10/02/2015 09:46 GMT+7

​Nhớ mãi bao tiền lì xì của thầy

NGUYỄN THANH DŨNG (giáo viên Trường THCS Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An)
NGUYỄN THANH DŨNG (giáo viên Trường THCS Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An)

TT - Tết năm ấy sau khi dạy xong bài học cuối cùng để chuẩn bị về nghỉ thì thầy Hiền làm cho cả lớp tôi vô cùng bất ngờ.

Đối với trẻ thơ, tết là những ngày đẹp nhất. Các em được mặc quần áo mới, được ăn nhiều thức ăn ngon, được vui chơi giải trí sau những ngày học hành căng thẳng và đặc biệt là được đón nhận những bao tiền lì xì đỏ của người lớn. 

Với tôi cũng vậy, dù bây giờ đã trưởng thành nhưng không bao giờ quên được những ký ức tuổi thơ trong ngày tết. Có biết bao kỷ niệm đẹp nhưng tôi nhớ mãi về bao tiền lì xì của thầy Hiền tặng năm tôi học lớp 7.

Năm tôi học lớp 7 là thời điểm miền Nam mới giải phóng, cuộc sống của nhiều người còn khó khăn, cái ăn, cái mặc hằng ngày còn thiếu thốn.

Tuy nhiên khi xuân về tết đến ai cũng muốn mình được đầy đủ, tươm tất hơn ngày thường. Còn đối với thầy cô thì đồng lương rất ít ỏi. Nhiều thầy cô nói tiền lương chỉ đủ để ăn cơm mỗi ngày thôi. Chỉ có lòng yêu nghề mến trẻ mới giúp thầy cô trụ lại được với nghề.

Tết năm ấy sau khi dạy xong bài học cuối cùng để chuẩn bị về nghỉ thì thầy Hiền làm cho cả lớp tôi vô cùng bất ngờ.

Thầy nói: “Hôm nay thầy sẽ lì xì cả lớp”. Nghe thầy Hiền nói vậy, cả lớp tròn xoe mắt. Lớp tôi có đến 38 đứa, thầy mà lì xì hết cả lớp thì tốn nhiều tiền lắm.

Tôi hỏi thầy: “Thưa thầy, nếu lì xì hết cả lớp em thì tốn nhiều tiền, làm sao thầy lì xì được ạ?”. Thầy Hiền cười: “Vậy mà thầy lì xì được mới hay chứ. Nhưng thầy nói trước tiền lì xì của thầy chỉ có ý nghĩa về tinh thần chứ không phải vật chất đó nghen”.

Nói xong thầy phát cho học sinh mỗi đứa một phong bì lì xì. Đứa nào cũng hí hửng đón nhận, lòng rộn vui.

Sau khi thầy lì xì xong, nhiều đứa mở bao tiền lì xì ra xem và thấy có tờ giấy bạc 5 đồng mới tinh. Dù biết số tiền lì xì của thầy không đáng giá là bao, chỉ có thể mua được vài cục kẹo nhưng cả lớp tôi rất vui.

Tôi để ý nhìn vào những phong bì lì xì thấy hơi là lạ vì mỗi đứa đều có bao lì xì khác nhau, có đủ màu xanh, đỏ, vàng, tím.

Tôi xem kỹ mới biết đây không phải bao lì xì thầy mua mà do thầy tự làm. Thầy nói thầy tận dụng những tấm lịch còn mới ở nhà để làm bao lì xì.

Đây cũng xem như hình thức thầy tiết kiệm vì nếu mua 38 cái bao lì xì thì tốn thêm tiền. Tôi thầm khen thầy rất khéo tay. Phải nhìn thật kỹ mới biết bao lì xì do thầy tự cắt.

Tôi đại diện lớp chúc tết thầy. Thầy vuốt tóc tôi và nói với cả lớp: “Thầy mong sao tiền lì xì của thầy sẽ là điều may mắn cho các em trong năm mới”.

Ăn tết xong, tôi hỏi mấy đứa bạn trong lớp thì đa số giữ tiền lì xì của thầy và còn giữ cả bao lì xì được thầy “sản xuất tại nhà”.

Thằng Sơn nói: “Tụi mình ráng giữ tiền lì xì này làm kỷ niệm chứ đừng mua bánh ăn nha. Thầy có cuộc sống còn khó khăn vậy mà thầy lì xì cho tụi mình. Thầy rất thương tụi mình. Tụi mình phải ráng học giỏi để cho thầy vui”. Vậy là tụi tôi ngoéo tay nhau quyết tâm giữ mãi tiền lì xì của thầy.

Thầy Hiền nói đúng, có lẽ tiền lì xì của thầy mang nhiều may mắn mà năm học đó lớp 7/2 có số học sinh giỏi chiếm 1/3 lớp và cả lớp không có ai bị thi lại. Thầy nói lớp 7/2 có thành tích học tập cao nhất khối lớp 7. Chúng tôi vô cùng hãnh diện với thành tích này.

Lên lớp 8 tôi không còn học Trường Nguyễn Huệ ở TP.HCM nữa mà chuyển về học ở Trường cấp II Long Thượng thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tôi không còn học thầy Hiền nữa nhưng vẫn luôn nhớ đến thầy.

Thỉnh thoảng, có dịp lên thành phố là tôi ghé thăm thầy. Năm học lớp 12, tôi ghé thăm thầy và đưa ra bao lì xì của thầy ngày nào còn mới tinh làm thầy vô cùng ngạc nhiên. Bởi bao tiền lì xì của thầy được tôi gói rất kỹ trong bịch nilông nên còn rất mới. Thầy xúc động không nói nên lời.

Bây giờ tôi đã là thầy giáo, tôi học được ở thầy Hiền nhiều đức tính và cách cư xử rất chuẩn mực của thầy dành cho học sinh. Cứ mỗi độ tết đến, khi đi chợ nhìn thấy người ta bán những bao lì xì đỏ thắm là tôi nhớ mãi công lao khó nhọc của thầy cắt những tờ lịch làm bao lì xì cho học sinh.

Tôi nhớ mãi tờ giấy bạc 5 đồng còn thơm mùi giấy. Bao tiền lì xì của thầy chứa đựng tình thương học sinh vô hạn trong trái tim thầy. Giá trị bao tiền lì xì của thầy không phải là vật chất mà là giá trị tinh thần.

Nó là nguồn động lực giúp tôi phải cố gắng không ngừng. Tôi nguyện với lòng sẽ cố gắng trui rèn cả tài năng và đạo đức để xứng đáng là người thầy của bao thế hệ học sinh. Và quan trọng hơn tôi xứng đáng là học trò của thầy Hiền, người thầy đáng kính trong trái tim tôi.

NGUYỄN THANH DŨNG (giáo viên Trường THCS Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên