02/07/2015 13:00 GMT+7

Giáo viên nhận định đề Văn: Khó đạt 8 điểm

MINH GIẢNG - H.HG
MINH GIẢNG - H.HG

TTO - Cô Lý Thị Tú Anh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) cho rằng để đạt điểm trung bình thì không khó nhưng điểm khá giỏi không dễ vì đòi hỏi nhiều kiến thức nâng cao, vận dụng riêng của người học.

Thí sinh thi môn Văn tại điểm thi THCS Trương Công Định, Q. Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: THANH TÙNG

Theo cô Anh, phần đọc hiểu tuy dài nhưng đó là kiến thức cơ bản và không khó. Câu nghị luận xã hội thí sinh thường quen với việc tích lũy kiến thức, nay phải thêm kỹ năng sống, điều này đỏi hỏi học sinh phải có kiến thức xã hội cũng như kỹ năng để làm bài.

Riêng phần nghị luận văn học, cảm nhận về hình ảnh người đàn bà trong "Chiếc thuyền ngoài xa" từ đó đưa ra quan điểm về cuộc sống và con người, là kiến thức cơ bản, các em đã được học trên lớp.

"Riêng phần bình luận về cách nhìn nhận về cuộc sống và con người đòi hỏi học sinh phải có ý kiến riêng, nâng cao hơn, để đạt điểm 8 là khó", cô Anh nói.

Một số giáo viên môn văn ở TP.HCM thì nhận định đề quá dài. Theo cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên môn văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM câu 1 là câu đọc - hiểu quá dài một cách không cần thiết (chiếm hơn 1 trang giấy A 4).

Tuy nhiên, cũng theo cô Hiền, câu 1 cũng là câu thể hiện rõ nhất chủ trương đổi mới cách ra đề thi môn văn của Bộ GD-ĐT, đó là chú trọng kỹ năng đọc - hiểu của thí sinh. Thế nên, đề thi đã lấy văn bản ngoài sách giáo khoa.

Thầy Nguyễn Đức Hùng - giáo viên Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn - cho rằng đề thi đảm bảo yêu cầu xét tốt nghiệp THPT với các nội dung thí sinh có thể làm được 4 đến 5 điểm và cũng có các yêu cầu nâng cao để xét tuyển ĐH, CĐ.

Phần đọc hiểu với đoạn thơ gợi lên cảm xúc về tình cảm của người dân dành cho các chiến sĩ. Phần văn xuôi đề cập đến vấn đề thực tế của cuộc sống: sự thờ ơ, vô cảm với các vấn đề, hiện tượng xung quanh. Phần này khó hơn phần thơ và đây là yếu tố phân loại thí sinh.

Câu nghị luận xã hội đề cập đến một hiện tượng khác của xã hội: mọi người chỉ tập trung tích lũy kiến thức mà chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng, nhất là ở trường phổ thông. Hai vấn đề này cần đồng đẳng với nhau và cũng là “đất” để thí sinh bày tỏ quan điểm của mình.

Câu nghị luận văn học quen thuộc nhưng ý thứ nhất là kiến thức giáo khoa dành cho học sinh phổ thôg. Ý thứ 2 bình luận quan điểm là dành cho học sinh khá, phân loại cho việc xét tuyển ĐH, CĐ.

Theo thầy Hùng, phần nghị luận văn học (câu cuối cùng) lại không thể hiện được chủ trương trên vì cả  câu hỏi chiếm 4 điểm nhưng chỉ gói gọn trong một tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”.

"Với đề thi này, thí sinh có thể làm được 4, 5 điểm nhưng điểm 7, 8 là rất khó, phải khá giỏi trờ lên mới có thể đạt được", thầy Hùng nói.

Đề nghị luận theo lối mòn xưa cũ

Một giáo viên môn văn nổi tiếng ở quận 3 (đề nghị không nêu tên) đã nhận định: “Câu hỏi về nghị luận văn học ra theo kiểu lối mòn xưa cũ, không gợi mở, kích thích được sự sáng tạo của thí sinh. Không những thế, nó còn cổ súy cho phong trào học tủ của học sinh. Cách ra đề như thế này sẽ không thể chọn lựa được những học sinh có năng lực thực sự vào đại học, nó chỉ đạt được mục tiêu thứ nhất giúp cho học sinh đậu tốt nghiệp THPT mà thôi"

 

 

MINH GIẢNG - H.HG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên