19/09/2014 06:49 GMT+7

​Câu chuyện từ quán Tư Khỏe

PHAN THUYẾT - NG.NAM
PHAN THUYẾT - NG.NAM

TT - Cô học trò Trương Thị Hồng Lựu chắc sẽ không được đến trường nếu như các thầy giáo đang ngồi chơi ở quán ăn Tư Khỏe không biết đến chuyện của em.

 

Mẹ bị suyễn, Hồng Lựu phải giúp mẹ làm việc nhà - Ảnh: Ng.Nam
Mẹ bị suyễn, Hồng Lựu phải giúp mẹ làm việc nhà - Ảnh: Ng.Nam

Quán ăn Tư Khỏe là nơi em đang làm việc để kiếm tiền.

Trước đó, chị của Hồng Lựu là Hồng Đào đang học lớp 8 cũng phải nghỉ học đi làm.

Sau đó, nhiều thầy cô đã góp sức để các em có thể tiếp tục cắp sách đến trường.

"Hồng Lựu không phải là học sinh Trường THCS Tân An chúng tôi, nhưng thấy em nào vì khó khăn mà không đi học được chúng tôi đều phải có trách nhiệm tìm cách giúp"

Thầy LÊ CÔNG BẰNG

Ai thấy cũng thương

Trương Thị Hồng Lựu (học sinh lớp 6/4 Trường THCS Tân Thiện, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) có thể tiếp tục đến trường, hai vợ chồng anh Trương Vĩnh Hảo và chị Hà Thị Lanh (thôn Cam Bình, xã Tân Phước, thị xã La Gi) khấp khởi vui mừng cho con gái mình, nhưng cũng nhiều lo âu cho những ngày sắp tới.

20 năm trước đôi vợ chồng này rời quê Quảng Trị vào thôn Cam Bình kiếm kế mưu sinh. Anh Hảo đi biển đánh cá gần bờ còn chị Lanh ở nhà chăn nuôi gia súc. Nhiều đợt dịch bệnh liên tiếp khiến đàn heo mà hai vợ chồng gầy dựng bằng vốn vay ngân hàng ngã bệnh chết. Nợ nần bắt đầu bủa vây đôi vợ chồng này.

Anh Trương Vĩnh Hảo năm nay mới 42 tuổi nhưng tóc đã bạc trắng hơn nửa đầu. “Ngư dân khác thúng to, máy ghe khỏe họ đi xa đánh bắt được. Còn tui máy ghe đã cũ, hư liên tục, chỉ dám đánh bắt ven bờ. Mỗi ngày bán cá dư được gần trăm nghìn là mừng, khi lỗ tiền dầu thì phải chịu” - anh Hảo nói. Còn chị Lanh bị bệnh hen suyễn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà.

Căn nhà mà gia đình này đang ở là nhà tình thương được chính quyền địa phương hỗ trợ phần lớn chi phí xây dựng. Căn nhà chỉ mới xây lên phần gạch thô rồi lợp tôn, cửa sổ được làm bằng một tấm bạt cũ đóng đinh vào khung gỗ che lại, còn cửa chính vẫn chưa có. Anh Hảo nói cửa chính chưa có vì chưa có tiền làm, với lại trong nhà không có thứ gì quý giá nên trộm vào cũng không có gì mà lấy.

Vật đáng giá nhất trong nhà này là chiếc tivi cũ được người khác cho, mỗi lần bật lên xem phải chỉnh ăngten mới có hình lờ mờ, còn không thì màn hình chỉ nhạt nhòa những hạt đen trắng.

Năm ngoái, con gái lớn của hai vợ chồng là Hồng Đào phải nghỉ học lớp 8 để đi phụ việc trong một khu du lịch với lương trên 1 triệu đồng. Năm nay con gái thứ hai là Hồng Lựu cũng được bố mẹ khuyên nghỉ học để đi phụ quán ăn kiếm tiền. Dưới Hồng Lựu còn một đứa em nhỏ nữa có thể trong tương lai cũng không được học hành đến nơi đến chốn.

“Sao mẹ không cho con đi học lại bắt con nghỉ để đi làm? Chị Hồng Đào nghỉ học đi làm rồi đó. Con ăn ít, không đòi may quần áo mới, cho con đi học đi”. Chị Lanh kể nghe Hồng Lựu nói như vậy chị như đứt từng khúc ruột.

“Mình cũng muốn các con được học hành đến nơi đến chốn để sau này đỡ khổ hơn vợ chồng tôi, làm quần quật suốt ngày cũng không kiếm đủ miếng ăn. Nhưng lấy gì để nuôi con bây giờ” - chị Lanh thở dài.

Lựu nói với cha mẹ sẽ đi làm phụ giúp gia đình, nhưng sẽ không bỏ học. Hằng ngày em tới quán ăn Tư Khỏe ở địa phương phụ quét dọn, bưng bê kiếm tiền chuẩn bị vào học lớp 6. Nhìn dáng người nhỏ thó của Lựu dọn quán, bê đồ ăn, ai cũng thấy thương.

Thầy cô ra tay cứu giúp

"Sao mẹ không cho con đi học lại bắt con nghỉ để đi làm? Chị Hồng Đào nghỉ học đi làm rồi đó. Con ăn ít, không đòi may quần áo mới, cho con đi học đi" 

HỒNG LỰU

"Thật cảm ơn các thầy cô, Lựu gặp được sự giúp đỡ như vậy là phước cho cháu lắm"

Chị HÀ THỊ LANH
(mẹ Hồng Lựu)

Một nhóm giáo viên Trường THCS Tân An (thị xã La Gi) ngồi chơi tại quán Tư Khỏe hỏi thăm, biết được em Hồng Lựu có thể phải nghỉ học vì gia đình quá nghèo nên đã bàn cách giúp đỡ.

Thầy Phạm Hoài Khanh, giáo viên địa lý Trường THCS Tân An, cho biết vào đầu tháng 8-2014 sắp đến ngày khai giảng, nhóm giáo viên của trường gồm bốn người, trong đó có thầy Khanh, tình cờ thấy Hồng Lựu nên hỏi thăm mới biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến em có nguy cơ bỏ học.

“Chúng tôi thấy em nào trong tuổi học sinh đều hỏi thăm học lớp mấy, như bệnh nghề nghiệp thôi. Khi biết Hồng Lựu như vậy chúng tôi bàn với nhau làm mọi cách để em an tâm đến trường trước ngày khai giảng” - thầy Phạm Hoài Khanh kể lại.

Thầy Lê Công Bằng, hiệu phó Trường THCS Tân An, cho hay thầy đã đến nhà Hồng Lựu nói chuyện với chị Hà Thị Lanh để cho Lựu tiếp tục đi học. “Tôi thấy gia đình em Hồng Lựu nghèo khó quá. Chúng tôi động viên chị Lanh cố gắng cho cháu đi học, mọi chuyện có thầy cô giáo lo hết” - thầy Lê Công Bằng nói.

Sau khi nói chuyện với gia đình Hồng Lựu, nhóm bốn thầy giáo Trường THCS Tân An về trường vận động hai cô giáo nữa, mỗi người gom góp một ít để lo cho Hồng Lựu đi học.

Vài hôm sau Hồng Lựu nhận được 20 cuốn vở, một bộ sách giáo khoa lớp 6, hai bộ quần áo, giày, dép, dây nịt... do các giáo viên Trường THCS Tân An hỗ trợ. Vậy là Hồng Lựu được tiếp tục đến trường, tạm nghỉ phụ quán.

Muốn giúp luôn đến nơi đến chốn, thầy Lê Công Bằng đã điện thoại cho thầy Phạm Thành Nhơn - hiệu phó Trường THCS Tân Thiện, nơi Hồng Lựu đang theo học - để kể về hoàn cảnh của Hồng Lựu. Chuyện của Hồng Lựu nhanh chóng được giáo viên Trường THCS Tân Thiện biết đến.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết dạy sinh - hóa của trường này mua 10kg gạo gửi tặng gia đình Hồng Lựu. “Tôi nghe hoàn cảnh mà thương em quá nên lấy tiền thưởng công đoàn cho tôi để mua gạo giúp gia đình em” - cô Ngọc Tuyết xúc động.

Thầy giáo Bùi Xuân Đông, giáo viên chủ nhiệm của Hồng Lựu, nói đó là một cô bé ngoan, học chăm chỉ và nhiều bạn bè mến Lựu bởi tính nết hiền lành.

“Tôi tìm hiểu mới biết gia đình Hồng Lựu khó khăn như vậy. Các thầy cô ở trường đều lo giúp đóng các khoản lặt vặt cho em Lựu khỏi bận tâm để lên lớp. Tiền học phí có một mạnh thường quân nghe chúng tôi kể chuyện đã đóng giúp Lựu” - thầy Đông cho hay.

 

PHAN THUYẾT - NG.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên