26/11/2015 12:17 GMT+7

Dạy tiếng Anh mà tương tác bằng... tiếng Việt

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - “Giáo viên tiếng Anh không thể dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên, trong khi giáo viên Toán và Khoa học tự nhiên khả năng tiếng Anh rất hạn chế”.

Đây là khó khăn mà đại diện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 nêu lên trong hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý, thí điểm mô hình dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong các trường THPT chuyên”, do Bộ GD-ĐT phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức.

Theo thầy Nguyễn Thành Văn, hiệu trưởng trường THPT chuyên ngoại ngữ, học sinh chuyên ngữ đầu vào tiếng anh khá giỏi. Đơn cử như đợt kiểm tra xếp lớp vừa qua, có 92% học sinh đạt chuẩn B2 và có 18 học sinh đạt chuẩn C1. Điều đó cũng là khó khăn đối với các giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh, khi trình độ tiếng Anh của các thầy không đảm bảo yêu cầu và đáp ứng nhu cầu của học sinh. 

“Hiện trường mới chỉ mời được hai giáo viên có thể dạy bằng tiếng Anh tham gia giảng dạy mô hình này”, thầy Thành nói.

Đại diện một số trường THPT chuyên khác cũng  thừa nhận khó khăn chung là thiếu giáo viên. Một số trường chấp nhận việc giáo viên dạy học với sự hỗ trợ của máy tính và máy chiếu để để thực hiện bài giảng tiếng Anh. Còn việc tương tác với học sinh thì phải dùng… tiếng Việt.

Các trường cũng lúng túng trong việc triển khai cụ thể. Vì là thí điểm nên việc bố trí tiết dạy vào chương trình chính khóa không được, phải sắp xếp vào thời gian ngoại khóa. Hiện Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn về giờ dạy chuẩn theo mô hình này nên các trường vừa làm vừa mày mò.

Thầy Lê Minh Hà, khoa toán, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT và các trường nên có cổng thông tin để chia sẻ tài nguyên cho nhau.

“Đặc thù của môn Toán và các môn Khoa học có nhiều thuật ngữ nên sẽ rất khó đọc, khó hiểu. Điều này càng cần một sự chuẩn hóa để thuận tiện cho thầy, trò dạy và học mô hình này”, thầy Hà đề nghị.

Khó khăn lớn nhất là giáo viên

Đại diện người thực hiện đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc triển khai đề án là vấn đề thiếu giáo viên. 

Hiện chỉ có số ít giảng viên ĐH có trình độ chuyên môn và tiếng Anh tốt nhưng những người này chỉ có thể tham gia thỉnh giảng. Chế độ đãi ngộ đối với giáo viên dạy mô hình này không tương xứng do không có hỗ trợ  từ ngân sách. 

Việc thu học phí cao ảnh hưởng đến số lượng học sinh tham gia, do đây là mô hình học sinh tham gia tự nguyện. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn đối với người học cũng không tốt, do đa số học sinh cấp THPT chỉ tập trung học để thi ĐH, chỉ một số có mục tiêu du học mới hăng hái tham gia mô hình này.

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết Bộ GD-ĐT đang thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, giao tự chủ cho các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy, phát huy sáng tạo của học sinh. 

Với việc chủ động này, có thể tập hợp chất xám của đội ngũ giáo viên trong ngoài trường để xây dựng chương trình dạy học, điều chỉnh, bố trí thời gian dạy học hợp lý để đảm bảo mục tiêu đề ra. 

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên