16/01/2017 11:18 GMT+7

Trường nghề  lo "sống" thay vì nâng cao chất lượng

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Đó là nỗi lo lắng được các đại biểu đưa ra tại hội nghị Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức sáng 16-1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị - Ảnh: NHƯ HÙNG
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hội nghị có sự tham dự của các trường trung cấp, cao đẳng nghề và các trường cao đẳng mới chuyển từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý về mặt nhà nước.

Tại hội nghị, Bộ LĐ-TB&XH trình bày đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp có 1.989 cơ sở. Tất cả các tỉnh, thành phố đều có trường trung cấp, cao đẳng.

Trong 5 năm qua, giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo cho hơn 9 triệu người, phát triển đội ngũ, kiểm định chương trình, ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Tuy nhiên, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, không đạt chỉ tiêu đề ra. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chương trình đào tạo nhiều nội dung còn mang tính hình thức, cơ sở vật chất hạn chế, chất lượng đào tạo còn thấp…

Nhiều đại biểu cho rằng chất lượng đào tạo nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp.

Nhiều trường phải lo tuyển sinh để “sống” chứ chưa thể tính đến việc nâng cao chất lượng. Thực tế việc tuyển sinh nghề nghiệp khó khăn, thiếu người học nên các trường phải lo tuyển sinh để có thể tồn tại.

Đề án đổi mới đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, đổi mới cơ chế giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế… để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều đại biểu đã góp ý cho các giải pháp này nhằm nâng cao chất lượng, thu hút người học cũng như giải quyết việc làm cho người học.

Cũng tại hội nghị, đại diện nhiều trường vừa được chuyển giao từ Bộ GD-ĐT bày tỏ sự lo lắng về cơ chế, chính sách cũng như hoạt động của trường khi chuyển giao về Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù đã chuyển giao cho Bộ LĐ-TB&XH nhưng Bộ GD-ĐT cũng có trách nhiệm phối hợp với Bộ lao động thương binh xã hội để ban hành các văn bản, chính sách. Việc chuyển giao này chỉ có thuận lợi hơn cho các trường chứ không phải gây thêm khó khăn. 

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên