15/12/2016 18:30 GMT+7

Dự án Bữa ăn học đường: làm quen với “ngân hàng” thực đơn

V.HÀ
V.HÀ

TTO - Phần mềm này sẽ cung cấp 120 thực đơn sẵn có, với trên 360 món ăn cho bữa trưa đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng; được phân chia theo 3 khu vực miền Bắc, Trung và Nam.

Các em học sinh thưởng thức bữa ăn trưa theo thực đơn trong dự án bữa ăn học đường tại trường tiểu học Trưng Trắc TP.HCM
Học sinh thưởng thức bữa ăn trưa theo thực đơn trong dự án Bữa ăn học đường tại Trường tiểu học Trưng Trắc, TP.HCM

“Tôi sẽ cố gắng để áp dụng vào bếp ăn bán trú của trường vì sau khi thử nghiệm trong gia đình, con tôi từ chỗ nói không với rau giờ đã ăn đủ rau, thịt đúng theo công thức chỉ dẫn” - một cô hiệu trưởng trường tiểu học tại Đà Nẵng đã chia sẻ khi nói đến phần mềm xây dựng bữa ăn học đường vừa được Bộ GD-ĐT ký quyết định triển khai trong các nhà trường ở 63 tỉnh, thành.

Phần mềm còn giúp các trường tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn để tạo ra thực đơn ngon miệng và cân bằng dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, phần mềm giúp các trường có thể tự tạo thực đơn mới bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với địa phương và kiểm tra tính dinh dưỡng của các thực đơn nhà trường hiện đang sử dụng. Đồng thời giúp nhà trường tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh….

Tại hội nghị triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc dự án Bữa ăn học đường cho sở GD-ĐT các tỉnh thành trên quy mô toàn quốc do Bộ GD-ĐT, Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế và Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 15-12, ông Ngũ Duy Anh - vụ trưởng Vụ CT HSSV, Bộ GD-ĐT - đã cho biết dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto triển khai từ năm 2012-2016 thật sự đã làm thay đổi suy nghĩ của các nhà trường về việc xây dựng, nâng chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. 

Bữa ăn học đường không chỉ đáp ứng nhu cầu của học sinh, mà còn là một trong những yếu tố tác động nhằm cải thiện chiều cao, thể lực, tránh cho trẻ các lứa tuổi mắc những bệnh do thiếu dinh dưỡng hoặc tiếp nhận dinh dưỡng không khoa học.

Trước đó, Bộ GD-ĐT cùng Công ty Ajinomoto đã khảo sát ở trên 3.600 trường học với trên 2,6 triệu học sinh. Hầu hết ý kiến thu nhận đều cho biết cần cải thiện việc lên thực đơn bữa ăn và tập huấn chuyên môn về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho nhà bếp, nhân viên nhà bếp, y tế trường học và giáo viên bộ môn liên quan.

Dự án Bữa ăn học đường cũng đã thực hiện ở nhiều trường học tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng từ năm 2012 đến nay. Kết quả khảo sát cho thấy dự án có được sự đồng thuận cao ở những trường đã triển khai.

Bộ GD-ĐT và Viện Dinh dưỡng quốc gia đã thành lập các hội đồng thẩm định độc lập để đánh giá về phần mềm từ quy trình khảo sát thực tế, xây dựng dữ liệu làm cơ sở cho thiết kế phần mềm đến đánh giá tính khả thi của phần mềm này. Kết quả thẩm định cho biết phần mềm này có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước ở các vùng miền có đặc điểm khác nhau.

Dự kiến, phần mềm cung cấp miễn phí cho các trường tiểu học có bếp ăn bán trú trên toàn quốc qua website của dự án Bữa ăn học đường: www.buaanhocduong.com.vn từ tháng 1-2017.

Cùng với phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, dự án Bữa ăn học đường cũng triển khai apphich minh họa thực phẩm “3 phút thay đổi nhận thức” cho các trường tiểu học bán trú để giáo dục học sinh về dinh dưỡng và công dụng của thực phẩm, qua đó khuyến khích học sinh ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt hình thành thói quen ăn nhiều rau củ tốt cho sức khỏe.

V.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên