19/04/2012 14:17 GMT+7

Bà tôi ở nơi chín suối

CÁT HUY QUANG (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
CÁT HUY QUANG (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

TTO - Bà nội tôi đã về nơi chín suối gần 2 năm, nhưng đứa cháu trai đã gần 40 tuổi là tôi mỗi khi nhớ tới bà lại trào nước mắt. Tôi luôn cầu mong cho linh hồn bà được nhàn hạ, sung sướng - điều bà chưa bao giờ được hưởng suốt gần trăm năm cõi trần.

Bà nội tôi sinh năm Giáp Dần - 1914. So với các ông bà cùng lứa ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) quê tôi, có lẽ bà nội tôi khổ nhất. Bà mồ côi cha mẹ từ bé và vì quá nghèo nên anh em lưu lạc. Bà chẳng còn ai thân thích, phải đi ở đợ nhà địa chủ, quần quật làm đủ thứ việc mà đến bữa chỉ được non bát cơm cháy.

Sau này, chồng của bà (là ông nội tôi) cũng mất sớm. Một mình bà bươn chải nuôi ba con nhỏ trong khi nhà chẳng có, ruộng cũng không. Lúc sinh thời, bà nội tôi nhiều lần bảo rằng: “May nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công, nếu không bốn mẹ con bà, trong đó có cả bố cháu, sẽ cùng chết đói”.

Tôi là cháu đích tôn của bà, sinh ra khi đất nước chuẩn bị hòa bình. Bố tôi là thương binh, sau chiến tranh chống Mỹ thì chuyển ngành công tác xa. Thời bao cấp, bà và bốn mẹ con tôi ở nhà vô cùng vất vả. Mẹ tôi làm ruộng trong hợp tác xã, lại tham gia công tác đoàn thể nên vắng nhà cả ngày. Một mình bà lo việc nội trợ và chăm sóc ba anh em tôi.

Điều tôi ấn tượng nhất thuở ấu thơ là bữa cơm nào bà cũng lựa lấy lớp sắn khô trong nồi bỏ vào bát của bà, còn cơm trắng phía dưới bà dành cho anh em tôi. Thi thoảng có thức ăn tươi như thịt rim, cá kho, bà toàn gắp bón cho chúng tôi, bà chỉ ăn nước tương chan sắn.

Cả cuộc đời nhọc nhằn, lúc nào cũng phải lăn ra làm nên lưng bà nội tôi còng như chiếc đòn gánh gãy. Năm 70 tuổi bà đã phải dùng gậy chống để không bị chúi về phía trước. Khi được 90 tuổi, bà chỉ còn chống gậy dò dẫm quanh nhà. Ấy thế mà bà vẫn tham công tiếc việc, dù con cháu nhất quyết không khiến nhưng bà vẫn cứ làm tất cả những việc có thể như nhặt rau, giặt giũ, quét dọn cửa nhà... Thế rồi bà bị ngã gãy chân khi đang chống gậy quét sân.

Tôi vô cùng thương bà không chỉ bởi bà nội tôi cả đời vất vả, mà lúc nào bà cũng nhường nhịn, hi sinh, chẳng nghĩ gì cho riêng mình, chỉ lo cho con cháu. Sau này dù cuộc sống không còn quá thiếu thốn, nhưng khi được ai biếu món gì ngon bà vẫn cứ để phần cho cháu, cho con, còn mình chỉ ăn chút đỉnh.

Tôi đi lính chuyên nghiệp, đơn vị đóng quân ở xa nên vài tháng mới về nhà. Thế mà hầu như lần nào về tôi cũng được bà để phần quà, có khi chỉ là một góc bánh dẻo hoặc vài cái kẹo ngon bà gói kỹ. Những lần được phần quà như thế, nghĩ đến tấm lòng của bà, tôi cười mà nước mắt cứ trào ra.

Thương bà cả cuộc đời vất vả, chẳng được đi đâu xa và chưa một lần bước lên tàu hỏa, xe hơi… Từ khi trưởng thành tôi nhiều lần nằng nặc mời bà đi ngắm biển và thăm Hà Nội một chuyến cho biết, nhưng bà kiên quyết từ chối với lý do: “Bà chẳng thích đi xa. Mà nhà mình vẫn còn khối việc phải lo cháu ạ!".

Con cháu mua biếu quần áo đẹp bà cũng trách mắng rằng lãng phí, rồi bà đem cho người khác hoặc cất kỹ, chỉ mặc quần áo cũ. Mùa đông năm 2000, tôi dành dụm mua được chiếc đệm để bà nằm êm ấm. Bà cảm động rơm rớm nước mắt, nhưng bà chẳng nằm đệm mà nhường cho đứa cháu nhỏ với lý do “cả đời bà ngủ chiếu quen rồi, giờ thay đổi không ngủ được”…

Tôi biết bà thương con, thương cháu kiếm tiền vất vả và không muốn con cháu phải tốn kém mua sắm cho bà nên bà nói thế! Kể cả tiền mọi người mừng tuổi bà cũng chẳng giữ, chẳng tiêu mà thường cho chúng tôi mua sách vở học hành, hoặc lúc giáp hạt thì đưa mẹ tôi thêm tiền đong gạo.

Từ nhỏ đến lúc trưởng thành, anh em tôi thường xuyên được bà nhắc nhở: “Giấy rách phải giữ lấy lề” và “Đói cho sạch, rách cho thơm!”. Bà không chỉ nhắc suông mà luôn gương mẫu thực hiện, đồng thời cương quyết rèn cháu con như thế.

Ngày tôi còn bé, nhà hiếm khi có thịt cá, thế mà mấy lần tôi câu trộm cá ở ao hợp tác xã mang về đều bị bà tra hỏi, rồi đích thân bà đem thả hoặc mang cho nhà hàng xóm, vì bà làm thế tôi sẽ không còn câu cá trộm.

Mùa hè năm 1985, bố tôi tích cóp lương mua được cái quạt trần để bà và mẹ tôi đỡ phải thức đêm quạt cho các cháu ngủ. Hôm bố tôi cùng hai chú đồng nghiệp mang quạt trần về lắp, cả nhà rất vui sướng nhưng bà buồn ra mặt. Tối hôm ấy, bà vừa khóc vừa “chất vấn” bố tôi: “Mẹ lo quá con à! Chắc là con tham ô mới có tiền mua quạt phải không? Mẹ chẳng cần những thứ này đâu. Giấy rách phải giữ lấy lề. Con chớ làm liều mà nhục lắm”!

Ngày bà còn sống, dù thương bà vô cùng nhưng cũng có lúc bố con tôi giận bà là lạc hậu, lẩm cẩm. Song càng ngẫm tôi càng thấy thấm những lời răn của bà. Cuộc đời bà nội tôi dù nghèo khổ vô cùng, nhưng bà luôn giữ đúng quan điểm “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Thiếu thốn quá thì bà sẵn sàng ăn đói, mặc rách, hi sinh tất cả để nhường nhịn cháu con, không bao giờ bà làm trái đạo lý. Có lẽ vì thế mà bà nội tôi luôn nghèo và vất vả. Đổi lại, tất cả anh em họ hàng, làng xóm đều kính trọng, yêu quý bà.

Nói ra thì hơi lạ nhưng năm nào đến Ngày quốc tế phụ nữ 8-3, tôi cũng nghĩ đến bà nội tôi nhiều nhất, rồi lòng lại thầm khóc vì thương bà chịu quá nhiều vất vả, hi sinh. Gần trăm tuổi, sống đến năm 2010, nhưng có lẽ thú vui “xa xỉ” nhất của bà nội tôi chỉ là được xem “sân khấu truyền hình”. Tôi ân hận mãi vì chưa một lần thuyết phục được bà đi ôtô, đi thăm lại chợ Ba Trại trên triền núi Ba Vì, nơi cách nhà tôi hơn 20 cây số mà suốt 30 năm bà gánh gồng đi sớm, về khuya để bán rau, mua sắn mua khoai nuôi các con khôn lớn, trưởng thành.

Bà nội tôi đã đi xa. Bây giờ thỉnh thoảng về thăm nhà tôi thấy trống vắng quá. Không còn được nằm sà vào lòng bà hỏi chuyện, tôi cứ đứng lặng trước di ảnh bà và lòng rưng rưng: Bà ơi, bà ở “nơi chín suối” có vui không? Bà có phải đi làm thuê, ở đợ vất vả nữa không? Cái lưng có đỡ còng không bà?

Với tôi, bà nội không bao giờ cách xa mà luôn hiện hữu trong nhà, dù bà đã về nơi chín suối.

CÁT HUY QUANG (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân