03/03/2017 18:11 GMT+7

​Chưa nên giảm quy mô đào tạo đại học

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đó là một trong 10 kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa được gửi đến Thủ tướng nhằm đưa ra một số giải pháp cho các trường ngoài công lập hiện nay.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập” do hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức tháng 12- 2016 - Ảnh: N.Hà
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập” do hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức tháng 12- 2016 - Ảnh: N.Hà

Lý giải về kiến nghị Nhà nước chưa nên giảm quy mô đào tạo ĐH theo đề xuất của một số chuyên gia, tổ chức, hiệp hội cho rằng tình trạng hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm “chỉ là trước mắt”.

Trong những năm tới khi kinh tế phát triển, nhu cầu nhân lực bậc cao lại tiếp xuất hiện trở lại.

Thất nghiệp “chỉ là trước mắt”

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có liên quan tới chính sách phát triển kinh tế - đầu tư của đất nước, chính sách công nghệ, chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực... chứ không phải chỉ do chất lượng đào tạo tại các trường đại học, lại càng không phải do nước ta đã thừa nguồn nhân lực có trình độ đại học.

Theo thống kê của UNESCO, tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam hiện nay là 24% trong khi trung bình của thế giới là 30%. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2011), tỉ lệ lao động đang làm việc không có trình độ chuyên môn-kỹ thuật của Việt Nam là 84,6%.

Vì vậy, “nếu Việt Nam chủ động giảm quy mô đào tạo đại học ngay từ bây giờ (vì cho rằng thừa lao động trình độ đại học) thì vô tình chúng ta đã từ bỏ mục tiêu đưa đất nước sớm trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Kiến nghị bỏ điểm sàn, tăng quy mô hệ thống trường ngoài công lập…

Hiệp hội cho rằng có hai lý do chính khiến việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập ngày càng trở nên khó khăn.

Một là, từ năm 2012, Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép các trường đại học được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh của hệ đại học công lập chính quy đã đạt con số kỷ lục trên 500.000, vượt xa tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ngành (cả công lập lẫn ngoài công lập) ở những năm trước đó.

Việc tăng thoải mái chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập (mà loại trường này lại luôn được xã hội ưu tiên lựa chọn) đã làm hẹp cửa tuyển sinh của các trường thuộc khu vực ngoài công lập.

Hai là, quy định “điểm sàn” theo sáng kiến của Bộ Giáo dục và đào tạo trong nhiều năm vừa qua đã làm cho nhiều trường ngoài công lập và cả các trường công lập ở địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh, do nguồn tuyển từ “điểm sàn” trở lên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi các trường đại học công lập “tốp trên” xác định điểm chuẩn vào trường áp sát “điểm sàn” của bộ.

Vì vậy, cùng với việc kiến nghị chưa nên giảm quy mô đào tạo ĐH, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam còn đưa ra 9 kiến nghị đến Thủ tướng và cũng được coi là 9 giải pháp rốt ráo cần thực hiện để phát triển hệ thống trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên