cầu không chỉ là thiếu phương pháp sư phạm, không có tính giáo dục, thiếu tính nhân văn mà còn là một hành động xúc phạm nhân phẩm người khác.

Trong môi trường giáo dục, điều này càng trở nên nghiêm trọng khi người làm nhục người khác là lãnh đạo nhà trường và đối tượng bị làm nhục là những học sinh tiểu học ăn chưa no, lo chưa tới, chưa có ý thức rõ ràng về những hành động của mình.

Giả dụ bốn học sinh đứng dưới cờ kia là người lớn, xét phạm vi về mặt con người, thì hành động đó cũng không chấp nhận được, huống chi đó là những đứa trẻ mới bước vào “những ngày đầu khủng hoảng” của tuổi dậy thì.

Tôi chắc rằng nguồn cơn hành động đó của mấy học sinh là do các em đang bối rối, đang lo lắng, đang bất an và rất sợ bạn bè, thầy cô biết được “dấu hiệu này” của mình. Vậy mà trong tâm lý bất ổn đó, thầy cô, nhà trường lại làm cái việc tày trời là... loan báo với cả trường sự việc đó.

Với cú sốc này, các em rất dễ bị tổn thương tâm lý nặng nề, có thể xảy ra các vấn đề về rối nhiễu tâm lý, thậm chí gây ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ.

“Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một li”, việc bêu xấu học sinh trước mặt học sinh khác sẽ làm đứa trẻ bị ám ảnh suốt đời, thậm chí gây khủng hoảng tinh thần cho trẻ... Tại sao nhà trường không tìm những cách đầy tính nhân văn, mang tính giáo dục hơn để góp ý hành vi chưa đúng đó của bốn nữ sinh.

Ví dụ, trường có thể ra một thông báo về sự việc (không nêu tên học sinh), hướng dẫn các em cách thực hiện đúng quy định vệ sinh của trường. Trường cũng có thể giáo dục học sinh thông qua các buổi sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm...

MỸ DUNG ghi

Chuyện mà giáo viên nào cũng né!

Ngày nay, ít bậc cha mẹ nào thờ ơ với chuyện hướng dẫn con mình vượt qua giai đoạn “khủng hoảng”. Truyền thông cũng rầm rộ vào cuộc tuyên truyền. Đoàn thể hội thảo họp bàn. Sách vở xuất bản không thiếu. Và đặc biệt ngành giáo dục đưa vào trường học các giờ dạy để nâng cao kỹ năng ứng phó cho học sinh ở từng lứa tuổi.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin nêu ý kiến, cách nhìn nhận về khía cạnh trên từ nhà trường, mà cụ thể hơn là giáo viên môn sinh học và tư vấn học đường. Nhận xét chung cho giáo viên dạy sinh học là ngại thảo luận cùng học sinh về giới tính, chưa kể việc bàn về nhu cầu tâm lý và ảnh hưởng của sự thay đổi sinh lý gần như là không.

Đâu là vật cản? Không phải tất cả, song những giáo viên nhiều tuổi thường nghĩ rằng dạy tỉ mỉ cho học sinh về giới tính là vẽ đường cho hươu chạy, học sinh chưa đủ lớn để biết, hay cho rằng các em lớn lên sẽ biết vẫn chưa muộn.

Thế nên những bài học về các bộ phận sinh dục thì giáo viên dạy cho qua chuyện, lướt nhanh, nhiều học sinh dù rất muốn tìm hiểu nhưng ngại hỏi vì sợ bị bạn bè dè bỉu, sẽ bị nghĩ “có vấn đề” gì không...

Có hiện tượng này là do lối sống và cách nghĩ, tập tục lâu đời mà người Việt vẫn quan niệm: chuyện giới tính là chuyện tế nhị, chuyện của chốn phòng the, chuyện không nên nói chỗ đông người...

Còn giáo viên trẻ, đặc biệt là giáo viên nữ chưa có gia đình, đối với những bài học kiểu như vậy họ không thiếu kiến thức, nhưng khi “tư vấn” kỹ quá nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của học sinh thì phần lớn ngại bị xét đoán “chưa chồng sao rành quá vậy?”.

Số còn lại thì không đủ can đảm trả lời cho học sinh những câu hỏi “Làm sao mà có thai?”, “Tại sao hôn nhau lại có bầu?”, “Em bé được sinh ra như thế nào, qua nách, qua bụng?”. Giải thích cho học sinh phải nói sao cho không quá học thuật uyên bác cũng không suồng sã dễ dãi để các em hiểu vấn đề một cách cơ bản là chuyện cũng không dễ dàng.

Giáo viên nào cũng sợ học sinh về đem kiến thức trong trường ra “thực hành” thì có lẽ tội đồ là họ nên thôi, “cha chung” mà!

Thực tế, đến lứa tuổi trung học mà cha mẹ trở nên xa cách con cái, nhà trường chưa hoàn thành sứ mệnh thì sẽ có thêm nhiều học sinh tự tìm câu trả lời! Vì bọn nhỏ biết chừng nào mình chưa lớn thì người lớn vẫn tiếp tục che giấu và nói dối. Mong tất cả mọi người không còn xem nói chuyện giới tính với con trẻ là chuyện người lớn.

NGUYỄN MINH THANH

 

PHƯỚC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên