24/06/2017 16:30 GMT+7

Bộ GD-ĐT họp báo: Kì thi đã diễn ra an toàn

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Chiều 24-6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo sau kì thi THPT Quốc gia năm 2017 có nhiều đổi mới. Đặc biệt, lần đầu tiên kì thi được giao về cho các địa phương chủ động tổ chức, phối hợp với các trường ĐH trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp báo kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vào chiều 24-6 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp báo kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vào chiều 24-6 - Ảnh: Nguyễn Khánh


Vi phạm quy chế thi giảm

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, trong toàn đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 là 328 thí sinh bị đình chỉ). Chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở do vi phạm quy chế.

Đánh giá về con số này, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng do hình thức thi được đổi mới. Cụ thể là có 4/5 bài thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi không kéo dài, mỗi thí sinh trong một phòng thi có một mã đề riêng nên việc gian lận giảm.

Bên cạnh đó, việc điều 50% số giám thị coi thi ở các trường ĐH phối hợp với địa phương nên theo Bộ GD-ĐT tính khách quan cũng được đảm bảo,

Cũng theo Bộ GD-ĐT tỷ lệ thí sinh dự thi ở tất cả các môn thi rất cao, đạt trên 99%.

Việc giao kì thi cho các địa phương chủ trì, với mỗi tỉnh, thành 1 cụm thi, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện thuận lợi nhiều cho thí sinh khi các em không phải đi xa, vất vả, tốn kém. Cũng vì thế áp lực căng thẳng của kì thi giảm rõ rệt.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định kì thi năm 2017 đã thành công. Đây là giai đoạn sau cùng của lộ trình đổi mới thi của Bộ GD-ĐT.

Ngoài việc giảm áp lực, tốn kém cho kì thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, theo Thứ trưởng Ga việc đổi mới kì thi với những giải pháp kĩ thuật đã góp phần đáng kể giảm tiêu cực thi cử, đảm bảo tính khách quan, tin cậy để sử dụng kết quả thi cho hai mục đích.

Tỷ lệ thí sinh đăng kí môn tổ hợp khoa học xã hội tăng cao, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT là một tín hiệu mừng cho thấy đổi mới thi đã bắt đầu có tác động ngược trở lại quá trình dạy học ở phổ thông. Những môn từng bị xem là  bị  học sinh “quay lưng” như lịch sử, giáo dục công dân sẽ có những chuyển biến về nhận thức và trong các năm tới, dự đoán chất lượng dạy học cũng sẽ thay đổi.

Theo kế hoạch, ngày 7-7, các Sở GD- ĐT sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia cho thí sinh.

Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ,  thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết năm 2017, việc công bố kết quả thi THPT quốc gia và kết quả xét tốt nghiệp THPT do các sở GD-ĐT thực hiện.

Do việc công bố kết quả thi được thực hiện ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thí sinh địa phương nào tra cứu kết quả thi tại địa phương nấy nên việc tra cứu kết quả thi sẽ thuận lợi, sẽ không xảy ra tình trạng nghẽn mạng như khi Bộ công bố kết quả thi tập trung.

Liên quan tới đề thi môn văn, Tuổi Trẻ cũng đề nghị đại diện Bộ GD-ĐT lý giải về việc đưa vào đề thi một khái niệm khó hiểu và không đại chúng là “thấu cảm”? Một số phóng viên cũng băn khoăn về việc lựa chọn ngữ liệu trong đề thi môn Văn.

Từ sự tranh cãi về ngữ liệu sử dụng trong đề văn, nhiều người muốn biết rõ liệu có tiêu chuẩn nào trong việc sử dụng ngữ liệu môn ngữ văn hay không?

Một phóng viên đặt vấn đề: Ngoài ra, đề thi an toàn, những câu hỏi có vẻ áp đặt. Vậy đáp án xây dựng thế nào? Nếu thí sinh trả lời không theo ý áp đặt của câu hỏi thi có được chấm điểm không?

Cũng liên quan tới đề thi, PV báo Thanh Niên cũng đưa ra một băn khoăn liên quan đến đề thi toán khi có những phản ánh đề toán có nhiều câu hỏi khó, giáo viên cũng khó khăn khi tìm lời giải.

Trước những câu hỏi dồn dập về những vấn đề cụ thể của đề thi, đại diện Bộ GD- ĐT đã không trả lời trực tiếp vào những câu hỏi này.

“18 giờ hôm nay, Bộ GD-ĐT sẽ công bố toàn bộ đề thi và đáp án. Khi đó những câu hỏi được đặt ra đối với từng đề thi sẽ tự động được giải đáp”- ông Ga nói.

Liệu kỳ thi có diễn ra nghiêm túc?

Mặc dù Bộ GD-ĐT giải thích do thi trắc nghiệm mỗi thí sinh trong phòng một mã đề khác nhau nên khó quay cóp. Vì thế số lượng thí sinh bị đình chỉ do vi phạm kỷ luật trường thi giảm đến 1/5 so với năm 2016. Nhưng vẫn có nhiều câu hỏi trong cuộc họp báo đặt ra nghi ngại của xã hội về tính nghiêm túc của kì thi này.

“Liệu có phải do thí sinh nghiêm túc hay thực tế là do sự nới tay của giám thị khi kỳ thi quốc gia được giao về địa phương chủ trì?”- một phóng viên đặt vấn đề.

Đáp lại băn khoăn này, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD- ĐT, khẳng định kỷ luật phòng thi năm nay được đảm bảo. Số liệu thí sinh vi phạm bị xử lý là rất tin cậy. Qua đánh giá của thí sinh, phụ huynh, cũng như phản của chính các phương tiện truyền thông, trật tự trường thi được đảm bảo an toàn, không xảy ra sự cố gì.

“Ngoài ra, việc thi bằng các bài thi trắc nghiệm với quy tắc mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề khác nhau đã triệt tiêu ý định quay bài của thí sinh. Cộng với quy định coi thi mỗi phòng thi có 1 giảng viên ĐH đi kèm với một giáo viên phổ thông đã làm tăng yếu tố nghiêm túc của kỳ thi. Khi có kết quả thi, Bộ sẽ công bố phổ điểm và phổ điểm sẽ là minh chứng rõ hơn về tính tin cậy của kỳ thi năm nay”- ông Trinh nói.

Ông Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, cũng chia sẻ tại cuộc họp báo: “Với những nỗ lực tổ chức kì thi vừa qua, tôi khẳng định có thể tin cậy kết quả của kì thi để sử dụng vào việc xét tuyển ĐH-CĐ”.

Mặc dù đại diện Ban chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT khẳng định về tính tin cậy của kì thi nhưng vẫn không thỏa mãn được các phóng viên tham dự họp báo. Một số phóng viên đã đưa ra những dấu hiệu bất thường do họ quan sát trong quá trình tác nghiệp ở các điểm thi khác nhau để phản biện lại khẳng định chắc chắn trên của Bộ GD-ĐT.

Còn nhiều băn khoăn

Trao đổi tại cuộc họp báo, Tuổi Trẻ đặt ra nhiều băn khoăn liên quan đến đề thi như “độ khó của các đề thi gốc có tương đương nhau không?”, qua đề thi năm nay, một lần nữa dư luận lại tiếp tục lo ngại việc nghiêng quá nhiều về thi trắc nghiệm sẽ khiến chất lượng dạy học bị xáo trộn khi nhiều năng lực, kĩ năng sẽ bị xem nhẹ….

Ông Sái Công Hồng tại cuộc họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Sái Công Hồng tại cuộc họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trước băn khoăn trên, ông Sái Công Hồng, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết: Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đổi mới đề thi theo phương thức chuẩn hóa quốc tế.

Để xây dựng được các mã đề thi, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa. Theo đó, tất cả các câu hỏi này đều đã được thử nghiệm với chính các em học sinh lớp 12. Qua đó, có thể đo được độ khó của các câu hỏi.

Trước kì thi, Bộ GD-ĐT một lần nữa lại thực hiện việc chọn mẫu ở 50 trường THPT để thử nghiệm cân bằng độ khó giữa các đề thi. Kết quả thử nghiệm là cơ sở để điều chỉnh, xây dựng đề thi chính thức trong kì thi vừa qua.

Theo quy chế, mỗi thí sinh trong 1 phòng thi có 1 mã đề khác nhau. Các mã đề thi được hình thành bằng cách trộn đảo thứ tự trong từng gói đề thi có mức độ tương đương. Vì thế không có chuyện đảo tùy tiện.

Với tinh thần đảm bảo khách quan, công bằng, ban đề thi đã xử lý để đảm bảo tương đương về độ khó giữa các mã đề. “So sánh một câu này với một câu kia giữa các mã đề thì sẽ rất khập khiễng mà phải so sánh toàn bài thi thì mới biết được”, ông Sái Công Hồng chia sẻ.

”Đính chính” thể hiện sự nghiêm túc của ban đề thi

Giải thích của Bộ GD-ĐT cũng không làm thỏa mãn những băn khoăn của phóng viên nên nhiều câu hỏi tiếp tục đặt ra với đề thi môn văn, đặc biệt là sự cố “đính chính đề thi vật lý”.

Trao đổi về điều này, ông Sái Công Hồng cho biết đã làm việc với tổ ra đề văn và khẳng định đề thi văn chính xác không có sai sót. Tuy nhiên, việc chọn ngữ liệu này ở đâu, vì sao chọn, thuộc về quy trình bí mật làm đề thi không thể trao đổi cụ thể được.

Còn về đề thi vật lý, ông Hồng cho biết việc phát hiện sai sót trong 7 mã đề thi vật lý được phát hiện ngay sau khi đề thi được bàn giao cho các Sở GD- ĐT. Tuy nhiên, khi liên lạc với các ban in sao đề ở các địa phương thì nhiều nơi đã bắt đầu in sao đề rồi. Ban đề thi quyết định không yêu cầu các ban in sao đề thi in lại đề (dù sai sót phát hiện sớm) mà gắn “đính chính” đi kèm.

Điều này thể hiện sự nghiêm túc của công tác làm đề thi. Đính chính này được chuyển đến từng tay thí sinh.

Số liệu thống kê về kỳ thi THPT quốc gia 2017

- 865.866 thí sinh đăng kí dự thi tại 2.364 điểm thi, với 36.809 phòng thi, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99%;

- 74% số thí sinh dự thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH-CĐ, thí sinh đăng kí bài thi Khoa học xã hội chiếm trên 50%;

- Có 90.000 cán bộ tham gia kì thi, trong đó có 40.000 cán bộ, giảng viên của các trường ĐH-CĐ tham gia kì thi tại 63 tỉnh, thành phố;

- Cả nước có 663 đội sinh viên tình nguyện cấp tỉnh để tiếp sức mùa thi với 22.052 tình nguyện viên;

- Có 2.729 đội tình nguyện cấp cơ sở, với 63.013 tình nguyện viên  tham gia hỗ trợ thí sinh.

Thí sinh vui vẻ ra về sau khi thi xong tổ hợp môn khoa học xã hội tại điểm thi Trường THPT Việt Đức, Hà Nội sáng 24-6 - Ảnh: Hoài Nam
Thí sinh vui vẻ ra về sau khi thi xong tổ hợp môn khoa học xã hội tại điểm thi Trường THPT Việt Đức, Hà Nội sáng 24-6 - Ảnh: Hoài Nam
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên