14/12/2015 09:27 GMT+7

Không phải cứ đầu tư nhiều tiền là con giỏi tiếng Anh

MỸ NƯƠNG - THƯƠNG HOÀNG
MỸ NƯƠNG - THƯƠNG HOÀNG

TTO - Không phải cứ đầu tư thật nhiều tiền, học các trung tâm nổi tiếng, trang bị các thiết bị hiện đại… con sẽ học giỏi tiếng Anh, là ý kiến của nhiều phụ huynh với TTO.

Chị Thu (Sư Vạn Hạnh, P.2, Q.10) chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh của con mình - Ảnh: MỸ NƯƠNG.

Trò chuyện với con mỗi ngày

Khi được nghe câu chuyện bạn đọc đã gửi tới Tuổi Trẻ, chị Lâm Ngọc Phước Thu (Sư Vạn Hạnh, P.2, Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Học ngôn ngữ cũng cần có năng khiếu, có lẽ em không có năng khiếu học tiếng Anh mà có sở thích, năng khiếu ở môn học khác.

Cũng có thể cha mẹ vẫn chưa tìm được trung tâm học tiếng Anh phù hợp với bản thân em, thầy cô giáo chưa có phương pháp học mà em thật sự yêu thích”.

Chị cho biết ngay từ nhỏ chị đã cho con học tại trung tâm uy tín với 100% nước ngoài. Được tiếp xúc từ nhỏ, hình thành nền tảng tốt nên con học tiếng Anh rất tự nhiên. Mặc dù là con trai nhưng hằng ngày em vẫn trò chuyện, tâm sự với mẹ về công việc học tập.

Đối với bản thân chị, khi mình làm bất cứ công việc gì cần phải đặt ra mục tiêu để phấn đấu. Ví dụ như: mục tiêu đến khi nào để có thể xem phim mà không cần phụ đề, mục tiêu phấn đấu đến thời điểm nào là hoàn thành xong cuốn truyện tiếng Anh…

Hiện tại khi bắt đầu lên lớp 10, con trai chị đã có thể xem các bộ phim, các clip khoa học mà không cần phụ đề. Với môn học tiếng Anh, em đã hình thành những phản xạ tự nhiên và hình thành thói quen học mỗi ngày.

Chị cũng chia sẻ thêm: “Cha mẹ cần định hướng cho con cái, luôn động viên và khuyến khích con trong công việc học tập và cuộc sống. Tôi thường mua các tạp chí, truyện bằng tiếng Anh cho con học, thường quan tâm đến chuyện học tập của con thường xuyên.

Năm nay con không còn học ở trung tâm nữa mà tự học ở nhà, học gia sư, hai mẹ con thống nhất với nhau sẽ học thêm một ngôn ngữ mới”.

“Con học tiếng Anh rất thoải mái, không học nhưng lại học vì khi xem phim và đọc truyện tranh bằng tiếng Anh, con vừa có thể học vừa giải trí. Tôi nghĩ không nên tác động nhiều vào con hay ép buộc làm những điều mà con không thích”.

Cha mẹ và các con dành thời gian cùng vui chơi giải trí tại Ngày hội Gia đình Việt Nam - Ảnh: THƯƠNG HOÀNG.
Cha mẹ và các con dành thời gian cùng vui chơi giải trí tại Ngày hội gia đình Việt Nam - Ảnh: THƯƠNG HOÀNG

Cha mẹ là điểm tựa cho con

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) có hai bé trai, một bé 3 tuổi và một bé 5 tuổi. Thời gian đầu khi chị mới gửi con ở trường mẫu giáo, bé rất nhút nhát trong việc tiếp xúc với bạn bè mới, chưa kể đến việc học tiếng Anh.

Nhưng sau khi bé được tiếp xúc với môi trường mới, phù hợp và tạo sự hứng thú, bé bắt đầu nói được và vốn từ của bé dần trở nên phong phú. Tính đến nay bé đã học được 3 năm. “Tôi thấy an tâm về con khi khả năng ngôn ngữ của con tốt”.

Bé còn nhỏ nên ở trường bé được các thầy cô chỉ dẫn cách tiếp xúc với tiếng Anh bằng những đoạn video ngắn, những bài hát được thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể. Có thể chính phương pháp dạy này đã giúp bé hứng thú và tiếp thu rất nhanh, bé thường bắt chước, nhún nhảy theo người diễn viên trong clip.

Ngoài ra, bé còn được các thầy cô dạy những cách học hiệu quả như học bằng hình ảnh, vật thật. Chẳng hạn trong giờ học về trái cây 4 mùa, bé được tiếp xúc trực tiếp và đa dạng tất cả các loại quả. Bé được tự tay mình xay những loại quả thành sinh tố, được nếm, ngửi và trực tiếp cảm nhận từ chính loại nước mình làm ra.

Quen với việc học tiếng Anh cả giờ ở trường, khi về nhà các vật dụng trong phòng, đồ có màu sắc, hay những con số bé nói hoàn toàn bằng tiếng Anh. “Lúc đầu tôi nghĩ bé không biết được nhiều như vậy nên tôi ít nói những từ tiếng Anh dài với con. Khi bé gặp những người bạn của tôi, bé nói bằng những từ tiếng Anh giao tiếp đơn giản, lúc đó tôi mới biết bé có thể giao tiếp bằng Anh ngữ được” chị Phượng chia sẻ.

Có lần gia đình đi Đức chơi nên dẫn bé theo. Bé có thể tự tin giao tiếp những từ đơn giản. Gặp người nước ngoài, bé thoải mái bắt chuyện, làm quen, tất nhiên có những câu dài quá bé không thể nói được nhiều. Đối với những câu đơn giản như thích ăn cái này hay không, bé giao tiếp được và tôi rất bất ngờ.

Khi bé giao tiếp với người nước ngoài, tôi không hỏi kỹ về việc người ta nói với con những gì, con hiểu như thế nào, không đào sâu mà chỉ dừng lại ở việc hỏi con hiểu hay không, rồi tôi khen con thật giỏi và khuyến khích, động viên con. Việc đào sâu và hỏi kỹ càng sẽ khiến con trở nên áp lực và cảm thấy không được thoải mái nữa khi bên mình luôn có mẹ theo dõi, giám sát.

Cha mẹ là điểm tựa cho con cái trong công việc học tập cũng như cuộc sống.

MỸ NƯƠNG - THƯƠNG HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên