30/09/2014 06:48 GMT+7

Nhiều bộ sách giáo khoa: chủ trương đúng chết yểu?

NGUYỄN THIỆN
NGUYỄN THIỆN

TT - Khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ tham gia biên soạn sách giáo khoa của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho thấy chủ trương nhiều bộ SGK  có thể sẽ chết yểu từ trong trứng nước.

Khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK) của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 27-9 cho thấy chủ trương nhiều bộ SGK mà xã hội từng phấn khởi đón nhận có thể sẽ chết yểu từ trong trứng nước.

Đổi mới SGK được xem là nội dung đặc biệt quan trọng của đổi mới giáo dục phổ thông. Giải pháp quyết định để đổi mới SGK là xóa bỏ độc quyền trong mấy chục năm qua của Bộ GD-ĐT, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong việc biên soạn SGK vì chỉ như vậy mới nhanh chóng nâng cao chất lượng SGK, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Từ cuộc đua cân sức sẽ có nhiều bộ SGK ra đời và bộ sách nào được nhiều trường lựa chọn nhất trong thời gian dài sẽ là bộ sách uy tín nhất.

Điều này chỉ thành hiện thực khi có cạnh tranh thật sự bình đẳng giữa các nhà biên soạn. Nó ví như cuộc chạy đua marathon: mọi vận động viên đều đứng cùng một vạch xuất phát, cùng nghe một hiệu lệnh, cùng chạy trên một lộ trình... Ai cũng được tự do cạnh tranh, thi thố tài năng, phát huy hết năng lực sở trường để khẳng định mình!

Vì vậy, trong cơ chế cạnh tranh giữa một bên là Bộ GD-ĐT với tiền bạc do ngân sách nhà nước cấp và có quyền thẩm định trước khi phát hành, và một bên là các tổ chức, cá nhân tự bỏ tiền để biên soạn SGK, sau đó xin bộ thẩm định để lưu hành là cuộc chạy đua hoàn toàn không bình đẳng, dễ biến các nhà biên soạn phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT.

Ở đây, tưởng cũng cần phải nhắc lại ý kiến của ông Vũ Ngọc Hoàng - phó ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương: “Tinh thần đổi mới là tách quản lý nhà nước khỏi quản lý chuyên môn, sự nghiệp. Không nên lẫn lộn hai lĩnh vực này. Bộ sách nào được sử dụng trong nhà trường là công việc của quản lý nhà nước, còn viết sách là công việc của các nhà chuyên môn. Không nên sử dụng một sân chơi không bình đẳng, trong đó có một “đội bóng” có trọng tài chơi cùng phe” (Tuổi Trẻ 15-9).

Về ý kiến cho rằng “nếu Bộ GD-ĐT không làm SGK thì tính chủ động không có. Tới thời điểm cần thực hiện mà không có bộ SGK nào đạt chuẩn thì làm sao?”, tôi nghĩ không nên quá lo lắng đến mức phải thủ tiêu sự bình đẳng trong cạnh tranh, dẫn đến bất hợp lý khi Bộ GD-ĐT vừa đá bóng vừa thổi còi.

Xin hãy nhớ lại: sau năm 1975, Nhà nước vẫn giành trách nhiệm lo đến cả “tương cà mắm muối” cho dân thì dân khổ và thiếu thốn thế nào, đến khi Nhà nước ban hành Luật doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, sức dân được phát huy thì cuộc sống người dân nhanh chóng thay da đổi thịt.

Thực tế đất nước đổi mới 30 năm qua đã khẳng định nỗi lo “không có bộ SGK nào đạt chuẩn” nên Bộ GD-ĐT phải vào cuộc là không có cơ sở. SGK có mức cầu rất lớn, vì vậy khi “mở cửa thị trường” này và có luật chơi công bằng, cuộc chạy đua là cân sức thì bàn tay vô hình của thị trường tự nó điều tiết các nguồn lực để các tổ chức, cá nhân đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Các tổ chức, cá nhân có quyền biên soạn SGK là một chủ trương đúng đắn nhưng xin đừng để nó chết yểu từ trong trứng nước chỉ vì sự bất bình đẳng trong tổ chức thực hiện!

PGS-TS Nguyễn Thám (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế):

Cần tham khảo kinh nghiệm các nước

Đề xuất của Bộ GD-ĐT là bộ chủ trì xây dựng một bộ SGK và khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết thêm các bộ SGK khác, nhất là SGK cho học sinh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.

Đây là mong muốn mang tính chủ quan vì uy thế của “sách nhà nước” sẽ khiến các trường chọn giải pháp an toàn là theo bộ sách này. Trong cơ chế thị trường hiện nay sẽ không có hoặc rất ít tổ chức, cá nhân nào viết thêm SGK, nhất là SGK cho vùng khó khăn.

Việc không nghiêng về phương án khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết SGK, còn Bộ GD-ĐT chỉ biên soạn chương trình là do lo ngại thiếu tính chủ động, trong khi tư duy của các nhà quản lý vẫn cho rằng SGK là xương sống của giáo dục phổ thông.

Việc này cần phải tham khảo kỹ kinh nghiệm của các nước. Nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã đi theo hướng cơ quan quản lý chỉ làm công việc ban hành và quản lý chương trình giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, việc sử dụng SGK và tài liệu giảng dạy do các nhà trường chủ động.

Ngoài nghiên cứu kỹ việc xây dựng chương trình - SGK, cả việc biên soạn hướng dẫn tài liệu dạy học theo chương trình mới, tôi nghĩ cần thay đổi cách làm, là hướng dẫn chi tiết hạn chế khả năng sáng tạo của giáo viên. Với tinh thần đổi mới thì chỉ nên có tài liệu vắn tắt thực hiện chương trình, còn việc dạy học cụ thể phải để giáo viên chủ động, sáng tạo.

V.HÀ ghi

Hãy từ từ

 

Sao Bộ GD-ĐT không tổng kết thật đầy đủ về những lần thay SGK trước đây, công khai đánh giá những thành tựu, hạn chế và cả thất bại? Người trong cuộc và tất cả những ai quan tâm khi được thông tin đầy đủ sẽ hiểu và đây là cơ sở để gây dựng niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội.

Đọc lại SGK THPT của những lần thay đổi trước, cái khác của lần sau so với lần trước là in đẹp hơn, bài học có thêm hình ảnh, câu lệnh để học sinh thảo luận, có tóm tắt; định nghĩa thì câu chữ có khác trước một chút, một số nội dung trước đây trình bày sau thì nay chuyển về trước, của lớp trên được chuyển xuống lớp dưới... chứ không thay đổi là mấy.

Cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông hiện nay đang yếu, lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ trồng người. Nhiều chương trình bồi dưỡng thường xuyên đã và đang làm kết quả thu được còn quá khiêm tốn vì cách làm, nội dung chưa đúng, chưa trúng.

Theo tôi, cần chú trọng bồi dưỡng những nội dung như: lý luận và phương pháp dạy học, công nghệ dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tài liệu dạy học trong và ngoài nước... Ngoại ngữ cần được bồi dưỡng nhưng không phải để có bằng mà cái chính là giáo viên truy cập và xử lý được tài liệu.

Cần tập trung cả cán bộ quản lý và giáo viên theo lớp, do các trường đại học sư phạm đảm nhiệm. Học, kiểm tra đánh giá nghiêm túc. Không đạt yêu cầu thì không bố trí dạy học tiếp.

Đi kèm là những chính sách khen thưởng, đãi ngộ, nâng lương. Giảm số tiết định mức của giáo viên phổ thông hiện nay, tăng biên chế để giải quyết bài toán: giáo viên lần lượt đi bồi dưỡng mà đơn vị không bị ảnh hưởng đến dạy học. Mạnh dạn cắt bỏ những nội dung lạc hậu, quá tải, không cần thiết...

Bộ hãy tập trung toàn lực cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, kỳ thi tốt sẽ góp phần quan trọng thay đổi cách dạy và học hiện nay. Đổi mới chương trình - SGK xin hãy từ từ, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chủ quan, nóng vội thì hậu quả khôn lường.

HÀ GIANG

 

NGUYỄN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên