31/10/2014 09:15 GMT+7

​Nồi cơm điện thầy cho

BẢO THOA - LONG NGUYỆT
BẢO THOA - LONG NGUYỆT

TT -  Mỗi năm cứ đến ngày 20-11, được học trò đến nhà tặng hoa, con lại nghĩ đến thầy, người thầy gầy gò, tận tụy. Con kể cho học trò nghe về thầy của con: thầy Nguyễn Văn Hải.

LTS : Với chủ đề “Mái trường dấu yêu” viết về Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” kỳ này bắt đầu giới thiệu các bài viết mà bạn đọc gửi về bằng hai câu chuyện về tấm lòng của những người thầy dành cho học trò của mình. Mời bạn đọc theo dõi.

Con lớn lên trong một gia đình nông dân. Bố là bệnh binh, mình mẹ gánh vác nuôi ba chị em ăn học. Có lúc con thấy tủi thân lắm khi bộ quần áo cũ cứ mặc đi mặc lại. Con thấy nhục lắm khi mình không có nổi một đôi dép đàng hoàng để xỏ vào hay cái cặp sách lành lặn để đến trường. Con nghỉ học liên miên để đẩy xe măng lên chợ cho mẹ bán. Mùi măng vương vào áo con, thoang thoảng khắp lớp, các bạn phải bịt mũi lại nhăn nhó. Thầy nói với cả lớp: “Với thầy lúc này, cái mùi măng kia rất thơm”. Con rơm rớm nước mắt ngước lên nhìn thầy. Thầy khẽ cười hiền gật đầu.

Thầy đến nhà con chơi, nhìn căn nhà lụp xụp, thầy động viên: “Có thể con không có quần áo đẹp như các bạn nhưng thầy tin con có nghị lực hơn người”. Chỉ vậy thôi mà con ghi nhớ mãi. Con tranh thủ học mọi lúc mọi nơi, kể cả khi ngồi trông hàng trên chợ cho mẹ. Thi thoảng thầy lại cho con mấy cuốn sách: “Con cứ giữ lại mà dùng, đằng nào thầy cũng đọc rồi”.

Rồi năm con học lớp 10, bố mẹ con bảo: “Phải nghỉ học thôi con”. Con khóc như mưa. Nhớ lời thầy: “Phải học để có cái nghề mà sống”. Con thèm được đến trường, thèm được nghe thầy giảng bài, con nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ trường lớp lắm. Nhưng con chẳng thể làm khác. Con chẳng có tiền để đóng học phí. Thầy lại đến nhà con. Thầy thuyết phục bố mẹ cho con đi học trở lại.

Một ngày, rồi hai ngày, ba ngày... cho đến hơn một tuần sau, bố mẹ con mới đổi ý. Thầy mừng lắm. Lẽ ra người vui phải là con, nhưng nhìn gương mặt thầy, ánh mắt thầy, con biết thầy còn vui hơn cả con.

Con đi học trở lại. Thầy kêu gọi lớp đóng góp để giúp đỡ con. Cầm những đồng tiền lẻ, hơi nhàu mà thầy quyên góp được, con không ngăn nổi dòng nước mắt.

Rồi ba năm THPT cũng trôi qua, ngày biết tin con đỗ Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội, con khóc, thầy cũng khóc. Con muốn làm một cô giáo mẫu mực và tận tâm như thầy! Trước khi lên đường con có đến nhà thầy (cách 13 cây số) để chào thầy.

Thầy nắm tay con: “Ra thành phố con phải học sao cho xứng đáng với công lao của bố mẹ con nhé”. Con nghẹn ngào khi thầy đã mua sẵn cho con cái nồi cơm điện và lời dặn dò: “Thầy tin con sẽ thành công”.

Con đã từ chối không dám nhận quà, thầy nghiêm mặt: “Con không nhận nghĩa là con chê”. Con chào thầy ra về mang theo rất nhiều cảm xúc.

Nhiều lúc gặp khó khăn, con lại nhớ đến lời thầy: “Đừng buông xuôi con à, chỉ cần cố gắng thì tương lai luôn rộng mở với con. Mọi sự cố gắng luôn được đền đáp xứng đáng, con cứ nghiệm mà xem”. Con nhìn nồi cơm điện thầy mua cho, tự nhắc nhở mình phải cố gắng.

Giờ đã trở thành cô giáo, cũng ngày ngày đứng trên bục giảng, con muốn nói với thầy rằng: “Con cảm ơn vì thầy đã cho con biết rằng mùi măng rất thơm. Cái nồi cơm điện thầy cho, hơn chục năm rồi con vẫn còn giữ. Con sẽ tận tâm với học trò để xứng đáng với tình thương của thầy”.

____________________

Những bài học của thầy Vang

Thầy Nguyễn Trọng Vang dạy môn toán thời THCS của tôi. Nhà thầy rất nghèo, hai đứa con bị tật nguyền trong khi vợ thầy mất sớm. Đồng lương sư phạm ngày ấy bèo bọt, vậy mà ban đêm thầy vẫn tổ chức một lớp học miễn phí cho lũ học trò nghèo.

Tôi nhớ nhiều hôm đang dạy, thầy phải ngưng lại mấy phút để ho. Có hôm chúng tôi muốn tan học sớm để thầy nghỉ ngơi nhưng thầy bảo “không sao”. Còn nhớ ngày đó, trong một buổi tối, có hai bạn cãi vã vì lấy nhầm dép của nhau.

Biết chuyện, thầy không vội vã truy hỏi mà nhẹ nhàng: “Các con cứ tập trung vào bài giảng đi, chuyện đó chúng ta sẽ nói sau”. Không biết bằng cách nào, trong khi giảng bài, thầy vẫn ngờ ngợ ra người “lấy nhầm” dép của bạn (nói là nhầm dép nhưng thật ra là vì một bạn gia đình khó khăn, không có nổi đôi dép nên mới lấy của bạn).

Thầy Vang nhắc nhở: “Thầy biết hoàn cảnh của các con giống nhau. Lỗi là do những đôi chân đen như củ khoai nướng phải xỏ vào những đôi dép rách tươm...”.

Sau lần đó thầy khuyến khích chúng tôi phấn đấu để được thưởng đôi dép mới, cái áo cộc, chiếc quần đùi dưới hình thức “treo giải”.

Đứa được nhiều điểm 10 sẽ được thưởng đôi dép mới, đi học chăm chỉ đúng giờ trên lớp cũng được nhận cái áo, đến đứa chăm chỉ ra đồng mò cua bắt ốc giúp bố mẹ cũng được thầy Vang khuyến khích cho chiếc quần mới để đến trường.

Thằng Lực nghèo, đi mãi đôi dép nhựa đứt quai được hàn đi hàn lại bằng thanh thép nung nóng. Tuy chẳng được điểm 10 nào nhưng Lực lại đỡ đần được bố mẹ rất nhiều, thầy hỏi cả lớp: “Bạn Lực có xứng đáng nhận được đôi dép mới này không các con?”.

Cả lũ cùng đồng thanh: “Dạ, có ạ”. Thế là thằng Lực có dép mới để đi. Cứ như vậy, con trai lẫn con gái cả thảy 13 đứa đều được thầy thưởng dép mới hoặc quần áo mới.

Bố mẹ chúng tôi quý thầy lắm, nhà thu hoạch được gì cũng sai chúng tôi đem biếu thầy. Nhớ có lần tôi đến nhà thầy khá sớm. Trong ánh điện mờ, nhìn ba bố con thầy bên mâm cơm chỉ có bát nước chấm và đĩa rau muống luộc.

Sau này tôi mới biết thầy bị bệnh phổi và huyết áp cao nên tốn tiền thuốc. Vậy mà thầy vẫn dạy không công cho chúng tôi, lại còn chắt chiu tiền mua dép, mua áo quần để trao giải cho học trò, bởi với thầy: “Các trò như con của thầy thôi, mấy đồng bạc lấy làm gì phải tội”.

Lũ học trò ngày nào giờ đứa trở thành kỹ sư, đứa trở thành kế toán, đứa trở thành cử nhân... nhưng thầy Vang thì đã ra đi vì căn bệnh ung thư phổi cách đây gần 20 năm. Nhưng tấm lòng của thầy, những món quà thầy “trao giải” chúng tôi còn trân trọng mãi.

Tuần qua, chuyên mục Dạy học bằng cả yêu thương đã nhận được bài viết chủ đề “Mái trường dấu yêu” của các tác giả: Cao Văn Long (Hà Nội), Bảo Thoa, Long Nguyệt (Thanh Hóa), Trần Hoàng, Linh Hải Huyền (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Văn Tú (Đà Nẵng), Trần Xuân Khóa (Đắk Lắk), Phan Tuyết (Bình Thuận), Nguyễn Thị Em, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Thị Ngọc Trang, Nguyễn Ngọc Hà, Trần Văn Tám, Nguyễn Thị Thanh, Đinh Ngọc Chi (TP.HCM), Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh), Lê Đức Đồng (Sóc Trăng), Lê Tấn Thời (An Giang), Nguyễn Thanh (Cà Mau)...

Mời quý bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận.

Bài viết có thể là những câu chuyện có thật về tình thầy trò, tấm gương đạo đức của thầy cô giáo không quản khó khăn trong sự nghiệp trồng người, câu chuyện về học trò vươn lên trong học tập... cũng như những kỷ niệm không quên dưới mái trường tiểu học, THCS, THPT và giảng đường ĐH. Ngoài bì thư, tiêu đề mail xin ghi rõ “Bài viết tham dự 20-11” cùng họ tên tác giả, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng.

TUỔI TRẺ

BẢO THOA - LONG NGUYỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên