03/07/2015 19:10 GMT+7

Cảm động câu chuyện của mẹ, của bà...

VĂN TIÊN - HẢI QUÂN
VĂN TIÊN - HẢI QUÂN

TTO - Một người mẹ, một người bà lặn lội từ quê lên Sài Gòn chỉ để gặp chút, động viên con cháu trong giây lát rồi lại vội vã trở về quê ngay trong ngày.

Cô Nguyễn Ngọc Ẩn chờ con trong lo lắng - Ảnh: Văn Tiên
Cô Nguyễn Ngọc Ẩn chờ con trong lo lắng - Ảnh: Văn Tiên

Tình gia đình trong những ngày thi cũng phải vội vã, gấp gáp như những cơn mưa bất chợt ở thành phố này.

Ngồi lặng lẽ hơn 8 tiếng từ sáng đến chiều ở một góc cổng trường THPT Võ Thị Sáu -  Q.Bình Thạnh suốt ngày 1-7, cô Nguyễn Ngọc Ẩn (55 tuổi) tỏ ra ái ngại khi tiếp xúc với mọi người. Đây là lần thứ hai cô lên thành phố, mọi thứ đối với cô đều mới lạ, Ngồi xe buýt hơn 3 tiếng đồng hồ từ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai để lên tiếp sức tinh thần cho đứa con trai thứ hai của mình.

Con buồn, mẹ chẳng muốn về

Cô có hai người con trai, con lớn năm nay đã 22 tuổi, làm công nhân cho một công ty ở quê với mức lương rất thấp. Cô tâm sự: “Nhà cô cả hai vợ chồng đều làm công nhân, chỉ đủ tạm sống qua ngày. Đứa con trai lớn vì không có tiền cho ăn học nên phải nghỉ học sau khi đậu tốt nghiệp lớp 12. Niềm hi vọng của gia đình cô đều đặt vào đứa thứ hai, dù có khó khăn, vất vả nhưng cô cũng cố gắng cho nó ăn học đến nơi đến chốn”.

Đỗ Hữu Nhân - con trai thứ hai của cô dù gia đình khó khăn, không đi học thêm nhưng cả 11 năm (từ lớp 2 đến lớp 12) đều đạt học sinh giỏi. Để đưa con đi thi, cả hai vợ chồng cô phải xin nghỉ phép ở công ty. Chồng của cô đưa con lên thành phố từ hôm trước để làm thủ tục dự thi, tìm được phòng trọ với giá 40.000 VNĐ/người/ngày.

Hôm sau cô lên và hành trang mang theo là bịch đồ ăn. Chỉ đơn giản là bữa cơm đạm bạc nhưng cô muốn tự tay mình nấu cho con trai những món ăn mà nó yêu thích để tiếp thêm tinh thần. Vừa nhìn thấy con bước ra khỏi phòng thi, cô vội vã hỏi thăm con của mình.

“Buổi sáng nó thi tốt, ra hỏi chuyện còn nói mấy câu. Lúc nãy thấy mặt nó rất buồn, không biết có làm bài được không. Nhìn thấy nó, cô chẳng muốn đi về, chỉ muốn ở lại với con mà thôi”, cô buồn bã tâm sự.

Không kịp tiễn con trai về phòng trọ, cô đã phải vội đi bộ để kịp bắt tuyến xe buýt quay về TP. Biên Hòa rồi lên Vĩnh Cửu để sáng mai tiếp tục đi làm. Cô nói, dù rất muốn ở lại với con, chăm sóc cho đứa con trai của mình nhưng cô không còn cách nào khác, chỉ biết trông chờ hai cha con trên này ở lại thi tốt để đạt được kết quả như mong muốn.

Hai bà cháu bà Vân mừng mừng tủi tủi khi gặp mặt nhau sau giờ thi - Ảnh: Hải Quân
Hai bà cháu bà Vân mừng mừng tủi tủi khi gặp mặt nhau sau giờ thi - Ảnh: Hải Quân

Bà ngoại muốn cháu bất ngờ thiệt… bự

Vì muốn gặp mặt, động viên cháu ngoại mình thi tốt tại kỳ thi THPT quốc gia, bà Nguyễn Thị Mỹ Vân (64 tuổi), ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã một mình đón xe đò lên TP.HCM. Cháu của bà Vân là em Nguyễn Thị Mỹ Phụng, học sinh Trường THPT Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Năm nay, Phụng dự thi ở điểm thi Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Bà Vân, chia sẻ: “Mấy năm trước, cháu nó còn hay về thăm tui. Nhưng năm nay, do bận học ôn thi nên nó không về được. Tui nhớ nó lắm. Trước lúc nó đi thi, tui ở dưới Tiền Giang ngày nào cũng thấp thỏm gọi điện hỏi xem cháu nó ôn tập, ăn uống thế nào. Hỏi nó có cần bà lên không? Nó không cho tôi lên vì sợ tui mệt. Đến hôm nó thi, tôi không ngồi yên được nên quyết định bắt xe đò lên đây để ôm nó một cái và xem cháu nó thi cử thế nào”.

Bà bắt xe đò lên Sài Gòn. Khi tới bến xe, bà Vân bắt vội xe buýt đến điểm thi để chờ cháu từ trưa tới chiều trong ngày thi đầu tiên. Bà nhất định không gọi điện cho em Phụng và bố mẹ của em vì muốn “tạo cho em nó một bất ngờ thiệt bự”.

Trong khi bà Vân mòn mỏi đợi cháu ở cổng chính thì em Phụng lại ra cổng sau để người thân chở về.  “Con bé cao to, dễ nhận ra lắm. Tôi canh cổng từ lúc thí sinh đầu tiên ra tới giờ mà vẫn chưa thấy nó. Không lẽ nó không nhìn thấy tôi”- bà Vân buồn bã vì chưa gặp được cháu mình sau buổi thi môn ngoại ngữ.

Do Mỹ Phụng không ở trọ tại thành phố mà được bố mẹ chở về nhà Nhơn Trạch (cách địa điểm thi khoảng 20 cây số) sau mỗi ngày thi. Do đó, buổi tối của ngày thi đầu tiên, bà Vân đành đón xe buýt về nhà bà con tại Thủ Đức, chờ buổi thi ngữ văn hôm sau để “gặp bằng được cháu”.

Sáng sớm 2-7, bà Vân đã có mặt ở cổng sau của điểm thi để đợi cháu. Cả buổi thi, bà cứ đứng ngồi không yên chỉ mong nhìn thấy và chúc mừng cháu mình ra khỏi phòng thi. Hết lượt thí sinh này, rồi thi sính khác đi ra, bà vẫn chưa gặp được cháu. Bà liên tục đi ra, đi vào trước barrie giới nghiêm khu vực thi.

Và cuối cùng, bà như vỡ òa khi nhận ra cháu mình. Hai bà cháu tay bắt mặt mừng trong niềm hân hoan. “Cháu có mệt lắm không? Sáng nay làm bài tốt chứ? Đi ăn trưa với bà rồi đợi người đến đón nhé!...”, bà Vân vừa hạnh phúc, vừa liên tục hỏi Phụng.

Mỹ Phụng cũng không giấu được niềm vui, chia sẻ: “Em bất ngờ lắm, bữa bà gọi đòi lên thăm em nhưng bà già rồi, sức khỏe lại yếu nên em không muốn bà lên thăm, sợ bà mệt”.

Sau khi gặp được cháu, bà Vân vội vã thu xếp lên xe đò về lại Tiền Giang.

VĂN TIÊN - HẢI QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên