12/05/2017 12:40 GMT+7

Dạy tiếng Anh 2 tiết/tuần: khó đạt mục tiêu đề ra

H.HG. ghi
H.HG. ghi

TTO - Đó là ý kiến của các chuyên gia, giáo viên khi đề cập đến câu chuyện dự thảo chương trình quy định dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học không quá 70 tiết/năm, tương đương với 2 tiết/tuần.

Một tiết học tăng cường tiếng Anh của học sinh tiểu học tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Một tiết học tăng cường tiếng Anh của học sinh tiểu học tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Trả lời báo chí, theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình, việc quy định như vậy nhằm giảm tải, vì nếu “quá 70 tiết/năm sẽ gây quá tải cho học sinh tiểu học”. Tuổi Trẻ xin giới thiệu thêm các ý kiến phản biện với quy định này của dự thảo.

* TS Đoàn Huệ Dung (chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TP.HCM):

Mục tiêu quá cao

Có thể nói mục tiêu của việc giảng dạy môn tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay chỉ nhằm giúp học sinh có thể làm được bài kiểm tra cuối học kỳ, bài thi cuối cấp mà thôi. Do đó, chương trình giảng dạy nặng nề, thiên về văn phạm, cấu trúc câu... nhiều hơn.

Điều đáng mừng là mục tiêu của việc dạy học môn tiếng Anh đã được thay đổi, điều này thể hiện rất rõ trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới: “Môn học ngoại ngữ giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho học tập và giao tiếp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước”.

Tuy nhiên, cũng theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới thì học sinh tiểu học chỉ được học 2 tiết ngoại ngữ/tuần, học sinh trung học chỉ được học 3 tiết ngoại ngữ/tuần. Với thời lượng học tập quá ít như vậy, giáo viên và học sinh lại phải dạy và học trong điều kiện sĩ số học sinh/lớp quá đông như hiện nay - thực sự sẽ rất khó đạt được mục tiêu như chương trình đã đề ra. Chưa kể giáo viên sẽ rất vất vả trong quá trình giảng dạy vì mục tiêu dạy học quá cao trong khi điều kiện dạy học lại quá thấp.

* Một giáo viên tiếng Anh tiểu học ở Q.1, TP.HCM:

Thách thức lớn

Điều quan trọng nhất của việc giảng dạy tiếng Anh là phải tạo được môi trường sử dụng tiếng Anh cho học sinh tiếp xúc, rèn luyện các kỹ năng. Với thời lượng 2 tiết/tuần thì không đủ để giáo viên chúng tôi dạy bất cứ nội dung gì, chỉ có thể dạy cho học sinh biết mặt chữ mà thôi.

Đây cũng là lý do khiến cho loại hình tiếng Anh tự chọn (2 tiết/tuần) đang dần dần biến mất khỏi các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM, vì không được phụ huynh chọn lựa cho con em mình. Đa số phụ huynh chọn loại hình tiếng Anh tăng cường vì con em họ được học 8 tiết/tuần.

Thậm chí, mấy năm nay nhiều trường tiểu học thực hiện dạy tiếng Anh đề án cho học sinh với thời lượng quy định 4 tiết/tuần, nhưng phụ huynh cũng không mặn mà.

Tôi còn biết có trường mở lớp tiếng Anh đề án nhưng không có phụ huynh nào đăng ký, họ ra điều kiện phải dạy 8 tiết/tuần họ mới đăng ký.

Tóm lại, với mục tiêu như chương trình mới đưa ra thì lý tưởng nhất môn tiếng Anh phải dạy 8 tiết/tuần mới có thể đạt được. Dạy học với 2 tiết/tuần là một thách thức lớn đối với giáo viên chúng tôi.

Việc dạy và học tiếng Anh không nên cào bằng cho tất cả các tỉnh, thành trên cả nước mà chương trình nên có sự linh hoạt: các thành phố lớn có thể dạy 8 tiết/tuần, các vùng khó khăn thì dạy 2 tiết/tuần. Như vậy phù hợp với thực tế hơn.

Bà Vương Xuân Loan (phụ huynh ở Q.3, TP.HCM):

Cách 1 ngày học sinh phải được gặp lại giáo viên tiếng Anh

Con tôi học tiểu học trái tuyến nên không được đăng ký vào lớp tiếng Anh tăng cường học 8 tiết/tuần mà nhà trường xếp cháu vào học lớp tiếng Anh đề án chỉ có 4 tiết/tuần. Chỉ sau vài tháng học ở trường tiểu học, tôi đã nhận ra con mình cần phải học thêm tiếng Anh ở ngoài trung tâm chứ nếu chỉ học trong trường sẽ không theo kịp các bạn.

Đọc dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tôi rất thất vọng khi được biết học sinh tiểu học chỉ học mỗi tuần 2 tiết tiếng Anh.

Tôi mong Bộ GD-ĐT hãy xem xét lại để khi triển khai đại trà chương trình mới, học sinh tiểu học sẽ được học tiếng Anh nhiều hơn 4 tiết/tuần như hiện nay. Để các cháu không phải học thêm ngoài trung tâm nữa, rất tốn kém và phụ huynh đưa đón cũng rất vất vả.

Nếu trường tiểu học không thể sắp xếp mỗi ngày thì ít nhất cách một ngày học sinh phải được gặp lại giáo viên tiếng Anh để rèn luyện bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tôi cho rằng tiếng Anh là môn học đặc thù, học sinh cần phải luyện tập hằng ngày thì mới mong các cháu sử dụng được tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

H.HG. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên