28/11/2015 10:15 GMT+7

Tích hợp cần bước đi phù hợp

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Tham dự cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cộng đồng người Việt Nam tại Đức, TS Nguyễn Văn Cường (Đại học Potsdam, Đức, với chuyên ngành giáo dục/phương pháp kỹ thuật) đã đóng góp ý kiến về cải cách giáo dục Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lắng nghe đóng góp của TS Nguyễn Văn Cường về cải cách giáo dục - Ảnh: V.V.T.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lắng nghe đóng góp của TS Nguyễn Văn Cường về cải cách giáo dục - Ảnh: V.V.T.

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ tại Berlin, TS Nguyễn Văn Cường nói:

- Tích hợp và dạy học theo chủ đề liên môn là xu hướng quốc tế. Ở ta, trong quá trình cải cách giáo dục đã cập nhật xu hướng này là rất tốt, tuy nhiên đi vào cụ thể thì có nhiều nội dung cần bàn. Ví dụ, mức độ và bước đi của ta như thế nào cho phù hợp, tôi nghĩ rằng đây là việc cần có thời gian trao đổi thêm.

Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo chương trình thì sẽ có phản biện xã hội. Việc Bộ GD-ĐT lắng nghe các phản biện đó là một quy trình bình thường, vì trí tuệ của xã hội sẽ bổ sung cho trí tuệ của cá nhân nhóm làm chương trình.

* Xu hướng tích hợp trên thế giới hiện nay đang diễn ra như thế nào, và kinh nghiệm nào cho Việt Nam, thưa ông?

- Tích hợp là một biện pháp phát triển năng lực học sinh, tuy nhiên nó đòi hỏi điều kiện, và tích hợp không có nghĩa là thay thế ngay các môn học, vì mỗi môn học là một khoa học có giá trị và vai trò riêng. Các môn học cung cấp kiến thức chuyên ngành; còn môn tích hợp giúp việc giải quyết các bài toán phức hợp, cần được xem xét dưới góc độ nhiều môn khoa học khác nhau.

Chúng ta không thể chuyển từ thái cực này sang thái cực kia, theo kiểu bỏ hoàn toàn các môn học. Xu hướng tích hợp trên thế giới có nhiều mức độ khác nhau, ví dụ Úc và Mỹ thì đi xa hơn, họ tích hợp nhiều hơn; còn Anh, Pháp, Đức thận trọng hơn.

Chẳng hạn mô hình Đức, ở tiểu học mức độ tích hợp cao, ở THCS tích hợp đến lớp 5 và lớp 6, họ có các môn khoa học tự nhiên (tích hợp lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (tích hợp địa, sử, giáo dục chính trị). Một số bang ở Đức có thể tích hợp lên đến lớp 7 và lớp 8, nhưng tổng thể là họ dừng ở các lớp dưới của THCS (lớp 5 và lớp 6).

Bên cạnh đó họ vẫn giữ các môn học riêng biệt, ở THPT thì vai trò của các môn khoa học độc lập quan trọng hơn là tích hợp. Khi dạy các môn khoa học mà có các chủ đề liên môn thì họ triển khai dạy học theo chủ đề liên môn.

* Theo ông, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng mô hình nào?

- Kinh nghiệm của Đức cho thấy trước đây họ cũng có một số vấn đề như Việt Nam, đó là chương trình giáo dục nặng về định hướng nội dung, bây giờ họ chuyển sang định hướng phát triển năng lực. Cải cách giáo dục ở Đức được tiến hành từ sau năm 2000, chương trình mới đầu tiên làm từ năm 2004, bây giờ sau 10 năm họ tiếp tục làm lại cũng với định hướng phát triển năng lực, cũng là tích hợp, liên môn.

Trong những năm gần đây, Đức là một trong số ít nước trên thế giới có kết quả giáo dục liên tục tăng, kinh nghiệm đó rất đáng nghiên cứu. Đi vào cụ thể, Đức chú trọng liên môn hơn, còn tích hợp các môn học thì họ làm một cách thận trọng, ví dụ như chỉ tích hợp tại lớp 5 và lớp 6 như tôi nói ở trên, các lớp cao hơn thì họ trở lại từng môn độc lập.

* Quan điểm của ông về việc tích hợp môn lịch sử ở Việt Nam như thế nào?

- Đối với môn sử, việc tích hợp hay để một môn học độc lập thì mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm, vấn đề là chọn phương án nào phù hợp. Tích hợp là cách mà thế giới đã làm và chứng minh có hiệu quả trong thực tế, vậy chúng ta có nên tích hợp môn địa lý, môn sử và giáo dục chính trị từ THCS cho đến THPT hay không?

Theo tôi, bước đi phù hợp là tích hợp có mức độ ở bậc THCS, còn THPT hãy để các môn độc lập và kết hợp chủ đề liên môn. Đây là ý kiến cá nhân của tôi, tôi tin Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe phản biện xã hội và có lời giải thỏa đáng khi có trí tuệ tập thể.

* Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay Việt Nam chưa chuẩn bị về đội ngũ giáo viên và các điều kiện khác để tích hợp môn lịch sử, TS nghĩ sao?

- Đó là ý kiến có cơ sở và cần cân nhắc. Đúng là tích hợp một môn học không những đòi hỏi về giáo viên, mà còn sách giáo khoa và phương pháp dạy học của các thầy cô, sự đồng thuận của xã hội. Tuy nhiên, nhìn vấn đề cải cách giáo dục nói chung, chứ không riêng môn sử, dưới góc độ khoa học thì không nước nào quá cầu toàn, chờ mọi sự xong hết mới làm, đặt vấn đề như vậy thì không bao giờ chúng ta làm được việc gì.

Có thể vừa làm vừa chuẩn bị đào tạo đội ngũ giáo viên, chính vì vậy cải cách giáo dục phải có bước đi thích hợp. Chúng ta không nên tích hợp một lúc tất cả các bậc mà làm từng bậc một, làm đến đâu chắc đến đó.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên