05/10/2013 08:15 GMT+7

Mầm non có cần bảng tương tác?

HỒNG NHUNG
HỒNG NHUNG

TT - Giáo viên ngần ngại tiếp nhận và sử dụng thiết bị, phụ huynh lo lắng, còn nhà khoa học băn khoăn về tác động, hiệu quả của việc sử dụng bảng tương tác với trẻ nhỏ.

iyA5dmrS.jpgPhóng to
Học trò trường mầm non làm quen với bảng tương tác thông minh - Ảnh: Như Hùng

Bảng tương tác vào trường học, phụ huynh lại tốn tiềnBảng tương tác: phục vụ hay kinh doanh?

Theo ông Vũ Minh Trí - tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, thế giới đang thay đổi rất nhanh, ngày xưa người thầy là trung tâm của việc học, nhưng ngày nay học sinh mới là trung tâm. Xung quanh học sinh còn có cộng đồng, Internet nên giáo viên chỉ là một nguồn.

Chính vì thế, người ta đã xây dựng nên cộng đồng giáo viên toàn cầu để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài giảng... Giáo viên đã phải thay đổi từ cách soạn giáo án, trình bày bài giảng và kết hợp với cộng đồng bên ngoài cũng như nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính. Hiện nay, bảng tương tác vẫn còn đang quá đắt nên việc trường mầm non dùng là “chơi sang”. Trẻ con cần trực quan sinh động và việc học của trẻ mầm non đơn giản chỉ là chơi với đồ chơi.

Đồ chơi còn thiếu

Anh Q. có con học Trường mầm non Bình An, Q.2, cho biết đầu năm nhà trường thông báo đã trang bị một bảng tương tác trị giá 180 triệu đồng, kinh phí mua bảng được Nhà nước cho một nửa, còn lại huy động phụ huynh đóng góp bằng việc thu mỗi cháu 15.000 đồng/tháng. Trường Bình An có ba lớp lá, hai lớp kia sĩ số bao nhiêu không biết, riêng lớp con anh hơn 40 cháu, như vậy phải thu ít nhất hai năm mới đủ số tiền mua bảng. “Chính giáo viên của con tôi cũng thú nhận là chưa biết chiếc máy này ra sao, sử dụng như thế nào và tương tác gì với giáo viên và bọn trẻ. Còn con tôi chỉ còn học năm nay, giá mà trường để đến năm sau mới thu tiền bảng tương tác thì tôi đỡ một khoản đóng” - anh Q. nói.

Tại Trường mầm non Sơn Ca, Q.Phú Nhuận, một phụ huynh là chị N. chia sẻ trường con chị cũng thông báo sẽ thu tiền bảng tương tác 15.000 đồng/tháng. Chị nói: “Tôi không đăng ký cho con học tiếng Anh tại trường thì tại sao tôi phải đóng tiền mua bảng tương tác? Chưa kể nhà trường cũng không thông báo thời gian chính thức sử dụng bảng. Bây giờ đóng tiền, phải đợi... chẳng biết lúc con tôi ra trường, chiếc bảng đã được đưa vào dạy học chưa?”. Theo chị N., thay vì đầu tư một chiếc bảng tương tác, nhà trường dùng kinh phí này mua đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ sẽ hợp lý hơn, nhất là các trường vùng ven cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều.

Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.12 cho biết số đồ chơi của trường hiện vẫn chưa đủ theo quy định của Bộ GD-ĐT về 120 món đồ chơi. Nhà trường chỉ có thể trang bị từ từ và tiết kiệm bằng cách giáo viên tự làm đồ chơi cho trẻ, những món nào không làm được mới mua vì cùng một lúc không thể thu nhiều tiền từ phụ huynh. Chính vì thế, trường cũng chưa tính tới việc mua bảng tương tác vì “lấy đâu ra tiền để mua” - vị hiệu trưởng này nói.

Chưa đi đã chạy

PGS.TS Vũ Hải Quân, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), không đồng tình với việc sử dụng bảng tương tác ở trường mầm non, tiểu học. TS Quân cho biết chính ông đã trải nghiệm việc dùng bảng tại trường tiểu học và thấy sau khi sử dụng bảng đi xuống hoặc trẻ quay mặt nhìn xuống lớp thì ánh sáng ở máy chiếu với cường độ mạnh chiếu thẳng vào mắt sẽ rất có hại cho bé.

Theo TS Quân, trong lĩnh vực giáo dục, trước khi triển khai đại trà một mô hình giảng dạy mới, đặc biệt là mô hình ấy lại áp dụng cho bậc mầm non, tiểu học thì cần phải có những nghiên cứu, thử nghiệm, phân tích, đánh giá những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực một cách khoa học lên đối tượng thụ hưởng là các bé, chứ không nên chỉ dựa vào những cảm nhận chủ quan của người lớn.

TS Quân đề nghị cần làm rõ một số vấn đề khi sử dụng mô hình lớp học tương tác như: Mức độ ảnh hưởng lên thị giác của trẻ do tác động của đèn chiếu, chất lượng hình ảnh? Kích thước và vị trí treo bảng thế nào cho phù hợp với trẻ mầm non, tiểu học vì có nhiều bé không thể với tay tới và góc nhìn của người lớn và trẻ em là hoàn toàn khác nhau. Việc số hóa các chương trình giảng dạy có đảm bảo tính sư phạm, đặc biệt là với trẻ em? Mức độ nắm bắt và làm chủ về nội dung cũng như công nghệ của giáo viên sử dụng thiết bị. Mức độ lệ thuộc vào thiết bị công nghệ, ví dụ như khi cúp điện, máy hư, phần mềm trục trặc thì xử lý như thế nào?

TS Quân cho rằng khi những vấn đề trên được nghiên cứu, giải đáp một cách khoa học thì việc triển khai mô hình giảng dạy mới này sẽ trở nên thuyết phục hơn, còn nếu chỉ dựa vào chủ quan của người lớn thì sẽ rất phản giáo dục.

Theo ông Vũ Minh Trí, một hệ thống giáo dục thông minh toàn diện phải liên kết chặt chẽ từ các giải pháp quản lý của nhà trường và học sinh, giảng dạy trong lớp, giao tiếp giữa nhà trường với phụ huynh, với các đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục ngoài nhà trường và xuyên suốt là nội dung đào tạo.

Để xây dựng hệ thống giáo dục thông minh cần phải tính phương án phát triển lâu dài như xây dựng một hạ tầng với hệ thống trung tâm dữ liệu, phần mềm quản lý tổng thể, thư viện điện tử để học sinh, phụ huynh có thể truy cập vào bài giảng, thông báo từ nhà trường, trao đổi, giao tiếp với giáo viên, bạn học, theo dõi việc học ở khắp nơi, với mọi thiết bị như điện thoại, máy tính bảng...

Có hạ tầng bên ngoài này mới tính tiếp đến các giải pháp cụ thể trong lớp học như sử dụng bảng đen phấn trắng bình thường hay bảng thông minh có thể lưu lại mọi ghi chép trên bảng.

eEcp2dm1.jpgPhóng to
Ảnh: Như Hùng
Bảng tương tác là gì?

Một hệ thống tương tác gồm máy vi tính, máy chiếu, bảng tương tác, hệ thống loa và phụ kiện, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án và giảng dạy, thư viện tài nguyên ảnh, âm thanh cùng với các thông tin liên quan và có thể cả bộ phần mềm giáo án mẫu.

Bảng tương tác có chức năng giống như màn hình cảm ứng để giáo viên và học sinh có thể tương tác trực tiếp vào giáo án điện tử.

Để tương tác, máy chiếu projector kết nối với máy tính sẽ chiếu hình ảnh lên bảng và người dùng thông qua bút từ tương tác vừa có chức năng như bút viết bảng, vừa hoạt động như chuột máy tính để giao tiếp với bảng. Giáo viên sẽ dùng phần mềm soạn giáo án để soạn và giảng bài.

Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì?

Về việc trang bị bảng tương tác cho các trường mầm non, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Ông Nam cho biết:

- Việc trang bị bộ thiết bị đa chức năng nhằm từng bước hiện đại hóa các nhà trường của TP.HCM, đồng thời thực hiện hiệu quả đề án: phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và nâng cao năng lực dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông của TP. Đây cũng là điểm nhấn của TP.HCM giúp học sinh tiếp cận với các thiết bị giáo dục hiện đại giống như các nước trong khu vực và trên thế giới đang thực hiện. UBND TP.HCM cho phép đầu tư trang bị màn hình dạy học đa chức năng tại các trường học của TP.

Ban đầu, kinh phí thực hiện trang bị do ngân sách nhà nước đầu tư, tuy nhiên do tình hình khó khăn của ngân sách nên TP cho chủ trương xã hội hóa: 50% ngân sách nhà nước, 50% vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ và thực hiện tại các trường có điều kiện. Riêng các nơi khó khăn ngân sách nhà nước sẽ chi 100%.

* Thưa ông, ở bậc mầm non, nếu dạy bằng bảng tương tác thì giáo viên sẽ dạy những gì cho trẻ? Đối với các trường mầm non ở vùng sâu, vùng xa như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh... thì việc dùng bảng tương tác có cần thiết và phù hợp không?

- Bảng tương tác được kết nối Internet cùng với các thiết bị hỗ trợ và các phần mềm kèm theo hỗ trợ hiệu quả cho công tác dạy và học. Cụ thể: ở bậc học mầm non trẻ học các nội dung như: tìm hiểu thế giới tự nhiên; tìm hiểu thế giới các loài vật; làm quen với các hình dạng; các loại màu sắc; học các bài hát, bài thơ; chơi các trò chơi... Trẻ sẽ có trực quan rất sinh động thông qua bài soạn điện tử của giáo viên hoặc cập nhật trực tiếp trên Internet hoặc do các phần mềm hỗ trợ...

* Sở GD-ĐT có thể cho biết trình độ tin học của giáo viên bậc mầm non TP.HCM hiện nay như thế nào? Nếu dạy học bằng bảng tương tác thì giáo viên cần có trình độ, kỹ năng ra sao?

- Với chủ trương của ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM trong nhiều năm qua là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đội ngũ giáo viên mầm non đã sử dụng thành thạo vi tính để lập kế hoạch giáo dục và thiết kế giáo án điện tử. Đồng thời khi trang bị các thiết bị như đã nêu trên, sở sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả đội ngũ giáo viên giúp sử dụng hiệu quả thiết bị.

Không có cũng không sao

Nói một cách khách quan, nếu trường mầm non có thiết bị tối tân để dạy học thì cũng tốt nhưng giá thành một bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng đến 181 triệu đồng đắt quá. Tuy nhiên, để xem được hình ảnh rõ nét, cần phải trang bị máy chiếu loại tốt, nếu không sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mắt trẻ. Mặt khác, tôi cũng băn khoăn về chiều cao của bảng vì các cháu sẽ phải ngước lên nhìn, rất mỏi cổ (ở đây tôi còn chưa nói đến việc các cháu phải thao tác trên bảng hoặc sử dụng một số thiết bị đi kèm bảng trong giờ học vì việc này là không khả thi đối với trẻ mầm non).

Trên thực tế, nếu tính toán một cách chi li thì tôi vẫn mong khoản tiền 90 triệu đồng mà thành phố cấp cho mỗi trường mầm non, thay vì mua bảng tương tác hãy mua sắm đồ dùng, đồ chơi hằng ngày (bằng nhựa, gỗ). Cái này cần thiết hơn, các cháu sử dụng thường xuyên hơn, hiệu quả sử dụng kinh phí sẽ cao hơn khi mua bảng tương tác. Mong như thế là vì hiện nay nhiều trường mầm non của thành phố vẫn còn thiếu nhiều đồ dùng, đồ chơi, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa. Còn bảng tương tác có cũng tốt, không có cũng không sao.

Một chuyên viên ngành giáo dục mầm non ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên)H.HG. ghi

HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên