14/03/2017 09:10 GMT+7

Học toán ở Mỹ dễ như... ăn kẹo

DOANH DOANH
DOANH DOANH

TTO - Hồi tôi còn ở Việt Nam, khi có dịp phỏng vấn các em du học sinh về chương trình toán mà các em được học tại Mỹ, tất cả đều trả lời rằng “rất dễ!”.

*** Error ***
Sinh viên đang học tập tại Trung tâm học tập (Learning Center) của Trường cao đẳng cộng đồng Roane, bang Tennessee (Mỹ) - Ảnh: http://www.roanestate.edu

Khi ấy tôi vẫn không thể hình dung cái sự dễ dàng “như ăn kẹo” ấy như thế nào, cho đến khi cơ hội đẩy đưa tôi ghi danh vào một trường CĐ cộng đồng ở Mỹ.

“You don’t care” (Bạn không quan tâm đến kết quả)

Khi ấy, tôi lần lữa hoài vẫn chưa muốn chọn học môn toán cho học kỳ đầu tiên, vì nỗi ám ảnh học toán ở phổ thông vẫn còn đeo đẳng tôi. Thế nhưng, toán là một trong những môn bắt buộc cho kỳ thi đầu vào (placement test) ở tất cả trường học CĐ, ĐH tại Mỹ.

Hơn 20 năm chưa đụng đến toán, từ khi tốt nghiệp THPT, kiến thức toán của tôi rơi rụng rất nhiều... Tuy nhiên, tôi vẫn đậu được vào lớp, cao thứ nhì của kỳ thi đầu vào, với các phép tính chủ yếu về cộng, trừ, nhân, chia!

Giáo sư dạy toán của lớp tôi có phong cách rất bình dân, ông thường mặc quần short khi vào lớp. Ông cũng rất linh động (trong sự dễ dãi) khi lùi thời hạn cuối nộp bài tập cho những sinh viên bận rộn hoặc lười biếng.

Với một bài toán khó, giáo sư thường hài hước hỏi sinh viên giơ tay nếu nghĩ kết quả A hay B đúng, hoặc “you don’t care” (không quan tâm đến kết quả).

Giờ học toán trôi qua rất nhẹ nhàng khi giáo sư luôn tận tình giải những bài toán khó trên bảng. Nếu sinh viên vẫn chưa hiểu thì có thể hỏi ông hoặc một trợ giảng môn toán luôn có mặt ở lớp, để cùng ông thầy giúp sinh viên nắm được cách giải toán trước khi bước ra khỏi lớp.

Lớp toán tôi đang học - “Intermediate Algebra” (trung cấp đại số) là lớp cuối cùng cho sinh viên chuyên ngành kinh tế bắt buộc phải học (sinh viên những chuyên ngành khác không đòi hỏi trình độ toán cao hơn thì có thể chọn những lớp thấp hơn), nhưng thật ra kiến thức tương đương với toán bậc THCS ở Việt Nam, với các yêu cầu giải đơn thức, nhị thức, đa thức, học về hệ số, số mũ, phân số.

Hằng đẳng thức đáng nhớ thì chỉ mới học ba dạng đơn giản nhất như (a + b)2, (a - b)2, a2 - b2. Vẽ đồ thị thì vô cùng đơn giản, vì có sự hỗ trợ của máy tính cầm tay TI-83, hoặc TI-84 (sinh viên được khuyến khích sử dụng máy, có thể mướn máy ở trường với giá 10 USD/học kỳ), nên chỉ cần nhập phương trình y là máy tự động vẽ đồ thị và tính toán tọa độ (x, y).

Điều tôi muốn nói chính là học toán ở Mỹ rất nhẹ nhàng và hứng thú. Giáo viên không gây sức ép với học sinh, trong khi ở Việt Nam, nhiều học sinh phải đi học thêm mới hiểu bài và qua được các kỳ kiểm tra 15 phút, 1 tiết hóc búa, chỉ những ai học thêm tại nhà thầy cô mới có bí quyết giải.

Học toán ở Việt Nam thật sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với tôi (thỉnh thoảng ác mộng còn trở lại, cho dù tôi đã tốt nghiệp 5-10 năm sau).

Không thể dở toán ở Mỹ

Định kiến “học toán quá khó và thiếu tính thực tế” của tôi đã bị phá vỡ khi tôi bắt đầu học toán ở Mỹ. Tôi chẳng thể ngờ có một ngày việc giải toán lại trở nên cuốn hút tôi, khiến tôi có thể thức khuya để giải cho xong những bài toán khó, với cảm giác hạnh phúc khi chạm đến “chân lý”.

Học toán tại Mỹ khác ở Việt Nam không chỉ vì kiến thức dễ hơn (chỉ so sánh tổng quát), mà còn vì phương pháp học. Mỗi sinh viên bắt buộc phải mua một tài khoản online của nhà xuất bản để đăng ký khóa học với giáo sư của mình. Tài khoản này thường có giá trị trong một học kỳ và tự động hết hiệu lực sau khi một học kỳ kết thúc.

Khi đã có tài khoản đăng ký, sinh viên sẽ vào lớp toán của mình, giải bài tập online hằng tuần. Số tiền bỏ ra rất đáng đồng tiền bát gạo, vì ở website này không chỉ có nội dung kiến thức của sách giáo khoa, mà còn có video hướng dẫn giải toán rất chi tiết của các giáo sư từ nhiều trường CĐ, ĐH Mỹ.

Đặc biệt, trong mỗi câu hỏi của bài tập luôn có ví dụ đi kèm, giúp người học nghiên cứu cách giải.

Nếu xem xong ví dụ mà vẫn chưa giải được thì sinh viên có thể chọn thanh công cụ “giúp tôi giải bài toán này” (thông thường sinh viên phải giải 2 chuyên đề mỗi tuần, mỗi chuyên đề có từ 22 - 30 câu hỏi).

Nếu vẫn còn “bí” nữa thì email trực tiếp cho giáo sư của mình để nhờ giải bài toán khó. Tôi chưa từng phải email hỏi giáo sư, vì thường giải được hết bài sau khi xem ví dụ, hoặc nhờ website hướng dẫn giải từng bước.

Học toán ở Mỹ bắt buộc sinh viên phải đến một nơi gọi là “Learning Center” (trung tâm học tập) ít nhất ba tiếng cho một học kỳ. Có giáo sư còn khuyến khích sinh viên đến nơi này để nhận thêm điểm cộng, nếu học trò “vượt chỉ tiêu”.

“Trung tâm học tập” là nơi luôn có giáo sư hoặc gia sư “tutor” - những sinh viên giỏi toán được trường mướn để giúp học trò giải các bài toán hóc búa, hoặc ôn lại kiến thức mất căn bản.

Cho dù bạn lười biếng, bạn cũng không thể dở toán ở Mỹ, vì phương tiện và nhân lực luôn có sẵn để hỗ trợ việc học của bạn. Còn việc giỏi toán hay không lại là một phạm trù khác, phụ thuộc vào năng khiếu của mỗi người.

Hãy để toán là “thứ học được”

Từ toán học “mathematics” trong tiếng Anh bắt nguồn từ “máthema” tiếng Hi Lạp cổ, nghĩa là “thứ học được”. Toán học là một môn khoa học thiết yếu liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y học và tài chính.

Học sinh Việt Nam cần một nền toán học ứng dụng để “học được”, để ít nhất sau khi ra trường có thể tính được những bài toán căn bản thực tế, như cần mua bao nhiêu gạch nếu phải sửa nhà. Để học sinh không ghét hoặc có định kiến về toán học thì cần những cải tổ thật sự hiệu quả từ Bộ GD-ĐT.

DOANH DOANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên