31/03/2015 08:06 GMT+7

​“Cô bảo mẫu ác quá!”

LÂM TRIỀU ÁNH TUYẾT (P.5, Q.3, TP.HCM)
LÂM TRIỀU ÁNH TUYẾT (P.5, Q.3, TP.HCM)

TT - Chiều. Đến trường tiểu học đón con. Thấy mặt cháu không vui, tôi hỏi: “Có việc gì mà mẹ thấy con không vui vậy?”. Con phụng phịu: “Cô bảo mẫu ác quá!”.

Dạy cho trẻ về tính nhân hậu là điều rất cần thiết trong giáo dục. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM trong một buổi học về tìm hiểu đời sống động vật tại Thảo cầm viên - Ảnh: Như Hùng

Tôi hỏi: “Vì sao con nói vậy? Cô bảo mẫu làm gì mà con nói ác?”. Thế là cu cậu tuôn ra những ấm ức trong lòng.

Giờ ra chơi chiều, các bạn nhỏ thấy một chú chim sẻ bị nạn, rơi xuống sân trường. Con tôi và vài bạn của cháu chạy đến nhặt chim lên. Các cháu nhìn ngắm, xem xét và kết luận chắc là chú chim bị đói nên rớt vì xem trên mình chú chim chẳng có vết thương nào.

Thế là các cháu túa ra đi tìm cái gì có thể cho chim ăn được, còn con tôi và một bạn khác chạy đi tìm chỗ để đặt con chim nằm xuống.

Cuối cùng chẳng có gì, các cháu đành bóp vụn bánh snack để trước mỏ con chim. Thấy chú chim mổ từng miếng bánh nhỏ để ăn, các con mừng lắm. Một bạn chạy đi nhặt được nắp chai nước suối, lấy nước cho chim uống.

Lũ trẻ đang loay hoay chăm sóc chim, bàn nhau hôm sau đi học mỗi bạn phải mang... năm hạt gạo cho chim ăn; có bé còn nêu ý kiến làm sao để bảo vệ chú chim qua đêm nay mà không bị mèo hay chuột ăn thịt... thì cô bảo mẫu đến.

Cô quát lên: “Mấy đứa kia, làm gì ở đây?”. Bọn trẻ giải thích nhưng cô bảo mẫu chẳng thèm nghe mà còn quyết liệt xua đuổi khỏi chỗ của chú chim tội nghiệp kia. Cô còn nói: “Lát tui bẻ đầu con chim cho chết luôn”.

Tôi hỏi: “Các con để chim ở đâu? Chắc là mấy con vào khu vực không được phép vào chứ gì?”. Con trả lời: “Không mẹ à. Chỗ đó là cái sân nhỏ kế bên nhà vệ sinh, chỗ mấy cô bảo mẫu phơi khăn, để chổi. Chỗ đó mới có bục ximăng cao, để tránh chuột”.

Kể xong mà cu cậu cứ ấm ức: “Cô bảo mẫu gì mà ác, không biết cô có bẻ đầu chim hay không nữa?”. Tôi đành vỗ về: “Không đâu con. Cô chỉ nói vậy thôi chứ không làm vậy đâu”.

Tối trước khi ngủ, con tôi còn lo âu: “Không biết con chim bây giờ ra sao rồi? Cầu cho cô bảo mẫu đừng giết nó. Con mong trời mau sáng để mai con mang gạo vào cho chim ăn”.

Tôi đành phải dỗ cháu: “Không sao đâu con. Các con chăm sóc tốt vậy, bây giờ chim đã khỏe mạnh rồi, có khi nó đã bay về với mẹ rồi cũng nên”. Nghe vậy cháu mừng rỡ: “Vậy hả mẹ. Chắc là nó cũng đang nói chuyện với mẹ giống như hai mẹ con mình hả mẹ?”. Tôi xoa đầu con và chúc bé một giấc ngủ ngon.

Hằng ngày, tôi vun xới “tâm thiện” cho con mình thật tốt, thật nhiều, vì biết rằng xã hội này, cuộc đời này sẽ làm cho “tâm thiện” của con người vơi đi ít nhiều qua những hành vi, cử chỉ...

Tuy nhiên thật đáng tiếc, chỉ qua một hành vi rất nhỏ, cô bảo mẫu ấy đã đánh mất cơ hội giáo dục “tâm thiện” cho các cháu, đánh mất luôn cái đẹp của hình ảnh “mẹ của em ở trường”...

 

LÂM TRIỀU ÁNH TUYẾT (P.5, Q.3, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên