29/12/2016 20:04 GMT+7

Hào hứng với phiên xử gây án vì thách thức qua Facebook

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Sáng 29-12, hàng trăm học sinh Trường THCS Trường Thạnh (Q.9, TP.HCM) hào hứng với phiên tòa giả định xét xử vụ án về bạo lực học đường đối với trẻ vị thành niên.

HĐXX phiên tòa giả định xét xử vụ án về bạo lực học đường diễn ra sáng 29-12 tại trường THCS Trường Thạnh (Quận 9, TP.HCM) - Ảnh: UYÊN TRINH
HĐXX phiên tòa giả định xét xử vụ án về bạo lực học đường diễn ra sáng 29-12 tại Trường THCS Trường Thạnh (quận 9, TP.HCM) - Ảnh: UYÊN TRINH

Bạo lực học đường cũng là một chuyên đề của các phiên tòa giả định do Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cùng Tòa gia đình và người chưa thành niên TP.HCM phối hợp tổ chức.

Đây là một vụ án có thật mà TAND quận 4 đã từng đưa ra xét xử. HĐXX TAND Q.4 đã tuyên phạt bị cáo T. (16 tuổi) về tội cố ý gây thương tích, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường 50 triệu đồng. Trước đó, tháng 4-2014, T. được một người bạn rủ đi “nói chuyện” với H. vì có mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook. Trước lời thách thức đánh nhau, T. dùng cây sắt đánh trúng vào đầu và lưng H. khiến H. té xuống đường và bất tỉnh.

Kết thúc phiên tòa giả định, sân trường náo nhiệt hẳn lên khi hàng chục cánh tay liên tục giơ lên để thắc mắc, nêu ý kiến và đặt câu hỏi.

Thái Anh (học sinh lớp 7A5) đang nghe HĐXX phiên tòa giả định giải thích - Ảnh: UYÊN TRINH
Thái Anh (học sinh lớp 7A5) nghe HĐXX phiên tòa giả định giải thích - Ảnh: UYÊN TRINH

Thái Anh (học sinh lớp 7A5) thắc mắc: “Tại sao HĐXX buộc bị cáo bồi thường cho bị hại 50 triệu, nhưng trước đó đã bồi thường 34 triệu, bây giờ phải bồi thường thêm 50 triệu là tổng đến 84 triệu?”.

Câu hỏi của Thái Anh nhận được những tràng pháo tay của toàn trường. Một em học sinh khác đứng lên nêu ý kiến: tại sao bị cáo vi phạm, bị cáo phải đi tù mà ba mẹ bị cáo còn phải bồi thường thêm số tiền nhiều đến như vậy?

HĐXX lý giải rằng 34 triệu đưa trước là tiền bồi thường chi phí thuốc men, điều trị vết thương, còn 50 triệu tòa yêu cầu là chi phí tổn thất tinh thần, bồi dưỡng sức khỏe và tiền ba mẹ bị hại nghỉ việc để chăm sóc. Nghe HĐXX giải thích, phía dưới các em học sinh gật gù tán thưởng theo.

Bà Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết:

“Phiên tòa giả định nằm trong chuỗi hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng phương pháp trực quan, sinh động đã từng diễn ra ở các trường trong địa bàn TP, chủ yếu do các luật sư thuộc chi hội luật sư của hội và thư ký Tòa gia đình đứng ra đóng. Vụ án đưa ra xét xử giả định là vụ án có thật và luôn phải được Thành ủy duyệt qua”.

“Bạo lực học đường luôn là vấn đề nóng. Nghe từng phiên xử các em thấy có mình trong đó. Hiện nay thì em nào cũng có Facebook, có những mâu thuẫn bạn bè, nếu không tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, sự bồng bột của các em sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Qua đây cũng nhắc nhở phụ huynh phải luôn quan tâm, theo dõi các em thường xuyên” - bà Trần Thị Hồng Việt, chủ tọa phiên tòa giả định, chia sẻ.

Hồ Việt Trung (học sinh lớp 9A3) đang nghe luật sư trả lời câu hỏi - Ảnh: UYÊN TRINH
Hồ Việt Trung (học sinh lớp 9A3) nghe luật sư trả lời câu hỏi - Ảnh: UYÊN TRINH

Thầy Trần Nguyễn Quốc Tuấn, hiệu trưởng Trường THCS Trường Thạnh, cho biết: “Đây là lần đầu tiên học sinh của trường được dự một phiên tòa giả định, giúp các em hiểu kiến thức pháp luật bằng thực tiễn.

Hiệu quả của chương trình nằm ở sự hào hứng, chăm chú lắng nghe, ở những câu hỏi rất thiết thực của các em. Qua đây, tôi cũng mong trường sẽ còn tổ chức được những buổi tuyên truyền kiến thức bằng trực quan sinh động như thế này nữa”.

“Tuổi các em trung học là tuổi nổi loạn, nửa con nít nửa người lớn, suy nghĩ còn bồng bột, dễ sa ngã, nên phải tuyên truyền kiến thức pháp luật cho các em ngay từ bây giờ. Trường THCS Trường Thạnh là ngôi trường nhỏ, lại ở xa trung tâm TP nên khi nhận được sự quan tâm để tổ chức những buổi chuyên đề ngoại khóa hay và thực tiễn, chúng tôi thật sự rất vui.

Phải như có những buổi tuyên truyền như thế này nữa ở các trường THCS trong địa bàn quận 9” - ông Nguyễn Văn Hoàng, phụ trách thanh tra, pháp chế Phòng giáo dục và đào tạo quận 9, tâm sự.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên