24/06/2017 17:28 GMT+7

Bí mật thi trắc nghiệm: Những sự cố đáng nhớ

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH
NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH

TTO - Thời gian thi năng khiếu báo chí vào Học viện Báo chí và tuyên truyền đã kết thúc được 30 phút, nhưng khuôn viên trường thi vẫn im ắng một cách lạ lùng...

Chấm thi trắc nghiệm tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) -
 Ảnh: T.L.
Chấm thi trắc nghiệm tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: T.L.

Phụ huynh chờ sĩ tử phía ngoài cổng trường đầy âu lo, đứng ngồi không yên.

Dài cổ ngóng... đề thi

Thêm 5 phút, rồi 10 phút trôi qua mà vẫn chưa thấy bóng dáng thí sinh nào ra khỏi phòng thi. “Chuyện gì đang xảy ra?” - các bậc phụ huynh xôn xao dò hỏi nhau. Thêm vài phút chờ đợi trong sốt ruột, rồi mọi người mới thấy một vài thí sinh bắt đầu ra khỏi phòng thi.

Nhớ lại sự cố diễn ra ở kỳ thi năm 2015 này (theo lịch thi, 17h là thời gian làm bài kết thúc, nhưng phải đến gần 18h thí sinh mới hết giờ làm bài), PGS.TS Trương Ngọc Nam - giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền - giải thích: “Lý do khiến cho thời gian làm bài thi năng khiếu báo chí bị chậm là hoàn toàn do lỗi kỹ thuật trong khâu làm đề”.

Theo TS Nam, do lần đầu tổ chức thi tuyển sinh riêng bằng bài thi năng khiếu (gồm cả phần trắc nghiệm và tự luận), nên tổ ra đề không lường trước hết được các yếu tố kỹ thuật, trong đó có thời gian in sao đề.

Đề trắc nghiệm trong tuyển sinh các chuyên ngành báo chí gồm ba mã đề, mỗi mã đề năm trang. Để phục vụ cho gần 900 thí sinh dự thi, số trang đề thi phải in tương đối lớn, nên thời gian thực tế in sao đề thi nhiều hơn so với tiên lượng của tổ ra đề.

Do đó, dù thí sinh được gọi vào phòng thi từ 13h15 để 13h45 chính thức nhận đề trắc nghiệm và bắt đầu làm bài, nhưng thí sinh chờ mãi vẫn không được phát đề. Thí sinh cũng không được nhà trường thông báo lý do của việc chậm trễ này, nên có phần hoang mang. Phải đến khoảng 14h20, đề thi mới chính thức được phát cho thí sinh.

Vì đề thi trắc nghiệm phát chậm hơn so với lịch thi ban đầu nên thời gian làm bài tự luận sau đó cũng bị chậm lại, kéo luôn thời gian kết thúc toàn bộ môn thi bị chậm. Rút kinh nghiệm sâu sắc vì sự cố “chậm trễ toàn diện” này, sang năm sau nhà trường đã đẩy nhanh hơn tiến độ in đề.

Hai lần mất dấu niêm phong

Buổi tối muộn trong ngày thứ ba in sao đề tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Mọi việc đang diễn ra rất trôi chảy, đúng tiến độ.

GS Phan Công Nghĩa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trưởng ban in sao đề - đang chuẩn bị đi nghỉ sau một ngày mệt nhoài, thì thầy thư ký hốt hoảng chạy vào phòng báo cáo: “Dấu niêm phong cửa sổ phòng bên bị rách. Bây giờ phải xử lý ra sao, thưa thầy?”.

Vội chạy sang phòng bên để xem xét tình hình, GS Nghĩa thấy trên mặt sàn chỏng chơ một chiếc móc quần áo đang móc một chiếc quần đùi. Bên trên, một tờ giấy có dấu niêm phong dán ở vị trí cửa sổ bị rách toạc.

Không chờ vị trưởng ban hỏi, một giảng viên đã nhanh nhảu trần tình: “Tôi phơi quần phía trên chốt cửa cho nhanh khô. Không ngờ chiếc móc rơi xuống, chạm vào cửa sổ và làm rách dấu niêm phong...”.

Dù giữ vẻ bình tĩnh bên ngoài, nhưng vị trưởng ban in sao đề hiểu rõ đây là tình huống nghiêm trọng. Dấu niêm phong đã rách thì cần có sự làm chứng của bộ phận an ninh, lập biên bản tại chỗ là tốt nhất.

Nếu không, sau này bộ phận an ninh vào kiểm tra thấy niêm phong rách là to chuyện. Có khi còn bị nghi ngờ “tuồn đề ra ngoài”. Nhưng ngặt nỗi quy chế đã định rõ: khi đề thi đã bóc ra để in sao thì an ninh không được vào khu vực cách ly ở vòng trong cùng này.

Ngay lập tức, GS Nghĩa triệu tập toàn bộ hơn 20 thành viên ban in sao đề để hội ý, bàn nhanh cách giải quyết. Một phương án “cấp cứu” nhanh chóng được đưa ra: toàn bộ các thành viên ban in sao đề sẽ bị “nhốt” thêm một lần khóa vào bên trong các phòng, chỉ còn lại vài người trong ban chỉ đạo mời an ninh lên làm việc.

Biên bản được lập sau khi bộ phận an ninh rà soát hiện trường. “Sau đó, chính biên bản đó cũng được giữ lại, “cách ly” với bên ngoài, vì quy định là bất di bất dịch: trong thời gian in sao đề thi không được mang bất cứ giấy tờ nào ra ngoài” - GS Nghĩa kể.

Tuy nhiên, đó vẫn không phải là lần duy nhất ban in sao phải mời an ninh lên làm việc trong thời gian cách ly vì dấu niêm phong bị xê dịch. Lần khác, lúc nửa đêm, một thầy giáo bị mộng du thản nhiên mở cửa sổ tầng 5 định bước ra ngoài.

Giấy niêm phong dán ở cửa sổ phòng cách ly bị xé toạc. Không còn cách nào khác, ban in sao đề lại phải mời an ninh lên lập biên bản tại chỗ...

Năm 2015, sau nhiều năm xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Học viện Báo chí và tuyên truyền trở lại thi môn năng khiếu báo chí dành riêng cho thí sinh xét tuyển vào các chuyên ngành báo in, truyền hình, báo điện tử, phát thanh...

Điểm khác biệt quan trọng (so với đề thi năng khiếu hơn chục năm trước trường vẫn sử dụng để tuyển sinh) là bên cạnh nội dung tự luận, đề thi có một phần câu hỏi trắc nghiệm.

Chuyện đề thi ngoại ngữ

Kết thúc môn thi ngoại ngữ trong một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cách đây ít lâu, ban chỉ đạo nhận được phản hồi: ngoài phần bắt buộc 60 câu, Bộ GD-ĐT yêu cầu thí sinh tự chọn làm từ câu 61 đến 70, hoặc từ 71 đến 80.

Mục đích của việc này là dành cho thí sinh phân ban và không phân ban. Tuy nhiên, đề thi lại không hề đề cập một từ nào cho việc chia đối tượng, chỉ yêu cầu thí sinh làm một trong hai phần đó. Vậy nếu thí sinh lỡ làm cả 80 câu có ảnh hưởng đến kết quả bài thi? Máy chấm có bỏ sót hoặc chấm được tất cả 80/80 câu hay không?

Rà soát toàn hệ thống, có gần 200 thí sinh “làm một lèo” trọn vẹn cả 80 câu. Ban chỉ đạo thi họp khẩn. Kết quả, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ có phương án chấm để những thí sinh rơi vào trường hợp trên không bị thiệt.

Theo đó, máy chấm sẽ quét tất cả các câu từ 61 đến 80. Phần nào (tức từ câu 61 đến 70, hoặc từ 71 đến 80) thí sinh làm đúng nhiều hơn thì sẽ được tính vào tổng điểm. Máy chấm hoàn toàn có khả năng chấm được 80 câu chứ không chỉ là 70 câu như nhiều người vẫn tưởng.

Khi ấy, Bộ GD-ĐT cho biết “sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong kỳ thi năm sau”. Và ở kỳ thi sau đó, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ môn ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT không còn phần tự chọn, mà tất cả thí sinh đều chung yêu cầu làm trọn vẹn 80 câu.

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên