Đề thi môn văn "gài bẫy" học sinh?

TS TRẦN THỊ MAI NHÂN
TS TRẦN THỊ MAI NHÂN

TT - Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM năm nay gây khá nhiều tranh luận từ học sinh, phụ huynh và cả giáo viên giảng dạy môn văn.

Tuổi Trẻ trích đăng bài viết của TS Trần Thị Mai Nhân (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM) về vấn đề này.

YgfahGAX.jpgPhóng to
Thí sinh tranh thủ ôn bài môn văn trước khi thi tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Là một giáo viên từng giảng dạy môn văn ở các trường phổ thông, tôi đặc biệt quan tâm đến đề thi môn văn ở các kỳ thi tuyển sinh ĐH cũng như tuyển sinh vào lớp 10. Tôi nhận thấy đề thi môn văn ngày càng hay, mang tính giáo dục cao. Trước khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố đáp án các môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014, tôi xin có vài ý kiến.

Mơ hồ, đánh đố...

Trước hết, về đề thi, tôi thấy đề thi năm nay nhìn chung hay nhưng khó: hay vì có tính chất mới mẻ trong yêu cầu đối với thí sinh (câu 4), có tính thực tế và tính giáo dục cao (câu 2 và câu 3); khó vì đòi hỏi thí sinh vừa phải có năng lực cảm thụ tác phẩm thơ, vừa có kỹ năng phân tích, so sánh, khái quát... (câu 4 - nghị luận văn học). Trong khi đó, đề thi những năm trước thường yêu cầu đơn giản hơn như: cảm nhận về một đoạn thơ (đề thi năm 2011) hay cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật trong truyện ngắn (đề thi năm 2012)...

Cái khó còn thể hiện ở sự mơ hồ, có tính chất đánh đố thí sinh ở câu 2 (câu hỏi tiếng Việt): “Bạn trẻ trong hình bên đã dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn. Theo em, bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?”. Theo tôi, ở đây cần phân biệt “ngôn ngữ chat” và “ngôn ngữ tuổi teen”. Vì “ngôn ngữ chat” là ngôn ngữ tiếng Việt không có dấu, ngôn ngữ viết tắt, biệt ngữ, ký hiệu hoặc ngôn ngữ bị làm cho biến dạng (thjk = thích, h0k bik = không biết, roài = rồi, yk = đi...), thường được giới trẻ sử dụng khi chat với nhau qua mạng, qua điện thoại, không sử dụng khi giao tiếp trực tiếp (hội thoại). Còn “ngôn ngữ tuổi teen” được hiểu rộng hơn, bao gồm cả ngôn ngữ “lóng” (chém gió, hài vãi...), viết tắt, ký hiệu, biệt ngữ..., được giới trẻ sử dụng khi nói chuyện, nhắn tin, chat với nhau. Như vậy, đề thi và hình ảnh minh họa trong đề thi không hợp lý. Bạn trẻ đang “giao tiếp trực tiếp” (nói chuyện với cha) không thể sử dụng ngôn ngữ chat được.

Hơn nữa, đề thi nêu rõ trường hợp “dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn” chứ không phải “giao tiếp chung chung” hay “giao tiếp với bạn bè”. Vì vậy, thí sinh cũng có thể trả lời là “vi phạm phương châm lịch sự” thay vì chọn “vi phạm phương châm cách thức”. Đây là sự sơ suất hay sự cố ý “gài bẫy” thí sinh của người ra đề? Qua tìm hiểu, tôi được biết vấn đề được các em tranh luận rất sôi nổi sau khi kết thúc giờ thi, vì chọn phương án nào cũng hợp lý. Vậy đáp án sẽ thế nào cho thỏa đáng? Trong trường hợp này, nên chăng chấp nhận cả hai phương án?

Tương tự, câu 3 (nghị luận xã hội) cũng là câu hỏi mở và khá khó đối với thí sinh. Vì từ câu chuyện được nêu trong đề thi, thí sinh có thể trình bày suy nghĩ về nhiều vấn đề, nhiều phương diện: cảm thông với hoàn cảnh lam lũ nghèo khổ của các học trò nghèo ở Quảng Ngãi; cảm phục trước tinh thần vượt khó, ham học của các bạn; cảm động trước tình yêu thương con và đức hi sinh của những người mẹ nghèo... Nhưng vì đề chỉ giới hạn trong khoảng một trang giấy thi nên thí sinh chỉ có thể trình bày được một hoặc hai vấn đề. Như vậy, liệu có đáp ứng được yêu cầu của đề thi? Về câu hỏi này, thí sinh cũng rất băn khoăn sau khi ra khỏi phòng thi.

Chờ đợi đáp án “mở”

Thông thường sau khi thi xong, thí sinh và phụ huynh đều hồi hộp muốn biết kết quả bài làm của con em mình. Vì vậy, việc các báo đưa ra lời giải là rất cần thiết, nhất là đối với những môn có đáp án cụ thể, rõ ràng (toán, lý, hóa, tiếng Anh...). Tuy nhiên, đối với môn văn, điều này cần phải thận trọng (trừ trường hợp đó là lời giải của người ra đề). Sau khi xem gợi ý giải đề thi đăng trên một số báo, tôi hơi băn khoăn vì gợi ý trả lời không rõ ràng, không sát câu hỏi khiến nhiều thí sinh lo lắng. Chẳng hạn ở câu hỏi: “Tiếng kêu ấy thể hiện tâm trạng gì của nhân vật?” (câu 1), thiết nghĩ thí sinh chỉ cần trả lời ngắn gọn tâm trạng của nhân vật Thu (người con), không cần trả lời tâm trạng của ông Sáu (người cha). Nhiều thí sinh cảm thấy hoang mang, sợ mất điểm vì mình không trả lời tâm trạng của người cha đúng như lời giải.

Theo tin.tuyensinh247.com, đề văn tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm nay có mức độ “khó, gài bẫy” thí sinh cao, đòi hỏi thí sinh phải biết “tháo bẫy” bằng những kiến thức đã học trong suốt bốn năm THCS. Tôi thích một đề thi môn văn có tính mở, phát huy được năng lực cảm thụ văn học và kỹ năng trình bày ý kiến của học sinh hơn là gài bẫy hay đánh đố thí sinh. Và thật sự, tôi cũng rất ngại mỗi khi phải đi chấm thi tuyển sinh với những đáp án môn văn kiểu “chẻ sợi tóc làm tư”, còn giám khảo thì phải “đãi chữ tìm ý” cho phù hợp với đáp án để tính điểm...

Với đề thi rất “mở” năm nay, thí sinh và phụ huynh đang chờ đợi ở Sở GD-ĐT TP.HCM một đáp án cũng rất “mở” để đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

TS TRẦN THỊ MAI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên