01/03/2017 09:49 GMT+7

'Khách hàng thân thiết' của giáo trình: Chủ cửa hàng photocopy!

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đó là một trong những thực tế được nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được tổ chức tại Hà Nội ngày 28-2.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: H.Nam
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: H.Nam

Điều trớ trêu trên đã được một tiến sĩ nêu ra tại hội thảo, với những so sánh cười ra nước mắt.

Dùng sách photo vì... giá rẻ!

Tại sao sinh viên lại ưa dùng giáo trình photo? Có cách nào để giảng viên ĐH - cũng chính là tác giả sách - không còn phải ấm ức, vì giáo trình in ra không bán được bao nhiêu, mà tài liệu ấy từ tiệm photo lại chạy ầm ầm vào giảng đường?

Chủ đề này cùng câu chuyện thời sự trong ứng xử với sinh viên dùng giáo trình photo của Trường ĐH Luật TP.HCM mới đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại diện các trường ĐH tại hội thảo. TS Phạm Tuấn Anh - Trường ĐH Thương mại - đã tiến hành một nghiên cứu thú vị về những nguồn học liệu được sinh viên Trường ĐH Thương mại lựa chọn sử dụng, cách thức sử dụng, cũng như thời điểm tìm kiếm học liệu trong sinh viên.

Kết quả cho thấy phần lớn sinh viên không chủ động tìm kiếm nguồn học liệu phục vụ và bổ trợ cho quá trình học tập của bản thân. Có đến 80% sinh viên chỉ bắt đầu tìm kiếm các giáo trình, sách tham khảo... khi đã bước vào buổi học chính thức. Thậm chí, tỉ lệ “học chay” mà không quan tâm đến học liệu cho tới giữa môn học chiếm tới gần 1/3 sinh viên. Đặc biệt, có đến 6,6% sinh viên chỉ tìm kiếm học liệu ở giai đoạn nước rút, trước khi kết thúc học phần.

Tuy nhiên, sinh viên thừa nhận một trong những nguồn học liệu được ưu tiên sử dụng nhất chính là sách, giáo trình, tài liệu... photo, với lý do đầu tiên là vì chênh lệch về chi phí bỏ ra. Điều này cũng khớp với khảo sát của ĐH Thương mại, khi có đến gần 90% sinh viên mong muốn mức chi trả tối đa cho mỗi học phần chỉ từ 20.000 - 50.000 đồng!

Chính thói quen sử dụng học liệu như vậy đã dẫn tới hệ lụy đáng buồn: giáo trình, tài liệu chính thống không thể tiêu thụ, tồn kho lớn, dài hạn, dẫn tới nghẽn trong công tác chỉnh sửa, bổ sung, tái bản... Vì vậy, để “chấm điểm” chính xác cho sự hấp dẫn của một ấn phẩm khoa học trong trường ĐH, sẽ phải tuân theo một quy luật lạ đời: không phải ở lượng tiêu thụ trong nhà sách mà căn cứ ở lượng tồn kho lớn và mức độ nhân bản ở các tiệm photocopy!

“Làm sao chấm dứt tình trạng giảng viên phải chịu nỗi ấm ức vì những cuốn sách giáo trình dày công biên soạn không bán được, mà chỉ có một vị khách duy nhất, chính là chủ các cửa hàng photocopy?”, từ trăn trở này, TS Tuấn Anh đề xuất mô hình cung ứng học liệu hiện đại cho sinh viên, kết hợp giữa cung cấp bản cứng (các tài liệu đã xuất bản) và bản mềm (các tệp tin được chấp nhận cung cấp và không có bất kỳ khiếu nại nào về bản quyền và sở hữu trí tuệ).

Chưa chú trọng đào tạo kỹ năng

Đánh giá về sự năng động của sinh viên sau ra trường, khả năng thích ứng của người lao động với vị trí tuyển dụng, nhiều đại biểu cho rằng đang có một khoảng trống lớn, mà các trường cần đặc biệt quan tâm bồi đắp ngay trong quá trình đào tạo.

Theo ThS Nguyễn Duy Đạt - Trường ĐH Thương mại, một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy đối với người sử dụng lao động thì kỹ năng và khả năng sẵn sàng của người lao động là mối quan tâm lớn hơn, so với quy định quản lý thị trường lao động và thuế.

“Thiếu hụt kỹ năng là một vấn đề nghiêm trọng của các ứng viên tìm kiếm việc làm trong các lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn và quản lý - những công việc thường đòi hỏi người lao động phải thực hiện những nhiệm vụ có tính phân tích, phi thủ công và không phải thường quy.

Ngược lại, thiếu hụt lao động có tay nghề, hay thiếu ứng viên trong một số loại hình công việc cụ thể lại thường xảy ra ở các ngành nghề giản đơn” - ông Đạt nhấn mạnh.

Đặc biệt, không phải những kỹ năng “cao siêu” mới bị thiếu hụt, mà ngay những kỹ năng được sử dụng hằng ngày như kỹ năng giao tiếp cũng bị “hổng” khá nặng nề ở nhiều cử nhân.

Khảo sát nhanh tại các trường ĐH đào tạo kinh tế lớn trong cả nước cho thấy các kỹ năng quan trọng của người lao động như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và phê phán, kỹ năng giao tiếp... dù được xác định là rất cần thiết, nhưng đa số các trường chưa chú trọng đào tạo một cách bài bản.

“Không có tiền là stop” - PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đã dẫn câu nói này khi nhắc đến nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, ở bối cảnh đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hệ thống các trường ĐH hiện nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, ông Triệu cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH - trong đó có việc tăng cường kỹ năng cho sinh viên - thì phải có cơ chế tài chính phù hợp.

“Khi các trường được thí điểm tự chủ, đặt ra lộ trình tăng học phí thì phải chú trọng dành đầu tư cho việc bồi dưỡng kỹ năng, giải trình đầy đủ với xã hội và người học. Ngược lại, chính người học và xã hội cũng phải chấp nhận mức chi phí mới, nếu muốn được cung cấp chất lượng dịch vụ đào tạo mới cao hơn trước đây” - ông Triệu nói.

“Cha truyền con nối” còn phổ biến

Một khảo sát được thực hiện trên một số giảng viên đến từ 9 trường ĐH phía Bắc cho thấy tuy chất lượng giảng viên được đánh giá tương đối tốt, nhưng chính các giảng viên cũng thừa nhận họ còn nhiều hạn chế về năng lực dạy học, tình trạng “cha truyền con nối” vẫn còn phổ biến ở các trường ĐH.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, hạn chế lớn nhất của các trường ĐH đang triển khai cơ chế tự chủ chính là chất lượng quản lý.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên