Học trò vùng sâu lội lũ đến lớp

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

TT - Ở những trường học nơi vùng cao xa xôi, hẻo lánh, thầy cô và học trò phải đối mặt với biết bao khó khăn để ổn định cho một mùa “gieo chữ” mới.

Gian nan vượt lũ đến lớp - Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Chúng tôi đến thăm một ngôi trường xa xôi của xã Xuân Hòa (Bảo Yên, Lào Cai). Đến thời điểm này, trên khuôn mặt các thầy cô giáo Trường THCS số 2 Xuân Hòa không giấu nổi những lo âu và trăn trở về tình hình học trò xuống núi, ra lớp.

Các thầy cô giáo thay nhau vào bản vận động học trò. Đường vào bản mùa này mưa lũ, gập ghềnh, trơn như đổ mỡ, xe máy không qua được, để vào được nhà học sinh phải bở hơi tai.

“Đến nhà học sinh, thấy hoàn cảnh các em khó khăn thật. Nhà có 5-6 miệng ăn mà mâm cơm chỉ vẻn vẹn bát muối giằm ớt. Cơm vẫn độn sắn, độn ngô. Nhìn thấy cảnh đó, chúng tôi thấy đắng lòng biết mấy” - thầy Nguyễn Ngọc Đạo, giáo viên nhà trường, tâm sự.

Hoàn cảnh khó khăn, cộng với một số gia đình do nhận thức chưa đầy đủ nên đã bắt con gái về nhà để gả chồng. Vì thế, sĩ số đầu năm học của nhà trường khó lòng ổn định được. Trường có tám lớp học nhưng tính đến thời điểm hiện nay, việc thống kê sĩ số khá khó khăn vì con số chính xác phải trông đợi vào những cuộc vận động.

Con suối Gốc Lụ là đường vào hai bản Mí 1 và Mí 2 của xã Xuân Hòa, nơi định cư của đồng bào Mông, Dao, Phù Lá. Những ngày đầu năm học, lũ về nhiều, con suối Gốc Lụ nước lũ trên đầu nguồn chảy về cuồn cuộn, nhiều chỗ cuộn xoáy thành nhiều hõm lớn khá nguy hiểm.

Nhiều tốp học sinh gồm ba bốn em trong bản Mí 1 và Mí 2 phải bám tay vào nhau rồi khoác cặp sách lên trên cổ để lội qua dòng lũ đang dâng lên đục ngầu.

“Bình thường thì không sao nhưng cứ mưa to là học sinh không thể qua suối được anh ạ” - thầy Đạo tâm sự khi nhìn thấy cảnh tượng từng tốp học sinh dắt díu nhau lội qua lũ dữ.

Suối lũ, không qua được đồng nghĩa với việc học trò đến trường giảm đáng kể hoặc đến trường muộn. Nếu em nào cố sang thì đến trường với bộ dạng ướt lướt thướt từ đầu đến chân, trời tuy cuối hè, đầu thu nhưng em nào cũng run cầm cập, môi tím bầm.

Có lẽ không ai muốn dấn thân vào những vùng khó. Viên phấn ở đâu mà chẳng trắng, nhưng thầy cô và học trò vùng cao thì thiệt thòi biết bao nhiêu. Phía sau những nhọc nhằn trong sự nghiệp dạy chữ ở vùng cao luôn có biết bao ước mơ của con trẻ. Các thầy cô nơi đây là những người nuôi lớn ước mơ đó.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên