15/12/2014 09:20 GMT+7

Câu chuyện giáo dục: Bài học từ hươu

M.M.
M.M.

TT - Đã qua rồi cái thời con đàn cháu đống, trời sinh voi sinh cỏ mà xu hướng hiện nay là mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con.

Đó là chưa nói có rất nhiều những đứa con cầu tự được “nâng như trứng, hứng như hoa”. Con ít, chất lượng cuộc sống mỗi ngày được nâng cao. Phần lớn con cái được bảo bọc, chở che. Có nhiều bà mẹ thể hiện tình thương con theo kiểu “con cứ yên tâm học và chơi, trời sập đã có mẹ”.

Họ luôn có cảm giác bất an vì nghĩ tình thương của mình như thế chưa đủ, phải yêu con hơn nữa, bảo bọc nhiều hơn nữa...

Tôi nói vậy vì lớp tôi dạy có cậu học trò “rơi” vào tình cảnh như thế. Con trai đã học THCS rồi nhưng mẹ vẫn không dám “buông”.

Chuyện đưa đón đi học, nhét bánh sữa vào cặp, đứng đợi trước cổng trường là chuyện nhỏ. Mẹ thậm chí sẵn sàng can thiệp vào các mối quan hệ bạn bè của con. Nếu con cãi cọ xích mích với bạn học nào đó thì mẹ sẽ gặp để hỏi kỹ, phán xét đúng sai, phần lớn là chỉ trích đối phương giùm con...

Nghiêm trọng hơn, nếu con trai đánh nhau với bạn, không cần biết ai sai ai đúng, mẹ sẽ kéo tay bạn đó lại dạy bảo liền. Hành động thương con quá mức này khiến nhiều người bức xúc. Giáo viên chủ nhiệm em thì lo lắng. Cứ “đụng” tới cu cậu là chị có mặt tại trường ngay lập tức. 

Câu chuyện của cậu học trò được mẹ bảo bọc, cưng nựng quá mức làm tôi nhớ câu ca “Đời cua cua máy, đời cáy cáy mò”. Không phải ông cha ta không có trách nhiệm với con cái mà nói như vậy đâu.

Tôi ngồi ngẫm nghĩ và nhớ lại bài học của chú hươu.

Hươu mẹ đứng để sinh con, hươu con chào đời bằng cú rơi xuống đất và nằm ngay dưới đó nhưng chỉ sau vài phút hươu mẹ đã không cho hươu con nằm bẹp mà đá mạnh, bắt phải đứng dậy, đứng dậy được hươu mẹ lại đá cho hươu con ngã rồi lại lồm cồm tự đứng tiếp.

Chẳng phải những lần vấp ngã sẽ dạy người ta cách đứng lên?

Là một bà mẹ trẻ, là một cô giáo, tôi thăm dò ý kiến của học sinh. Với câu hỏi: Em có thấy sự quan tâm quá mức của ba mẹ là cần thiết cho mình?

A. Cần thiết.

B. Quan tâm nhưng đừng quan tâm quá mức, như thế sẽ có cảm giác mình là đứa vô dụng.

C. Cảm thấy tù túng, không thoải mái.

D. Ý kiến của em...

Với câu hỏi này, có đến 69% chọn phương án D là đưa ra ý kiến: đa số các em cho rằng sự quan tâm là cần thiết nhưng hãy để con cái được tự quyết định một số việc, muốn khẳng định mình trước khó khăn...

Một câu chuyện nhỏ thôi cũng đủ để ta nhìn lại một việc lớn - cách giáo dục trẻ. Và vấn đề ở đây là có nên để trẻ “vấp ngã”?

Đương nhiên, với lứa tuổi này thì không ông bố bà mẹ nào yên tâm để con tự lập hoàn toàn. Thế nhưng đừng quá bảo bọc, kiểm soát mọi hoạt động của trẻ mọi lúc mọi nơi. Đây là cách làm có hại cho đời sống đứa trẻ hơn là mang lại lợi ích cho con.

Phương pháp dạy con như vậy sẽ khiến trẻ lệ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ về cả tình cảm và các hoạt động cá nhân. Những đứa trẻ này sẽ khó có khả năng tự phát triển hay ứng phó với những sóng gió ngoài xã hội - mà các bậc làm cha mẹ đều biết rằng cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều thử thách.

Vậy nên hãy cứ yêu thương, lo lắng, có nghĩa vẫn sát cánh bên con để trẻ yên tâm, không bị cảm giác bỏ rơi làm hoang mang sợ hãi nhưng nên nhớ hãy hạn chế sự trợ giúp. Các bậc phụ huynh hãy cứ mạnh dạn để mặc khi con mình vấp ngã rồi để trẻ tự xoay xở tìm cách đứng dậy.

Có đứa trẻ nào lớn lên mà không một lần vấp ngã? Mỗi lần ngã là mỗi lần trẻ tự đứng dậy và học được cách để không ngã lần nữa. Vậy chúng ta, bậc làm cha mẹ, hãy cứ mạnh dạn để trẻ vấp ngã để thể nghiệm bài học tự lập.

M.M.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên