09/02/2017 17:39 GMT+7

Ngăn chặn bạo lực học đường không phải bằng 'con đê'

TRẦN DƯƠNG
TRẦN DƯƠNG

TTO - Đó là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Bạo lực học đường - thực trạng và giải pháp” do Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế tổ chức sáng 9-2 với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục, luật gia...

Quảng cảnh cuộc hội thảo - Ảnh: TRẦN DƯƠNG
Quang cảnh cuộc hội thảo - Ảnh: TRẦN DƯƠNG

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Dung, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết mặc dù ngành giáo dục Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều chương trình giáo dục pháp luật cho học sinh, chú trọng xây dựng văn hóa trường học, nhưng thời gian gần đây tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra.

PGS.TS Trần Thị Tú Anh (Trường ĐH Sư phạm Huế) đề xuất phải kiểm soát các hình ảnh có tính chất bạo lực trên phim ảnh, sách báo, các loại hình game mang tính chất bạo lực; lồng ghép nội dung bạo lực học đường trong các môn chính khóa, hỗ trợ cho các học sinh chịu ảnh hưởng bởi bạo lực học đường thông qua việc xây dựng các văn phòng tư vấn, hỗ trợ, tham vấn và các trung tâm hỗ trợ trong nhà trường và cộng đồng.

Đặc biệt, nhà trường và gia đình phải có sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên, để hiểu biết rõ hơn những thay đổi về tâm sinh lý học sinh, nhận biết sớm những dấu hiệu bạo lực học đường để kịp thời ngăn chặn.

Luật gia Hoàng Ngọc Thanh, phó chủ tịch Hôi Luật gia tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết ông không thể xem hết một clip về bạo lực học đường phát trên mạng vì nó quá kinh khủng, bởi hung thủ là những học sinh còn rất non trẻ.

Theo ông Thanh, việc ngăn chặn bạo lực học đường không phải bằng một "con đê" hoặc là sự cưỡng chế của chính quyền, mà phải làm cho nguyên nhân của sự bạo lực không còn. Đó là giáo dục của gia đình ngay từ khi đứa trẻ còn nhỏ. Khi một đứa trẻ đã có sự giáo dục tốt về đạo đức lối sống, thì khi lớn lên sẽ không dùng bạo lực để giải quyết các xung khắc trong đời sống.

Cô giáo Phạm Thị Hoa Phượng (Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế) đề nghị phải coi trọng giáo dục pháp luật cho học sinh và nên đưa nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình học cuối cấp THCS và THPT. Trong công tác giáo dục pháp luật tại nhà trường cần lồng ghép thông qua tuần sinh hoạt công dân.

Ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết những ý kiến đề xuất trong hội thảo là cơ sở để sở xây dựng các kế hoạch về giáo dục lối sống cho học sinh và phòng chống có hiệu quả bạo lực học đường.

TRẦN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên