21/03/2014 07:25 GMT+7

Chân trời mới từ những giờ học sử

ĐOÀN BẢO CHÂU - ĐINH THỊ THANH NGỌC (cựu học sinh Trường phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM)
ĐOÀN BẢO CHÂU - ĐINH THỊ THANH NGỌC (cựu học sinh Trường phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM)

TT - Lịch sử là môn mà nhiều học trò sợ, muốn né, nhưng khi được học với cô Chu Thị Bích Ngà (nguyên giáo viên môn sử Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) thì khác.

“Các em đã yêu môn lịch sử chưa?”Môn sử: đã thích thì không sợĐể HS yêu sử: đừng bắt thuộc lòng số liệu

npseN5cK.jpgPhóng to
Cô Chu Thị Bích Ngà trong giờ giảng dạy môn lịch sử tại Trường quốc tế Á Châu - Ảnh: Quang Định

Giờ học sử của chúng tôi thường rất ít sách vở, vì chủ yếu là ngồi tranh luận cùng nhau về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn cô sẽ đặt câu hỏi: “Em nghĩ sao về việc Tổng thống Obama tái đắc cử?” và chúng tôi sẽ đưa ra các lý giải của riêng mình, dựa theo những thông tin đã được học về tình hình thế giới, tình hình tại Mỹ, Nga...

Tại sao, như thế nào?

Cô Chu Thị Bích Ngà nguyên là tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) và cũng là giáo viên môn lịch sử Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM). Dù đã về hưu, cô vẫn tiếp tục công tác giảng dạy môn lịch sử tại Trường quốc tế Á Châu, Trường tiểu trung học quốc tế Bắc Mỹ và rất được các bạn học sinh yêu mến với những giờ học sử hào hứng và ấm cúng tình thầy trò.

Để chúng tôi có thể thi đậu tốt nghiệp, cô (cũng như nhiều giáo viên khác) chuẩn bị cho chúng tôi một bộ đề cương biên soạn ngắn gọn để học thuộc, nhưng đa số thời gian chúng tôi học rất tự do. Kiểm tra miệng, cô không khảo bài chúng tôi bằng những câu hỏi như bao nhiêu chiếc máy bay đã bị bắn hạ trong trận Ấp Bắc, hay bao nhiêu người đã chết sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ngược lại là những câu hỏi phổ biến: tại sao, như thế nào và ý nghĩa ra sao. Những câu hỏi kích thích suy nghĩ của chúng tôi mạnh mẽ, đơn giản vì... không có trong sách giáo khoa, muốn được điểm cao phải tự xem thêm sách bên ngoài, hoặc phải nghe cô giảng thật kỹ và đặt câu hỏi với cô.

Thời đó vì sĩ số lớp rất ít (khoảng 20 bạn) nên khi học môn sử, chúng tôi thậm chí không cần đứng lên phát biểu mà có thể ngồi đưa ra câu hỏi, bàn luận thoải mái với cô tất cả thắc mắc của mình, và cái nào cũng được cô lý giải rất chậm rãi, chắc chắn.

Nhớ nhất là hôm học đến bài “Lịch sử Trung Quốc sau 1945”, thay vì khảo bài về diễn biến lịch sử, cô dành ra hai tiết để chiếu cho cả lớp xem bộ phim Phải sống (To live) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, lấy bối cảnh trong Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc những năm 1960. Những khuôn hình đi qua với nỗi oan ức của người dân vô tội bị đấu tố, nỗi đau xé trời của gia đình có con nhỏ bị tường sập đè chết khi đi nấu sắt để “hoàn thành kế hoạch năm năm”, cả lớp xem xong mà thẫn thờ, nhiều bạn mắt đỏ hoe. Bài kiểm tra 15 phút hôm đó là: “Cảm nhận của em về bộ phim Phải sống”, và dĩ nhiên chưa bao giờ chúng tôi làm kiểm tra lại nhiều cảm xúc và thấu hiểu về một giai đoạn lịch sử đến như thế.

Hạnh phúc trong mỗi buổi học

Ở trường tôi, từ năm lớp 11 học sinh đã có thể bắt đầu ôn luyện và dự kỳ thi học sinh giỏi thành phố và học sinh giỏi quốc gia. Giữa lúc tất cả các bạn cùng lứa chú tâm vào lựa chọn các môn chuyên như văn, toán, lý, hóa, tiếng Anh... thì tôi và một vài người bạn đã lựa chọn một con đường rất khác, và tuyệt vời làm sao khi con đường đó đã dẫn chúng tôi đến với cô - người tình nguyện bồi dưỡng môn sử miễn phí cho chúng tôi.

Những buổi học ấy đối với tôi là mỗi ngày hạnh phúc. Cô đưa cho chúng tôi rất nhiều sách, giới thiệu cả sách lịch sử lẫn văn học, sách về các nhân vật nổi tiếng lẫn sách về giá trị sống. Tôi vẫn nhớ lúc chúng tôi ngồi háo hức nghe cô kể chuyện và cho xem những hình ảnh về chiến tranh thế giới, về quá trình VN gia nhập ASEAN, về triều đình nhà Nguyễn trước năm 1945...

Tôi lại nhớ lúc cậu bạn tôi kể cho cô nghe về thuyết tương đối của Albert Einstein, giải thích những hiện tượng bóng ma bí ẩn, và cô thì xuýt xoa như một đứa trẻ: “Ồ, hay quá!”. Những giờ học ấy mở ra trước mắt chúng tôi bao chân trời mới lạ, bao khát khao khám phá về thế giới, và cô thì luôn bảo: “Cảm ơn các em, nhờ các em mà cô biết được nhiều điều”.

Từ cái nôi là những giờ học sử sinh động, đầy tính phản biện và tình cảm đó với cô, trong chúng tôi đã có rất nhiều người thi đậu học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử, thậm chí chuyển hướng từ học lớp chuyên sinh, toán, hóa sang học và nghiên cứu chuyên sâu về các ngành quan hệ quốc tế, lịch sử, hoặc ít nhất là đã có một nền tảng về lịch sử vững chắc. Và cứ mỗi dịp ngày 20-11 chúng tôi đều tụ họp về gặp cô. Những câu chuyện về tình hình thế giới, về lịch sử cứ thế tuôn ra như một dòng suối mát lành, như “chưa bao giờ có cuộc chia ly” với cô, với môn sử. Giữa vòng quay ồn ào phố thị, đó vẫn là một nơi ấm áp để mỗi chúng tôi có thể bộc lộ phần trẻ con trong mình, tíu tít kể chuyện cho cô nghe và được cô vỗ về, an ủi. Hơn cả một người thầy, cô trở thành nơi tiếp cho chúng tôi sức mạnh để phấn đấu đạt đến những ước mơ, và là một bến đỗ bình yên luôn chào đón chúng tôi mỗi khi trở về.

May mắn

Mình cảm thấy rất may mắn được học lớp do cô Chu Thị Bích Ngà làm chủ nhiệm. Những tiết sử của cô vô cùng sinh động vì những đoạn phim và hình ảnh tài liệu mà cô chuẩn bị, cô còn dạy cho lớp cách học sử dễ thuộc rất hiệu quả. Đối với lớp chủ nhiệm, cô luôn theo sát từng học sinh, lập bảng điểm cụ thể hằng tháng để theo dõi thành tích học tập của các bạn, tháng nào có sinh nhật của học sinh trong lớp, cô cũng in tên bạn đó dán lên bảng thông báo của lớp và trích quỹ mua quà tặng. Đến khi phát thưởng, cô cũng lựa giấy gói quà và nơ rất đẹp, tuy biết bên trong cũng chỉ là 5-10 cuốn tập như mọi khi nhưng không đứa nào nỡ tháo giấy gói quà mà cô đã kỹ lưỡng bao lại hết. Cô còn dạy: “Của cho không bằng cách cho, con à!”...

Không chỉ là người đồng hành trong những bài giảng, kiến thức bổ ích mà lối sống của một số thầy cô còn ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh, trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống. Việc ăn uống hợp lý sao cho thân hình khỏe khoắn học được từ cô dạy sinh, cách sống “kiệm đi lời nói và lắng nghe nhiều hơn” ảnh hưởng từ giáo viên văn... đều được các tác giả ghi nhớ, chia sẻ với chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” thông qua những câu chuyện giản dị nhưng chất chứa nhiều ý nghĩa.

Những chia sẻ ấy đến từ các tác giả: Nguyệt Nguyệt (Hà Nội), Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Nguyễn Thị Kim Phượng (Long An), Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh), Bao Kim Thanh (Bình Dương), Nguyễn Quốc Minh (Đồng Nai), Trần Thị Phương Thảo, Nguyễn Phương Quỳnh (TP.HCM)...

“Dạy học bằng cả yêu thương” là chuyên mục do báo Tuổi Trẻ cùng Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp thực hiện. Chuyên mục tôn vinh những nhà giáo giỏi, tận tâm với học trò nhằm khẳng định hình ảnh đẹp, mẫu mực của nghề giáo, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Bạn đọc có thể tham gia bằng cách gửi bài, ảnh hoặc cung cấp thông tin về các tấm gương thầy cô giáo... (những thông tin cung cấp có giá trị về các tấm gương thầy cô giáo sẽ được Tuổi Trẻ tặng quà) qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư xin ghi rõ chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương”, bài tham gia xin vui lòng ghi rõ địa chỉ tác giả, tài khoản ngân hàng).

ĐOÀN BẢO CHÂU - ĐINH THỊ THANH NGỌC (cựu học sinh Trường phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên