30/08/2016 11:25 GMT+7

Thầy đưa trò đi xin tiền học

TRẦN MAI - TIẾN LONG
TRẦN MAI - TIẾN LONG

TTO - Một người thầy từ Quảng Ngãi vượt đường sá xa xôi đưa ba học trò nghèo vào TP.HCM xin tiền, xin chỗ ở miễn phí nhập học, nuôi tiếp giấc mơ mà thầy trò vun đắp ba năm nay.

Thầy Ngô Khắc Vũ chở Oanh bằng xe máy đến ký túc xá Đại học Nông lâm TP.HCM. Đạt và Vấn đạp xe đạp lọc cọc theo sau - Ảnh: T.L.
Thầy Ngô Khắc Vũ chở Oanh bằng xe máy đến ký túc xá Đại học Nông lâm TP.HCM. Đạt và Vấn đạp xe đạp lọc cọc theo sau - Ảnh: T.L.

“Các em có một tương lai tươi sáng, nhưng cũng có thể tối sầm nếu không nhận được sự giúp đỡ. Vào đời thì có nhiều cách khác nhau, nhưng con nhà nghèo mà, mình không giúp dễ gãy gánh học lắm"

Thầy Ngô Khắc Vũ

Đó là câu chuyện cảm động của thầy giáo Ngô Khắc Vũ và ba học trò Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trịnh Hồng Vấn, Trần Quốc Đạt, Trường THPT số 2 Mộ Đức (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi).

Thầy như người cha

Giữa trưa nắng hầm hập, thầy Ngô Khắc Vũ, giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức, chở Oanh bằng xe máy đến Trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM làm thủ tục nhập học cho Oanh và Vấn. Đạt và Vấn đạp xe đạp lọc cọc theo sau.

Khi hai em vào làm thủ tục, thầy Vũ ngồi ngoài thấp thỏm, lâu lâu lại ngó qua cửa sổ... Xong thủ tục, ba thầy trò lại tất tả đèo nhau sang ký túc xá Trường đại học Nông lâm TP.HCM, nộp hồ sơ xin hỗ trợ chỗ ở miễn phí tại ký túc xá Cỏ May cho cả ba em.

Thấy thầy Vũ lo lắng, người nhận hồ sơ còn tưởng thầy là cha của ba em nên trách: “Lần sau mấy cháu lớn rồi để nó tự đi. Chiều bọn nó quá lại đâm hư...”. Thầy Vũ chỉ biết cười xòa.

Ba học sinh của thầy Vũ người không có cha, người mồ côi mẹ. Gần đến ngày nhập học, cả ba còn loay hoay không biết kiếm tiền đâu nhập học. Thấy hoàn cảnh như vậy, thầy quyết định đưa cả ba đi để đỡ chi phí.

Trước ngày thầy trò đi, thầy chia sẻ thông tin trên Facebook cá nhân. Một người đồng hương làm việc tại TP.HCM gọi điện lại, nhận phần lo chi phí đi lại cho bốn thầy trò. Vào đến nơi, một người thân của thầy Vũ cho ở tạm, rồi cho mượn thêm chiếc xe máy và chiếc xe đạp, thế là bốn thầy trò đưa nhau đi nhập học.

Ba học sinh này được thầy giúp đỡ từ khi mới vào học cấp III. Để có tiền cho các em ăn học, hằng tháng thầy Vũ kêu gọi mọi người ủng hộ. Số tiền mọi người cho, thầy giữ lại, chia ra từng tháng để duy trì việc học cho các em. Có chương trình học bổng, thầy tự viết thư gửi đi giới thiệu.

Trước khi vào TP.HCM, thầy đưa toàn bộ tiền đóng học phí cho cả ba. Ngồi nói chuyện với chúng tôi mà điện thoại thầy Vũ liên tục đổ chuông. Anh em, bạn bè, học trò cấp III cũ biết thầy vào nên gọi gặp mặt. Thầy Vũ đều vui vẻ nhận lời.

Thầy nói: “Đưa mấy em đi, ngoài chuyện nhập học còn tranh thủ gặp gỡ giới thiệu hoàn cảnh khốn khó của mấy em cho mọi người biết hỗ trợ, giúp đỡ. Gặp được càng nhiều người càng tốt...”.

Thầy khoe vào TP.HCM đã xin được mười mấy triệu đồng, cũng xin được nhà của một người quen ở Thủ Đức cho cả ba ở tạm, chờ kết quả từ ký túc xá Cỏ May và nhờ người tìm việc làm thêm cho cả ba.

Trăm nỗi lo cho trò nghèo

Lo chuyện nhập học của ba em xong, gần ngày về người thầy còn đầy những nỗi lo. Hồ sơ xin hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho ba em nằm trong 400 hồ sơ nộp, không biết có được xét duyệt hay không.

Nhìn ba học trò ngơ ngác giữa thành phố, thầy Vũ bảo “thương đứt ruột”. Rồi thầy kể hoàn cảnh của ba học trò mình: Vấn có đến bốn chị em mà mẹ bị tâm thần bỏ đi, mọi chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào số tiền lương 2 triệu đồng/tháng của người cha làm bảo vệ.

Để có tiền học tập, Vấn phải làm đủ thứ việc của người nông dân như trồng rau, mì, mía... Tới ngày mùa, em phải ra đồng thu hoạch lúa thuê cho hàng xóm để có tiền mua sách vở, dụng cụ học tập.

Khó thế nhưng Vấn học rất giỏi. Ba năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm học 2015-2016, Vấn có số điểm tổng kết quả học tập cao nhất trường.

Còn Đạt sinh ra không có cha. Nghèo, mẹ Đạt gửi em cho người cậu họ để vào TP.HCM làm thuê kiếm tiền nuôi con. Cho dù sống trong hoàn cảnh không có sự chăm sóc của cha mẹ nhưng Đạt luôn phấn đấu trong học tập, em chưa bao giờ tự ti về số phận của mình. Kết quả học tập của em luôn đáng khâm phục, 12 năm liền em đều đạt học sinh giỏi.

“Thấy vậy chứ thủ khoa đầu vào trường cấp III đấy. Mẹ Đạt thì đau cột sống hai năm nay, vào TP.HCM bán vé số được mấy đồng, rồi lại về nhà nằm cho Đạt chăm” - thầy Vũ kể.

Trường hợp của Oanh, ngày đi thi thầy Vũ còn phải chở đi. Cha Oanh mất trong cơn đau tim đột ngột khi đang làm ruộng. Từ đó, Oanh cùng mẹ phải đi làm thuê khắp nơi từ gặt lúa thuê, chạy gạch, bơm thuốc ruộng, lên núi đốn củi...

“Hoàn cảnh khổ vậy đó nhưng bản thân cả ba rất cố gắng. Mình làm thầy không lẽ bỏ các em sau khi xong phổ thông...” - thầy Vũ bỏ lửng câu nói.

Bà Nguyễn Thị Thời - mẹ của Oanh - nghẹn ngào khi nói về thầy Vũ: “Mẹ con tui mang ơn thầy Vũ nhiều lắm. Nếu không có thầy thì bé Oanh phải nghỉ học rồi. Đến nỗi đi học đại học mà thầy cũng lo hộ cho”.

Thầy Vũ bảo rằng năm nào cũng làm hồ sơ học bổng “Tiếp sức đến trường” cho học trò trong trường. Năm nay là lần đầu tiên thầy theo trò nhập học.

Khi vào ký túc xá Cỏ May, nhìn danh sách dài những tân sinh viên nghèo khác, thầy Vũ bảo: “Nhìn học trò của mình đã thương, mà nhiều em từ quê lên, ngơ ngác giữa thành phố lớn mà xót xa. Chỉ mong nhiều thầy cô, mạnh thường quân bỏ thời gian đồng hành cùng các em, để có chỗ dựa những ngày đầu nhập học, thậm chí đến ngày ra trường đi làm thì tốt quá. Các em có thể có tương lai tươi sáng, cũng có thể trở thành gánh nặng cho xã hội, nếu không nhận được sự trợ lực kịp thời”.

Oanh, Vấn, Đạt còn một chặng đường dài phía trước phải vượt qua, để có thể thực hiện mơ ước ngồi ghế giảng đường. Đạt bảo: “Tụi em cũng không biết cảm ơn thầy Vũ thế nào. Chỉ còn biết cố gắng học để sau này không phụ sự giúp đỡ suốt nhiều năm qua mà thầy đã dành cho”.

Thầy Vũ còn dẫn các em đến dự lễ tốt nghiệp của sinh viên ở Trường đại học Nông lâm TP.HCM, và dành cho cả ba lời nhắn nhủ trước khi về lại Quảng Ngãi: “Nếu các em luôn cố gắng duy trì nghị lực vượt khó như thời gian qua, và tiếp tục nhận được quan tâm của quý mạnh thường quân, thì bốn năm nữa thôi các em sẽ nhận được tấm bằng tốt nghiệp”.

TRẦN MAI - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên