Môn lịch sử và bài học của thầy

HẢI LONG (Thanh Xuân, Hà Nội)
HẢI LONG (Thanh Xuân, Hà Nội)

TT - Giờ đã là giáo viên dạy toán, tôi mới hiểu cảm giác của thầy giáo dạy lịch sử ngày ấy...

“Các em đã yêu môn lịch sử chưa?”
Lịch sử - hơn cả một môn học
Dạy trò chữ hiếu trước tiên

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Ngày tôi học THPT, do theo khối A tôi rất ngại mỗi khi đến tiết lịch sử. Với những đứa chuyên tự nhiên như tôi thì môn lịch sử thật sự rất khô khan, rất đáng sợ. Mỗi tuần chỉ có hai tiết lịch sử thôi mà sao với tôi đó là một áp lực lớn.

Đã vậy, thầy dạy lịch sử của tôi lại có gương mặt hình sự, rất khó tính, giọng nói trầm, nên môn lịch sử đối với tôi thật sự tẻ nhạt và khô khốc. Tôi luôn xem nhẹ tiết lịch sử vì nghĩ môn ấy mình không thi đại học và nghĩ đó là tiết học tự do của mình. Vì vậy, cứ đến tiết lịch sử là tôi lại lôi sách toán, lý, hóa ra để học. Thầy giảng bài cứ giảng, tôi cứ tự nhiên học môn tôi thích.

Cho đến một hôm thầy nhẹ nhàng đến bên tôi nói:

- Thầy nghĩ em nên tôn trọng giờ giảng của thầy, tôn trọng lớp học và cả chính bản thân em nữa. Có thể em theo khối A nhưng môn lịch sử vẫn luôn cần thiết với mỗi người. Đừng coi thường nó.

Tôi giật mình lúng túng. Thầy nói tiếp:

- Nếu em không muốn học giờ của thầy thì em có thể chủ động nghỉ ở nhà. Thầy sẽ không có ý kiến gì, đừng tự gượng ép mình như thế này sẽ không hiệu quả đâu.

Những ngày sau đó tôi vẫn đến lớp và không dám làm việc riêng nữa, nhưng với tôi lịch sử vẫn “ra rìa”. Để rồi khi bước vào kiểm tra, tôi học theo kiểu nhồi nhét, học “tủ” nhưng rồi điểm miệng được 5, điểm 15 phút được 4, điểm 45 phút được 5, điểm thi cuối học kỳ được 4. Thành ra tôi không thuộc diện học sinh giỏi. Tôi oán hận thầy. Tôi đã nghĩ không tốt về thầy giáo dạy lịch sử của mình, chắc tôi đem môn khác ra học trong giờ thầy dạy nên thầy cho điểm thấp để “hạ” tôi.

Năm ấy tôi cũng phải đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp có sự góp mặt của môn lịch sử. Tôi đã phải trả giá cho thái độ học lơ là, không tôn trọng môn lịch sử của mình khi điểm lịch sử tôi chỉ được 4. Cầm tấm bằng cấp THPT trung bình, tôi mới càng thấy thấm thía.

Rồi tôi đỗ Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Tốt nghiệp, tôi dạy tại một trường THPT ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bây giờ thi thoảng bắt gặp cảnh học sinh lơ là trong tiết dạy của mình, tôi rất cáu vì nghĩ các em không thích môn học của mình, không tôn trọng giờ giảng của mình cũng là không tôn trọng mình. Có lần tôi cho một em học trò nam lớp 11 ra khỏi lớp vì ngang nhiên học môn khác trong giờ giảng của tôi. Về nhà tôi lại thấy mình từng là cậu học trò ấy, cũng từng đem môn tự nhiên ra học trong giờ lịch sử. Giờ tôi đã hiểu vì sao thầy buồn.

Có nhiều khi tôi thấy mình thật kém hiểu biết về lịch sử. Tôi bắt đầu tranh thủ tìm hiểu về lịch sử từ cách đây hai năm. Tôi nhận ra mình đã bỏ lỡ những bài giảng bổ ích của thầy ngày nào. Càng đọc lịch sử, tôi thấy lịch sử không khô khan như mình nghĩ. Tìm hiểu về lịch sử, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn, sâu sắc hơn. Tôi hiểu rằng chẳng có môn học nào là phụ cả.

Tôi biết thầy tôi là độc giả thường xuyên của báo Tuổi Trẻ. Nếu thầy đọc câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói với thầy rằng: “Em gửi đến thầy lời xin lỗi tuy hơi muộn nhưng xin thầy hãy tha thứ cho em. Chỉ khi vào vai của thầy, em mới hiểu cảm giác học trò xem nhẹ môn học của mình như thế nào”.

HẢI LONG (Thanh Xuân, Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên