07/04/2017 11:07 GMT+7

Khuyến khích học sinh có tư duy phản biện

PHẠM NGỌC LUẬN
PHẠM NGỌC LUẬN

TTO - Hiện nay, phần lớn tính cách của học sinh ít nhiều đã bị nhào nặn theo một mẫu số chung từ các cấp học dưới, nên càng lên các cấp học trên càng khó thay đổi. Hầu như các em ít khi phản kháng với cái sai, cái xấu.

“Thực tế trong nhiều năm đi dạy, tôi đã tiếp thu được nhiều cái hay từ chính học trò mình. Đó cũng là lý do tôi luôn khuyến khích các em phản biện"

Thầy Phạm Ngọc Luận

Trong giờ giải lao, một học sinh của tôi thắc mắc tại sao chương trình địa lý, văn học và lịch sử trong nhà trường lại áp đặt một cách dạy giống nhau. Đáng lý mỗi địa phương có một đặc thù riêng, nên ngoài khung chương trình chung cần có những phần dạy riêng cho phù hợp.

Nghe vậy cả lớp cười nhạo học sinh này, nhưng tôi lại ổn định lớp và chủ động lắng nghe em nói.

Được sự ủng hộ của tôi, em này có vẻ hào hứng hơn và đưa ra nhiều tư duy phản biện khác. Ví dụ, tại sao cô Tấm trong truyện Tấm Cám cứ buộc phải cam chịu như thế? Trong các bài bình về truyện này, tại sao giáo viên dạy văn không cho học sinh được thể hiện cái quyền phản kháng của Tấm?

Lại nữa, tại sao trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Mị lại cởi trói cho A Phủ rồi chạy theo A Phủ, mà không là ngược lại?...

Với tôi, đó là những câu hỏi thú vị và tôi luôn khuyến khích các em thể hiện tư duy phản biện của mình.

Một lần, có nam sinh xả rác trong lớp. Do em này đã lên ngồi ổn định phía dãy bàn trên, nên tôi nhờ em nữ ngồi dãy bàn sau cùng nhặt giúp rác và bỏ vào sọt. Em này đứng dậy và lễ phép nói với tôi: “Em sẽ làm theo lời thầy. Nhưng em muốn bạn N. (tên bạn đã xả rác) phải đích thân xuống nhặt rác để bạn ấy rút kinh nghiệm. Nếu em không nhầm thì đây là lần thứ 3 bạn ấy xả rác”.

Tôi khá bất ngờ về cách thể hiện quan điểm của em và nhận ra cái dở của mình. Tôi tiếp thu và yêu cầu em N. xuống thực hiện việc này.

Sau nhiều năm đi dạy, tôi rất mừng khi học sinh nói ra những thắc mắc của mình về bài vở. Với tôi, điều đó chứng tỏ các em về nhà có quan tâm đến những điều tôi đã truyền đạt trên lớp. Nhưng phải thừa nhận một điều: rất ít học sinh bày tỏ ý kiến của mình với thầy cô.

Hiện nay, phần lớn tính cách của các em học sinh ít nhiều đã bị nền giáo dục của chúng ta nhào nặn theo một mẫu số chung, ịn theo một khuôn chung từ các cấp học dưới, nên càng lên các cấp học trên càng khó thay đổi. Hầu như các em ít khi phản kháng với cái sai, cái xấu theo kiểu “cứ để thế có chết ai!”.

Nhiều bữa vội vàng, tôi đã tính toán sai khi chữa bài tập hóa cho học sinh, mãi đến khi về nhà mới phát hiện mình đã nhầm lẫn. Hôm sau đến lớp, tôi báo với lớp rằng bài tập hôm trước tôi đã nhầm thì có đến 3/4 học sinh trong lớp nói đã phát hiện thầy tính sai ngay lúc đó, nhưng tự mình lẳng lặng sửa chứ không phản ứng gì.

Một ví dụ nữa, rất nhiều em đi học trễ do nguyên nhân khách quan nhưng cũng im lặng, không trình bày hoàn cảnh. Tôi hỏi các em tại sao lại thế thì nhiều em bảo: có trình bày cũng vô ích vì nhiều thầy cô không tin lời giải thích của các em.

Trò chuyện thân tình với các em mới hiểu rằng rất nhiều việc các em làm đúng bị người khác bắt lỗi, hoặc nhiều lỗi thuộc về khách quan, nhưng các em đều không hề có sự phản kháng hoặc giải thích gì...

Nhiều câu chuyện phi giáo dục vẫn đang diễn ra tại rất nhiều ngôi trường. Đó là những cư xử bất công, thiếu nhân văn từ thầy cô, có cả sự xúc phạm danh dự học sinh dẫn đến sự uất ức, bất bình từ các em. Nhưng đối diện trước những điều ấy, phần lớn các em đều im lặng.

Hẳn mọi người còn nhớ kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại điểm thi Đại học Yersin Đà Lạt, khi một giám thị ký nhầm vào ô trong bài thi môn toán của thí sinh, các giám thị phòng thi này đã buộc hàng chục em phải chép lại bài thi đã làm vào tờ giấy thi khác để giám thị kia ký lại, mặc dù thời gian làm bài thi không còn nhiều.

Rất nhiều thí sinh đã “ngoan ngoãn” nghe lời giám thị, chỉ có một vài em phản ứng trước sự bất hợp lý này... Và chỉ đến khi phụ huynh các em phản ứng, hội đồng tuyển sinh mới cho thí sinh thi lại...

Cho học sinh có quyền phản biện...

Chúng ta đã chỉ ra những điểm hạn chế của giáo dục truyền thống - nặng về áp đặt, hạn chế tư duy phản biện của học sinh. Vậy thì việc để các em có quyền tư duy, có quyền thắc mắc, phản biện cái đúng cái sai trong sách giáo khoa, trong các tác phẩm văn học, thậm chí trong bài giảng của thầy cô, là hết sức cần thiết.

Đấy là hướng chủ đạo trong việc phát huy năng lực của người học. Giáo viên cần kiên nhẫn để lắng nghe các em phản biện về những phương pháp luận, phương pháp giải bài tập...

Nghĩ sâu xa về sự phát triển của giáo dục Việt Nam, nguyên lý giáo dục này cần sớm được áp dụng trong nhà trường.

PHẠM NGỌC LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên