14/05/2015 13:34 GMT+7

“Sao phải “lụy” với tư duy bộ chủ quản?”

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Tại sao khi đề xuất chuyển nguyên trạng nhà trường sang một tập đoàn lớn, đang làm kinh tế giỏi, tập thể cán bộ, giảng viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông lại đồng lòng từ chối?

Viettel cần nhân lực chất lượng cao từ Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - Ảnh: Nguyễn Khánh
Viettel cần nhân lực chất lượng cao từ Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - Ảnh: Nguyễn Khánh
Tôi băn khoăn tại sao Viettel lại lựa chọn phương án này, khi một trong những vấn đề thường mất nhiều thời gian để lập trường là chủ trương thành lập trường ĐH đã được “bật đèn xanh”; còn tài chính, tìm kiếm đất, đầu tư hạ tầng thì Viettel có nhiều lợi thế để sẵn sàng. Lập trường mới, doanh nghiệp chủ động hơn về tuyển người, thay đổi chương trình... trong khi những hoạt động đó tác động lên một trường đã có sẵn lại vô cùng phức tạp...
TS Lê Trường Tùng

Tình huống này được lý giải dưới góc nhìn của những người vận hành thành công mô hình trường ĐH trong doanh nghiệp như Trường ĐH FPT. Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT - chia sẻ:

- Giả sử ở vị trí của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, tôi sẽ gật luôn với đề xuất được chuyển về với Viettel. Tôi cho đây là một cơ hội lớn với trường ĐH. Nếu tận dụng tốt được cơ hội này thì chắc chắn chỉ năm năm nữa học viện sẽ trở thành một cơ sở giáo dục ĐH tầm cỡ - không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước mà còn có thể vươn ra nước ngoài. Đó là cơ hội khi được một doanh nghiệp lớn như Viettel đầu tư, chứ ở bộ thì chịu, hay thuộc doanh nghiệp nhỏ cũng chịu.

Viettel có lợi thế trong quan hệ quốc tế, nên nếu chuyển giao thì việc hội nhập hóa, quốc tế hóa học viện sẽ được xúc tiến nhanh. Học viện sẽ nhanh chóng xuất hiện ở những quốc gia có sự hiện diện của Viettel - nơi Viettel đang cung cấp các dịch vụ viễn thông, thu hút được người học từ các nước sang.

Học viện mới ở mô hình mới cũng sẽ tận dụng được tư duy đổi mới và tư duy quản lý - đặc biệt trong phát triển công nghệ cao - trong tầm nhìn lãnh đạo Viettel hiện nay. Tập hợp được ba yếu tố lợi thế từ tài chính, từ quan hệ quốc tế đến tư duy lãnh đạo sẽ giúp trường đẩy vị thế lên cao hơn. Một tập đoàn mạnh với thu nhập bình quân đầu người hơn 20 triệu đồng / tháng tiếp nhận trường ĐH thì có lẽ thu nhập người lao động sau này không đáng lo. Chưa kể, khi trở thành trường tầm cỡ thì sinh viên sẽ được hưởng lợi, giảng viên và nền giáo dục cũng hưởng lợi.

* Nhưng nếu được đặt ở vị trí của Viettel, ông có cho rằng việc lựa chọn một cơ sở giáo dục ĐH đã có bên ngoài tiếp nhận về để phát triển là một lựa chọn sáng suốt?

- Thật ra nếu ở vị trí của Viettel, tôi lại lựa chọn phương án xây dựng một trường ĐH mới. Thật sự tôi có chút băn khoăn không hiểu Viettel có thật sự mong muốn đầu tư vào giáo dục ĐH, hay đây chỉ liên quan đến bức xúc về nguồn nhân lực tại chỗ cho tập đoàn trong thời gian tới. Nếu thực tâm muốn đầu tư cho giáo dục thì đầu tư mới sẽ thuận lợi hơn nhiều so với việc ôm một trường ĐH cũ về. Ôm một cơ quan cũ để thay đổi theo ý mình sẽ rất phức tạp vì nó đụng đến tổ chức, đến con người. Thực tế, thời điểm này chưa có quyết định cuối cùng mà tình hình đã rất phức tạp.

Có thể Viettel lựa chọn phương án tiếp nhận một trường ĐH cũ để phát triển vì họ chưa có kinh nghiệm gì trong vận hành trường ĐH, chưa biết sẽ khởi động thế nào. Nhưng bằng kinh nghiệm xây dựng trường ĐH mới trong lòng tập đoàn như FPT, chúng tôi thấy rằng Viettel có nhiều lợi thế để thành công trong xây dựng mới mô hình trường ĐH. Ví dụ dễ thấy là Viettel triển khai dịch vụ Internet sau FPT, nhưng dù đi sau, họ vẫn vượt lên nhanh chóng. Viettel có nguồn lực tài chính mạnh, không khó để săn đầu người, tìm những người thật sự giỏi và tâm huyết để phát triển cơ sở mới.

Bản thân FPT là doanh nghiệp đi đầu trong việc thành lập trường ĐH và bước đầu thành công với mô hình của mình, nhưng chúng tôi cũng hiểu rõ nếu bắt đầu lại thì con đường của chúng tôi sẽ được rút ngắn hơn nữa. Với kinh nghiệm của một trường ĐH vận hành trong doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy với Viettel, chỉ cần lứa sinh viên thứ hai tốt nghiệp, nghĩa là sau năm năm thành lập, trường ĐH mới đã có thể khẳng định thương hiệu của mình.

TS Lê Trường Tùng
TS Lê Trường Tùng

* Phải chăng việc chuyển qua chuyển lại - từ trực thuộc VNPT chuyển về Bộ Thông tin và truyền thông, và giờ cơ sở giáo dục ấy lại có thể bị chuyển sang một tập đoàn khác - đã gây bức xúc?

- Ở đây cũng cần nhắc đến xu thế mà dường như nhiều người đang bỏ quên, đó là hướng đến xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản với trường ĐH như trong nghị quyết từng được Chính phủ ban hành. Tại sao nhiều người vẫn muốn trường ĐH phải thuộc bộ?

Thực tế, một trường ĐH trực thuộc bộ chủ quản không tránh được tâm lý coi bộ chủ quản là bầu sữa cung cấp kinh phí cho mình, kể cả kinh phí nghiên cứu và đào tạo. Có ý kiến cho rằng nếu để Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông tách ra khỏi Bộ Thông tin và truyền thông thì bộ này sẽ phải xây dựng một trường ĐH mới là sai lầm. Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, không nên làm việc mà các doanh nghiệp có thể tự làm được.

Chức năng của bộ là nhận tiền bao cấp để nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động của mình, chứ không thực hiện dịch vụ. Bộ đâu có trách nhiệm cung cấp nhân lực cho ngành, mà thực tế hiện nay nhiều ngành nghề chủ yếu thuộc kinh tế tư nhân chứ không nằm trong hệ thống nhà nước.

* Vấn đề khiến không ít người lo ngại là trường ĐH công chuyển về vận hành theo phong cách doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp công, dù là doanh nghiệp mạnh cũng sẽ khó thoát ly được yếu tố thị trường - một điều có vẻ như nên tránh khi thực hiện mục tiêu “trồng người” của giáo dục, thưa ông?

- Không nên né tránh vấn đề này mà phải thành thật nói rằng khi ĐH trực thuộc doanh nghiệp sẽ buộc phải tư duy theo kiểu doanh nghiệp. Nhưng cũng đừng nghĩ đó là loại tư duy tiêu cực. Tư duy doanh nghiệp trong trường ĐH khi đó chỉ là buộc trường ĐH triển khai hoạt động của nó như một dạng dịch vụ. Dù là dịch vụ đặc biệt, nhưng sớm hay muộn, trường ĐH ấy cũng sẽ phải đảm bảo thu bù chi, chứ không theo tư duy bao cấp mãi. Khi tư duy như vậy thì toàn bộ hoạt động của nhà trường tự động sẽ trách nhiệm hơn hẳn để có thể tự nuôi mình. Điều này là phù hợp xu thế tự chủ tài chính trong trường ĐH, phù hợp với định hướng của Chính phủ về phát triển giáo dục ĐH.

Viettel muốn góp sức xây dựng học viện

Ngày 12-5, đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết nếu Thủ tướng không quyết định chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông về Viettel như đề xuất của Bộ Quốc phòng thì Viettel sẽ trở thành đối tác chiến lược hợp tác với học viện, sẽ vẫn góp phần để đầu tư cho Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.

Cụ thể, Viettel xác định nhiệm vụ của mình là phải tập trung vào nghiên cứu sản xuất nhằm làm chủ khoa học, công nghệ, để không phải gia công, làm thuê, không bị phụ thuộc. Viettel đã xây dựng được một thị trường gần 200 triệu khách hàng và sẽ đạt đến con số hơn nửa tỉ khách hàng vào năm 2020. Do đó, Viettel khẳng định đã đầu tư cho lĩnh vực sản xuất từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo phần cứng, phần mềm… Để tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển bền vững thì cần thiết phải có thêm nghiên cứu và đào tạo. 

Viettel khẳng định với khả năng tổ chức và thế mạnh về tài chính, tập đoàn sẽ tập trung đầu tư để học viện trở thành nhà trường đẳng cấp khu vực và quốc tế về đào tạo trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Viettel, cho các doanh nghiệp trong ngành và cho xã hội. Bản thân Viettel cũng muốn góp sức trực tiếp xây dựng Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông trở thành cơ sở nghiên cứu đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế, khi học viện mạnh có thể sẽ đề nghị tách ra trở thành đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. 

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cũng cho biết chủ trương trở thành đối tác chiến lược với học viện của Viettel. Bộ trưởng cho biết trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu VNPT, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã được tách ra khỏi VNPT để về trực thuộc bộ nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tách bạch giữa kinh doanh và hoạt động công ích, không để đơn vị sự nghiệp nằm trong doanh nghiệp.

Sau khi tách ra, học viện đã được bộ tập trung phát triển đúng với yêu cầu của Thủ tướng. Bộ cũng đang tập trung xây dựng học viện từng bước trở thành trung tâm đào tạo lớn của ngành, của đất nước trong việc cung cấp nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, truyền thông cho xã hội.

Bộ trưởng cũng cho biết đã trao đổi với tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng và quan điểm của ông Hùng là Viettel xin học viện về tập đoàn vì có nhu cầu tổ chức nghiên cứu phát triển, nhu cầu được cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo chất lượng cao cho các đơn vị của tập đoàn trong nước và các đơn vị đang đầu tư ở trên 10 quốc gia khác. 

MINH QUANG

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên