26/03/2015 15:34 GMT+7

Ngày mặc áo hồng

VÕ HỒNG QUỲNH
VÕ HỒNG QUỲNH

TT -  Sân trường khối trung học Trường quốc tế Mỹ hôm thứ sáu mới đây tràn ngập một màu hồng tươi tắn của các em học sinh.

Những chiếc áo màu hồng được các em học sinh mặc đến trường - Ảnh: V.H.Q.
Những chiếc áo màu hồng được các em học sinh mặc đến trường - Ảnh: V.H.Q.

1 Hôm đó tất cả các em đều mặc thường phục với áo màu hồng đến trường. Con gái tôi, một học sinh lớp 7, cũng là thành viên của hội học sinh trường, cho biết tất cả học sinh đã được thông tin về ý nghĩa của ngày mặc áo hồng từ nhiều tuần trước và bạn nào cũng háo hức chờ đón đến ngày đó...

Nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày mặc áo hồng (Pink shirt day) là một câu chuyện có thật, được con gái tôi kể lại: vào một ngày thứ sáu năm 2007, tại Trường Central Kings Rural high school, bang Nova Scotia (Canada), một học sinh nam lớp 9 tên Charles McNeill, trong ngày đầu tiên đến trường sau một kỳ nghỉ đã mặc áo màu hồng.

Charles McNeill bị một bạn học gọi là “homosexual” (đồng tính), đồng thời đe dọa sẽ đánh em. Nghe được thông tin này, hai học sinh lớp 12 cùng trường là David Shepherd và Travis Price thấy bất bình và quyết định mua 50 áo hồng rồi gửi email cho các học sinh cùng trường để kêu gọi các bạn hưởng ứng phong trào “phản đối bạo lực học đường”.

Không ngờ vào ngày hôm sau, hành động của hai em đã tạo nên một làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ, rất nhiều học sinh mặc áo hồng đến trường, có em mặc hồng từ đầu đến chân. Kể từ đó “ngày mặc áo hồng” đã trở thành biểu tượng cho việc chống lại hành vi bạo lực học đường tại các trường học ở Canada và lan tỏa khắp nơi trên thế giới.

2 Còn ngày mặc áo hồng tại Trường quốc tế Mỹ, ngoài việc tự thiết kế trên áo của mình nhiều hình ảnh khác nhau, thể hiện thông điệp phản đối bạo lực học đường, mỗi em còn đóng góp tối thiểu 10.000 đồng để hưởng ứng phong trào này.

Tất cả số tiền thu được sẽ được nhà trường chuyển đến quỹ từ thiện cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Một giáo viên người Việt giảng dạy ở trường tâm sự: “Thật ngẫu nhiên, ngày mặc áo hồng lại diễn ra đúng vào lúc cả xã hội đang lên án việc đánh nhau trong trường học. Phong trào này thể hiện sự đoàn kết và hành động tích cực trong các em học sinh nhằm chấm dứt hành vi bạo lực học đường, đồng thời thể hiện sự quan tâm của các em với nhau trong cộng đồng”.

Con gái tôi bộc bạch: “Trong ngày đó tụi con chia sẻ câu chuyện của Charles McNeill rồi cùng nhau nghĩ ra các ý tưởng, các dự án tương tự có thể thực hiện trong tương lai”.

3 Quả thật, ngày mặc áo hồng là một trong nhiều hoạt động sẻ chia thể hiện từ chính ý tưởng, sáng kiến của học sinh.

Hội học sinh gồm các em đạt thành tích cao trong học tập, có tiềm năng lãnh đạo, năng động và luôn có những sáng kiến trong các hoạt động ngoài giờ học. Các em được giáo viên các môn học khác nhau tuyển chọn, đề cử.

Sau đó tất cả giáo viên sẽ họp bầu chọn những em xuất sắc nhất. Câu chuyện của Charles McNeill được các em trong hội học sinh đọc được trên mạng, đồng cảm và từ đó đề xuất ban giám hiệu trường tổ chức cho toàn thể học sinh tham gia.

Các hoạt động tương tự khác từ lâu đã diễn ra ở ngôi trường này, từ mỗi ngày thứ sáu của đầu tháng học sinh mặc thường phục và đóng góp 5.000 đồng cho quỹ từ thiện, ngày bán bánh quy từ thiện, đến dẫn chương trình các buổi sinh hoạt toàn trường, các sự kiện thể thao... đều có sự đóng góp ý tưởng của các em trong hội học sinh.

Từ đây bên cạnh việc học, các em đã được nuôi dưỡng tâm hồn biết cùng nhau đồng cảm, sẻ chia và phát huy những ý tưởng, những sáng kiến nho nhỏ ngay lúc còn trên ghế nhà trường.

VÕ HỒNG QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên