14/10/2014 14:08 GMT+7

"Dùng môn văn xét tuyển trường y là cực kỳ nguy hiểm"

LÊ THANH HÀ ghi
LÊ THANH HÀ ghi

TTO - Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - tổng thư ký Hội Hành nghề Y tư nhân TP.HCM đã chia sẻ ý kiến của mình như vậy về đề nghị dùng môn văn xét tuyển ngành y.

Một giờ thực hành thí nghiệm của sinh viên Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Tôi đã trải qua thời kỳ sinh viên y khoa của hai giai đoạn, bốn năm học trước ngày thống nhất đất nước (30-4-1975) và ba năm học sau ngày thống nhất. 

Trước đây, sinh viên y khoa chúng tôi phải học 7 năm. Năm đầu tiên học khoa học cơ bản và sáu năm học y khoa. Ngày xưa khi thi vào đại học y khoa chúng tôi cũng phải thi các môn toán, hóa, sinh.

Tôi cho rằng nhân cách của người sinh viên cũng như định hướng nghề nghiệp của người sinh viên được bắt đầu từ gia đình, từ lúc học bậc trung học cơ sở.

Đến bậc trung học phổ thông, nhân cách của các em đã được hình thành và định hướng nghề nghiệp, cuộc đời của các em cũng đã được hình thành rồi.

Thời những bác sĩ đàn anh tên tuổi của tôi khi thi đại học y khoa cũng thi ba môn toán, hóa sinh như các bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phương, Phan Thanh Hải, Trần Tấn Trâm, Dương Đình Châu, Trần Đông A, Văn Tần, Nguyễn Chấn Hùng…

Rất nhiều bậc thầy khác trong nền y khoa VN không chỉ là những người thầy giỏi về chuyên môn mà còn có đầy đủ nhân cách, đức độ của một người bác sĩ.

Nhưng khi thi đại học y khoa thời đó đâu có cần phải thi môn văn.

Bây giờ một bộ phận bác sĩ đặt vấn đề lợi ích cá nhân, lợi ích vật chất, tài sản của cải của họ lên trên hết và làm lu mờ nhân cách của con người, khiến cho xã hội phải phàn nàn, lên án, thắc mắc. Rồi vì vấn đề này mà chúng ta phải đưa đến đề xuất thay đổi đầu vào của sinh viên y khoa.

Y khoa là khoa học về con người, khoa học để hiểu biết về con người, để hiểu biết về bệnh sinh, về đường đi của bệnh tật, để cứu con người.

Do vậy khoa học này cần sự chính xác, cần sự biện luận, cần tính logic của nó. Đó là điều cần và đủ để cho một người sinh viên y khoa trở thành người bác sĩ.

Còn nhân cách, nhân văn con người trước khi trở thành sinh viên y khoa, trở thành bác sĩ thì phải có từ trước đó.

Do vậy, bác sĩ trong tương lai phải là một nhà khoa học. Làm nhà khoa học để họ còn nghiên cứu khoa học, nên họ phải biết về toán, về thống kê, hóa, sinh… để biết về vi trùng, dược học, bệnh lý.

Tôi đã từng thấy có sinh viên y khoa bây giờ khi đặt ống dẫn lưu dịch từ trong phổi ra ngoài chai cho một bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi nhưng dịch không ra được và người bác sĩ này cũng không biết vì sao dịch không ra được.

Vì sao như vậy? Vì sinh viên này không biết “nguyên tắc bình thông nhau” nên dịch không ra. Trong khi vấn đề này đã được học từ cấp phổ thông trung học rồi.

Vấn đề này xảy ra vì anh sinh viên này không phải là nhà khoa học nên anh không biết ứng dụng vấn đề khoa học vào trong việc chăm sóc sức khỏe con người.

Theo tôi, việc thi tuyển vào đại học y khoa nên chăng vẫn là thi ba môn toán, hóa, sinh như hiện nay. Còn môn văn thì có thể xem xét phụ thêm chứ không thể là môn chính.

Có thể, sau khi các em này thi đậu vào trường y rồi và trường y khoa này có thể cho các em làm thêm một bài văn, qua đó nhà trường sẽ biết thêm văn phạm, ngôn ngữ và ước mơ nghề nghiệp của các em như thế nào để xem xét, đánh giá thêm.

Nếu lấy môn văn làm môn thi vào trường y là điều cực kỳ nguy hiểm vì bác sĩ là nhà khoa học chứ không phải là nhà văn.

Bác sĩ học thẩm định bệnh án cho bệnh nhân chứ không phải thẩm định áng văn, nên việc thì văn vào trường y là không đúng!

Việc quan tâm, trăn trở của bộ trưởng Bộ Y tế là cần thiết nhưng trăn trở đó phải có giải pháp từ khâu nào.

Theo tôi giải pháp đó phải có từ giáo dục cơ sở, từ gia đình phải định hướng cho con em mình biết học nghề y là để cứu người chứ không phải học y để mưu sự về kinh tế.

Xã hội cũng phải giáo dục sự êm đềm, sự tử tế và con người trong xã hội cũng phải đối xử với nhau thật tử tế.

Còn người bác sĩ dứt khoát phải là một nhà khoa học chứ không phải là nhà kinh tế, để rồi mâu thuẫn nhau, xích mích nhau, sân si nhau về tiền bạc khiến cho xã hội phải muộn phiền.

Đa số không đồng tình dùng môn văn xét tuyển bác sĩ

Tuổi Trẻ đã tổ chức thăm dò ý kiến bạn đọc có nên bổ sung môn văn vào xét tuyển ngành y hay không.

Kết quả cho thấy trong tổng số 2.309 người trả lời thăm dò, chỉ có 730 người đồng ý đề xuất này (chiếm 31,6%).

1.513 người trả lời không nên bổ sung môn văn vào xét tuyển ngành y, chiếm 65,5% người trả lời.

Kết quả thăm dò của Tuổi Trẻ Online

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

LÊ THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên