16/03/2017 09:34 GMT+7

Gặp những “Ksor Gôl” ở vùng đất khó

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Những ngày cuối tháng 3, thời điểm kỳ thi THPT quốc gia đã cận kề, nhiều giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa, Gia Lai) lại đang vất vả giữ học sinh các khối ở lại trường.

Ông Phan Hồ Giang, phó bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai, trao học bổng “Ngăn dòng bỏ học” cho các em học sinh Gia Lai - Ảnh: B.D.
Ông Phan Hồ Giang, phó bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai, trao học bổng “Ngăn dòng bỏ học” cho các em học sinh Gia Lai - Ảnh: B.D.

Câu chuyện Ksor Gôl - cậu học trò vì cái nghèo mà phải bỏ học giữa chừng khiến thầy giáo Ninh Văn Dậu (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa, Gia Lai) phải vào rẫy “lấy” em về đã khiến nhiều người xót xa.

Nhưng ở những ngôi trường vùng xa như Trường Đinh Tiên Hoàng, những hoàn cảnh tương tự Ksor Gôl không phải là quá hi hữu.

Vừa là học sinh, vừa là lao động chính

Những ngày cuối tháng 3, thời điểm kỳ thi THPT quốc gia đã cận kề, nhiều giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng lại đang vất vả giữ học sinh các khối ở lại trường.

Thầy Trần Văn Thế - hiệu trưởng nhà trường - đưa chúng tôi danh sách các học sinh bỏ học và các em mấp mé nguy cơ bỏ học giữa chừng.

“Krông Pa đang vào mùa thu hoạch mì. Dù đang là học sinh lớp 10, lớp 11 nhưng hầu hết các em đã trở thành lao động chính trong gia đình, ngoài giờ lên lớp phải nhổ mì trên rẫy và phụ cha mẹ nuôi em” - thầy Thế nói.

Theo thầy Thế, tính đến cuối tháng 3, trong tổng số hơn 350 học sinh toàn trường thì có 28 em đã bỏ học, 11 em bỏ học để đi học nghề, số còn lại vì điều kiện gia đình quá khó khăn...

Tối 13-3, sau nhiều ngày giáo viên chủ nhiệm thuyết phục không thành công, một nhóm công tác 7 người của Trường Đinh Tiên Hoàng gồm ban giám hiệu, giáo viên phụ trách, công đoàn, Đoàn thanh niên... đã vượt đường tìm đến nhà của Nay H’Driom (lớp 11A3, buôn Ji B, xã Ia Rmok) để vận động em trở lại lớp.

Gặp thầy cô, lúc đầu H’Driom bỏ trốn, sau đó nhất quyết không chịu vào nhà, mãi sau H’Driom mới ngại ngùng bước vào tiếp chuyện mọi người.

Khi được hỏi về nguyên nhân nghỉ học giữa chừng, H’Driom rơm rớm nước mắt: “Em bị “bắt” làm vợ, đã làm lễ đính hôn theo phong tục với một thanh niên trong xã rồi”.

Nghe vậy, mọi người đều sững sờ, thầy Trần Văn Thế thở dài: “Chúng tôi đã cố gắng động viên em trở lại lớp. Nhưng tập tục ở đây đúng là rất khó, tình trạng tảo hôn rất nhiều, học sinh của chúng tôi năm nào cũng có vài cặp đang học phải bỏ dở để bắt chồng bắt vợ...”.

Chiều 14-3, khi thầy hiệu trưởng và thầy giáo chủ nhiệm tìm tới nhà động viên trở lại lớp, cậu học trò lớp 12A2 Nay Kanh lấm lem bùn đất, cúi gằm mặt nói: “Em cũng muốn đi học lắm, mà cha em bị tai biến, nhà tới 5 anh em, chỉ có một mình mẹ làm rẫy mì, nên em nghỉ một buổi để ở nhà giúp mẹ”.

Ông Ksor Pớ - cha của Nay Kanh - cho biết Kanh là con thứ 4, trước Kanh các anh chị cũng đã học qua lớp 12, có người đã tốt nghiệp đại học, nhưng giờ chưa xin được việc làm. Cả gia đình không có khoản thu nhập nào ngoài rẫy mì và làm thuê, nên Kanh phải nghỉ học phụ đạo, chỉ học một buổi trên trường...

Ở những ngôi trường vùng khó như Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong, Chu Văn An (huyện Krông Pa, Gia Lai), chuyện học trò bỏ học vì cái nghèo đã trở thành một vấn nạn làm đau lòng các thầy cô.

Nhiều thầy cô cho biết việc vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số đang trở thành một áp lực với giáo viên chủ nhiệm.

Hầu hết các thầy cô ban ngày lên lớp nhưng tối về vẫn phải chạy xe đi tìm học trò, nhiều em trốn hẳn trên nương rẫy cách xa làng hàng chục kilômet, thầy cô phải lặn lội vào tận nơi để “bắt” về.

“Thầy vẫn dành chỗ ngồi, sách vở cho em”

Ở xã Ia Đreh, huyện Krông Pa, Trường THCS Lê Hồng Phong được xem là ngôi trường nằm ở vùng khó khăn nhất, với 99% học sinh là người Ja Rai.

Thầy Trần Văn Đoàn - hiệu phó nhà trường - cho biết dù đang ở độ tuổi cấp II nhưng mỗi năm cũng có 3-4 học sinh nghỉ học giữa chừng để trở thành lao động chính, đi rẫy cuốc mì, làm thuê như người lớn.

Cuối năm 2016, em Ksor H’Nhi - học sinh lớp 9 Trường Lê Hồng Phong - đang đi học bỗng đột ngột nghỉ khiến nhiều thầy cô hết sức lo lắng. Dù giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà khuyên nhủ, nhưng H’Nhi vẫn quyết bỏ học.

Qua tìm hiểu, ban giám hiệu nhà trường mới biết lý do mà H’Nhi bỏ học là do mẹ em mới sinh, nhưng hằng ngày người mẹ vẫn phải cõng con đi chăn bò, dẫn đến bệnh... Ngay lập tức, Trường Lê Hồng Phong thành lập tổ công tác gồm hiệu trưởng, công đoàn và nhiều thầy cô cùng tới nhà H’Nhi.

Thầy Đoàn kể lại, khi thầy cô tới H’Nhi đang mặc bộ quần áo rách rưới, đội nón rách đi chăn bò thuê. Thầy hiệu trưởng đặt bàn tay lên vai cô học trò nghèo, bảo: “Em vắng học hơn 3 tuần rồi, nhưng thầy cô vẫn chờ em trở lại lớp. Thầy vẫn để dành sách vở và chỗ ngồi cho em đó”.

Nghe vậy, H’Nhi bật khóc. Mấy ngày sau, H’Nhi trở lại lớp.

Sáng 15-3, chúng tôi gặp H’Nhi tại lớp học ở Trường Lê Hồng Phong. Cô học trò bỏ học hôm nào giờ đã tươi tỉnh trở lại. Xin chụp một bức ảnh, H’Nhi bảo: “Ối! Em xấu hổ lắm. Đừng chụp”. Nghe vậy, thầy giáo và cả lớp phá lên cười vui vẻ.

Thầy hiệu trưởng liền khoe: “H’Nhi vừa đạt học sinh giỏi cấp huyện môn địa lý”. Thầy Đoàn cho biết do nghỉ học 3 tuần, nên sau khi trở lại lớp, các thầy cô thay nhau ôn tập, phụ đạo cho H’Nhi. Cô bé tiếp thu bài rất nhanh và bắt nhịp tốt với tiến độ học của cả lớp...

Trao 101 suất học bổng “Ngăn dòng bỏ học” cho học sinh Gia Lai

Sáng 15-3, đại diện báo Tuổi Trẻ đã về Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa (Gia Lai) tổ chức lễ trao 101 suất học bổng, với tổng trị giá 233 triệu đồng cho 31 học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (3 triệu đồng/suất) và 70 học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (2 triệu đồng/suất) có hoàn cảnh khó khăn.

Số học bổng nói trên nằm trong chương trình học bổng “Ngăn dòng bỏ học” do bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Phát biểu tại lễ trao học bổng, ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết xuất phát từ câu chuyện đầy xúc động của thầy giáo Ninh Văn Dậu lặn lội đưa học sinh trở lại lớp, ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã quyết định tổ chức đợt trao học bổng “Ngăn dòng bỏ học” cho học sinh Gia Lai.

Học bổng là sự hỗ trợ thiết thực giúp các em học sinh vùng sâu vùng xa vượt qua khó khăn trước mắt, tiếp tục đến trường học hành để có một tương lai tươi sáng.

Đây cũng là thông điệp từ báo Tuổi Trẻ, về việc tờ báo cùng với các tổ chức xã hội luôn luôn sâu sát, sẵn sàng hỗ trợ các em học sinh và các thầy cô trong những lúc khó khăn nhất.

Ông Lê Xuân Trung cũng mong muốn các thầy cô vùng sâu vùng xa, ở huyện Krông Pa nói riêng và các vùng khó khăn trên cả nước nói chung, vượt qua mọi ngăn trở, tiếp bước cùng học trò để dạy tốt học tốt.

Báo Tuổi Trẻ sẽ luôn đồng hành với mọi người bằng các hình thức hỗ trợ khác nhau.

Chia sẻ tại lễ trao học bổng, thầy Trần Văn Thế, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, xúc động nói: “Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân, nhiều năm qua Trường Đinh Tiên Hoàng luôn nhận được sự đồng hành của báo Tuổi Trẻ trong nhiều hoạt động hỗ trợ công tác dạy học của trường.

Hằng năm, học sinh của trường đậu đại học, cao đẳng đều được báo Tuổi Trẻ trao học bổng “Tiếp sức đến trường”, nhiều em nay đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm.

Qua câu chuyện của thầy Dậu vừa rồi, nhà trường đã nhận được rất nhiều sự động viên từ Bộ GD-ĐT, bạn đọc, các tổ chức trên cả nước, tiếp thêm động lực cho thầy và trò chúng tôi.

Hiện nay, từ các nguồn lực giúp đỡ, nhà trường cũng đang xây dựng quỹ học bổng “Ngăn dòng bỏ học” để giúp các em có nguy cơ bỏ học vì điều kiện quá khó khăn được tiếp tục đến trường”.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên