11/12/2014 12:45 GMT+7

​Chia sẻ của một hiệu trưởng “gác kiếm” dạy thêm

HÀ GIANG (hiệu trưởng một trường THPT ở Lâm Đồng)
HÀ GIANG (hiệu trưởng một trường THPT ở Lâm Đồng)

TT - Dạy thêm, học thêm đang là nỗi bức xúc của nhiều phụ huynh... ấy thế mà nhà trường và người dạy làm đơn giản quá đã làm câu chuyện dạy thêm.

Cứ theo như thầy Hùng nói một lớp học thêm là 70 em. Hãy làm một phép tính đơn giản: 70 em x 7 triệu đồng = 490 triệu đồng. Ngoài ra thầy Hùng còn một lớp dạy ở nhà nữa! So với đồng nghiệp vậy là thu nhập cao quá, chắc ngần ấy thu nhập không là để sống, để tồn tại mà là để làm giàu mất rồi?

Theo bài báo “Hiệu phó dạy thêm trong trường” (Tuổi Trẻ, 10-12), dạy và học thêm do thầy Hoàng Ngọc Hùng phụ trách đã trở thành việc mua bán sòng phẳng với giá không rẻ. Người mua cũng chẳng có quyền lựa chọn, học không được thì... mất học phí.

Tham gia chỉ đạo và điều hành kỳ thi tuyển sinh của Trường phổ thông Năng khiếu đó là một lợi thế, thu hút được học sinh mà những đồng nghiệp khác làm gì có được. Chỉ cần nắm được hướng ra, khoanh vùng được nội dung của đề thi và với giáo viên dày dạn kinh nghiệm thì luyện thi trúng là cái chắc.

Quy trình làm đề bí mật, đúng rồi nhưng hướng ra đề còn bí mật được không? Trong nghề và đặc biệt là với những thầy cô đã, đang dạy thêm sẽ không khó để có câu trả lời. 

Địa phương tôi cũng không ít trường hợp như bài báo nêu. Thầy, cô hiệu phó phụ trách chuyên môn được giao quản lý, duyệt đề kiểm tra, đề thi học kỳ, sao in đề thi... Nhờ vậy nên lớp dạy thêm của thầy cô này bao giờ học sinh cũng đông, đồng nghiệp cứ râm ran không phải là không có lý do.

Đúng là dạy thêm thì nhiều thầy cô giáo đang dạy, nhưng là hiệu phó phải biết giữ mình. Trách nhiệm cao hơn, học sinh rồi đồng nghiệp nhìn vào mình, không thể chống chế “cả thành phố này ai không dạy thêm”. Đã sai, nói vậy càng sai hơn.

Về lý mà nói, căn cứ vào thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm, tại điều 4 các trường hợp không được dạy thêm nêu rõ “đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.

Tùy tiện mở lớp là vi phạm nghiêm trọng thông tư 17. Rồi giải tán lớp thì phải thông báo công khai cho người học thêm biết trước ít nhất là 30 ngày (mục 2, điều 20, thông tư 17/2012) chứ đâu đơn giản nghe phản ảnh là nghỉ dạy, là trả lại toàn bộ học phí cho phụ huynh. Giải quyết vậy cũng không đúng quy định.

Sự quản lý thiếu chặt chẽ của Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), từ việc cho mượn phòng để dạy thêm, nhờ người đứng ra mượn phòng, không đơn xin học thêm, không kế hoạch dạy học... đến việc thiếu cẩn trọng trong bố trí nhân lực tham gia điều hành, chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh của trường cũng là chuyện phải được rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Dạy thêm, học thêm đang là nỗi bức xúc của nhiều phụ huynh, học sinh, sự lo lắng trong xã hội ấy thế mà nhà trường và người dạy làm đơn giản quá đã làm câu chuyện dạy thêm, học thêm mãi là câu chuyện buồn, xấu hổ của ngành mình.

HÀ GIANG (hiệu trưởng một trường THPT ở Lâm Đồng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên