26/07/2017 08:34 GMT+7

Tiếp tục nuôi dưỡng đam mê

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Phát hiện, nuôi dưỡng nhân tài chưa đủ, mà cần có những chính sách dài hơi hơn để giữ ngọn lửa đam mê cho những học sinh giỏi, sau khi các em thành công trong các cuộc đua trí tuệ.

Các thành viên đội tuyển Olympic toán học Việt Nam với bốn huy chương vàng, một bạc và một đồng đã trở về Hà Nội vào sáng 25-8 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các thành viên đội tuyển Olympic toán học Việt Nam với bốn huy chương vàng, một bạc và một đồng đã trở về Hà Nội vào sáng 25-8 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã đề xuất và triển khai nhiều chương trình khuyến khích người tài theo đuổi khoa học cơ bản. Tuy nhiên, nhằm thúc đẩy hơn nữa việc giữ người tài cho lĩnh vực này thì cần có các chính sách để tạo môi trường học tập, nghiên cứu và cống hiến

TS NGUYỄN XUÂN THÀNH

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - với Tuổi Trẻ sau khi các đoàn học sinh VN dự thi Olympic quốc tế năm nay đạt giải thưởng cao.

* Theo ông, với thành tích đặc biệt năm nay, VN đã khắc phục được điểm yếu về thực hành?

- Các năm trước, đúng là học sinh của đoàn VN hay bị mất điểm ở bài thực hành. Trong khi lý thuyết của học sinh VN rất tốt, nhưng lại lúng túng và đôi khi bị mất điểm vì những lý do rất đáng tiếc như không cập nhật, thành thạo khi sử dụng các dụng cụ đo.

Năm nay, điểm bài thi thực hành của học sinh VN cao, do những hạn chế trong việc dạy học, ôn luyện thực hành đã được khắc phục.

* Những điểm mới trong việc ôn luyện đội tuyển, để khắc phục điểm yếu thực hành là gì?

- Theo đề án phát triển hệ thống trường chuyên, hiện nhiều trường chuyên đã đầu tư bổ sung các thiết bị thực hành, thí nghiệm hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Việc được tiếp cận sớm với các dụng cụ thí nghiệm hiện đại giúp học sinh VN không mất thời gian vào việc làm quen, không sai sót khi đo.

Bên cạnh đó, học sinh VN tham dự Olympic cũng được làm quen và thành thạo các bước triển khai xây dựng phương án thí nghiệm, phân tích kết quả đo đạc. Các em chỉ tập trung cao độ vào việc tìm hướng giải quyết, nên đạt được kết quả tốt.

Hướng dạy học gắn với thực tiễn, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề của cuộc sống - ở cả giáo dục đại trà và mũi nhọn - cũng là một yếu tố giúp các đoàn VN có điểm ở các bài thực hành gắn với thực tiễn.

* Việc rèn luyện, bồi dưỡng đội tuyển đi dự thi quốc tế có thay đổi so với cách làm trước?

- Phương châm trong bồi dưỡng đội tuyển quốc tế là “Thầy không dạy kiến thức, mà chỉ gợi mở vấn đề”, với mục tiêu lời giải của học sinh phải hay hơn, thông minh hơn lời giải của người ra đề. Như thế, học sinh năng khiếu mới có cơ hội phát huy cao tiềm năng của cá nhân. Có những học sinh đạt được mức tự đặt ra các vấn đề cho mình, để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

Ngoài các thầy có kinh nghiệm tham gia giảng dạy, còn có các gương mặt trẻ giàu nhiệt huyết. Các đội tuyển cũng có những buổi tiếp xúc, giao lưu với các cựu học sinh từng tham dự các kỳ thi Olympic để chia sẻ kinh nghiệm.

Một điểm đáng nói nữa là quy trình sàng lọc học sinh vào đội tuyển chính thức rất chặt chẽ. Những học sinh lọt vào vòng 2 là những em rất xuất sắc, vì các em được tiếp cận và hoàn thành các bài thi đạt ngang tầm bài thi trong các kỳ Olympic quốc tế.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong các trường chuyên cũng giúp học sinh VN tham dự đội tuyển Olympic quốc tế, khu vực thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp, cũng như tiếp cận được đề thi gốc, tài liệu bằng tiếng Anh không cần qua phiên dịch. Điều này giúp các em tiết kiệm thời gian, hiểu sâu và sát đề thi trong quá trình dự thi.

* Có nhiều ý kiến cho rằng cần tiết chế sự vui mừng này, vì đây chưa phải là bộ mặt của chất lượng giáo dục VN. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

- Như tôi đã nói ở trên, chất lượng giáo dục đại trà được nâng cao là nền tảng cho việc thúc đẩy giáo dục mũi nhọn. Mỗi mục tiêu giáo dục cần những bước đi cụ thể khác nhau, nhưng đều hướng tới một điểm mới chung, là phát huy năng lực, sáng tạo của người học, tăng cường việc vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Nói về kết quả thi quốc tế, tôi cũng nghĩ cần thêm những giải pháp để nuôi dưỡng tài năng, nuôi dưỡng đam mê, chứ không dừng lại, bằng lòng với kết quả thi này.

Thành tích của học sinh qua các năm dự kỳ thi Olympic quốc tế - Đồ họa: TẤN ĐẠT


* Một số học sinh có thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực đã không chọn học tiếp các ngành khoa học cơ bản, mà rẽ ngang hướng khác. Bộ GD-ĐT có động thái gì để giữ người tài cho lĩnh vực khoa học cơ bản?

- Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã đề xuất và triển khai nhiều chương trình khuyến khích người tài theo đuổi khoa học cơ bản. Ví dụ, trao học bổng học ĐH, thạc sĩ, nghiên cứu sinh ở nước ngoài cho người học theo đuổi các ngành khoa học cơ bản. Nhiều trường ĐH cũng có những chính sách đặc biệt thu hút sinh viên giỏi vào học khoa học cơ bản.

Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa việc giữ người tài cho lĩnh vực này thì cần có các chính sách để tạo môi trường học tập, nghiên cứu và cống hiến. Ví dụ, ngành toán có viện toán cao cấp với nhiều hoạt động ý nghĩa thúc đẩy việc nghiên cứu toán học.

* Nhưng với vật lý, hóa học thì lại cần có những chiến lược đầu tư mang tính đặc thù?

- Đúng thế, môn toán có thuận lợi hơn là không cần đến thiết bị thực hành, thí nghiệm thì vẫn có thể nghiên cứu toán, để có những sáng tạo mang giá trị tầm cỡ quốc tế. Nhưng vật lý, hóa học, sinh học là các môn khoa học thực nghiệm, nhất định cần đầu tư cho thực hành, thí nghiệm.

Cụ thể, cần xây dựng được các trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại để nghiên cứu chuyên sâu. Có thể tùy theo các nhóm nghiên cứu khác nhau, các vấn đề nghiên cứu chuyên sâu khác nhau, các trung tâm đặt tại các vùng, miền cũng phải được đầu tư tương ứng để đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Trong chiến lược phát triển ngành vật lý VN đang được triển khai, tôi được biết sẽ có nhiều nội dung thiết thực hướng đến việc thu hút các nhà vật lý thành danh trong và ngoài nước, các nhà vật lý trẻ tham gia nghiên cứu; đầu tư cho giáo viên dạy vật lý ở các trường chuyên trên cả nước...

Tín hiệu vui

Thành tích của các đoàn Olympic Việt Nam năm nay đặc biệt xuất sắc, với 100% học sinh đoạt huy chương. Ấn tượng là số huy chương vàng chiếm đa số (4/6 huy chương vàng môn toán, 4/5 huy chương vàng môn vật lý, 3/4 huy chương vàng môn hóa học). Việt Nam đứng thứ hạng cao ở tất cả các môn.

Những thí sinh mang vinh quang về cho Tổ quốc không chỉ tập trung ở Hà Nội mà xuất hiện ở các tỉnh, thành khác như Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An...

Đây là tín hiệu vui, cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông đại trà đã có chuyển biến. Trên nền tảng đó, giáo dục mũi nhọn được đầu tư quan tâm hơn.

TS NGUYỄN XUÂN THÀNH

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên