Đánh giá HS tiểu học: Áp lực là do thực hiện máy móc

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - Về việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét,  Bộ GD-ĐT chỉ đạo “linh hoạt” nhưng thanh tra chuyên môn các cấp vẫn theo quy định cứng khiến nhà trường lại phải theo “lối mòn”.

Ông Phạm Ngọc Định - Ảnh: Anh Hoài
Có thể đâu đó có giáo viên có biểu hiện buông bỏ, nhưng đó chỉ là nhất thời vì trong nhà trường còn đồng nghiệp, ban giám hiệu, phụ huynh, học sinh giám sát và còn cả lương tâm nghề nghiệp, trừ khi giáo viên không còn muốn gắn bó với nghiệp trồng người
Ông Phạm Ngọc Định

Ông Phạm Ngọc Định, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, nhận định như vậy về một trong những nguyên nhân khiến giáo viên chịu áp lực căng thẳng, học sinh thì động lực học tập có phần sụt giảm sau học kỳ đầu tiên thực hiện thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Định cho biết:

- Việc đổi mới đánh giá đối với học sinh tiểu học theo thông tư 30 đã và đang tiếp tục được triển khai ở tất cả nhà trường.

Với việc “thay chấm điểm bằng nhận xét và đề ra các giải pháp giúp đỡ học sinh”, chúng tôi thấy cách đánh giá này toàn diện hơn, phát huy khả năng của mỗi học sinh, khích lệ những học sinh yếu, kém tự tin hơn, hứng thú hơn trong học tập.

Qua nhận xét của các thầy cô giáo và sổ ghi chép của giáo viên chủ nhiệm thì thấy học sinh còn chưa hoàn thành yêu cầu học tập được quan tâm nhiều hơn rõ rệt so với trước đây.

Với việc đổi mới đánh giá này, giáo viên các môn chuyên biệt tuy thêm việc nhưng cũng thấy môn học của mình không phải môn phụ như quan niệm của nhiều người trước đây.

Cứng nhắc, áp đặt

* Những tích cực của việc thực hiện thông tư 30 đã rõ, vậy còn hạn chế thì sao, thưa ông?

- Kiểm tra một số vở ghi của học sinh, chúng tôi nhận thấy việc nhận xét còn khái quát, chung chung chưa phù hợp với bài làm nên tác dụng giúp học sinh còn chưa rõ.

Hoặc cũng có trường hợp giáo viên có nhận xét về nội dung học sinh chưa hoàn thành, nhưng không tư vấn để học sinh làm lại cho hoàn thành.

Thậm chí cá biệt học sinh có nội dung làm chưa đúng cũng chưa được giáo viên quan tâm, chỉ dẫn cho các em biết sai ở chỗ nào. Ngoài ra, việc ghi sổ theo dõi của một số giáo viên vẫn còn máy móc...

Giao quyền tự chủ cho nhà trường, thầy cô

Trên thực tế, không phải do thầy cô chỉ nhận xét, không chấm điểm mà ý thức học tập của học sinh kém đi.

Vấn đề là do cách hiểu và cách làm.

Nếu lớp nào giáo viên thấy ý thức học tập của học sinh mình kém đi thì cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân học sinh của mình không chăm học, có thể là do nội dung học tập các em không hiểu, không thiết thực, không hứng thú, có thể là cách tổ chức dạy học chưa lôi cuốn học sinh làm việc, cách đánh giá của thầy cô chưa cụ thể, thiết thực... để từ đó tìm cách khắc phục.

Bộ đã giao quyền tự chủ cho nhà trường, thầy cô giáo được phép linh hoạt, điều chỉnh nội dung học sao cho phù hợp với thực tế.

Ở một số địa phương, cán bộ quản lý còn cứng nhắc, áp đặt trong chỉ đạo, chỉ đạo giáo viên ghi sổ sách và triển khai sổ sách không đúng với tinh thần của thông tư và các văn bản chỉ đạo thực hiện thông tư 30, gây khó khăn cho giáo viên khiến giáo viên cảm thấy nặng nề, áp lực khi thực hiện, chẳng hạn bắt giáo viên viết tay danh sách học sinh không cho dùng máy tính...

Vụ Giáo dục tiểu học đã kịp thời trao đổi với cán bộ quản lý, giáo viên ở một số địa phương tiếp tục đề nghị các cấp quản lý, nhà trường nghiêm túc thực hiện các quy định của bộ về việc không tự ý đặt ra các yêu cầu về sổ sách, đồng thời giảm thủ tục hành chính để giáo viên dành thời gian cho công việc chuyên môn, thực hiện đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục.

* Ông có thể lý giải việc vì sao tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT không đến được với giáo viên không?

- Bộ GD-ĐT cho phép nhà trường, giáo viên linh hoạt trong đánh giá và chỉ đạo cụ thể về các loại hồ sơ, sổ sách và cách sử dụng sao cho giáo viên vừa đủ dùng, không gây áp lực cho giáo viên.

Băn khoăn của giáo viên về ghi chép sổ sách là có thật. Chúng tôi đã tìm hiểu và phân tích vấn đề để biết nguyên nhân vì sao.

Thứ nhất, lâu nay giáo viên mới chỉ tập trung vào truyền đạt kiến thức, chưa coi trọng việc đánh giá học sinh, dành nhiều thời gian công sức cho dạy, ít thời gian công sức cho đánh giá.

Đã quen với đánh giá cho điểm chỉ cần một ký hiệu về chữ số đơn giản mất ít thời gian công sức, để xác nhận học sinh học được gì. Giáo viên cũng như cha mẹ học sinh đều chưa thật sự thấm nhuần việc phải sát sao với học sinh trong cả quá trình học để tư vấn, giúp đỡ mà mới chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng.

Thứ hai, có thể thấy nhiều giáo viên chưa chủ động thực hiện thông tư 30. Việc thực hiện đổi mới đánh giá còn đang ở giai đoạn trải nghiệm, vừa làm vừa học vừa tìm hiểu, vừa làm vừa điều chỉnh. Trong khi đó, giáo viên bị áp lực tâm lý nặng nề về quản lý hành chính ở cấp cơ sở từ nhiều năm nay, sợ kiểm tra bắt bẻ của cán bộ quản lý.

Một vấn đề bất cập nữa là cán bộ quản lý nơi này nơi kia chưa đổi mới kịp thời. giáo viên bị áp lực là do cán bộ quản lý chỉ đạo máy móc, cứng nhắc, áp đặt, không phù hợp với thực tiễn đổi mới. Bộ GD-ĐT chỉ đạo linh hoạt nhưng thanh tra chuyên môn các cấp vẫn theo quy định cứng khiến nhà trường không dám làm khác “lối mòn”.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp quản lý giáo dục đổi mới công tác quản lý, đồng thời kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện đúng theo văn bản chỉ đạo của bộ.

Phụ huynh cần thay đổi thói quen hỏi điểm

* Tâm lý điểm số đối với phụ huynh và học sinh vẫn nặng nề khiến việc nhận xét không thật sự hiệu quả. Đây là nhận xét của nhiều thầy cô giáo khi thực hiện thông tư 30. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

- Thực hiện việc đánh giá đúng theo thông tư 30 là không chỉ xác nhận học sinh học được gì, mà còn đánh giá quá trình các em học như thế nào, tư vấn hướng dẫn, giúp đỡ, động viên cụ thể phù hợp với từng đối tượng học sinh, vận dụng kiến thức ấy như thế nào.

Suy nghĩ học vì điểm được thay bằng suy nghĩ học vì nội dung học tập để phát triển năng lực phẩm chất thật sự không dễ thay đổi ngay mà phải kiên trì từng bước mới có hiệu quả.

Cha mẹ học sinh cũng cần thay đổi, thay vào việc chỉ hỏi con mình được mấy điểm mà phải kiểm tra sách vở của con, biết cô giáo nhận xét gì, yêu cầu gì để hướng dẫn, động viên con thực hiện đúng.

* Với những yêu cầu của thông tư 30, công việc của giáo viên sẽ vất vả hơn. Nếu không có tâm huyết với nghề, với học sinh thì giáo viên rất dễ buông bỏ việc kiểm tra, đánh giá khi quy định cứng về điểm số không còn nữa. Trên thực tế, tình trạng buông bỏ này cũng đã xảy ra. Theo ông, Bộ GD-ĐT và các cấp quản lý giáo dục cần có biện pháp gì nhằm ngăn ngừa tình trạng này?

- Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét không phải là một công việc mới đối với giáo viên. Lâu nay giáo viên vẫn có trách nhiệm đánh giá bài kiểm tra của học sinh bằng cách cho điểm kết hợp với nhận xét.

Tuy nhiên trên thực tế nhiều khi giáo viên chỉ chấm bài cho điểm, không ghi nhận xét hoặc ghi nhận xét nhưng lời nhận xét không giúp cụ thể cho học sinh phải làm như thế nào để học tốt hơn. Trong những trường hợp đó, giáo viên chưa hoàn thành nghĩa vụ giáo dục của mình.

Thước đo mỗi giáo viên suy cho cùng được đánh giá thông qua chất lượng giáo dục học sinh. Tôi tin rằng không một giáo viên nào (kể cả giáo viên không tâm huyết với nghề) lại không quan tâm đến chất lượng giáo dục của học sinh mình. Nếu giáo viên hiểu đúng cách đánh giá mới và làm đúng sẽ nâng cao chất lượng và chắc chắn sẽ không buông bỏ.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên